BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Tại ngôi làng nhỏ kia tên là Anwa, có một người phụ nữ rất hiền lương mộ đạo, bà hết lòng sùng kính Bồ Tát Địa Tạng. Vì nhà nghèo nên bà luôn luôn ao ước và thường cầu nguyện làm sao có được một pho tượng Bồ Tát Địa Tạng để thờ phụng trong nhà.
Một ngày nọ, trong lúc đang giặt giũ ở bờ sông trước cửa nhà, bà vớt được một pho tượng Địa Tạng bằng gỗ trôi chầm chậm và tấp vào chỗ mình đang đứng. Xiết đỗi vui mừng, bà vội vàng mang pho tượng về nhà, từ đó ngày hai buổi sớm tối công phu lễ lạy Ngài rất tôn nghiêm.
Do chưa có con, mỗi lần cúng dường lễ lạy bà không quên khấn vái với Bồ Tát Địa Tạng ban phước cho bà có một đứa con trai. Không bao lâu quả nhiên bà thụ thai và sanh được một đứa con trai mặt mũi khôi ngô sáng suốt. Nhưng bất hạnh thay, khi đứa bé tròn bốn tuổi thì người mẹ lâm bạo bệnh qua đời. Không bao lâu sau đó, người cha tục huyền với một người đàn bà khác trong làng. Người phụ nữ này lại là một người rất hung dữ và độc ác, đứa con chồng thường xuyên trở thành nạn nhân cho những cơn thịnh nộ của kế mẫu. Đứa trẻ ngay từ hồi nhỏ đã ảnh hưởng mẹ mình trong việc thờ cúng Bồ Tát Địa Tạng, nên khi mẹ nó mất đi cũng không hề quên thói quen nghi lễ này, tuy nhiên nó sợ dì ghẻ đánh chửi, nó đã làm trong âm thầm lén lút.
Một hôm, người cha có việc phải rời khỏi nhà đi ra Tỉnh lớn, nhân lúc dì ghẻ đang ngủ trưa, đứa bé vào bếp thấy được một ít cơm nguội, nó nhịn không ăn, vội vàng đem dâng cúng lên bàn thờ của Bồ Tát Địa Tạng và mẹ của mình. Quỳ trước bàn thờ, do nhịn nhục cam chịu và cô quạnh, lòng nhớ thương mẹ không nguôi đã khiến đứa con trẻ còn quá nhỏ dại, bật khóc lên nức nở. Tiếng khóc của đứa trẻ làm dì ghẻ tỉnh giấc, bà xông đi tìm và trông thấy nó đang quỳ lễ Phật và cúng lạy mẹ nó, bà nổi cơn lôi đình và trong khi điên tiết quá giận dữ, bà ta túm lấy thân hình ốm quắt bé nhỏ quẳng vào nồi cháo heo đang sôi sùng sục trên bếp lửa.
Lúc này, người cha đã đi một ngày đường bất giác cảm thấy ruột gan bồn chồn, nóng như thiêu đốt, ông không thể cất bước tiếp và như có điều gì giục giã ông phải quay trở về nhà. Đến đầu làng, trong màn sương đêm mờ, ông bỗng gặp một nhà sư, trên lưng cõng một đứa trẻ, giọng nó khóc sao đau đớn thảm thiết, tiếng khóc nghe rất quen thuộc. Không thể nghi ngờ gì nữa, tiếng khóc của con mình đây! Tuy vậy người cha vẫn chưa thấy mặt nên bán tín bán nghi thưa hỏi:
- Bạch Thầy ơi, có phải một đứa trẻ đang khóc?
Nhà sư đáp:
- Ta đã đổi mạng ta cho đứa trẻ này khi người mẹ ghẻ của nó tìm cách giết nó. Ngươi hãy tìm kẻ nào có thể tin cậy để chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ đáng thương.
Nói xong sư trao đứa trẻ vào tay của người cha đang kinh hoàng run rẩy. Mang ơn sư, người cha vội hỏi:
- Bạch Thầy, Thầy đang trụ ở chùa nào?
Nhà sư trả lời:
- Ta ở gần đền thờ Vua Thập Điện.
Nói xong sư xa dần biến sau màn sương.
Sau khi đem con gởi nhà ông bà nội nhờ chữa trị tích thương, người cha lập tức quay về nhà và thấy bà vợ đang ra sức đun củi vào bếp, trên đó là một nồi nước to đậy nắp đang sôi. Thấy chồng xuất hiện bất ngờ, bà ta có vẻ bối rối và tìm cách dập tắt bớt ngọn lửa.
Người chồng liền hỏi vợ:
- Thằng con tôi đâu rồi sao không thấy?
Bà vợ gian hùng bèn giả bộ đau khổ khóc sụt sùi kể lể:
- Thấy không có ông ở nhà, thằng nhỏ bỏ chạy ra chơi ở cạnh bờ sông không may sẩy chân rớt xuống sông, nước cuốn mất xác rồi..
Người chồng không nói gì vội tiến đến nồi nước và mở nắp ra. Nổi ở trên mặt nồi cháo heo đang sôi sùng sục là pho tượng của Bồ Tát Địa Tạng, pho tượng ở bàn thờ mà người vợ quá cố của ông đã thờ cúng hằng ngày.
Bây giờ thì người chồng mới hiểu hết ẩn ý trong lời nói của nhà sư:
" Ta đã đổi mạng ta ", biết rằng nhà sư mà ông vừa mới gặp không ai khác hơn chính là Bồ Tát Địa Tạng đã hóa hiện qua thân tướng một con người để cứu con mình.
Sực đốn ngộ trước tình đời, xúc động trước linh nghiệm nhiệm màu của Bồ Tát Địa Tạng, người chồng rời khỏi cuộc hôn gia oan trái, giáo duỡng con trai trưởng thành xong ông xuống tóc đi tu, trở thành một nhà sư lặng lẽ trên chùa núi Thập điện, suốt đời tận tụy phụng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, tinh tấn thỉnh nguyện con đường cầu giải thoát.
Sưu tầm