Ba Gốc và Các Hộ Pháp
Ba đối tượng thông thường của sự quy y là Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng đoàn. Trong bối cảnh của Mật điển, ta cũng có những đối tượng quy y phi thường, Ba Gốc (Tam Căn): Lama (Đạo sư), yidam (Bổn Tôn) và dakini.
Trước hết, lama ám chỉ Đạo sư gốc (bổn sư) của ta, và bậc vô cùng tôn quý. Đạo sư gốc biểu lộ cho ta thiện tâm vô cùng quý báu, thiện tâm đó thậm chí còn to lớn hơn thiện tâm của Đức Phật. Đó là bởi Đức Phật đã nhập niết bàn, ta không có may mắn để gặp và diện kiến Ngài, nhưng ta có thể gặp được các vị Thầy tâm linh và Đạo sư gốc của ta. Chính Đạo sư gốc truyền đạt cho ta mọi ý nghĩa của lời Phật dạy, và đặc biệt là trong bối cảnh của Mật thừa, chính Đạo sư ban truyền quán đảnh cho ta, cho ta những sự truyền dạy, và giảng nghĩa Mật điển và biểu thị các giáo huấn cốt tủy phi thường. Các phương pháp của Mật thừa vô cùng sâu xa bởi chính nhờ thọ nhận quán đảnh và sự giảng nghĩa các Kinh điển, và nhờ nhận lãnh những giáo huấn cốt tủy mà chứng ngộ chân chính có thể sinh khởi trong dòng tâm thức của ta. Những điều đó xảy ra là nhờ thiện tâm của Đạo sư gốc của ta.
Đạo sư cũng ở trong dòng truyền thừa, vì thế nhờ thiện tâm của Đạo sư gốc mà sự tương tục không đứt đoạn của dòng truyền từ thời Đức Phật cho tới Đạo sư trong hiện tại vẫn còn nguyên vẹn. Việc ta cũng có thể nhận lãnh trao truyền của dòng truyền thừa đó chính là biểu lộ thiện tâm to lớn phi thường của Đạo sư gốc theo một phương cách khác. Cũng chính nhờ thiện tâm của Đạo sư mà ta đi vào con đường Giáo pháp siêu việt vào lúc bắt đầu, và sự tiến bộ của ta theo con đường hoàn toàn viên mãn thì tùy thuộc vào lòng tốt của vị Thầy, bởi ngài chỉ cho ta những gì nên làm và những gì nên tránh. Chính nhờ tuân theo những lời chỉ dạy của ngài mà ta có thể tiến bộ hơn nữa trên con đường, và phát triển những phẩm tính và chứng ngộ tới một mức độ to lớn hơn, cho đến khi cuối cùng ta đạt được trạng thái giải thoát và giác ngộ. Để đạt được trạng thái giải thoát và toàn trí, ta cần được dẫn dắt bằng một phương cách hoàn toàn thích hợp cho những người như chúng ta, bằng một phương pháp thích hợp với khuynh hướng của ta. Nhờ thiện tâm to lớn của ngài, Đạo sư gốc có thể tìm ra những phương pháp thích đáng và phù hợp với khuynh hướng của từng đệ tử.
Cội gốc thứ hai trong Ba Gốc là Bổn Tôn yidam. Yidam là một Bổn Tôn của trí tuệ nguyên sơ xứng đáng để nương tựa. Khi ta thực hành Bổn Tôn yidam, ta nối kết với sự thuần tịnh bẩm sinh, những phẩm tính của tâm giác ngộ, bởi biểu lộ thuần tịnh của Bổn Tôn yidam là hiện thân của mọi phẩm tính của Phật quả. Có nhiều Bổn Tôn khác nhau là hiện thân của Phật quả; tất cả các ngài là những hóa hiện nirmanakaya (Hóa Thân) của trạng thái giác ngộ hoàn toàn viên mãn. Có những Bổn Tôn an bình và phẫn nộ; ta có thể thực hành Tara hay Quán Thế Âm, hay Bổn Tôn khác như Bổn Tôn yidam của ta. Trong truyền thống Mật thừa, có nhiều người hiến dâng toàn bộ đời mình cho việc thực hành Bổn Tôn, và nhờ sử dụng toàn bộ cuộc đời để thực hành yidam của mình, họ đã đạt được những thành tựu thông thường và phi thường. Ngoài ra, cũng có nhiều người, bằng cách thực hành giống như Bổn Tôn thực sự là, với cái thấy hoàn toàn viên mãn và không sai lạc, đã thực sự chuyển hóa thành Bổn Tôn. Bản chất của hành giả thực sự trở thành bản chất hoàn toàn viên mãn của Bổn Tôn.
