AI CÓ THỂ HÀNH XỬ NHƯ NGƯỜI ĐIÊN MÀ KHÔNG PHẠM GIỚI?
Những người bình thường không thể giữ giới luật của các Thanh Văn, nhưng nhiều người nghĩ rằng các giới nguyện của Mật thừa, giới luật của maha-arya, thì dễ trì giữ hơn. Mặc dù những hoạt động của sự hợp nhất và giải thoát v.v.. được nói đến trong các Mật điển, đây là những công hạnh chỉ dành cho những bậc ở các quả vị thanh tịnh. Nhân danh Mật thừa, một số người quan hệ tính dục với phụ nữ, uống rượu, mặc những y phục kỳ lạ, và hành động như những kẻ điên v.v.. Nếu lừa dối mình bằng cách này, ta sẽ bị vướng kẹt trong vũng lầy sinh tử và rơi xuống đáy sâu địa ngục. NHỮNG NGƯỜI BÌNH THƯỜNG ám chỉ những người ở trong sinh tử, không giác ngộ, chịu sự sai sử của vô minh. Đối với những người như thế, mọi loại giới luật được giảng trong Giáo pháp đều khó trì giữ. Giới luật của các shravaka (Thanh Văn) ám chỉ các thực hành Vinaya (Luật) căn bản gồm việc tuân giữ các giới luật của tăng, ni và cư sĩ, như được mô tả trước đây. Đôi khi người ta cho rằng những giới nguyện này khó giữ, giới nguyện Đại thừa dễ giữ hơn, và giới nguyện Kim cương thừa còn dễ hơn nữa. Thực ra, đó là con đường đối nghịch. Vinaya dễ giữ hơn bởi chỉ vì bản thân ta mà ta không làm hại người khác. Các giới nguyện Đại thừa được trì giữ vì bản thân ta và vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, và giới nguyện Kim cương thừa được trì giữ trong thị kiến thanh tịnh về tính chất của Phật quả. Như thế càng lúc các giới luật càng nhiều hơn và khó giữ hơn.
Các giới nguyện của Mật thừa ám chỉ các giới nguyện Mật thừa, được gọi là
samaya. Những người bình thường không dễ trì giữ các giới nguyện này. Trong Phạn ngữ, maha có nghĩa là vĩ đại, và arya có nghĩa là những bậc cao quý, những hành giả thành tựu cao cấp đã đạt được cấp độ (địa, bhumi) thứ tám của Bồ Tát hay hơn nữa. Các vị này đã điều phục được những cảm xúc phiền não, và có những chứng ngộ vĩ đại của nội quán sâu sắc. Bởi có năng lực tinh thần vĩ đại như thế nên các ngài có thể trì giữ những giới nguyện cao cấp này. Nếu những người vô cùng tầm thường như chúng ta không thể giữ các giới nguyện căn bản này thì làm thế nào ta có thể nghĩ đến việc trì giữ những giới nguyện cao hơn?
Trong Kim cương thừa, mỗi một và mọi biểu tượng đều có một ý nghĩa sâu xa. Những nhân vật nam và nữ được biểu thị trong sự hợp nhất tượng trưng cho sự không thể tách lìa của hình tướng và tánh Không, hay lòng bi mẫn và trí tuệ không ưu phiền. Người nam tượng trưng cho hình tướng, và người nữ tượng trưng cho tánh Không. Ta phải nhận ra là hình tướng và tánh Không thì không thể tách lìa, là một phương pháp thâm sâu và hữu hiệu để trực tiếp tiệt trừ sự tham muốn tính dục. Vì thế những nhân vật trong sự hợp nhất không miêu tả hoạt động tính dục của sinh tử.
Một số Bổn Tôn xuất hiện trong một hình tướng hung dữ, phẫn nộ. Điều này không có nghĩa là vị Bổn Tôn có bản tánh giận dữ. Đúng hơn, điều này cho thấy sự lầm lạc của giận dữ đã bị tiêu diệt và nhổ bật gốc một cách mạnh mẽ. Những món trang sức bằng xương của Bổn Tôn tượng trưng cho sự vô thường và tâm từ bỏ (xả ly) sinh tử. Tương tự như thế, khi ta thấy một Bổn Tôn với vương miện có năm đầu nhọn, điều này cho thấy là bạn nên khát khao thể nhập điều mà vương miện biểu thị: năm bộ Phật, hiện thân của năm trí tuệ là kết quả của việc tịnh hóa năm loại cảm xúc phiền não.
