Cẩm Nang Cúng Dường Khói Núi
CẨM NANG CÚNG DƯỜNG KHÓI NÚI
Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima
Namo Guru Liên Hoa Sanh!
Hiện thân của chư Phật ba thời, đấng Bảo hộ chúng sinh,
Xin hãy xót thương chúng sinh thời mạt pháp này, trải tâm từ che chở chúng con!
Đấng Hộ chủ Orgyen, bảo trang của Giáo pháp và chúng sinh xứ Tuyết,
Thân, khẩu, ý chí tín thành, trước Ngài con xin đê đầu quy mạng lễ.
Chủ đề luận giải ở đây là: nhờ cúng phẩm huyễn trong pháp tu huyễn chúng ta có thể thực hiện tích tụ huyễni. Nương vào nhân của tích tũy công đức chúng ta có được quả Tuệ Ba La Mật. Có bốn phương pháp cần rất ít nỗ lực nhưng lại cực kì ý nghĩa và lợi lạc, đó là cúng Sang, cúng nướcii, cúng Suriii và cúng dường thân xác. Một người thực hành các pháp này thường xuyên và tinh cần sẽ tích lũy được công đức, tịnh hóa nghiệp chướng, và đặc biệt sẽ dẹp trừ các chướng ngại đối với thành tựu giải thoát giác ngộ trong hiện đời. Họ sẽ thoát khỏi tất cả các che chướng đó như vần thái dương ló rạng từ những đám mây.
Trước hết, hãy bàn về pháp cúng Sang. Các vật phẩm cúng Sang nên có “nguồn gốc cao quý, chất lượng tốt và được bài trí đẹp”. Điều này có nghĩa là các vật phẩm cúng Sang không phải có được từ cách kiếm sống bất thiệniv và thói bỏn xẻn. Năm cách kiếm sống bất thiện , và đặc biệt tính keo kiệt, chính là nguyên nhân gây ra tái sinh trong cõi ngạ quỷ. Nếu chúng ta tiếc các vật phẩm đem cúng dường giống như thể ta đang cắt thịt của chính mình thành từng miếng nhỏ, thì việc cúng dường sẽ không giúp ta tích lũy được công đức. Vì vậy chúng ta nên cẩn trọng tránh xa điều đó.
“[Các cúng phẩm] có chất lượng tốt” có nghĩa là nên cúng dường phần đầu tiên hay phần tốt nhất mà chúng ta ăn, chứ không phải những thứ mà chúng ta không bao giờ đụng đến vì đã hư thối, quá đắng chát hay chỉ là đồ dư thừa. Làm như vậy không phải là cúng dường. Chư Phật không hề vướng khái niệm nhị nguyên xấu hay tốt, sạch hay bẩn, nhưng mọi thứ phải sạch sẽ và vệ sinh như trong câu nói “Vì cúng dường là để tích lũy công đức nên các đồ cúng dường phải sạch và sạch hơn nữa”. Điều quan trọng là các vật phẩm cúng dường phải cực kỳ sạch sẽ và tịnh hóa để [chúng trở thành] thanh tịnh.
“Bài trí đẹp” có nghĩa là lò đốt cúng Sang cũng như nơi xếp đồ cúng phải gọn gàng, ngăn nắp và bài trí hài hòa. Phẩm vật dâng cúng không được cong queo, vẹo vọ, nhếch nhác chỉ vì lí do đơn giản là bởi lười nhác, cẩu thả mà chúng ta bỏ ngoài tai bất cứ lời dạy nào mà đã nghe được.
Lại nữa, bất cứ việc gì chúng ta làm cũng phải giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh, nếu không thì việc ta làm sẽ không mang lại lợi ích. Nếu chúng ta tự hài lòng với việc tụng ít câu chú trong nghi quỹ mà không nghĩ xem chúng ta đang làm gì với chúng, như thể đầu ta là đầu gỗ với cái lưỡi giấy phe phẩy bên trong, thì rốt cuộc ta chỉ làm cho chính mình mệt mỏi vì lợi lạc mang lại rất nhỏ bé. Thực ra, không thực hành nào có ý nghĩa khi chỉ trì tụng suông mà không quán tưởng. Ở đây cũng vậy, thực hành phải dựa trên giai đoạn phát khởi (kyerim) và quán tưởng.
