BẢN VIỆT NGỮ Đệ tử đảnh lễ / Thiện Thệ, Pháp Thân, