Orgyen Kusum Lingpa
MỘT TIỂU SỬ NGẮN GỌN CỦA ĐỨC ORGYEN KUSUM LINGPA
Thân tướng kim cương của ngài là thân tướng chói lọi dữ dội của Kim Cương Hung nộ Vĩ đại [Kim Cương Thủ].
Vị hộ trì những bí mật kim cương, tiếng cười kim cương của ngài vang dội từ xa.
Ngài là một vầng mây kim cương, thấm đẫm trạng thái không thể hủy diệt của tâm kim cương,
trị vì như vương miện của giác tánh bất biến vô tận của mọi đấng chiến thắng.
Tôi xin nói về sự vĩ đại của vị Đạo sư các giáo lý này. Ngài đã xuất hiện như một phần của mạng lưới thần diệu của giác tánh vô tận, vật trang sức không mệt mỏi và phát triển liên tục của thân, ngữ và tâm giác ngộ của tất cả các đấng chiến thắng. Ngài là một chuyển luân thánh vương vĩ đại trong những vị có thành tựu tâm linh và không thể ly cách với Đức Liên Hoa Sanh, Đức Phật thứ hai. Đạo sư Orgyen Kusum Lingpa linh thánh và tôn quý của chúng ta, người cũng được gọi là Padma Tumdrak Duddul Dorje Rolpatsal, sở hữu lòng bi mẫn siêu việt và tuyệt đối của Đức Kim Cương Trì vương giả. Ở đây tôi chỉ có thể cung cấp một ít giọt từ đại dương bao la tiểu sử của ngài, chỉ để bảo đảm rằng chủ đề không được biết đến một cách đầy đủ.
Có một đoạn tiên tri trong kho tàng ẩn dấu, hay terma, sự trao truyền của nhà khám phá vĩ đại các kho tàng ẩn dấu Nyima Drakpa, trong đó nói: “Ở miền bắc xứ Achakdru, trong một gia đình của những người thực hành Kim Cương thừa, ngày nay ngài sẽ là tái sinh của Lhalung Palgyi Dorje. Sinh vào năm được gọi là ‘canh giữ sự giàu có,’ ngài sẽ mang danh hiệu Oddiyana [tiếng Tây Tạng là Orgyen]. Ngài sẽ có năm nốt ruồi ở bụng. Vào năm Thìn Mộc, trong vùng Achak, ngài sẽ khám phá kho tàng ẩn dấu của một mạn đà la các Bổn Tôn, của chín bậc đi tới Cực Lạc, khiến hạnh phúc và an bình sẽ tăng trưởng trong xứ Tây Tạng và nỗi khổ của Achakdru ở miền bắc sẽ được xua tan.” Mingyur Namkhai Dorje, vị Dzogchen Rinpoche thứ năm, đã tiên tri: “Một hóa thân của Kim Cương Thủ sẽ xuất hiện vào năm được gọi là ‘canh giữ sự giàu có,’ là một bé trai tên là Tumdrak ở phương bắc, miền Achakdru. Sinh trong một gia đình của những người khám phá kho tàng ẩn mật của Kim Cương Thừa, ngài sẽ bừng nở như một bông huệ tây và sau đó tự giải phóng mình như một trận bão sấm. Ngài sẽ thiết lập một trung tâm thực hành giáo lý Kim Cương thừa của sự ẩn mật siêu việt trong thung lũng Ma và có những đoàn đệ tử anh hùng, cả cư sĩ lẫn tu sĩ, bảo đảm rằng giáo lý của Đấng Chiến Thắng nở rộ tới cực điểm. Ngài sẽ dẫn dắt tất cả những ai có nối kết với ngài tới Sukhavati, cõi Cực Lạc.” Từ vị Dodrup Rinpoche tiền nhiệm cũng có một tiên tri như sau: “Ở phía bắc của miền này, trong một vùng được các tinh linh dạ xoa canh giữ, thuộc tỉnh Golok, sẽ xuất hiện một vị không thể phân biệt được với đấng bảo hộ Padmakara (Liên Hoa Sanh), một vị mang tên của một người có năm chùm tóc, sẽ dấn mình vào các vui thích giác quan của thủ ấn. Ngài sẽ là bậc làm cho giáo lý nở rộ và chúng sinh trải nghiệm hạnh phúc và an lạc. Đoàn tùy tùng của ngài sẽ gồm cả những người theo phái ‘mũ đỏ’ và ‘mũ vàng.’ Ở một môi trường như-công viên, các gia hộ của Padma sẽ chuyển sang ngài. Tại những nơi ngài thực hành, các gia hộ của Ba Gốc sẽ tụ hội như những đám mây. Mọi nỗ lực khi lễ lạy, cúng dường, và đi nhiễu ở những nơi này sẽ cho thấy sự thành công." Vị khám phá các kho tàng ẩn dấu Apang Tertön đã tiên tri: “… vào thời điểm đó, một hiển lộ của Denma Tsemang sẽ xuất hiện ở Achakdru. Ngài sẽ may mắn quán triệt ba câu chuyện về giáo lý kho tàng ẩn dấu. Ngài sẽ sinh vào một năm tuất, trong gia đình các hành giả Kim Cương thừa, và tên là Oddiyana. Nếu ngài có thể khám phá một kho tàng ẩn dấu của Yamantaka Văn Thù, điều này bảo đảm rằng giáo lý của Đấng Chiến Thắng sẽ trở nên vô cùng vĩ đại. Tất cả những ai có nối kết với ngài sẽ được dẫn dắt tới cõi thuần tịnh Khechara, ‘sự vui thú của không gian.’” Một tiên tri khác được Choktsang Dotrul đưa ra: “Với sự tinh thông ba kho tàng ẩn dấu, một nhà khám phá khùng điên những kho tàng như thế sẽ xuất hiện ở Achakdru; ngài sẽ mang tên Oddiyana và được sinh vào một năm tuất. Tất cả những ai thiết lập một nối kết với ngài chắc chắn sẽ được dẫn dắt tới Padma Ö, cõi Nguyệt Quang (Ánh sáng Hoa Sen).” Cuối cùng, trong kho tàng tiên tri ẩn dấu của Üza Khandro, chúng ta đọc dòng sau đây: “Một hóa thân của tâm giác ngộ Padma trong miền Achakdru, một người con trai tên là Oddiyana Lakshmi, người cỡi con chó gỗ (mộc tuất), sẽ xuất hiện.”