Chúng ta bắt đầu bằng việc tụng quy y và phát bồ đề tâm. Ta quy y Tam Bảo với lòng tin vững chắc và phát khởi bồ đề tâm, ước muốn tất cả hữu tình chúng sinh, bao gồm bản thân ta, đạt giác ngộ. Nếu hai phần này không được tiến hành như bước chuẩn bị thì việc cúng Sang sẽ giống như bắn một mũi tên mà không nhắm đúng mục tiêu. Chúng ta sẽ không ban phước cho các cúng phẩm được nếu ta không tự quán tưởng mình trong hình tướng Bổn tôn, bất cứ là Bổn tôn nào, vì vậy ta phải quán tưởng mình là Bổn tôn. Từ chủng tự HUNG trong tim ta [đang ở dạng Bổn tôn], xuất hiện chủng tự RAM màu đỏ, đốt cháy [cấu uế trong] cúng phẩm. Từ chủng tự YAM xuất hiện luồng gió phát tán [cấu uế trong] đồ cúng dường, sau đó từ chủng tự KHAM xuất hiện nước rửa sạch đồ cúng dường. Nhờ vậy, các đồ cúng dường được tịnh hóa trong tính Không của chân như của thuần tịnh nguyên sơ vĩ đại, chính là pháp giới vượt trên mọi khái niệm.
Sau đó, một lần nữa quán tưởng chính mình là Bổn tôn. Từ tim ta phóng ra chủng tự OM màu trắng với các vòng ánh sáng thig-le, biến thành chiếc bình chứa quý báu sâu và lớn mênh mông, trải rộng ra bao trùm cả vũ trụ. Bên trong bình đó, các chủng tự OM màu trắng [hiện thân Kim Thân Phật], các chủng tự A màu đỏ [hiện thân Kim Khẩu Phật] và các chủng tự HUNG màu xanh dương đậm [hiện thân Tâm Giác ngộ của Phật] rơi xuống như mưa từ pháp giới tuyệt đối.
Sau khi được ban phước, các cúng phẩm Sang, thực chất là nước cam lồ của tính Không và Trí Tuệ thanh tịnh có khả năng giải thoát chúng sinh qua sự nếm, hóa hiện các tướng trạng khác nhau tùy theo cảm nhận của từng vị khách. Các vật phẩm cúng dường hóa hiện thành: nhiều hình tướng khác nhau để khơi dậy thị giác, âm thanh khác nhau để khơi dậy thính giác, hương thơm khác nhau để kích thích khứu giác, mùi vị khác nhau để kích thích vị giác và xúc chạm khác nhau để kích thích xúc giác. Các phẩm vật này cùng vô lượng cúng phẩm tuyệt hảo khác, không thiếu thứ gì, tạo thành một kho báu rộng lớn vô cùng vô tận, giống như những đám mây cúng dường Phổ Hiền Bồ Tát. Nhờ trì tụng minh chú và bắt ấn “kho báu không gian” (hư không tạng) các vật phẩm cúng dường được nhân lên vô lượng lần.
Sau đó chủng tự HUNG ở tim ta – cũng là tim của Bổn tôn – phóng ra muôn vàn tia sáng thỉnh mời các vị khách và ta quán tưởng bốn loại khách: Tam Bảo - khách mời của lòng sùng kính, các vị Hộ Pháp- khách mời do các phẩm hạnh của họ, chúng sinh trong sáu cõi – đôi tượng lòng bi mẫn của chúng ta, và các vị khách gây chướng ngại - đối tượng mà chúng ta nợ nghiệp. Tất cả các vị khách đều xuất hiện trong sắc thân vật lý từ pháp giới tuyệt đối, giống như bong bóng nước đột nhiên xuất hiện từ trong nước hay tia chớp lóe lên trên bầu trời. Khi trì tụng các dòng kệ để mời các vị khách chúng ta hãy quán tưởng rằng trong tích tắc họ xuất hiện ở đó, ngay trước mặt chúng ta, thật rõ ràng sống động và ta mời họ an tọa.
BỐN CẤP ĐỘ KHÁCH MỜI
Tam Bảo là bậc khách quý tối thượng, chúng ta mời do tâm quy ngưỡng. Tam Bảo bao gồm chư Phật trong Pháp thân, Báo thân, Hóa thân, cùng với Pháp Bảo và Tăng Bảo - tất cả chư vị Đạo Sư, Bổn tôn, Dakini và vân vân. Tất cả xuất hiện sống động như những chòm sao trên bầu trời.
