LỜI NÓI ĐẦU
Cẩm nang Nhập Thất của Jamgong Kongtrul đã là một bạn đồng hành quý báu của tôi trong gần mười lăm năm. Tôi được giới thiệu với quyển sách này trong một chương trình tu tập thiền định được hình thành trên một quy trình được mô tả trong bản văn này, một khóa nhập thất ba năm sáu tuần. Tôi đã hoàn tất hai khóa nhập thất như thế. Trong những năm đó, những lời dạy của Kongtrul thường tạo hứng khởi cho tôi, mặc dù tôi không bao giờ cảm thấy mình đáp ứng được những mong đợi mà ngài kỳ vọng nơi các đệ tử nhập thất của ngài. Ngày nay, việc đọc lời ngài khuyên dạy những người đã hoàn thành khóa nhập thất cũng tiếp tục là một kinh nghiệm khiêm tốn.
Khóa nhập thất ba năm sáu tuần tạo thành một trong những tổ chức chính yếu của nền giáo dục Phật Giáo Mật thừa trong vùng Hy mã lạp sơn. Trong hai dòng Nyingma và Kagyu – là hai trong bốn hệ thống tu viện chính - chỉ những người đã hoàn tất những khóa nhập thất như thế mới được nhận danh hiệu Lạt ma. Trong khi những chương trình tu tập tại các trung tâm nhập thất thì khác biệt nhau, quyển sách này giới thiệu một cái nhìn đầy đủ về một chương trình được phác họa bởi tác giả - một thiền sư nổi danh và được tôn kính trong thế kỷ mười chín. Vì thế tác phẩm này sẽ mang lại sự hiểu biết nền tảng về nhiều tổ chức tương tự vẫn cung cấp việc đào tạo cho những người trở thành các “Lạt ma.”
Cẩm nang Nhập Thất của Jamgong Kongtrul được biên soạn để mang lại một hướng dẫn cho những người đi vào một chương trình thiền định ba năm miên mật. Tác giả không đưa những lời khuyên của mình vào các giáo huấn về cách thiền định; ngài chỉ liệt kê những thiền định bao gồm chương trình nhập thất. Việc phiên dịch tác phẩm này được bổ túc bằng một vài chi tiết về những nguồn mạch của các thiền định được đề cập, nhưng trong đó không bao gồm thông tin liên quan đến nội dung của những quán tưởng. Giáo huấn trong thiền định Mật thừa, dù trong thời của ngài Kongtrul hay trong hiện tại, vẫn tồn tại trong lãnh vực của mối quan hệ mà một thiền giả có với vị cố vấn tâm linh được tin cậy của mình. Việc quyết định dấn mình vào một khóa nhập thất dài hạn thì cũng thế. Quyển sách này đưa ra một bức tranh trong trẻo về đời sống tâm linh và thực tiễn của loại tổ chức (thể chế) này nhưng bản dịch này không được thực hiện với ý định khuyến khích người đọc cân nhắc để đi vào một khóa nhập thất như thế.
Tôi hy vọng là quyển sách này sẽ đóng góp cho sự hiểu biết của chúng ta về quan điểm không-bộ phái trong Phật giáo Mật thừa vùng Hy mã lạp sơn và giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc về tác giả, ngài Jamgong Kongtrul. Cả hai chủ đề quan trọng này chưa nhận được sự chú ý mà chúng đáng được nhận trong bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Tây Tạng. Một tường thuật ngắn gọn về cuộc đời và tư tưởng của Kongtrul bởi chúng liên quan đến khóa nhập thất được giới thiệu trong phần dẫn nhập, bao gồm những trích dẫn đã được phiên dịch của chính Kongtrul. Một số trong những trích dẫn này quá dài nhưng tôi hy vọng người đọc sẽ nhận thức được cơ hội để đọc một số suy nghĩ của Kongtrul qua chính lời của ngài. Đối với cuộc đời và công việc của Kongtrul thì có nhiều điều để nói hơn là những gì được đề cập ở đây và có nhiều điều để nói hơn nữa về phong trào không-bộ phái. Không nhà biên soạn nào có thể đánh giá đúng về cuộc đời của một người chỉ trong vài lời, nói gì đến cuộc đời của một thiên tài đa dạng như Kongtrul. Trong việc mô tả thật ngắn gọn cuộc đời của ngài, và chủ yếu là trong mối liên kết với chủ đề của quyển sách này, tôi đã mạo hiểm khi ngẫu nhiên làm méo mó tư tưởng của ngài. Ít nhất sự liều lĩnh này sẽ bõ công nếu những giới hạn của tôi sẽ khiến cho những người khác giới thiệu một bức tranh chi tiết hơn về ngài Kongtrul cho các độc giả không nói tiếng Tây Tạng.