Phù hợp với những điều này và nhiều tiên tri khác trong các giáo lý kho tàng ẩn dấu, Orgyen Kusum Lingpa sinh trong một bộ tộc của dòng Apo Dong, một trong những dòng lớn nhất trong sáu bộ tộc ban đầu của Tây Tạng. Dòng dõi gia đình ngài được gọi là Walshul, được coi là nhánh tuyệt hảo nhất trong mười tám nhánh mà bộ tộc Dong được phân chia. Cha ngài là Chöngak Lhundrup Gönpo, một hiện thân của Padampa Sanggyay xứ Ấn Độ và là một hành giả xuất sắc mà sự ra đời của vị này đã được nhiều Đạo sư linh thánh tiên tri. Mẹ ngài là Padma Yutso. Con trai của hai vị sinh vào năm chó gỗ đực [19??], được hiểu một cách bóng bảy là ‘chất thể đích thực,’ năm thứ tám trong chu kỳ sáu mươi năm thứ mười sáu từ sự khởi đầu của niên lịch này ở Tây Tạng. Cậu bé sinh ra giữa nhiều dấu hiệu kỳ diệu trên Cao nguyên Magyi Metok (Hoa Ngôn ngữ), một vùng do vị thủ lãnh của Achakdru kiểm soát. Khi còn ở trong bụng mẹ, cậu có một cái nhìn trong trẻo về một cột mây trắng trải rộng thành một ngàn nhánh với một vị Phật trên đầu mỗi nhánh. Cậu bé nghe hàng ngàn vị Phật này tụng hát thần chú Vajra Guru và thân cậu ướt đẫm cảm giác hạnh phúc. Trong thời gian bảy ngày sau khi cậu bé sinh ra, mọi người trong gia đình đều nghe sự lặp lại tinh khôi của thần chú sáu-âm [Om Mani Padme Hum], thần chú vĩ đại nhất trong mọi thần chú.
Năm lên ba tuổi, đứa trẻ thọ nhận giới nguyện quy y và lễ xuống tóc từ Đức Ban Thiền Lạt ma thứ chín Chökyi Nyima vĩ đại và toàn trí. Vị này ban cho cậu bé danh hiệu Orgyen Puntsok Gönpo. Trong năm đó, cậu cũng nhận các gia hộ của Tsultrim Dargyay, vị tu sĩ xứ Tra, và Đạo sư này bảo cậu giữ danh hiệu mà Ban Thiền Lạt ma ban cho bởi ý nghĩa vĩ đại và kiết tường của nó. Năm lên tám tuổi, cậu bé bắt đầu việc học tập với người chú tên là Sönam Khedrup. Cậu lập tức có một thị kiến về việc kết hợp với một nhóm trước sự hiện diện của Đức Di Lặc, vị Phật sắp đến. Trong thị kiến này, vẻ lộng lẫy của các chiếc y trắng mà chúng ta mặc rạng rỡ hơn những chiếc y của nhiều tu sĩ tụ họp ở đó, và mọi người biểu lộ lòng tôn kính cậu. Trong một dịp khác, cậu bé có một linh kiến về một bảo tháp bằng vàng, sự chói lọi của nó ngập tràn vũ trụ, và bên trong nó cậu nhìn thấy Lozang Drakpa, Đức vĩ đại Tsongkhapa, như mẫu mực của Đấng bảo hộ Văn Thù, thân tướng của vị này chiếu rọi vẻ huy hoàng vô song. Từ thời điểm này trở đi, đứa trẻ hiểu biết các nghi lễ và những bản văn khác mà cậu đã đọc mà không phải nghiên cứu chúng. Trong vài trường hợp cậu đã trải nghiệm các linh kiến gặp gỡ Đức Milarepa tôn quý.
Năm mười ba tuổi, cậu nhận từ Lạt ma Sönam Khedrup thuộc bộ tộc Washul các thực hành chuẩn bị về Giọt Tâm yếu của thời khóa Longchenpa (Longchen Nyingtik), truyền thống Mindroling về Đức Kim Cương Tát Đỏa, giáo khóa liên quan đến các Bổn Tôn an bình và phẫn nộ mang tên Giải thoát Tự nhiên của Tất cả những người được Nối kết (Tretsay Rangdrol), và các giáo lý về sáu trạng thái bardo.
Lozang Dorje, học giả-tu viện trưởng của Akong, được tiên tri là dakini Yeshe Tsogyal hiển lộ trong thân tướng của một Đạo sư tâm linh bởi hai Đạo sư khác Là Chaktrul Rolpai Dorje (chính là một hiện thân của Ngenlam Gyalwa Chokyang) và Garlong Padma Duddul Wangchuk Lingpa (một hiện thân của Langdro). Chính từ Đạo sư vĩ đại Lozang Dorje này mà Đức Kusum Lingpa đã có ý định thọ nhận cấp độ thứ nhất của sự thọ giới tu viện, nhận các giới nguyện của một tu sĩ dự bị. Trong dịp đó ngài có một kinh nghiệm thiền định về việc gặp Đức Kim Cương Thủ (Vajrapani) trong một thân tướng bán-phẫn nộ. Vị này nói với ngài: “Việc con nhận các y màu vàng nghệ của giải thoát cá nhân không phải là điều tốt nhất cho con. Con là người nên giữ lối sống của một tantrika cư sĩ. Năm con hai mươi bảy tuổi, con sẽ thừa hưởng sự kế thừa—sự trao truyền tâm của Đức Kim Cương Thủ. Ô cửa dẫn tới các kho tàng ẩn dấu toàn mỹ sẽ bật mở: sadhana guru là thực hành của tâm giác ngộ của ba bộ Phật; các thực hành sadhana của các Bổn Tôn được chọn lựa của chín phạm vi giác tánh vô tận; giáo khóa Vajrapani vĩ đại được nối kết với Samyak Heruka; Bánh xe giáo khóa Lửa Đỏ của Văn Thù Yamantaka; giáo khóa về Hayagriva và Vajravarahi tên là Sự Hợp nhất Bình đẳng của Tất cả Chư Phật; ba giáo khóa thực hành sadhana tập trung vào các thiên nữ tôn kính Varahi, Krodhikali, và Simhamukha; các giáo khóa liên quan đến thực hành tài bảo, chẳng hạn như các giáo khóa của Orgyen Norlha. Nếu con có thể mở dấu niêm phong năm kho tàng như thế trên quy mô rộng lớn, điều này sẽ bảo đảm là các giáo lý của Đấng Chiến Thắng sẽ được phục hồi ở nơi chúng bị suy yếu, và như thế đem lại một đời sống mới.”
