Bản ngã là một ảo giác, vì mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều vô thường
Trong tư tưởng phương Tây, “bản ngã” thường mang nghĩa cá nhân hay ý thức bản ngã về “tôi, là tôi và của tôi”. Đạo Phật bao gồm ý nghĩa bản ngã này đồng thời cũng hiểu “bản ngã” là bất cứ hiện tượng hay đối tượng nào - tất cả mọi sự vật - mà chúng ta bám chấp như thể là một thực thể đang hiện hữu thực sự. Đó có thể là bản ngã của người khác, bản ngã của cái bàn, của đồng tiền hay bản ngã của một ý niệm.
Nếu chúng ta bám chấp vào những sự vật đó, chúng ta đang kinh nghiệm chúng theo cách nhị nguyên, như một chủ thể bám chấp một đối tượng. Bấy giờ tâm trí bắt đầu phân biệt, chia tách và dán nhãn sự vật như ý niệm rằng “tôi” thích “cái này”, hay “tôi” không thích “cái này”... Chúng ta nghĩ “cái này” đẹp, vậy là trói buộc đến; hay “cái kia” không đẹp, thế là đau khổ đến. Chúng ta khao khát những gì mình không có hoặc cảm thấy buồn rầu khi mất chúng. Khi tâm thức chúng ta càng nắm siết hơn, ta càng cảm thấy gia tăng kích thích hay đau khổ và đây là chu trình đau khổ.
Với tâm “tương đối” hay tâm phàm tục, chúng ta chấp ngã như thể nó vững chắc và có thực. Tuy nhiên, bản ngã là một ảo giác, vì mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều tạm thời, thay đổi và diệt mất. Tâm phàm tục của chúng ta nghĩ bản ngã như là một cái gì đó thực sự hiện hữu như một thực thể độc lập. Nhưng trong quan điểm đạo Phật, bản ngã không thực sự hiện hữu. Nó không cố định hoặc là một cái gì bền vững, mà chỉ là một mệnh danh, được dán nhãn bởi tâm. Bản ngã cũng không là một thực thể độc lập. Trong quan điểm Phật giáo, mọi pháp vận hành tùy thuộc lẫn nhau, bởi thế không có gì thực sự có một phẩm chất hay bản tính độc lập.
~ Trích “Năng Lực Chữa Lành của Tâm Bi Mẫn”, Tulku Thondup