Hộ Pháp, những khách ta mời do những phẩm hạnh của họ, bao gồm tám Đại Phạm Thiên, tám đại long vương, tám đại rahus, Tứ Đại Thiên vương, chín vị thần hung nộ, mười vị thần trấn giữ các phương, nhị thập bát tú và 75 vị hộ pháp vinh quang của các tịnh thổ … cùng với tùy tùng và thị giả, thị giả của thị giả, quyến thuộc và tất cả các thiện thần, các vị thần bản địa. Tất cả vân tập như các đám mây cuồn cuộn trên bầu trời.
Chúng sinh sáu cõi là khách mời do tâm bi mẫn bao gồm: trời, người, atula, ngạ quỷ, súc sinh, chúng sinh địa ngục và vân vân. Tất cả vân tập như sương mù dày đặc trong không gian.
Các loài gây chướng ngại là khách mời mà chúng ta nợ nghiệp, bao gồm: các oan gia trái chủ như 80 nghìn loài gây chướng ngại, đứng đầu là Vinayaka, vua gây chướng ngại, cũng như 15 đại Don chuyên tấn công trẻ em, và Harity với 500 người con. Tất cả tụ hội trên mặt đất như thể một đám đông khổng lồ các vị trời và con người tụ họp lại.
QUÁN TƯỞNG CÚNG SANG
Hãy quán tưởng chư Bổn tôn, đối tượng dâng cúng, đang thọ nhận các vật phẩm cúng Sang dưới dạng các tia sáng, như tia sáng mặt trời chiếu xuống nước. Họ hút các tia sáng này bằng lưỡi có hình chày kim cương rỗng. Lần lượt, hãy quán tưởng các thiên nữ cúng dường nhiều như hạt bụi sáng trong tia nắng mặt trời, bay lên từ làn khói cúng dường. Mỗi thiên nữ cầm một bình cam lồ tịnh hóa trong tay phải và một bình chứa đầy thuốc quý trong tay trái. Họ rải khói hương thơm ngọt ngào rộng ra khắp toàn vũ trụ. Từ trên các làn khói hóa hiện ra vô số các đám mây cúng dường rộng-như-hải gồm: tám món kiết tường, bảy bảo vật của Chuyển Luân Thánh Vương và vân vân.
CÁC LỢI ÍCH CỦA CÚNG SANG
Nhờ việc dâng cúng lên các Đấng Tôn quý, khách mời của lòng sùng kính, tất cả chúng sinh bao gồm cả chúng ta, hoàn thành việc tích lũy hai loại công đức, tịnh hóa được hai chướng và đạt được hai cấp thành tựu trong đời này.
Nhờ dâng cúng cho chư Hộ Pháp, khách mời do các phẩm tính của họ, tâm họ sẽ hoan hỉ với hương vị của Lạc và Không, họ sẽ giúp chúng ta diệt trừ tất cả các bệnh khổ, xâm hại, chướng ngại; họ sẽ mang đến mọi phước báu, kiết tường và thuận duyên để ta thành tựu như ý mọi điều mong ước, một cách dễ dàng, nhậm lẹ, không dụng công.
Nhờ dâng cúng cho chúng sinh trong sáu cõi, đối tượng của lòng bi mẫn, họ được thoát khỏi nghiệp chướng, khổ đau và tập khí tương ứng với cõi giới họ cư ngụ. Trước mắt, họ hưởng giàu sang, phúc lạc như cõi Lạc Biến hóa Thiênv. Cuối cùng, họ thành Phật, giác ngộ trong cảnh giới Liên Hoa Tạng Akanishtha tối thượng.
Nhờ dâng cúng các thế lực gây chướng ngại, đối tượng ta nợ nghiệp, tất cả nợ nần mà ta và chúng sinh đã tích lũy qua vô lượng kiếp, gồm cả kiếp sống hiện nay, đều được trả hết. Các món nợ này gồm: nợ do sát sinh khiến thọ mạng rút ngắn; nợ do tấn công, đánh đập người khác khiến bị bệnh khổ; nợ do trộm cắp khiến ta nghèo khó; nợ người trên và kẻ dướivi; và nợ do vô tình giết người và súc sinh. Các món nợ đã được trả và chúng ta sạch nợ nần. Các chúng sinh thì thoát khỏi nghiệp chướng, khổ đau, và đặc biệt họ không còn các dụng ý xấu ác hay thói quen làm hại người khác. Họ phát khởi tình yêu thương, lòng bi mẫn và bồ đề tâm trân quý.