Có lần, khi ngài đang nhìn bức tường của một điện thờ rộng lớn, ngài nhìn thấy ở đó Đạo sư vĩ đại Padmasambhava, “Đấng Làm Tràn ngập Vũ trụ bằng sự Lộng lẫy” (Nangsi Zilnön), vị Thầy này đặt chày kim cương của mình trên đầu ngài, và sau đó ngài đạt được xác tín lớn lao trong việc hiểu biết giáo lý Kinh điển và tantra (Mật điển).
Sau đó, ngài nhận lãnh từ Akong Khenpo các giáo lý về các thực hành chuẩn bị của Truyền thống Giọt Tâm yếu, các Giai đoạn về Con Đường dẫn tới Giác ngộ, luận thuyết vĩ đại Nhập Bồ Tát Hạnh (Bodhicarya-vatara), luận giảng Ba Cấp độ của sự Thọ giới, các giai đoạn phát triển và thành tựu của thực hành Vajrakilaya, và Hayagriva đen “với mớ tóc sắt,” cũng như nhiều giáo lý của Jamyang Zhepa.
Sau đó, ngài sống ba năm tại tu viện Palyul Dartang. Trong thời gian này ngài học với Choktrul Jampal Gyeypai Dorje, vị này ban cho ngài giáo lý về tất cả các giáo khóa của Ratna Lingpa, các Giáo lý Không gian (Namchö), sự Hợp nhất Ý hướng Giác ngộ (Gongdü), Jatsön Nyingpo, Longsal Nyingpo, và những giáo lý khác, cũng như các giáo khóa như Giọt Tâm yếu và ba trao truyền chính yếu của Tám Mệnh lệnh (Kagyay). Từ Dongön Tulku Karma Jikme Chökyi Sengge, ngài thọ nhận các giáo huấn chín muồi về Đại Ấn và nhiều giáo lý về các trường phái Zhije và Chöd. Sau đó Jedro Önpo Lozang Namdak dạy ngài các giáo lý tổng quát về Giọt Tâm yếu của Chetsun (Chetsun Nyingtik) và Giọt Tâm yếu của các giáo khóa Longchenpa, và đặc biệt là trong một trao truyền một-sang-một, vị Thầy này ban cho ngài bản văn có tựa đề là Guru Giác tánh Vô tận (Yeshe Lama), giáo khóa Ý hướng Giác ngộ Không bị Chướng ngại (Gongpa Zangtal), và các giáo lý về cách tiếp cận “cắt đứt sự vững chắc” (trekchö) từ Giọt Tâm yếu Sâu xa của Vimalamitra (Bima Nyingtik) và Giọt Tâm yếu của Dakini (Khandro Nyingtik), cả hai giáo lý này từ các giáo khóa tên là Bốn Giáo lý Cao cấp về Giọt Tâm yếu (Nyingtik Yabzhi). Ngài cũng nghiên cứu nhiều giáo lý từ truyền thống Sakya về triết học Trung Đạo (Madhyamaka), văn học Sự Viên mãn của Trí tuệ (Prajnaparamita, Bát Nhã Ba La Mật), các siêu hình học trong Kho tàng các Giáo lý Cao cấp (Abhidharmakosha), giới luật và đạo đức tu viện, và luận lý học. Trong ba năm sống tại Palyul Dartang, ngài cũng nhận các giáo khóa về con đường phương tiện thiện xảo, các yoga về kinh mạch và năng lực vi tế, từ các kho tàng ẩn dấu được Sangyay Lingpa khám phá, và các giai đoạn phát triển và thành tựu từ Giáo lý Thiêng liêng của Giọt Tâm yếu của Hóa Thân (Damchö Tulkui Nyingtik) do Ratna Lingpa khám phá.
Thêm vào đó, ngài đã học với Dodrup Rikdzin Jalü Dorje, thọ nhận vô số quán đảnh, các trao truyền kinh điển, và các giáo huấn, bao gồm Bốn Giáo lý Cao cấp về Giọt Tâm yếu; Hai Tiết mục; Tinh túy các Mật nhiệm (Guhyagarbha Tantra), các yoga về kinh mạch và năng lực vi tế đối với Giọt Tâm yếu theo các khẩu truyền của dòng Dodrup; các giáo khóa về các giai đoạn phát triển và thành tựu đối với các thực hành tập trung về Ba Gốc; các giáo khóa về tâm, sự phát triển, và truyền dạy trực tiếp trong Đại viên mãn là các kho tàng ẩn dấu do Jamyang Khyentsei Wangpo khám phá; các bản văn tuyển tập của Kongtrul Yöntan Gyatso; các giáo khóa về các giai đoạn phát triển và thành tựu đối với các thực hành và giáo khóa về Sáu Giáo lý của Naropa. Hài lòng với đệ tử, Đức Dodrup Rikdzin ban cho ngài danh hiệu Padma Tumdrak Duddul Dorje Rolpatsal và tỏ ra tán dương ngài khi tiên tri về tương lai của ngài.