Những món trang sức khác của Bổn Tôn cũng có ý nghĩa. Hai hoa tai tượng trưng cho hai chân lý tương đối và tuyệt đối. Ba chuỗi hạt tượng trưng cho ba thân của một vị Phật. Các vòng tay, giải đeo tay, nhẫn và chuỗi mắt cá chân tượng trưng sáu toàn thiện (sáu ba la mật). Ngoài ra, tòa ngồi của các Bổn Tôn cũng có ý nghĩa. Tòa ngọc báu tượng trưng sự quý báu của mọi phẩm tính tuyệt hảo. Tòa sư tử tượng trưng cho sự không sợ hãi (vô úy). Tòa sen tượng trưng cho tính chất thuần tịnh của trí tuệ và lòng bi mẫn không bị bùn lầy của sự che chướng vấy bẩn. Đĩa mặt trời tượng trưng cho tính chất sáng tỏ của trí tuệ xua tan bóng tối vô minh. Đĩa mặt trăng tương trưng cho sự mát mẻ của tâm bi mẫn, thoát khỏi sự nóng bức của tham luyến và thù ghét. Việc an tọa trong tòa kim cương biểu thị rằng vị Bổn Tôn không an trụ trong sinh tử hay niết bàn. Nói chung, các hình ảnh miêu tả những phẩm tính đầy đủ, toàn hảo của một vị Phật. Ta nên nỗ lực kinh nghiệm và thể nhập những phẩm tính mà chúng tượng trưng.
Giải thoát, hay giết người bằng những lời nguyền và huyền thuật, cũng được đề cập trong các Mật điển. Loại giải thoát này không làm hại mạng sống của chúng sinh, mà đúng hơn giải thoát họ khỏi sự mê lầm của sinh tử, khiến họ đạt được giác ngộ. Nhưng chỉ có những Bồ Tát chứng ngộ cao cấp, là những vị đã thành tựu trong thực hành thiền định và đạt được địa (quả vị) thứ tám hay hơn nữa, được gọi là “những địa thanh tịnh,” mới có thể làm được điều này. Đạo sư Ấn Độ vĩ đại Tilopa là một gương mẫu của một Bồ Tát như thế. Ngài có biệt danh là “Người bắt cá” bởi ngài luôn luôn đánh bắt rồi ăn cá. Tuy nhiên, ngài không bắt cá do bởi lầm lạc hay thèm muốn cá, mà bởi lòng đại bi và nội quán trực giác. Tất cả những con cá này đều được giải thoát; chúng không còn lang thang trong sinh tử. Tuy nhiên, việc thực hiện những thực hành như thế một cách máy móc không nhất thiết biểu thị một thực hành chính thống và chân thực. Bạn phải là một nhân chứng chân thành của chính bạn để quyết định xem bạn có sự chứng ngộ để làm điều này hay không.
Từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc, mọi Giáo pháp và thực hành là để tịnh hóa những che chướng hiển nhiên và vi tế trong tâm thức. Đôi khi, do bởi những mê lầm, các hành giả không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của những việc như hợp nhất và giải thoát. Thay vì được tịnh hóa bằng việc thực hành Pháp, tâm họ càng lúc càng trở nên thô nặng, tệ hại hơn với những tư tưởng bất thiện. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Bởi ta không hoàn toàn thấu hiểu Pháp, ta có thể tự lừa dối mình về việc tâm ta có trở nên sáng tỏ hơn không. Điều quan trọng là phải biết làm thế nào để cẩn trọng và trung thực đối với chính mình.
Bao giờ ta còn có những tư tưởng bất thiện như tham luyến hay giận dữ, thì tự những tư tưởng này là một nguyên nhân của đau khổ. Ta đừng bao giờ làm điều bất thiện, đặc biệt là trong việc nhân danh Giáo Pháp. Ở trong sinh tử là mê lầm lắm rồi, ta không cần sử dụng Pháp để tạo mê lầm thêm nữa. Điều tối quan trọng là trì giữ Giáo Pháp càng thanh tịnh càng tốt. Nếu ta không thể thực hành Pháp một cách đúng đắn, ta nên nói: “Tôi không thể làm điều đó.” Điều đó không làm tổn hại hay suy giảm Giáo pháp. Hãy tôn kính Giáo pháp; đó là cách thức duy nhất để tịnh hóa những tư tưởng và hành vi bất thiện của ta.
Ta phải làm gì để đạt được thị kiến thanh tịnh? Trước hết, ta nên tránh mọi điều bất thiện, và sau đó hãy phát triển mọi đức hạnh. Ngay từ lúc đầu, điều này sẽ bắt đầu để làm tâm ta thanh tịnh. Bằng cách tịnh hóa tâm ta, ta sẽ thành tựu thị kiến thanh tịnh. Kế đó, trong Đại thừa, có những giáo lý chi tiết về lòng từ, bi, và Bồ đề tâm. Việc tịnh hóa những tư tưởng bất thiện bằng cách sử dụng những phương pháp này là cội gốc của việc thành tựu thị kiến thanh tịnh cho tất cả chúng sinh. Trên nền tảng của những thực hành này, Kim cương thừa đem lại cơ hội để thấy tất cả chúng sinh là những Bổn Tôn. Không có một ý thức thanh tịnh và chân thành về lòng từ và bi, làm thế nào ta có thể quán tưởng kẻ thù của ta như Bổn Tôn hay Đức Phật? Khi ta có thể thấy mọi người như một Bổn Tôn, làm thế nào giận dữ và tham luyến có thể sinh khởi? Khi tham luyến và giận dữ được tịnh hóa, thì đó là thị kiến thanh tịnh. Sự phát triển từng bước đó là mối quan tâm chính yếu trong việc thực hành của ta.
~ Trích “MỘT HƯỚNG DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT PHÁP”, Khenchen Konchog Gyaltshen