Điều cực kì quan trọng là chúng ta gắn xi thực hành này bằng cách thức đã nêu như trên và luôn quán tưởng trong tâm khi ta trì tụng bản nghi quỹ.
HÓA TÁN QUÁN TƯỞNG
Hãy quán tưởng người cúng dường, phẩm vật dâng cúng và các đối tượng thọ nhận cúng dường đều tan vào chân như của tính thuần tịnh nguyên sơ vĩ đại siêu vượt thời gian, pháp giới siêu vượt mọi khái niệm. Sau đó, chúng ta hồi hướng công đức cúng dường này để cầu giác ngộ vì lợi ích chúng sinh và tụng bài phát nguyện cát tường phù hợp.
Do các phần quán tưởng cho pháp cúng torma nước, cúng Sur và cúng dường thân xác gần giống như nhau nên có thể tùy theo logic của hoàn cảnh mà sử dụng.
Mặc dầu ta không hoàn toàn thấu suốt ý nghĩa [lời kệ bản kinh],
Ta nguyện trung thành với dòng nhĩ truyền thừa của chư đạo sư vô song,
Không phô diễn vẻ thông thái rởm, không đưa tư kiến của mình vào những lời văn,
Đáp lại lời thỉnh cầu nhiều lần thiết tha của một pháp lữ,
Ta soạn ra hướng dẫn hành trì pháp cúng dường khói núi này.
Nếu có lỗi lầm nào, con xin sám hối tất cả trước chư Yidam.
Nương công đức này nguyện cho con và những ai thấy bản kinh này,
Dẹp bỏ mọi chướng ngại trên con đường tới giác ngộ,
Và các ước nguyện hợp với Pháp của chúng con
Sẽ thành tựu không chút chướng ngại.
Nguyện mọi sự kiết tường để chúng con viên mãn đại nguyện tự lợi, lợi tha.
Khi sư Acho, người đã biết tận dụng những tự do, thuận duyên và đã viếng thăm tất cả các thánh địa vĩ đại cõi Diêm Phù Đề, do rất cần một hướng dẫn quán tưởng cúng Sang đã nhiều lần thiết tha cầu thỉnh, ta, kẻ hành khất xứ Dome mang tên là Tenvii, đã viết ra những dòng này trong một nơi ẩn tu, trên sườn núi Dorje Drak.
Công đức! Công đức! Công đức!
………………………..
Bản dịch Tạng-Anh: Adam Pearcey, Rigpa Translations, 2006. Dịch giả tri ân Tulku Thondup Rinpoche đã từ bi ban lời giải thích soi sáng giáo nghĩa bản kinh.
Bản dịch Anh-Việt: Hiếu Thiện Lotsawa, 2017.
__________________
Chú thích:
[i] Theo tri kiến tánh Không thì không có người cúng dường, việc cúng dường và đối tượng cúng dường vì tất cả đều huyễn.
[ii] Cúng dường gồm nước, sữa, cốc loại. (Tulku Thondup Rinpoche)
[iii] Sur là cúng dường [thực phẩm được] đốt: “ Cúng bằng cách đốt thực phẩm trên than đỏ. Cúng phẩm dâng lên chư Phật, chư hộ pháp và tất cả chúng sinh đặc biệt là cô hồn lang thang và oan gia trái chủ.” LỜI VÀNG CỦA THẦY TÔI, trang 405, bản tiếng Tạng. (giả)
[iv] đạo đức giả, nịnh bợ, mồi chài, chiếm đoạt, hào phóng có toan tính
[v] Cõi trời cao nhất trong sáu cõi trời Dục Giới. (Tulku Thondup Rinpoche)
[vi] Nghĩa đen có nghĩa là “nợ nghiệp phá hủy cung điện người thượng lưu, chiếm đoạt đất đai kẻ khốn cùng.”
[vii] Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima
(Các chú thích từ mục 2 tới 6 lấy từ bản gốc tiếng Anh)