LỜI TỰABản dịch Hán Văn Bồ Tát Giới là cương lĩnh của vạn hạnh, kho tàng của phước đức, bậc thang lên quả Phật, đường Chánh đến Niết bàn. Từ khi Đấng Đại Giác ứng thế, khai thị pháp môn tự lợi lợi tha, xiển dương giáo pháp Hiển thừa, Mật thừa, đưa chúng sinh lên Thập địa, độ hữu tình ra ba cõi, phương tiện tuy vô lượng vô biên, nhưng không có phương tiện nào mà không
dùng giới luật làm thuyền bè, lấy thi la làm bờ bến. Tu giới hạnh nên nghiệp ác diệt trừ, tự thành thục mà chúng sinh lợi ích. Chí cực thay Giới độ! Hành địa của Bồ tát còn có chỗ vượt ngoài phạm vi này chăng? Đáng buồn thay, đời mạt pháp suy, giới luật không còn ai giảng giải! Chỉ trì, tác trì mất đi chánh quỹ, tu tập, phụng hành oai lệch hành nghi. Muốn vượt biển khổ mà không nghiêm trì giới đức, thì cũng giống như voi cuồng đi lạc đường tà. Đạo pháp mịt mờ, âu cũng là nỗi lo của Bồ tát vậy!
May thay, Bậc Thượng sư của chúng ta, Thánh Tsong Kha Pa, Bậc trí tuệ khai ngộ siêu việt hơn đời, Đấng giới đức uy nghiêm vượt xa thế tục, xuất sinh ở Cam Ninh, trưởng thành tại Tây Tạng, học nhiều hiểu rộng, thâm nhập Thánh giáo, hoằng dương Chân Thừa, quang hiển Chánh Pháp. Mở đường đạt đạo cho ba loại căn cơ, bày sự thâm sâu của Hiển giáo, Mật giáo. Đây chính là
đắp đường phẳng đến Niết bàn, chấn uy phong cho giới luật. Ngài đã tham khảo luật tạng mà tạo nên bộ luận này, thống nhiếp vạn hạnh thành ba tụ, bao quát ức độ vào chín loại. Chỗ xả bỏ, tức là mười tám tội tha thắng, bốn mươi lăm tội vi phạm, chỗ giữ lấy, tức là giới biệt giải thoát của bảy chúng, cùng các học xứ lục độ, tứ nhiếp, lại còn thâu nhiếp bổn nghĩa của các bộ luận
Du Già, Học Tập, dung hợp ý thú của các ngài Long Thọ, Vô Trước, y cứ rộng rãi vào các sớ giải của kinh luận để xiển minh hành tướng giới luật, nghi quỹ thọ giới, cùng hành tướng của sự phòng hộ tịnh giới.
Hai thừa Hiển, Mật, xả bỏ giới luật thì không còn là con đường đạo mà Bồ tát ba đời đều phải học tập. Đây quả thực là
Thuyền Từ trong việc độ thế, Diệu Phẩm cho sự xuất ly. Hương Danh, lúc ở cố đô học pháp, từng nghe vị Thượng sư họ Tân nói: “Bộ luận này, ý chỉ sâu xa, nghĩa lý tinh xác. Người tại gia, xuất gia học tập Phật pháp ở Tây Tạng, bất luận Hiển giáo hay Mật giáo, không ai mà không nghiên cứu, dùng đây làm pháp thức cho sự tu hành.”
Hôm nay, nhân cơ duyên thành lập Bồ Đề Học Hội, với tông chỉ hoằng truyền Phật pháp, Hương Danh bèn đem quyển luận này trưng bày trước đại chúng, nguyện ý phiên dịch, mọi người trong hội nghe qua đều nhiệt liệt tán đồng, nhân đây, vào tháng tám năm Giáp tuất (1934) thiết lập Dịch Kinh Xứ, ủy nhiệm Hương Danh chủ quản sự việc này. Hương Danh đã cung cẩn y vào bản Tạng văn của chùa Tung Chúc ở Bắc Kinh san hành mà phiên dịch. Khi gặp ý nghĩa khó hiểu thì đến nhờ sự chỉ giáo của vị Đạo sư của Bồ Đề Học Hội là Thượng sư Vinh Tăng, qua sự thông dịch của ông Ngô Kiếm Quân, hơn nữa, lại còn được ông Cao Quán Như giúp đỡ hiệu đính lời văn. Đến tháng tư năm sau, Ất hợi (1935) thì phiên dịch hoàn tất.
Hương Danh, học thức thô thiển, chưa thể hiểu thấu ý nghĩa sâu xa khó dò, e rằng bản dịch mất đi phần nào ý nghĩa chân thực. Nguyện các bậc cao đức Phật giáo, từ bi chỉ chánh những chỗ sai lầm, làm sáng tỏ những nơi tăm tối.
Xin nguyện Tam Bảo gia hộ, chứng minh lòng thành của con, khiến cho Diệu Pháp được phổ cập, để mọi người đều được
ngồi trên thuyền Giới Luật, đến thẳng nơi Phật Địa. Tiết Mạnh Hạ, Dân Quốc năm Ất Hợi (1935), Thang Hương Danh kính ghi ở Thượng Hải Dịch Kinh Xứ.
Trích đoạn từ: “Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận”. Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_BO-DE-CHANH-DAO-BO_ssqdqsl_xem-PDF_tuequang.html