Cội gốc thứ ba là dakini, hay khandro trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa đen là “người du hành trong không gian,” biểu thị một bậc nhờ năng lực thiền định và những biểu lộ kỳ diệu đã có thể du hành qua không gian mà không bị ngăn ngại. Có ba loại dakini: các dakini Phật hoàn toàn giác ngộ, là các dakini trí tuệ nguyên sơ; các dakini tôn quý là những vị mặc dù chưa đạt đến cấp độ hoàn toàn giác ngộ vô song nhưng đang ở những cấp độ rất cao của con đường; và những dakini có những hảo tướng chính và phụ.
Các dakini trí tuệ như Vajravarahi và Naro Kachoma, hai phương diện của Vajrayogini, là những vị Phật toàn giác và những Bổn Tôn yidam. Chẳng hạn như Vajravarahi và Naro Kachoma thuộc về Mật điển Du già Tối thượng, và trong ba loại Du già Tối thượng – cha, mẹ và bất nhị - các ngài thuộc về Mật điển mẹ. Khi một hành giả hay yogi thực hành Bổn Tôn trong khi quy y (nương tựa) nơi dakini, khi ấy dakini hoàn toàn giác ngộ hay đồng-xuất hiện, chẳng hạn như Vajrayogini, sẽ lưu giữ hành giả đó trong tâm ngài. Vị dakini chấp nhận và chăm sóc hành giả đó, trợ giúp hành giả trên con đường dẫn tới giác ngộ và Phật quả. Điều này thường xảy ra khi hành giả đến rất gần với sự giác ngộ.
Cũng có các dakini hành giả, những yogini (nữ hành giả) trên con đường Mật thừa và đã đạt đến một cấp độ rất cao. Hầu hết đã đạt được quả vị Bồ Tát, vì thế các ngài là những hiện thể tôn quý. Loại dakini thứ ba là những hiện thể bình thường không đạt được những trạng thái chứng ngộ cao cấp nhưng có những tướng chính và phụ cao quý của một dakini. Mặc dù không chứng ngộ cao cấp, vị này có những biểu hiện cho thấy ngài đã thoát khỏi lỗi lầm của những phụ nữ bình thường và có những phẩm tính và tính chất đặc biệt.
Ba Gốc là những đối tượng quy y vô cùng quan trọng đối với các hành giả Kim Cương thừa, Mật thừa. Ta không ngừng nói về tầm quan trọng của Tam Bảo như những đối tượng quy y, và trong bối cảnh của Mật thừa, Ba Gốc (Tam Căn) cũng quan trọng tương tự như thế. Đây là giải thích thông thường về Ba Gốc như nó được hiểu trong bối cảnh của Mật thừa.
Cũng cần phải giải thích một chút về những vị Hộ Pháp, dharmapala. Những Hộ Pháp này cũng là những đối tượng quy y quan trọng đối với những người thường xuyên thực hành Pháp. Các Hộ Pháp dấn mình vào hoạt động để bảo vệ Phật Pháp.
Có những loại Hộ Pháp khác nhau, nhưng tất cả các ngài đều xua tan các chướng ngại và trở lực, và tất cả những gì có thể gây tổn hại cho Phật pháp.
Một số Hộ Pháp được các đấng giác ngộ điều phục và sau đó đã lập các hứa nguyện bảo vệ hành giả và Phật pháp. Có nhiều câu chuyện về điều này đã xảy ra trong cuộc đời của Guru Rinpoche. Các Hộ Pháp giúp hành giả tránh được các chướng ngại, và trợ giúp để chứng ngộ của họ phát triển hơn nữa; và nói chung, các ngài bảo vệ mọi phương diện của Phật pháp. Hộ Pháp là những bậc siêu việt, siêu phàm, đã đạt được sự toàn giác và dòng tâm thức của các ngài đã hoàn toàn được giải thoát. Những vị khác chưa đạt được giải thoát, vẫn còn là phàm phu, nhưng các ngài yêu quý đức hạnh và Giáo pháp tốt lành, vì thế các ngài cũng giúp bảo vệ Giáo pháp và các hành giả của Phật pháp. Mahakala và Achi là những khuôn mẫu của các hiện thể trí tuệ hoàn toàn giác ngộ là các Hộ Pháp, và Nechung, hay Gyalpo Pehar, là những vị chưa đạt được trạng thái giác ngộ nhưng vẫn là một Hộ Pháp. Cũng có những vị bảo hộ thế tục và các vị thần địa phương giúp đỡ hành giả trên con đường dẫn tới giác ngộ.