Từ Đức Dodrup Tupten Trinlay Palzangpo, ngài thọ nhận toàn bộ trao truyền về Kho tàng các Kho tàng Ẩn dấu Quý báu (Rinchen Terdzö), cũng như nhiều kho tàng ẩn dấu khác không tìm thấy trong tuyển tập này. Chakhung Terchen Kunzang Nyima ban cho ngài toàn bộ giáo khóa được gọi là Kho tàng Ẩn dấu Mới (Tersar), và từ các giáo lý kho tàng do chính mình khám phá, Wura Tertön Sangdak Duddul Dorje đã ban cho ngài thực hành sadhana tập trung vào Ba Gốc và đặc biệt là nhiều giáo huấn về Phạm trù Rộng lớn (Longde). Kusum Lingpa đã nghiên cứu Một Trăm Ngàn Tinh thông về Thần chú Mani (Mani Kabum), Nhập Bồ Tát Hạnh, Tóm tắt việc Tu tập (Shikshasamucchaya), và những giáo lý khác về Kinh điển và Mật điển với Mani Lama Padma Siddhi. Puru Lama Kunzang đã chỉ dạy sâu rộng cho ngài nhiều giáo lý sâu xa như bản văn Đại Viên mãn Ba Câu Kệ Đánh vào các Điểm Trọng yếu (Tsiksum Naydek). Từ một vị Thầy tên là Chamdo Gyara Tulku, ngài nhận các trao truyền “Năm Luận thuyết của Di Lặc” và các Mật điển như các tantra của Chakrasamvara, Guhyasamaja, và Vajrabhairava. Và từ Gojo Ratri Tertön, cũng được gọi là Tertön Jangchup Dorje, ngài nhận một trao truyền một-truyền-một gồm các quán đảnh, giáo lý, và các giáo huấn truyền dạy trực tiếp giáo khóa sâu xa về kho tàng mục đích giác ngộ ẩn giấu của vị Thầy đó, một giáo khóa tập trung vào Yamantaka Văn Thù và vị được gọi là Chiến thắng Mọi Ác ý (Dukpa Kunjom).
Sau đó ngài du hành đến Lhasa, ở đó ngài sống khoảng ba năm tại một học viện thuộc Sera Tekchen Chöling. Trong khi ở đó ngài nghiên cứu năm pho sách lớn về các bản văn gốc và luận giảng với những vị Thầy như đại học giả và tu viện trưởng Khenchen Jamyang Choklay Namgyal; việc nghiên cứu của ngài bao gồm triết học Trung Đạo, văn học Trí tuệ Viên mãn, abhidharma (Luận tạng), quy tắc ứng xử và đạo lý, luận lý, và những chủ đề khác. Ngài cũng thọ nhận các quán đảnh và trao truyền Kinh điển trong nhiều khóa Mật điển, chẳng hạn như Phương diện Mật nhiệm Tuyệt đối của Hayagriva (Tamdrin Yangsang) và Chakrasamvara vinh quang. Trong các bài diễn thuyết mùa đông về các tác phẩm của Jamyang Zhepa, ngài học với các học giả trao truyền cho ngài Mười sáu Phạm vi (Tigle Chödruk) của phái Kadampa và nhiều giáo lý được gọi là giáo lý vàng đã được trao truyền trong xu thế của dòng Sakya. Ngài cũng có cơ hội học với Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn Tenzin Gyatso, từ vị Thầy này ngài thọ nhận thiện tâm của nhiều giáo lý sâu xa, của các quán đảnh và trao truyền Kinh điển đối với những Bổn Tôn như hình tướng Jinasagara của Đức Quán Thế Âm và hình tướng Khechari của Đức Vajrayogini. Từ Minling Chung Rinpoche, ngài đã thọ nhận truyền thống Mindroling về Vajrasattva, và nhận từ Ngakchang Rinpoche của phái Sakya các quán đảnh, các trao truyền Kinh điển, và giáo lý về các giai đoạn phát triển và thành tựu đối với Khechari theo truyền thống Ghantapada.
Ngài cũng gặp Đức Ban Thiền Lạt ma thứ mười Chökyi Gyaltsen, nhờ thiện tâm của vị Thầy này, ngài đã nhận những giáo lý như Một trăm Bổn Tôn của Cõi trời Đâu suất (Gaden Lhagyama) và các trao truyền thân tướng sáu tay của Bổn Tôn bảo hộ Mahakala. Trong số các vị Thầy khác mà ngài may mắn được học tập có: Dzongsar Khyentse; Dilgo Khyentse; vị hộ trì ngai vàng của Tu viện Gaden; Karmapa thứ mười sáu Rigpai Dorje; Ahang Tertön; Tsangdrup Jampa Chödzin; Dongön Lama Mönlam Zangpo; Jonang Lama Rinchen Dargyay; Khenpo Sang-ngak xứ Lamkho; Sharö Lama Tsultrim Namgyal; Dungkar Ngedön Gyatso; Tulku Dorje Dradul; Katok Siti; Moktrul Jikdral Choklay Namgyal; Hóa Thân Dzogchen thứ sáu; Drupwang Padma Norbu [Đức Penor Rinpoche]; Tulku Do-ngak Nyima; Gyangwa Maday; Tsepche Tulku Rinchen Drakpa; Ma Rinpoche thuộc phái Taklung; Đức Adrak Lama Nangsel Namkha Gyaltsen; Patrul xứ Tso; và nhiều vị khác.
Tổng cộng, Đức Kusum Lingpa đã học với khoảng một trăm năm mươi Lạt ma của mọi truờng phái không phân biệt xu hướng, thọ nhận một đại dương giáo lý thực sự về Kinh điển và Mật điển là suối nguồn của mười dòng học giả và tám dòng hướng về sự thực hành trong Xứ Tuyết. Đặc biệt là ngài đã nhận các quán đảnh chín muồi, các giáo lý giải thoát, và những trao truyền Kinh điển hỗ trợ đối với tất cả giáo lý—những truyền dạy lịch sử (kama), các kho tàng ẩn dấu (terma), và các thị kiến thanh tịnh (dag-nang)—thuộc trường phái dịch thuật lúc ban đầu của Nyingma, chúng xuống tới chúng ta nhờ thiện tâm của học giả và tu viện trưởng Shantarakshita, Đạo sư Padmakara (Liên Hoa Sanh), và vị vua tâm linh Trisong Detsen, và đã được trao truyền từ miệng đến tai bởi một triệu Đạo sư học giả và thành tựu. Trong việc học tập và lắng nghe giáo lý, ngài không chỉ du hành tới bến bờ xa xăm của đại dương này; ngài cũng đưa sự thiền định và thực hành tâm linh của ngài tới mức độ tràn đầy, giải thoát dòng tâm thức của mình qua sự chứng ngộ và sau đó giải thoát dòng tâm thức của chúng sinh qua lòng bi mẫn, làm chủ những phẩm tính vô tận của ba bí mật là thân, ngữ và tâm.
