Nguyện Vãng Sanh Tịnh Độ Núi Màu Đồng
NGUYỆN VÃNG SANH TỊNH ĐỘ NÚI MÀU ĐỒNG - MẬT ĐẠO TỚI NÚI HUY HOÀNG
Trích mật điển Longchen Nyingthig Rigdzin Jigme Lingpa khai mở
OM AH HUNG VARJA GURU PADMA SIDDHI HUNG
Tự tánh vốn thanh tịnh, bất-nhị - chân như bổn lai,
Nơi Báo thân Lạc-Không hợp-nhất thường tịch chiếu,
Thị hiện thành tịnh độ Hóa thân - cõi “Nhẫn chịu”1 này -
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Kim Cương tòa, trung tâm Nam Thiệm Bộ Châu,
Là thánh địa chư Phật ba thời chuyển Pháp luân.
Tây bắc chốn này là xứ Ngayab Langké 2 -
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Đây ngọn núi hình-tim tự nhiên hiện khởi:
Chân tọa trên vương miện Long Vương Ananta3,
Sườn núi, Daka, Dakini dự ganachakra,
Đỉnh núi chạm tầng thiền cõi trời sắc giới –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Trên đỉnh Sơn Vương có cung điện tuyệt vời,
Mặt đông là pha lê, mặt nam ngọc lam xanh,
Mặt tây là hồng ngọc, mặt bắc lục bảo ngọc,
Trong suốt cầu vồng, bất phân trong, ngoài, giữa –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Hành lang, góc lầu, vườn nét dáng cầu vồng,
Sân hiên, bờ tường, tràng châu, tua riềm rủ,
Đài nước, mái nhà, vòm, hoa trang trí cửa,
Pháp luân, đỉnh, lọng: nghĩa, tượng đều toàn bích -
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Đây những cây như ý, đài phun mây cam lồ,
Những cánh rừng xanh ngạt ngào hương dược thảo,
Nơi chư Trì minh4, những đàn ong, đàn chim,
Rung lên với diệu âm của tam thừa Phật Pháp –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Giữa cung điện mênh mông không ngằn mé,
Trên bảo châu tám góc, tòa sen, đài nhật-nguyệt,
Khởi hiện Liên Hoa Sanh, tổng nhiếp thiện thệ,
Hợp nhất Tam Thân, rạng rỡ ánh cầu vồng –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Nương Đại Lạc Trí của Ngài, diệu quang minh,
Tánh Không khởi Đại Bi: như phép nhiệm màu,
Muôn hóa thân Ngài hằng ứng hiện không ngừng
Khắp mười phương hư không, đặc biệt xứ Tây Tạng -
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Bên phải Ngài - chư Trì Minh Vương Ấn Tạng5,
An trụ Dzogchen vô lượng ‘kim cương quang’;
Bên trái Ngài – chư học giả, thánh sư Ấn Tạng,
Ngân vang diệu âm của Pháp học, Pháp tu chứng -
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Vây quanh có nhà vua, quần thần - hai lăm đệ tử,
Chư khai mật tạng hóa thân, chư thành tựu giả,
Tu những bộ pháp phân thứ bậc chín thừa6,
Trì giới hạnh chứng ngộ nhất tâm, bất thối –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Bốn phương, tám hướng, góc cung điện, ban công,
Tụ hội Daka, Dakini, thiên và thiên nữ,
Với vũ điệu kim cương lướt bay như ảo ảnh,
Dâng những vầng mây ngoại, nội, mật cúng dường –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Tầng trung - Báo thân điện mênh mông, tráng lệ,
Vây quanh quyến thuộc tuyệt vời khôn tả xiết,
An tọa Liên Hoa Trì7, Giáo chủ thế giới này,
Ngài tận diệt vọng niệm, tập khí, vi chướng -
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Tầng thượng - nơi tịnh độ hoan hỉ Pháp thân,
Phổ Hiền Như Lai, tinh Trí Tuệ, tướng Chân Như -
Chính Phật Di Đà - truyền pháp Giác Tánh tử,
Thầy, trò đồng cấp độ chứng ngộ, hạnh nguyện –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Bốn cổng Tứ Đại thệ-nguyện Vương trấn giữ.
Tất cả thiên long bát bộ ngoại, nội, mật,
Được biệt phái hàng phục tà đạo, phá giới.
Hộ pháp thệ-nguyện nổi trống chiến thắng oai hùng –
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Núi Màu Đồng.