Giờ đây việc hiểu biết về ngài Kongtrul dường như còn cần thiết hơn một thập kỷ trước bởi nhiều Đạo sư vĩ đại là những người thừa kế tâm linh của ngài mới vừa viên tịch. Bản liệt kê dài bao gồm những vị có công đưa Phật giáo đến các quốc gia ngoài vùng Hy mã lạp sơn: Đức Karmapa, Đức Dudjom Rinpochay, Dilgo Khyentsay Rinpochay, Day-zhung Rinpochay, Pawo Rinpochay, Salchay Rinpochay, Chögyam Trungpa Rinpochay, và Kalu Rinpochay, vị Thầy chính của tôi, là một hóa thân của Kongtrul. Những Đạo sư này được đào tạo theo phong cách của Kongtrul, được dạy dỗ bằng giọng nói dịu dàng nhưng có thẩm quyền của ngài, và đã tiếp tục công việc của ngài là đẩy mạnh sự phát triển mọi hình thức thực hành Phật giáo không chút thiên vị. Bởi nhiều Phật tử ngày nay chịu ảnh hưởng sâu xa của các Đạo sư này, sự vắng mặt của các ngài thúc đẩy chúng ta đổi mới sự suy xét về nguồn mạch của phần lớn giáo huấn của họ: Jamgong Kongtrul.
Trước hết, quyển sách này đề cập đến khóa nhập thất ba năm sáu tuần, một tổ chức quan trọng đối với Phật giáo Mật thừa vùng Hy mã lạp sơn. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên khi tôi chọn bản văn này để dịch bởi khóa nhập thất này là hoạt động chính yếu đối với cuộc đời của Kongtrul và là một sự giới thiệu cho lý tưởng không-bộ phái của ngài.
CHÚ THÍCH VỀ CÁCH DỊCH
Bản dịch này không có ý định là một sự đổi mới hay thách thức về văn phong. Đôi khi tôi khởi hành từ các tiêu chuẩn thông thường theo những cách thức thứ yếu, thường thích dùng từ Anh ngữ hơn là những từ tương đương bằng Phạn ngữ hay Tây Tạng của chúng. Những chỗ còn dùng từ ngoại quốc trong bản văn cho thấy những giới hạn của một dịch giả như tôi.
Tên của những người được để trong hình thức nguyên gốc của chúng, có nghĩa là tên được gọi trong đời họ. Điều này cho thấy một sự khởi hành từ quy ước giữa các tác giả Tây Tạng, là cách để phiên dịch hầu hết những tên Ấn Độ và dịch sang tiếng Tây Tạng. Tôi đã mang vấn đề này ra hỏi ba Đạo sư nổi tiếng và nhận được ba câu trả lời khác nhau. Một Đạo sư, ngài Dabzang Rinpochay (đã mất), cho là trong những bản dịch Anh ngữ, tất cả những tên của người Ấn Độ hay của chư Phật, Bồ Tát và Bổn Tôn nên được dịch lại sang Phạn ngữ. Đạo sư khác, ngài Trangu Rinpochay, đã trích dẫn từ một bản văn khuyên các dịch giả Tây Tạng mới vào nghề ủng hộ ý kiến của ngài là bất kỳ điều gì được phiên dịch, kể cả các tên, nên được dịch sang Anh ngữ. Trong khi tôi đồng cảm với ý kiến đó thì ở đây tôi theo lời khuyên của Đạo sư thứ ba mà tôi đã hỏi, là ngài Tai Situpa. Ngài bày tỏ rằng các dịch giả Tây Tạng sai lầm khi dịch tên người: không nên dịch các tên này. Ngài nói danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát, và các Bổn Tôn nên được dịch, bởi đó không phải là những cá nhân trong loài người. Tôi chân thành tôn kính tất cả ba Đạo sư này; ý kiến của các ngài rất quan trọng đối với tôi. Tôi đã quyết định theo lời khuyên của Tai Situpa bởi trong hiện tại nó có vẻ thực tiễn nhất. Tôi hy vọng kết quả sẽ không làm mất phương hướng đối với những người đã quen với việc được phục vụ đầy đủ Phạn ngữ cùng với Phật giáo của họ. Độc giả có thể tìm thấy ở cuối sách một danh sách các tên xuất hiện trong bản văn chính của cẩm nang nhập thất.
