BẰNG CÁCH NÀO ĐỂ THEO MỘT THƯỢNG SƯ CHÂN CHÍNH
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị
Sau nhiều thiện xảo công phu tìm được Căn bản Thượng sư cho mình thì điều quan trọng là bạn phải thực sự vâng theo Ngài. Tương tự như đi tìm việc làm, khi đã tìm được một công việc cụ thể, bạn phải thực hiện theo những quy định của công việc và phải biết được giá trị và tầm quan trọng của công việc đó. Điều này giống như khi vâng theo một Thượng sư với tâm thành kính chí thành.
Chúng ta hãy bàn một vài khía cạnh về chữ “vâng theo.” Mỗi đệ tử đều có căn cơ khác nhau. Một vài đệ tử có thể thực hành theo Thân giác ngộ của Thượng sư, một số khác có thể theo Tâm giác ngộ của Ngài, một số khác nữa lại theo Ngữ giác ngộ và một số có thể tuân theo cả ba khía cạnh trên cùng một lúc. Việc tuân theo thân giác ngộ của Thượng sư không có ý nghĩa thâm sâu nếu như bạn chỉ muốn một người đồng hành. Trừ khi đã đạt được mức độ tu tập cao cấp do thiện căn huân tập từ nhiều đời trước, việc bạn gắng sức thực hành theo tâm giác ngộ của Ngài mà không tuân theo thân và khẩu thì chẳng khác nào một vận động viên bơi lội bị mù.
Tuân theo ngữ giác ngộ của Thượng sư là một cách chân chính, vì chỉ nương vào những giáo lý mà Ngài truyền trao mới đưa bạn tới con đường đạo chân chính. Bạn sẽ biết làm thế nào để tuân theo các Ngài trong những khóa thực hành. Ngữ giác ngộ của Ngài phát ra từ cả tâm và thân. Bởi vậy, nếu bạn là một đệ tử chân chính của Thượng sư thì bạn nên đồng thời tuân theo cả thân, ngữ và tâm của Ngài. Hàng đệ tử phàm phu như chúng ta sẽ nhận được rất nhiều lợi ích khi được lân mẫn bậc Thượng sư chân chính, bởi tấm gương và những phẩm hạnh từ Ngài là sự sách tấn và nguồn cảm hứng lớn lao với chúng ta. Bởi vậy, nếu đã có thiện duyên được ân hưởng sự khích lệ này thì việc tuân theo thân giác ngộ của Thượng sư là hoàn toàn không vô nghĩa chút nào. Điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển nội chứng nơi bạn ở mức độ cao hơn những gì bạn có thể tìm học được trong các giáo lý bên ngoài.
Một Thượng sư thiện xảo luôn có những cách thức khác nhau để truyền trao giáo pháp. Giáo pháp không chỉ là khẩu truyền mà còn có thể được truyền trao thông qua sự hiện diện của thân cũng như tâm của Thượng sư. Vì thế, người đệ tử không chỉ theo ngữ giác ngộ của Thầy, trừ khi anh ta là một người không bình thường, không có khả năng học theo những hình thức khác của giáo pháp. Thật đáng buồn là hầu hết chúng ta rơi vào trường hợp này. Xét về phẩm chất, chúng ta nên tinh tiến tu tập theo lời dạy của bậc Thượng sư chân chính. Giống như thuốc, nếu bạn bị ốm thì điều quan trọng nhất chính là dựa vào thuốc chứ không phải dựa vào bác sĩ. Tuy nhiên, thứ thuốc mà bạn đang dùng lại phụ thuộc vào sự kê toa của bác sĩ. Tương tự như vậy, giáo pháp mà bạn cần thực hành phụ thuộc vào Thượng sư, người đã chứng ngộ và thấu rõ căn cơ của bạn.
Nương theo trí tuệ của mình, Thượng sư ban cho đệ tử những gì họ cần
Thông thường, người ta tin rằng: Thượng sư nên ban cho đệ tử những gì mà nhu cầu tâm linh của cá nhân đó cần hay mong muốn. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng có một sự hiểu lầm về vấn đề này. Thật ra, Thượng sư nên ban cho đệ tử những gì họ cần dựa vào trí tuệ của Ngài. Ví như: một bệnh nhân có thể không thích những vị thuốc đắng mà chỉ thích vị ngọt, nhưng bác sĩ không thể đáp ứng được điều đó nếu ông ta thực sự muốn chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Mối liên hệ Thượng sư – đệ tử cũng tương tự như thế. Do vậy, tôi thường không khuyến khích đệ tử quá bám víu vào những gì mang lại cảm giác tích cực trong việc thực hành tâm linh.