Từ năm mười bảy tuổi cho tới nay, ngài đã viếng thăm Lhasa khoảng năm lần, và đã lập các chuyến hành hương để viếng thăm mọi tu viện chính và phụ và mọi thánh địa trong ba miền ở phía tây Tây Tạng và bốn khu của các tỉnh trung tâm Ü và Tsang. Tại những thánh địa này, ngài đã dấn mình vào rất nhiều thực hành tâm linh. Ở Trung quốc, hướng bắc của quê hương ngài, ngài đã viếng thăm Ngũ Đài Sơn, Bắc Kinh, Núi Voi Chồm, Thành phố Ngát Hương, và tất cả những thánh địa chính yếu, cũng như hơn mười trung tâm tu viện chính yếu. Tương tự, ngài đã tới nhiều trung tâm tu viện ở các tỉnh Kham và Amdo ở miền đông Tây Tạng—ba trung tâm Katok, Palyul, và Dzogchen, bốn trung tâm tu viện chính yếu ở các thảo nguyên phía bắc, và những nơi khác. Ở những nơi đó, ngài đã thực hiện những lễ lạy và kinh hành, tiến hành các thực hành tâm linh, và bảo đảm lợi lạc cho chúng sinh trên bình diện rộng lớn bởi sự khám phá các kho tàng ẩn dấu của ngài. Từ đỉnh cao nhất của Núi Kailash chạm đến bầu trời ở miền tây Tây Tạng, cho tới các cao độ thấp nhất nơi những con sông hùng vĩ đổ vào các đại dương vĩ đại, ngài đã chuyển Pháp luân đến một phạm vi rộng lớn, giảng dạy vô số người thuộc các chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau và chăm sóc họ bằng những hoạt động giác ngộ của ngài, khiến cho tên ngài lừng danh khắp mười phương.
Đối với các biểu thị của sự thành tựu tâm linh của ngài, tôi đã ghi nhớ các linh kiến ngài đã có trước khi ra đời và khi học đọc và viết, vì thế không cần phải lập lại. Trong một dịp khác, khi mười bảy tuổi, ngài đang viếng thăm điện thờ huyền diệu Mingyur Lhundrup tại Samye, và ở đó ngài đã nhớ lại những đời trước, khi dòng tâm thức của ngài hóa thân là đại thành tựu giả Ấn Độ vĩ đại Ghantapada và ở Tây Tạng ngài là dakini Yeshe Tsogyal, Lanchen Palgyi Sengge, người sao chép bản thảo Dangma Tsemang, dịch giả, và những vị khác. Ngài đã có thể nhớ lại nhiều sự kiện từ những đời trước này, chẳng hạn như khi ngài được Guru Padmakara dẫn dắt, khi ngài mời nhiều học giả và thành tựu giả từ Phật giáo Ấn Độ, và khi [là Lhalung Palgyi Dorje] ngài đã ám sát vua Tây Tạng xấu ác Langdharma bằng cách bắn ông ta bằng một mũi tên. Chính khi ở Samye, ngài cũng có một linh kiến thiền định về một cung điện bằng lửa cháy rực trên bầu trời, trong đó vị Thầy Zhönnu Pawo Topden an trụ, ban cho ngài các gia hộ và quán đảnh; thêm vào đó, vị Thầy đưa ra điềm báo về việc giao phó các kho tàng ẩn dấu cho ngài. Ngài đã viết lại một bản ghi chép về tất cả những gì diễn ra trong kinh nghiệm này.
Trong một dịp khác khi ngài du hành đến Makhok, một nhân vật giống như sadhu Ấn Độ dường như chẳng xuất hiện ở nơi đâu và ban cho ngài một thần chú về Đức Kim Cương Thủ làm ngưng lại sương giá, mưa đá, và mưa. Một lần khác, ngài mơ thấy mười ba con rồng vàng vui mừng nhảy lên giữa một dải mây trắng; ngài leo lên chúng để tới một ngôi chùa Phật giáo khổng lồ có một ngọn tháp vàng tuyệt đẹp. Trong một giấc mơ khác ngài nhìn thấy dakini Yeshe Tsogyal, thân bà bị che khuất một nửa giữa một dải mây trắng, bà tịnh hóa ngài bằng một nghi lễ tắm gội. Ngài cũng mơ thấy kinh nghiệm khó chịu về mọi vị trời và quỷ ma của ba ngàn vũ trụ chia sẻ thịt ngài, và sau đó đại thành tựu giả Tangtong Gyalpo nắm tay ngài dẫn đi và ngài tới điện heruka trong cõi Oddiyana, ở đó một số lớn các bản văn được ban cho ngài. Ở rừng Doyi Aru gần tu viện Drupchen, ngài mơ được gặp Longchen Rabjam, thân tướng của vị này tràn ngập bầu trời, và từ bầu trời một trận mưa nhiều bản văn Phật giáo rơi xuống bàn tay ngài.
Đạo sư linh thánh này thực hiện bốn loại hoạt động giác ngộ mà không bị trở ngại, bởi Ba Gốc và các vị bảo vệ ràng buộc-lời thề đi theo ngài như một cái bóng theo sau thân thể loại bỏ nó. Có nhiều tường thuật về cách ngài cung cấp sự bảo vệ và quy y cho những người hộ trì samaya, hay làm thế nào ngài trừng phạt những người vi phạm samaya, nhưng vào lúc này ngài không cho phép ghi lại những điều đó. Tuy nhiên, có những tường thuật rất nổi tiếng về việc ngài làm đổ mưa tại Lhundrup Teng trong miền Derge; về việc ngài nuôi một con rồng màu lam ngọc từ đất trong thung lũng Shingnak tại quê nhà của ngài; về việc ngài làm sống lại một ông lão ở Sendrong tên là Chimay Dorje, người đã chết vì bệnh hủi, chỉ bằng cách chạm tay ngài vào thi thể. Ngài cũng đã chữa lành mười người cùi và mười ngàn người bệnh bằng cách sử dụng thực hành Vajrapani từ việc khám phá kho tàng ẩn dấu của riêng ngài, đem lại kết quả mà mọi người đều có thể nhìn thấy. Trong việc cải tạo hợp tác xã của Trung quốc, ngài đã lo liệu cho các gia đình di dời thoát khỏi nguy hiểm. Những người thông minh có thể tìm hiểu bản chất các hoạt động của ngài, chúng được biểu thị bằng sự kiện là ngày nay tên ngài trở nên nổi tiếng khắp mọi nơi.
