BA NGUYÊN TẮC THIÊNG LIÊNG
Ba điểm tiếp theo được Patrul Rinpoche dạy là ba nguyên tắc thiêng liêng. Khi bạn làm bất cứ điều gì, hay thực hành bất cứ pháp nào, luôn luôn phải khởi đầu bằng động cơ làm lợi ích cho chúng sinh. Khi ta nói đến lợi ích thì không có nghĩa là sự giúp đỡ thông thường, như cho thực phẩm hay các sự hỗ trợ thông thường, mà còn phải có tâm nguyện làm giác ngộ hết thảy chúng sinh. Nguyên tắc đầu tiên này cực kỳ quan trọng vì thiếu nó các hoạt động của ta sẽ trở thành vị kỷ; nó sẽ chỉ là một dạng khác của hoạt động ích kỷ của ta. Vì lý do đó, chúng ta cần phải luôn suy nghĩ, “Tôi sẽ thực hành vì lợi ích của mọi chúng sinh”.
Ngay cả việc đơn giản như thắp một ngọn đèn, hãy luôn bắt đầu bằng bồ đề tâm. Sự chiếu sáng của ngọn đèn đơn giản là sẽ làm căn phòng trở thành đẹp đẽ, đó là ý nghĩ thông thường. Theo cách của Tiểu thừa thì làm điều đó để tích lũy công đức và nghĩ rằng như vậy sẽ xóa bỏ được luân hồi. Còn theo cách của Đại thừa thì khi thắp ngọn lửa, ta nghĩ “Nhờ công đức này nguyện cho tất cả chúng sinh đạt được giác ngộ”. Theo cách của Mật tông, ngoài những điểm trên cần nghĩ rằng, “Đây không phải là ngọn đèn thông thường. Đây là ngọn đèn trí tuệ, soi sáng cho tất cả chúng sinh. Khi ánh sáng chiếu rọi, nguyện vạn vật sẽ trở thành các bổn tôn và mandala!”.
Trong khi thực hành bất kỳ thiện hạnh nào, hoặc khi thực hành các pháp sơ khởi, bạn cũng phải nhớ rằng, bất kỳ điều gì bạn làm thì đều là sự phô diễn của tâm. Đây là nguyên tắc thiêng liêng thứ hai, mà ta gọi là thực hành tính bất nhị. Bạn cần thường xuyên khẳng định lại với mình điều này bằng ý nghĩ “Tâm tôi đang làm điều này. Đơn giản là tôi đang tô vẽ ra nó. Không có gì ở đây là thực sự tồn tại cả.”
Giả dụ như bạn đang lễ lạy. Trong đúng lúc đang lễ lạy, bạn có thể nghĩ: “Có vẻ như “Tôi” đây đang lễ lạy. “Tôi” có cảm giác rằng “Tôi” đang cảm nhận chút đau đớn, nhưng thực ra toàn bộ điều này chỉ là trong tâm trí tôi!”. Vì điều này sẽ làm giảm thiểu các bám chấp có thể có vào việc thực hành pháp, cho nên lợi ích của những suy tư như vậy là rất lớn. Điều đó cũng sẽ trực tiếp đối trị với tính kiêu mạn và bản ngã. Pháp được sử dụng để đối trị với bản ngã của chúng ta, nhưng nó cũng có thể làm gia tăng bản ngã nếu ta nghĩ rằng, mình là ‘một hành giả cừ khôi’. Do đó, mỗi khi thực hành bạn phải luôn cố gắng nhận diện được rằng, mọi sự xảy ra đều là từ trong tâm trí mình. Khi đó bạn có thể nghi hoặc, “Nếu đây đều chỉ là do tâm tôi, vậy có nghĩa là chẳng có chút công đức nào?” Thậm chí ngay cả nhận xét ‘Đó là công đức’ và ‘Đó chẳng là công đức’ cũng là sự diễn giải của tâm trí.
Nguyên tắc cuối cùng, khi kết thúc thực hành, chúng ta luôn phải hồi hướng công đức. Công đức mà ta tích tập được không giữ cho riêng ta. Thay vào đó, chúng ta hồi hướng nó cho tất cả chúng sinh. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể hồi hướng công đức ngay khi bạn tích lũy được nó. Không cần phải đợi đến cuối buổi thực hành. Thậm chí bạn có thể hồi hướng công đức bạn tích lũy được mà đã quên không hồi hướng trong tất cả các kiếp sống trước đây của mình. Bạn có thể nói: “Con hồi hướng những công đức mà con đã tích lũy được, đã hiểu rõ, thấy rõ. Con cũng hồi hướng tất cả những công đức trong quá khứ mà con không nhận thức rõ, không nhìn thấy, và tất cả những công đức mà con sẽ tạo ra trong tương lai.” Tất cả các công đức này đều có thể được hồi hướng. Đó là ba điều mà chúng ta gọi là “ba nguyên tắc thiêng liêng”.
~ Trích “NHỮNG LỜI DẠY VỀ PHÁP TU NGONDRO DÒNG LONGCHEN NYINGTHIK”, Dzongsar Khyentse Rinpoche