Nhờ quán tưởng rõ ràng cảnh giới tịnh độ,
Nương đại nguyện khởi từ tánh giác bổn nguyên,
Hướng cứu cánh bên ngoài – núi Huy Hoàng Màu Đồng,
Nguyện ngay trong thân này – nơi cõi “Nhẫn chịu”,
Tâm con viên thành cõi Huy Hoàng Màu Đồng!
Nhờ hợp nhất hai giai đoạn phát khởi, toàn thiện,
Nút của ba-kinh-mạch, năm-luân-xa8 bung ra,
Tại điện Huy Hoàng Màu Đồng giữa tim con,
Nguyện con viên thành Bổn Trí phương tiện lực,
Và diện kiến Liên Hoa Sanh, Tánh Giác nguyên sơ.
Tư lương, gia hạnh, kiến tánh, thiền định, vô học9,
Từ Đại Hoan Hỉ địa tới Quang Minh viên mãn địa,
Và hai giai đoạn tối thượng của Kim Cương Thừa,
Đặc biệt là vô thượng trí Yeshe Lama10
của Dzogpa Chenpo Thanh Tịnh Quang –
Nguyện con viên thành mọi giai đoạn và an nhiên
Giải thoát vào pháp giới nền tảng Liên Hoa Quang!
Nhưng nếu con không viên thành diệu lực chứng ngộ,
Bằng nguyện ước thiết tha mãnh liệt của mình,
Thì khi cái chết đến với tất cả mãnh lực của nó,
Nguyện sứ giả Liên Hoa Sanh – vũ nữ Dakini,
Tới nắm tay con, như chư vị đã từng
Tiếp dẫn Kharchen Za, Guna Natha11-
Nguyện con vãng sanh tịnh độ Liên Hoa Quang!
Nương chân lí Pháp giới tuyệt đối thanh tịnh,
Nương Đại Bi của hải hội Tam Bảo, Tam Căn,
Nguyện con viên mãn tất cả mọi ước nguyện,
Đưa chúng hữu tình tới tịnh độ Liên Hoa Quang.
Lời nguyện vãng sanh tới cõi Phật Liên Hoa Quang tối thượng ở Ngayab Ling này, cõi tịnh độ Hóa thân, được mang tên là ‘Mật Đạo tới Núi Huy Hoàng’.
Để thỏa mãn ước nguyện của Dharmakirti, một hành giả yogin của Dòng Khẩu truyền Nữ Hoàng Kim Cương, mà ánh trăng của lòng bi mẫn và gia lực của Pháp Vương Orgyen cùng phối ngẫu của Ngài đã rót xuống trái tim của heruka Padma Wangchen – một hành giả yogin đã thuần thục những điểm trọng yếu, trực chỉ của Dzogpa Chenpo Tịnh Quang – và vị ấy đã soạn lời nguyện này tại Samye Chimphu, nơi ẩn tu của vị ấy ở Động Hoa, cũng là hội sảnh của tất cả chư Dakini cõi Akanishtha.
Nguồn bản tiếng Tạng, phiên âm: www.lotsawahouse.org . Anh dịch: Rigpa Translations, nguồn: lotsawahouse.org (tham khảo bản Anh dịch mới hiệu đính) Việt dịch: Hiếu Thiện, tháng 6.2017. Hiệu đính lần 1 dựa theo bản dịch mới của lotsawahouse, tháng 9.2018.
___________
Chú thích:
1 Tức thế giới của chúng ta.
2 Còn gọi là “Ngayab Langke Ling”: một trong hai châu lục phụ bao quanh châu lục Diêm Phù Đề của chúng ta và nằm ở hướng Tây Nam. Ở đó có loài la sát (Rakshas) sống và cũng là nơi cõi Tịnh Độ Zangdok Palri của Guru Rinpoche.
3 Ananta là một trong nhiều tên của thẩn Vishnu và là tên của thiên long mà thần Vishnu nằm tựa lên.
4 Vidyādharas – các bậc nắm giữ trí tuệ.
5 Chư Trì Minh Vương (Vidyādharas) của Ấn Độ và Tây Tạng.
6 Chín thừa Phật Giáo theo cách phân chia của Nyingmapa.
7 Đức Quán Thế Âm.
8 Kinh mạch trung ương, hai kinh mạch phụ và năm luân xa quan trọng nhất trên kinh mạch trung ương.
9 Tên của ngũ vị - các giai đoạn trên đạo lộ giải thoát.
10 Tên của giai đoạn cuối cùng là Yeshe Lama (Yeshe nghĩa là “Trí Tuệ”, Lama nghĩa là “Guru”)
11 Dakini Yeshé Tsogyal và Yuthok Yönten Gönpo.