Cách thức các Hộ Pháp làm việc để làm lợi lạc cho Pháp và giúp đỡ các hành giả thì rất kỳ lạ. Ngay cả trong thời hiện đại, có nhiều ví dụ về những vị Thầy vĩ đại và các vị hộ trì dòng truyền thừa đã được các vị Hộ Pháp giúp đỡ một cách hiển nhiên. Trong trường hợp dòng truyền thừa của chúng ta, vị bảo hộ Achi Chokyi Drolma đã thực sự hiển lộ sự giúp đỡ cho vị hộ trì dòng truyền thừa của chúng ta, Đức Kyabgon Chetsang Rinpoche. Vào khoảng năm 1959, khi người Trung quốc xâm lăng Tây Tạng, Đức Chetsang Rinpoche còn rất trẻ và ngài hoàn toàn cô độc; cha mẹ ngài đã đào thoát sang Ấn Độ. Ngài không có một vị Giáo thọ, và ngài được đưa vào một trường học Trung quốc. Ngài quá trẻ nên có thể dễ bị tẩy não, nhưng bởi ngài có sự hỗ trợ của Achi Chokyi Drolma, dần dần ngài tin chắc là ngài phải rời khỏi Tây Tạng. Ngài nhận một tiên tri từ Achi, nói rằng ngài phải đi, và sẽ phải đi một mình. Vào lúc đó, đối với ngài thì thật là điên khùng khi toan tính một chuyến du hành như thế; nó vô cùng nguy hiểm bởi không ai được phép đi lại ngay cả từ một làng này sang làng khác trong địa phương. Không ai được phép du hành, cho dù chỉ đi đâu đó trong vòng 15 dặm. Ngài đã phải vượt qua rặng Himalaya để đào thoát khỏi Tây Tạng, và Achi đã chỉ đường cho ngài khi ngài vượt qua rặng Himalaya một mình bằng chân. Điều này cho thấy các Hộ Pháp vô cùng mạnh mẽ trong việc trợ giúp dòng truyền thừa. Có nhiều ví dụ và câu chuyện khác về các hành giả và Lama đã nhận được sự giúp đỡ của các Hộ Pháp. Do bởi nghiệp nên dĩ nhiên vẫn còn một vài chướng ngại không thể ngăn ngừa hay đảo ngược lại. Trong những trường hợp này các Hộ Pháp không thể làm bất kỳ điều gì để ngăn ngừa các chướng ngại, nhưng các ngài luôn luôn làm như thế khi có thể. Các Bổn Tôn (các vị thần) địa phương, hay các vị thần đất, không giác ngộ, là chúng sinh bình thường, nhưng là điều tốt lành khi ta cũng tôn kính, cúng dường họ và duy trì một mối liên hệ tích cực với họ. Họ có thể giúp xua tan một vài chướng ngại thế tục, tạo nên sự hòa hợp trong vùng đất, và bảo đảm là trời đổ mưa đúng thời và mùa màng trù phú. Nhưng còn việc thực sự giúp đỡ trên con đường dẫn đến giải thoát và giác ngộ thì ta không thể tin cậy ở họ. Họ vẫn là những vị thần thế tục, vì thế họ không là những đối tượng thích hợp của sự quy y. Dù cần phải tôn kính họ và có một mối liên hệ tốt đẹp với họ, và đôi khi cúng dường họ, việc nương tựa họ như ta nương tựa Tam Bảo thì không thích đáng. Ta không nên quy y họ, bởi các chúng sinh thế tục đó không thoát khỏi sinh tử. Họ không siêu vượt đau khổ, vì thế làm sao chúng ta – là những người cũng vướng kẹt trong luân hồi sinh tử - lại có thể nương tựa họ như một sự hỗ trợ đích thực, nếu bản thân họ không giải thoát?
Đây là một giải thích ngắn gọn về Tam Bảo Không Thông thường, hay Ba Đối tượng Quy y Phi thường: lama (Đạo sư), yidam và dakini. Đạo sư gốc biểu thị cho ta thiện tâm to lớn khi ngài truyền dạy ý nghĩa và các phương pháp của Giáo pháp siêu việt và làm người hỗ trợ và dẫn dắt ta trên con đường. Bổn Tôn yidam là một hiển lộ thuần tịnh của trí tuệ nguyên sơ hiện thân mọi phẩm tính của Phật quả, và nhờ nương tựa yidam, ta có thể nối kết vối sự thuần tịnh bẩm sinh của các phẩm tính của tâm giác ngộ. Và ba loại dakini – dakini trí tuệ, dakini hành giả, và dakini chúng sinh bình thường – dẫn dắt các hành giả tràn đầy nhiệt tâm trên con đường dẫn đến giác ngộ.
~ Trích “TU HỌC PHẬT PHÁP”, Khenpo Samdup