Những quyển sách được trích dẫn trong phần dẫn nhập hay trong bản văn chính xuất hiện với tựa đề Anh ngữ. Thật không may là rất ít những quyển sách này được dịch từ tiếng Tây Tạng sang ngôn ngữ ngoại quốc. Tựa đề Tây Tạng của những quyển sách này được liệt kê ở cuối sách. Thông tin này rất cần thiết để nhận ra được nguyên bản bởi các tựa đề Tây Tạng thường kéo dài tới đôi giòng trong bản văn: bất kỳ dịch giả nào cũng phải quyết định đâu là một phần của tựa đề nguyên bản, nếu có, để dùng làm tựa đề trong Anh ngữ. Chẳng hạn như tựa đề đầy đủ tiếng Tây Tạng của quyển sách này có thể được dịch là A Source of Comfort and Cheer: A Clear Guide to the Rules of Discipline for the Retreatants at The Ever-Excellent Abode of Radiant Great Bliss, the Isolated Retreat of Palpung (Một Suối nguồn của sự An nhàn và Hỉ lạc: Một Hướng dẫn Rõ ràng những Quy tắc Giới luật cho những Người Nhập Thất tại Trụ xứ Phổ Hiền của Đại Lạc Chói Lọi, Ẩn Thất Cô tịch ở Palpung). Thay vì sử dụng toàn bộ hay một phần của tựa đề này, tựa đề hiện tại có vẻ thực tiễn và mô tả được nhiều hơn về nội dung của quyển sách. Các dịch giả phải làm những sự chọn lựa này; một ngày nào đó nhiều quyển sách được đề cập trong bản văn này với các tựa đề Anh ngữ có thể sẽ xuất hiện với tựa đề hoàn toàn khác biệt.
Về vấn đề thuật ngữ, độc giả có thể lưu ý rằng, những khi có thể, tôi đã tránh gọi Phật giáo trong vùng Hy mã lạp sơn là Phật giáo “Tây Tạng”. Chắc chắn ngôn ngữ Tây Tạng là ngôn ngữ Phật giáo vượt trội trong vùng Hy mã lạp sơn, nhưng nhiều Đạo sư và đệ tử trong quá khứ và hiện tại của hình thức phát triển tâm linh này không phải là người Tây Tạng. Những người không phải người Tây Tạng này bao gồm những người Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Sikkim, và những thành viên của nhiều nhóm dân tộc và ngôn ngữ khác cư trú khắp vùng Hy mã lạp sơn. Họ cùng chia sẻ một niềm tin và cùng sử dụng một ngôn ngữ trong việc cầu nguyện và thiền định, nhưng nhiều người không phải là người Tây Tạng cũng như một tín đồ Thiên chúa giáo La mã không nhất thiết phải là người Ý. Về phần Kongtrul, ngài thường viết Phật giáo của “vùng Hy mã lạp sơn” (gangs chen rdzong) hơn là Tây Tạng, và tôi sung sướng khi đi theo khuôn mẫu của ngài.
Các từ Nyingma, Kagyu, Sakya, và Gayluk ít khi được đề cập đến trong quyển sách này. Tôi đã để dành việc sử dụng chúng cho những lúc Kongtrul có vẻ ám chỉ điều mà bốn từ này tượng trưng: bốn hệ thống tu viện chính của vùng Hy mã lạp sơn. Trong hầu hết những quyển sách của ngài, đã nhiều lần Kongtrul thảo luận về Phật giáo Mật thừa trong vùng Hy mã lạp sơn theo quan điểm của các dòng thực hành thiền định, đặc biệt là tám dòng thực hành. (Điều này được thảo luận đầy đủ hơn trong lời giới thiệu.) Tên của các dòng giáo huấn thiền định xuất hiện bằng Anh ngữ trong quyển sách này, mặc dù không thể tránh khỏi những thiếu sót trong việc dịch thuật. Chẳng hạn như, ở đây dòng Marpa Kagyu được dịch là Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của Marpa, trong khi từ Kagyu là một dạng rút gọn của một tên hiếm khi được dùng, Kabab Shi’i Gyupa – Dòng Giáo huấn của Bốn sự Truyền dạy, một ám chỉ về một phần của những nguồn gốc của dòng truyền thừa. Dù có thể không chính xác bằng như thế, “Dòng Giáo huấn Khẩu truyền” được tìm thấy trong bản văn này, và chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên một cách dịch như thế được sử dụng.
