Bồ Đề Tâm và Chân Tánh
Trên thế giới này, có hai hệ thống chủ yếu: hệ thống thế tục và hệ thống tâm linh. Hai hệ thống này cũng giống như hai con mắt và do đó, hiểu biết cả hai là điều cần thiết. Hiểu biết tinh túy của các hệ thống này là quan trọng. Một số người trên thế giới phản bác tất cả các chuyện tâm linh, họ chỉ tin vào tiến bộ khoa học. Điều này có phần sai lầm. Chúng ta thực sự cần khoa học nhưng đồng thời cũng không thể bỏ bê tâm thức của chúng ta. Và thậm chí trong những hệ thống tín ngưỡng khác nhau, cũng có sự bất đồng. Đối với thầy thì tất cả các tôn giáo đều là tốt và cần thiết. Thầy cũng rất thích khoa học. Thầy muốn mở to cả hai mắt.
Một người chỉ quan tâm đến kiếp sống này cũng giống như một người lang thang vô định trong sa mạc không lối, chẳng biết mình sẽ đi đâu. Một người thông hiểu nghiệp, nhân và quả cũng giống như một người đang bước đi trên đường, biết nơi mình sẽ đến và biết mình đang ở đâu nhưng người ấy vẫn phải vòng qua núi và đối diện với nhiều khó khăn khác. Một người có Bồ đề tâm cũng giống như một người đang di chuyển trên chiếu tàu hỏa. Tàu đưa người đi xuyên qua núi và không bị ngăn trở bởi bất kỳ chướng ngại nào trên đường. Người đó cũng đến đích nhanh hơn. Một người với tình yêu thương trong tim có thể dễ dàng cắt đứt dòng phiền não. Nếu một người có Bồ đề tâm thì người đó sẽ trở nên rất dũng mãnh trong việc hoàn thành các thiện hạnh to lớn, mang lại lợi lạc cho người khác. Vì tình yêu thương sẽ đoạn diệt sự chấp ngã nên trí huệ sẽ tự nhiên hiển lộ và như vậy, người đó sẽ biết không sai chệch cái cần nương theo và cái cần loại bỏ. Di chuyển trên tàu cũng giống như tu tập Bồ đề tâm tương đối. Khi sự chấp ngã đã giảm thiểu và ta thấy được bản tánh của tâm thì ta cũng thành tựu Bồ đề tâm tuyệt đối, tánh Không. Việc này cũng giống như đi trên phi cơ. Phi cơ bay trên những đám mây, những đám mây cũng giống như ý niệm và khoảng Không phía trên là Pháp giới. Phi cơ ‘Tuệ giác sáng láng’ bay xuyên qua Pháp giới mà không hề bị ngăn trở. Nó thấy toàn bộ thế giới, những đám mây bên dưới nhưng vì nó cưỡi mây nên không bị quấy nhiễu bởi mây, mưa và bão.
Tương tự vậy, khi ta nhận thức được bản tánh của tâm, ta sẽ không còn bị mây tham dục và sân hận chi phối về bất kỳ phương diện nào. Tuệ giác ở trên những đám mây đó. Vì Pháp giới cũng giống như không gian nên nó không thay đổi. Không gian không đến và đi, không gian luôn luôn là không gian. Nhận thức được điều này thì sẽ không còn sợ hãi cái chết; không gian không diệt mà cũng chẳng sinh. Các hiện tương luân hồi và niết bàn giống như mây; Chúng khởi sinh từng phút từng giây nhưng chúng vẫn là chúng – những hiện tượng hữu vi. Chúng là vô thường, phụ thuộc vào sự phân hoại, đến và đi. Di chuyển lên trên những đám mây này, ta sẽ không còn bám luyến thực tại phù phiếm của chúng và như vậy sẽ không còn bám luyến các niệm tham dục và sân hận. Thấy được bản tánh này, dù chỉ trong phút giây, chính là Đại Thủ Ấn. Đây không phải là cái gì mới mà con thu hoạch được [đây là cái vốn có]. Tuệ giác giống như lửa – thoạt đầu, nó giống như đốm lửa, về sau, nó giống như ngọn lửa sáng chói. Nhưng lửa luôn luôn là lửa. Không phải là con tạo ra một tâm thức vĩ đại mà con chưa hề có. Trông thấy nó chỉ trong phút chốc vẫn là trông thấy nó nhưng dĩ nhiên là phải luyện việc này thành thói quen. Chỉ khi nào chúng ta duy trì bản tánh này một cách liên tục thì chúng ta mới đạt được trạng thái đại hỉ lạc, nơi không còn bóng dáng khổ đau.
~ Trích “NHỮNG LỜI KHAI THỊ TỪ BẬC TÔN QUÝ”, Garchen Rinpoche