Các giai đoạn hoạt động xuất sắc khác của ngài bao gồm những việc cúng dường pho tượng Đức Phật trong thánh đường chính ở Lhasa—hai khối vàng để làm mũ miện, hai ngàn bảy trăm yuan gấm thêu kim tuyến may áo choàng, và năm trăm tiêu chuẩn bơ để cúng dường đèn. Đối với pho tượng Phật tên là Mikyö Dorje, ngài cúng dường các áo choàng trị giá một ngàn yuan. Tại tu viện Drepung Drayang Ling, ngài đã đặt mua một pho tượng Guru Rinpoche lớn bằng đồng và vàng. Ngài đã cúng dường hai ngàn năm trăm yuan để hỗ trợ các dự án tại Tu viện Dodrak. Ngài đã cúng dường trà cho các cộng đồng tổng quát gồm các tu sĩ tại ba đại tu viện Sera, Gaden và Drepung, cũng như tại chính Lhasa. Tương tự, ngài đã bảo trợ các dự án và thiết lập những mối quan hệ tại tất cả các trung tâm tu viện chính yếu của tỉnh trung ương Ü và các tỉnh miền đông thuộc Amdo và Kham, cũng như tại Trung quốc.
Khi gặp Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ mười, Kusum Lingpa cúng dường một chiếc khăn lụa trắng đẹp, sau đó là một lễ cúng dường mạn đà la rộng lớn. Đức Ban Thiền Rinpoche hài lòng và dành một thời gian dài để trò chuyện với ngài về các đề tài tâm linh, sau đó trao tặng Kusum Lingpa các chiếc y của vị Ban Thiền tiền nhiệm, cũng như hình ảnh của mình và một lá thư riêng; những món này vẫn được lưu giữ như những vật lưu niệm tại tu viện của Kusum Lingpa.
Thực ra, trong hơn một trăm năm mươi năm, tu viện của của Đức Kusum Lingpa là một trại gồm những chiếc lều nỉ đen di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Điều này có những lý do: các cư dân của vùng Golok Akyong này là những người du mục sống trong cộng đồng những chiếc lều như thế, và vì thế họ luôn luôn di chuyển. Theo lịch sử địa phương, cũng thường xuyên xảy ra sự đe dọa từ việc xâm lăng của các bộ tộc Mông Cổ, khiến người ta không thể thiết lập bất kỳ địa điểm cố định nào cho tu viện. Lối sống du mục này là do bởi nhiều hoàn cảnh như thế, cả ngoại tại lẫn nội tại. Giờ đây các điều kiện trong phần đất của thế giới này đã cải thiện, thịnh vượng vật chất đã phát triển, các giáo lý của Đấng Chiến Thắng đang nở rộ, và hạnh phúc cùng sự an bình của mọi người đang phát triển. Do bởi nhiều điều kiện như thế ở các mức độ ngoài, trong và bí mật, một nền tảng kiên cố hơn để xây dựng một tu viện đã tụ hội cùng một lúc, với sự cho phép của các nhà cầm quyền và hai tích tập công đức và giác tánh về phía người sùng mộ ước mong bảo trợ một công việc như thế. Dự án xây cất một địa điểm cố định cho tu viện này đã bắt đầu năm hổ lửa [199??]. Từ thời gian đó cho đến nay, chỉ khoảng năm năm rưỡi đã trôi qua, tuy thế nhờ tác dụng thần diệu của động lực của ngài, trong thời gian ngắn ngủi này trung tâm tu viện đã trỗi dậy như một lực lượng rất đáng ngạc nhiên và có quy mô rộng lớn trên mọi lãnh vực ngoài, trong, và bí mật. Rõ ràng đối với mọi người, sự thành tựu như thế chỉ có thể được thực hiện bởi các năng lực phi thường và kỳ diệu của chư Phật và Bồ Tát, không nhờ sức lực của những người bình thường. Tiến trình này được hỗ trợ bởi sự kiện là tất cả các Lạt ma và tulku—mọi người với bất kỳ địa vị quyền thế nào trong tu viện—mọi người đã làm việc cùng nhau như một, trong sự hòa hợp và không lãng phí một ngày. Thêm nữa, không ai được quyền “thoát khỏi gánh nặng” và không từng có lợi lạc riêng tư, tham ô, hay xuyên tạc trong việc tạo nên sự hỗ trợ cho dự án xây dựng. Đúng hơn, các phẩm tính vĩ đại của Lạt ma này đã hấp dẫn sự quan tâm của những người ủng hộ giống như những con ong kéo tới một bông hoa thơm ngát; những người đã có thể cúng dường những con ngựa và bò, trong khi những người khác không thể cúng dường kim và chỉ, bảo đảm rằng sự hỗ trợ cho nhiệm vụ tâm linh này đã tăng trưởng như một vầng trăng tròn dần. Những cư dân địa phương tin tưởng nơi ngài đã hiến dâng để mang lại sự hỗ trợ hiện tại, trong khi những người khác từ xa hơn, khắp ba tỉnh Amdo, Ling, và Kham, đã chứng minh là đáng tin cậy như cách các sự vật phát triển trong các tháng mùa hạ, khiến ngài không cần phải gắng gượng dựa trên một ít người có thể không kiên định và nịnh hót với những phô bày nông cạn về sự hỗ trợ. Ngài cũng vượt xa các cách thức mà ngày nay những cá nhân nào đó có địa vị cao trọng sử dụng mọi vật cúng dường rơi vào tay mình, dù từ người sống hay nhân danh người chết, và cất dấu những thứ này dưới những tấm nệm trong nhà, không dùng những món cúng dường này như dự định mà sử dụng chúng cho con cái hay các cháu trai ưa thích, hay bảo đảm rằng các bạn gái trẻ trung của họ có những món trang sức tuyệt đẹp. Trong một phương cách ít gặp, ta có thể có niềm tin rằng tất cả những món cúng dường lọt vào tay ngài được hoàn toàn sử dụng như một phương tiện vinh danh Tam Bảo hay mang lại hạnh phúc và lợi lạc cho chúng sinh.