Từ lama (Lạt ma) xuất hiện rất thường xuyên trong bản văn Tây Tạng nhưng hiếm khi xuất hiện trong bản dịch. Từ này trong tiếng Tây Tạng có thể ám chỉ những người đã hoàn tất khóa nhập thất ba năm hay một Đạo sư giác ngộ có thể dẫn dắt một người qua mọi giai đoạn phát triển tâm linh đến sự giác ngộ toàn triệt và viên mãn. Thầy của tôi thường nhận xét rằng loại Lạt ma trước rất phổ biến, loại Lạt ma sau vô cùng hiếm có. Trong khi trong tiếng Tây Tạng, cả hai loại Lạt ma được biểu thị bằng cùng một từ, từ “lama’ xuất hiện trong bản dịch là khi Kongtrul đang nhắc đến những người hoàn tất khóa nhập thất, và “Đạo sư tâm linh” khi ngài nhắc đến một vị dẫn dắt tâm linh giác ngộ (là nam hay nữ).
Tôi bối rối không biết phải xử sự thế nào về việc Kongtrul có thói quen gọi Phật giáo Mật thừa là “Thần chú Bí mật” (Mật Chú), không phải là một thuật ngữ hợp thời đối với các Phật tử hiện đại. Tôi quyết định để sang một bên sở thích của mình và trung thành với văn phong của Kongtrul, bởi kỳ cục hay thậm chí khó chịu như “Mật Chú” có thể lại dễ nghe.
Trong cẩm nang nhập thất, các tiết mục giới thiệu được thêm vào mang lại thông tin cần thiết và bối cảnh lịch sử cho các thực hành được thảo luận. Để dễ phân biệt phần này với bản văn chính của cẩm nang nhập thất, các tiết mục giới thiệu được in bằng khổ chữ nhỏ hơn.
Cuối cùng, trong phần chú thích ở cuối trang, tiếng Tây Tạng tương đương của một thuật ngữ đôi khi được cung cấp trong dấu ngoặc đơn. Từ hay câu đầu tiên xuất hiện theo lối chữ không in nghiêng là một cách phát âm gần đúng của từ Tây Tạng. Phiên âm này được tiếp theo bằng cách đánh vần Tây Tạng hiện tại bằng chữ in nghiêng.
LỜI CẢM ƠN
Bản dịch này mang lại lợi lạc ở những cấp độ khác nhau là nhờ sự giúp đỡ hay ý kiến của một số người. Lama Tsondru và Lama Umdzay Zopa, là hai vị đã hoàn tất khóa tu tập của trung tâm nhập thất được mô tả trong quyển sách này khi nó được Kalu Rinpochay hướng dẫn, đã đặc biệt giúp đỡ giải quyết những khó khăn do văn phong bản địa của Kongtrul. Yudra Tulku, Khamtrul Rinpochay, Geshe Sonam Rinchen, Zenkar Rinpochay (qua Peter Roberts), Tiến sĩ Tenpa Kelzang, và Nyima Tenzin Bashi cũng góp phần giúp tôi hiểu rõ bản văn Tây Tạng. Họ đã tận lực làm mọi sự để bảo đảm bản văn này không có những lỗi lầm: những sai lầm còn sót lại hoàn toàn là do dịch giả. Lama Drubgyu Tenzin (Tony Chapman) đã mang lại cho tôi sự trợ giúp và khích lệ vô giá cho bản Anh ngữ của quyển sách này. Tôi cũng cảm ơn các bình luận và phê bình của Kitty Rogers, Lama Kunzang Dorjay (Olivier Brunet), và Michael Rey.
Tôi đã sử dụng những tiện ích của máy vi tính tại Ủy ban Dịch thuật Phật giáo Quốc tế ở Sonada, Ấn Độ, và sự kiên nhẫn lớn lao của các bạn đồng nghiệp ở đó về việc tôi hay vắng mặt khi thực hiện quyển sách này. Tôi biết ơn về cả hai điều này.
Cuối cùng, Faye Angevine ở Đài Bắc và Lama Gyaltsen ở Tu viện Sonada đã hỗ trợ tôi về vật chất trong khi thực hiện bản dịch này. Sự rộng lượng của họ thật đúng lúc và đáng cảm kích. Tôi cũng mang ơn gia đình Hirota ở Tokyo đã hết sức tốt lành khi bảo trợ cho tôi trong chuyến đi đến trung tâm nhập thất của ngài Kongtrul tại Kham, ở đó tôi đã tìm ra giải đáp cho nhiều vấn đề của mình.
Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_CAM-NANG-NHAP-THAT-CUA_ccklcpt_xem-PDF_tuequang.html.