Shrisimha
SHRISIMHA
ĐẠO SƯ Shrīsimha (dPal Gyi Seng Ge) sinh trong một thành phố tên là Shokyam trên đảo Sosha ở Trung quốc. Thân phụ ngài là Gewe Denpa (Bậc Đức hạnh) và thân mẫu là Nangwa Salwa Raptu Khyenma (Bậc Trong sáng và Uyên thâm). Năm mười lăm tuổi, ngài đi tới Cây Bồ đề ở Trung quốc và tu học với Đạo sư Haribhala trong ba năm, và ngài tinh thông năm môn học (ngũ minh). Sau đó, trong khi đang du hành bằng lạc đà theo hướng tây về phía thành phố Suvarnadvīpa (Đảo Vàng), Shrīsimha nhìn thấy linh kiến về Avalokiteshvara (Đức Quán Thế Âm) trong không trung. Đức Avalokiteshvara nói: “Ồ nam tử may mắn của gia đình tốt lành, nếu con thực sự ước muốn đạt được kết quả, có một thành phố ở Ấn Độ tên là Sosadvīpa, hãy tới đó.”
Shrīsimha hài lòng với tiên tri, nhưng ngài tự nghĩ: ”Tuy nhiên, trước tiên, ta phải học toàn bộ các tantra ngoại và nội để dễ thấu triệt những giáo lý phi thường.” Vì thế ngài đi tới Ngũ Đài Sơn để tưởng nhớ Đức Văn Thù, và ở đó ngài đã nghiên cứu toàn bộ các tantra ngoại và nội với Đạo sư Bhelakīrti trong bảy năm. Ngài thọ giới tu sĩ (Tỳ khưu) và trì giữ giới luật trong ba mươi năm. Đức Avalokiteshvara lập lại lời tiên tri của ngài trước đây. Ngay sau đó Shrīsimha nghĩ: “Cách hay nhất là du hành tới Sosadvīpa một cách kỳ diệu để không gặp bất kỳ chứng ngại nào trên đường đi.” Vì thế ngài đã thực hành một sādhana trong ba năm và đạt được năng lực. Sau đó ngài đi như gió, khoảng hai phút (0,6m) trên mặt đất. Ngài tới Sosadvīpa và gặp Manjushrīmitra. Ở đó ngài nhận các giáo lý trong hai mươi lăm năm và thực hành chúng.
Y theo Khandro Nyingthig và những suối nguồn khác, Shrīsimha cũng đi tới Shītavana và trực tiếp nhận những giáo lý Nyingthig từ Prahevajra, và sau đó trao truyền các giáo lý đó cho Guru Padmasambhava và Vairochana.
Sau đó Đạo sư Manjushrīmitra nhập Niết bàn và thân ngài tan biến trên đỉnh bảo tháp trong một hầm mộ ở trung tâm của Sosadvīpa. Không gian tràn ngập âm nhạc và bầu trời chói lòa ánh sáng. Shrīsimha dâng một bài cầu nguyện bi thương:
Than ôi, than ôi, than ôi! Ồ sự Bao la Rộng lớn!
Nếu ánh sáng Đạo sư Kim cương bị che khuất,
Ai sẽ xua tan bóng tối của thế gian?
Thình lình Manjushrīmitra xuất hiện trên bầu trời và duỗi bàn tay phải ra, ngài đặt vào bàn tay Shrīsimha một hộp nạm ngọc quý bằng một móng tay. Trong đó Shrīsimha tìm thấy di chúc Gomnyam Trukpa (Sáu Kinh nghiệm Thiền định) của Manjushrīmitra, được viết trên một chiếc lá được tạo bằng năm kim loại quý với loại mực làm bằng một trăm chất quý báu.
Shrīsimha đạt được sự hoàn toàn xác quyết nơi sự chứng ngộ của ngài và thấu suốt những tantra phi thường, cả ngôn từ lẫn ý nghĩa, không chút sai lầm. Ngài lấy ra những bản văn đã được Manjushrīmitra chôn dấu tại Bodhgayā và trở về Trung quốc.
Tại Trung Quốc ngài sắp xếp những giáo lý Me-ngagde thành bốn giáo khóa (sKor): Ngoại, Nội, Bí mật, và Bí mật Thâm sâu. Ngài chọn ba giáo khóa đầu làm “những giáo lý phức tạp” và chôn dấu chúng trong ban công của ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc. Ngài giữ những giáo lý Bí mật Thâm sâu, Nyingthig, ở bên người không hề rời xa nhưng sau đó, như một dākinī chỉ dẫn, ngài chôn dấu chúng trong một cây cột của chùa Tashi Trigo (Vô số Cổng Tốt lành) và phó chúc những giáo lý này cho Ekajatī. Sau đó, thụ hưởng những bài tập bí mật, ngài ở tại mộ địa Siljin (Người Mang lại sự Mát mẻ) ở Trung quốc như Đạo sư của tập hội daka và dākinī.
Ngài đã ban những khẩu truyền của các giáo khóa Me-ngagde Ngoại, Nội, và Bí mật cho Vimalamitra. Ngài ban khẩu truyền của bốn giáo khóa Me-ngagde cùng những bản văn của chúng cho Jnānasūtra. Ngài cũng ban cho Jnānasūtra những giáo lý và quán đảnh của Me-ngagde được gọi là quán đảnh phức tạp, quán đảnh đơn giản, quán đảnh rất đơn giản, và quán đảnh cực kỳ đơn giản.
Sau đó Shrīsimha tan biến trong thân chói lọi, và di chúc Zerwu Dünpa (Bảy Chiếc Đinh) của ngài hạ xuống bàn tay của Jnānasūtra. Nó bao gồm những dòng sau:
Kính lễ sự viên mãn của trí tuệ nguyên sơ, [sự hợp nhất của] quang minh và tánh Không.
Trí tuệ tỉnh giác, trùm khắp tất cả và xuất hiện trong tất cả, Mở trống và vô phân biệt.
Để hộ trì [giác tánh] trên nền tảng bất biến,
Bằng cách đặt bảy chiếc đinh vĩ đại trên con đường hẹp của sinh tử và Niết bàn.
Đại lạc bất biến xuất hiện trong tâm con..
[a] Hãy đóng chiếc đinh trí tuệ không bị chướng ngại của sự quang minh ở chỗ nối liền sinh tử và Niết bàn [để hợp nhất chúng như sự nhất như].
[b] Hãy đóng chiếc đinh ánh sáng tự xuất hiện ở chỗ nối liền tâm và các đối tượng.
[c] Hãy đóng chiếc đinh cốt tủy thuần tịnh tự nhiên ở chỗ nối liền tâm và vật.
[d] Hãy đóng chiếc đinh của sự thoát khỏi những cái thấy ở chỗ nối liền không và sự vĩnh cửu.
[e] Hãy đóng chiếc đinh giác tánh siêu vượt các hiện tượng ở chỗ nối liền các hiện tượng và bản tánh của các hiện tượng.
[f] Hãy đóng chiếc đinh của năm cửa [các giác quan] hoàn toàn giải thoát ở chỗ nối liền sự kích động (trạo cử) và uể oải (hôn trầm).
[g] Hãy đóng chiếc đinh Pháp thân nguyên sơ viên mãn ở chỗ nối liền các hình tướng và tánh Không.
Trích: “Các Đạo Sư của Thiền Định và những điều huyền diệu: Cuộc đời của các Đạo Sư Phật Giáo vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng.”, trang – file PDF. Tác giả: Tulku Thondup - Việt dịch: Thanh Liên (do dịch giả gửi tặng).