Trong một nguồn cảm hứng tương tự, ngài khéo léo trong lý thuyết và khi áp dụng thực tiễn của truyền thống y học Phật giáo, và đã đặc biệt nỗ lực làm việc với những người khốn khổ bởi bệnh phong, ma nhập, và những chứng rối loạn tâm thần khác nhau. Ngài nổi danh về sự rộng lượng trong việc làm khuây khỏa nỗi đau đớn và lo âu đối với vô số bệnh nhân, không từng đòi hỏi tiền thù lao cho những việc phụng sự của mình. Ngài cũng hoàn toàn hiến mình cho sự chăm sóc dài hạn, cả vật chất lẫn tâm linh, của tất cả những người già nua và nghèo khó mà bản thân họ không có của cải và không được trông nom chăm sóc. Bằng chứng hiển nhiên là ngài hoàn thành vô số phương cách trong đó các Bồ Tát, những đứa con của các đấng chiến thắng, dấn mình vào những hoạt động giác ngộ. Hãy cho phép những người có đôi mắt tìm kiếm chính mình, và tôi cảm thấy chắc chắn là họ sẽ nhận ra rằng sự hiện diện của ngài trong những cảnh giới tâm linh và xã hội thì hoàn toàn không thiếu đức hạnh.
Thêm vào đó, Đức Kusum Lingpa chịu trách nhiệm xây dựng và điều chỉnh mọi số lượng dinh thự dành cho việc giảng dạy tâm linh, thực hành, và các hoạt động liên quan. Những việc này bao gồm hội trường tụ họp lớn Tukpo Köpa (“Cõi Thuần tịnh của Hàng ngũ Dày đặc”); trung tâm nhập thất Kusum Podrang (“Cung điện Ba Thân”); con đường kinh hành chính yếu Ngöngai Temkay (“Cầu thang lên Cõi Hỉ lạc Hiển lộ”); bảo tháp Tongdrol Chenmo (“Đại Bảo tháp Mang lại Giải thoát khi Nhìn thấy”); trụ xứ của Lạt ma được gọi là Shambhala Podrang (”Cung điện Cõi Thuần tịnh Shambhala Podrang”); trung tâm y học Dragong Dupai Gatsal (“Khu rừng Tụ hội các Nhà Tiên tri”); trung tâm chăm sóc người hấp hối và thua thiệt tên là Pendai Norbui Kyeytsal (“Công viên Châu báu của sự Lợi lạc và Hạnh phúc”); và một trung tâm dành cho các nghiên cứu thế tục Riknay Podrang (“Cung điện Các Lãnh vực Hiểu biết”). Nhưng trên thực tế, việc liệt kê mọi dự án như thế cũng sẽ khiến cho bản báo cáo này trở nên quá dài dòng. Những người có thể ước muốn có được một ý thức lớn lao hơn về phạm vi công việc của ngài nên tham khảo tiểu luận riêng biệt của tôi về đề tài này. Điều này sẽ đủ mang lại cho ta một ý niệm về những hoạt động vĩ đại và giác ngộ của Đạo sư này.
Bây giờ tôi xin đưa ra một cái nhìn khái quát về các giáo lý kho tàng ẩn dấu do Đức Kusum Lingpa khám phá. Trong phạm vi rộng lớn được gọi là Phạm trù Giáo lý từ Kho tàng Không gian (Namkha Dzökyi Chöday), một “kho tàng tâm” được khám phá qua mục đích giác ngộ ẩn dấu là những giáo khóa thực hành liên hệ với mức độ cao cấp nhất của thần chú, là cấp độ của anuttarayoga, hay sự hợp nhất vô song. Trong tác phẩm rộng lớn này, được dựa trên Tantra Tâm Giác ngộ: Giọt Tâm yếu của Padma, ta tìm thấy những giáo lý sau đây:
(1) một quyển sách lớn có tựa đề Những Khối Lửa Khải huyền, một thực hành tập trung vào ba phương diện phẫn nộ của Guru Rinpoche—Hayagriva, Vajrapani và Garuda
(2) một quyển sách thực hành tập trung vào Vajrapani (Kim Cương Thủ), các giáo khóa theo thân tướng Atsarya và thân tướng Drangsong Tsoje của Bổn Tôn này
(3) một quyển sách thực hành tập trung vào những Bổn Tôn như Khechari Vajrayogini, hình thức bảo hộ trắng của Chakrasamvara, các vị bảo hộ Citipati, khía cạnh hoạt động của Yamantaka, thiên nữ Tara, và v.v..
(4) một quyển sách bao gồm một buổi lễ nhằm tôn vinh Đức Tsongkhapa, Giọt Tinh túy của Tâm Giác ngộ (một nghi lễ tập trung vào Di Lặc), Chuỗi Ánh sáng (một nghi lễ tập trung vào Đức Phật Thích Ca Mâu Ni), và Cây Như ý (một nghi lễ để quán tưởng tám Đại Bồ Tát)
(5) một quyển sách bao gồm Con Sông Ngọc bích Tuôn chảy (một giáo khóa thực hành tập trung vào đức Phật Dược Sư), quán đảnh sinh lực và sự trao truyền mệnh lệnh tâm linh tập trung vào tám Như Lai, và một buổi lễ để sám hối các giới nguyện bị gãy bể
(6) một quyển sách thực hành tài bảo tập trung vào Bổn Tôn tài bảo Orgyen Norlha
(7) hai quyển sách thực hành về các Bổn Tôn của Tám Mệnh lệnh và giai đoạn phát triển để đạt được Chín Phạm vi của Giác tánh Vô tận
(8) hai quyển sách tập trung vào Chakjya Zilnön, thân tướng mạnh mẽ áp đảo tượng trưng của Đức Văn Thù Yamantaka
(9) năm quyển sách bao gồm khóa các giáo lý về Hayagriva và Vajravarahi mang tên Sự Hợp nhất Bình đẳng của Tất cả chư Phật và giáo khóa của Hayagriva vô cùng mạnh mẽ, Bổn Tôn ngữ giác ngộ của Padma
(10) một quyển sách về một khóa giáo lý tập trung vào Đức Vajrakilaya
(11) một quyển sách giáo lý tập trung vào tantra Chuỗi Ảo ảnh Thần diệu và thân tướng của Đức Quán Thế Âm được gọi là Amoghapasha
(12) một quyển sách về một khóa giáo lý tập trung vào Đức Tara cao quý
(13) một quyển sách về các thực hành để đạt Nút Vô tận (sadhana của tâm dành cho các vị hộ trì giác tánh nội tại) và giáo khóa thực hành tập trung vào thiên nữ đen Krodhi
(14) một quyển sách về các sadhana Guru thứ yếu tập trung vào các nhân vật như Đức Milarepa, Tangtong Gyalpo, Pachik Dampa Sanggyay, Đạo sư Vajrapani (Kim Cương Thủ), Đạo sư Manjushri (Văn Thù), Đạo sư Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), Đạo sư Maitreya (Di Lặc), và những vị khác
(15) một quyển sách bao gồm một giáo khóa về các thực hành sadhana và các kỹ thuật làm trẻ trung tập trung vào Đức bảo hộ Di Lặc, một sadhana về sự thịnh vượng tập trung vào Đức Di Lặc, một sadhana Đạo sư tập trung vào Đức Tsongkhapa, và những thực hành khác
(16) một quyển sách gồm các thực hành khẩn cầu hoạt động của các Bổn Tôn bảo hộ và các tinh linh địa phương, chẳng hạn như giáo khóa sadhana thực hành tập trung vào mười hai chị em tenma bảo vệ Tây Tạng
(17) một quyển sách về các giáo lý như Tiên tri Các Tượng trưng Thần diệu Tiết lộ Ẩn dụ (tường thuật của Kusum Lingpa về linh kiến riêng của ngài về việc du hành đến Shambhala), các Trò chuyện Bí mật của các Dakini (một tường thuật của tám vị hộ trì vĩ đại của giác tánh nội tại ở Ấn Độ), và những quyển khác
(18) một quyển sách về các bài ca của ngài, chẳng hạn như Bài Ca Không Giả tạo và Tự nhiên của Anh hùng (một bài ca về quan điểm của Đại viên mãn), một bài ca tán thán địa điểm nhập thất tên là “Cung điện của các vị Trời,” và v.v..
(19) một quyển sách về lời khuyên dạy riêng tư, chẳng hạn như tác phẩm có tên khôi hài Giữ chặt Con Bọ Chét bằng Ngón tay Tôi, Giai điệu của Anh hùng (một bài ca tự nhiên để khuyến khích người tên là Kalzang Losel Zhönnu thực hành Phật Pháp) và những tác phẩm khác.
Thêm vào đó, có nhiều tác phẩm phụ và khóa giáo lý được sáng tác để đáp ứng các khẩn cầu đặc biệt của nhiều cá nhân, chẳng hạn như Giọt của các Dakini về Không gian Căn bản (một cẩm nang minh họa về việc làm các món cúng dường torma), các Giai điệu Kim Cương (một cẩm nang chú giải âm nhạc về các nghi lễ tập trung vào Ba Gốc) và có thể còn có những tác phẩm tương tự.
Tổng cộng, tính đến nay có khoảng hai mươi lăm quyển sách trong tuyển tập của ngài. Vị đạo sư này đã luôn luôn ban tặng sự bảo đảm riêng của ngài rằng từ lúc ngài còn là một đứa trẻ được nuôi bằng bầu ngực của người mẹ cho tới hiện tại, ngài đã không ngừng có những linh kiến về Đức Mật nhiệm Kim Cương Thủ (Vajrapani) vinh quang. Dù chỉ một chốc lát, ngài không bao giờ xa lìa Đức Kim Cương Thủ, đấng dẫn dắt ngài, nói những lời tiên tri, ban các quán đảnh, khám phá các ý nghĩa giác ngộ, và trong những cách thế khác, dấn mình vào một tiến trình liên tục các hoạt động giác ngộ. Điều này có nghĩa là ngài thực sự là một vị hộ trì siêu việt kho tàng bí mật gồm ngữ giác ngộ của tất cả các đấng chiến thắng, và không thể liệt kê một cách chính xác các giáo lý tạo thành ngữ giác ngộ của ngài. Mặc dù thế, tôi đã cung cấp một tường trình gồm một ít giáo lý đã đến tay chúng ta như những người được điều phục bởi những giáo lý đó, và sẽ hoàn toàn thích đáng để thêm vào những giáo lý như thế khi đưa ra ánh sáng trong tương lai.
Trong số những đệ tử chính yếu của Đức Kusum Lingpa, sau đây là những vị vừa là Thầy vừa là đệ tử của ngài, hay những vị giữ gìn giáo lý hoặc ở một phương cách nào đó, là những vị lỗi lạc nhất trong các đệ tử của ngài: Akong Khenpo Lozang Dorje; Katok Moktsa Jikdral Choklay Namgyal; Lhapzo Lama Damchö; Choktrul Nyida; Katok Lama Lhunli; Dora Lama Lochö; Jonang Lama Lodrak; Tokgi Lama Padtse; Sanglung Tulku Kalzang Dorje; Wangdai Gyangtrul Döndrop Dorje; Dibar Chöjay Loyak Tulku; Choktrul Garwang Nyima; Khenpo Zhilii Tendzin Zangpo; Gyalsay Padma Tsewang; Mukyang Khenpo Lozang Tsultrim; Kirtii Geshay Takrang Könchok; Amo Lama Wangrap; Khangsar Dazer; Dzogchen Khenpo Tsering Nyima; Lama Paldrak; Dodrup Khenpo Ngaksher; Ragyai Lama Khyenrap Gyatso; Derge Pewar Tulku; Rekong Kyaplo; Tulku Godey; Barchung Sangdrak; Mukyang Tuden; Durbü Ngawang Rikdzin; Chung Opo; Katok Khenpo Padma Chöjor; Chyaktsa Tulku; và nhiều vị khác, đa số các ngài là những vị canh giữ các giáo khóa khám phá kho tàng ẩn dấu của Kusum Lingpa. Đối với những đệ tử có một nối kết tâm linh qua việc thỉnh cầu giáo lý, tôi đã nghe nói đến các tường thuật về nhiều ngàn Lạt ma và tu sĩ, và khoảng một trăm ba mươi ngàn nam nữ cư sĩ.
Nguyên tác: “A Brief Biography of His Holiness Orgyen Kusum Lingpa” của Rikdzin Namnang Dorje.
http://www.blazingwisdom.org/learning/read/195-a-brief-biography-of-his-holiness-orgyen-kusum-lingpa
Rikdzin Namnang Dorje Chökyi Nyima (Richard Barron) dịch Tạng-Anh.
Thanh Liên dịch Anh-Việt.
Nguồn: thuvienhoasen.org