Tình huống sau là một ví dụ tương tự: khi bạn đưa một đứa trẻ đến siêu thị và để cho đứa trẻ đó chọn bất kỳ cái gì nó muốn thì chắc chắn nó sẽ chọn tất cả những thứ không lợi ích như hàng núi kẹo, thậm chí cả những vật để trưng bày chứ không bán. Một số đệ tử mới cũng có những bám chấp tương tự – muốn nắm lấy những gì mà họ cảm thấy sẽ đáp ứng được sở thích cá nhân. Trong khi đó, những nguyên lý cốt tủy giáo pháp của Thượng sư chân chính phải luôn được thực hành một cách vô hại, với tâm từ bi vô điều kiện hướng về tất cả mọi người. Bởi vậy, chúng ta có thể nói rằng cách thức để theo Thượng sư chân chính là không làm hại bất kỳ chúng sinh nào và có lòng từ bi bình đẳng với tất cả hữu tình.
Đệ tử cần thực hành tất cả những gì được trao truyền từ Thượng sư
Một tình huống có thể xảy ra là khi Thượng sư yêu cầu đệ tử làm một vài thứ nhưng anh ta cảm thấy không thể làm được. Ví dụ như một đệ tử được yêu cầu nhảy xuống từ đỉnh núi. Trong trường hợp như vậy thì người đệ tử biết rằng anh ta không thể thực hiện được yêu cầu của bậc Thầy, vì điều đó vượt ngoài khả năng của mình. Khi đó, anh ta có quyền thỉnh lại với Thượng sư: “Con có thể không làm việc này được không?” Một Thượng sư chân chính sẽ thấu hiểu được tình huống này và miễn thứ cho đệ tử khỏi yêu cầu bắt buộc đó. Tuy nhiên, lời thỉnh cầu như vậy phải bắt nguồn từ một thái độ chân chính và thanh tịnh. Ngoài ra thì đệ tử nên thực hành mọi điều được truyền trao từ Thượng sư, bao gồm không chỉ những khẩu truyền mà cả những khai thị từ tâm của Thượng sư. Điều này được gọi là hợp nhất với tâm giác ngộ của Thượng sư. Một hành giả cao cấp có khả năng hợp nhất với tâm giác ngộ của Thượng sư như là kết quả tự nhiên của sự hợp nhất của tâm giác ngộ nơi Thượng sư với tâm của hành giả.
Bởi vậy, có thể kể ra những cấp độ kết quả khác nhau của việc tuân theo Thượng sư. Cấp độ thứ nhất, khắc sâu và quán tưởng hòa nhập với sự hiện diện của Thượng sư, ở cấp độ này hành giả sẽ được kết quả là liễu ngộ khía cạnh Hóa thân (1) của tâm giác ngộ. Ở cấp độ thứ hai, khi vâng theo giáo pháp của Thượng sư, hành giả sẽ được kết quả là nhận ra được khía cạnh Báo thân (2). Cao hơn nữa, tuân theo Thượng sư trong sự thực hành thiền định dựa vào tâm giác ngộ của Ngài, hành giả sẽ được kết quả là liễu ngộ được khía cạnh Pháp thân (3) của tâm giác ngộ. Bởi vậy, việc tuân theo bậc Thượng sư chân chính như ba cách trên đây là con đường thiện xảo của sự thực hành tâm linh.
Một số người muốn biết có thể theo nhiều Thượng sư hay không? Theo quan điểm của tôi thì họ có thể thoải mái làm việc đó nếu như các Thượng sư mà họ theo đều chân chính. Sự khai thị và hướng đạo của các Ngài sẽ tương tự như nhau, mặc dù về hình thức có thể khác một chút, bởi vì các Thượng sư tồn tại trong trạng thái hợp nhất hoàn hảo như nhau. Mặc dù vậy, hành giả nên luôn nhận ra khả năng của chính mình về việc nên hay không nên đi theo nhiều sự hướng đạo của các Thượng sư khác nhau. Việc này có dẫn tới sự rối loạn và bế tắc sau này hay không? Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải luôn sáng suốt lựa chọn.
(Nguồn: “How to follow the authentic Guru”, Tạp chí “The Dragon”, Số mùa đông 2003)
Chú thích
(1) Hóa thân: (Nirmanakaya): một trong Tam thân của Phật; là hóa thân mà chư Phật thị hiện để cứu độ mọi chúng sinh tới giải thoát.
(2) Báo thân: (Sambhogakaya) Một trong Tam thân của Phật; là thân hỷ lạc; thân tự thọ dụng niềm an lạc của Chân lý mà đức Phật đang hiện thân
(3) Pháp thân: (Dharmakaya): một trong Tam thân của Phật; thân chân thực; tự tính chân thật của Phật, là thực tại siêu việt và là Chân lý cứu kính
Nguồn: thuvienhoasen.org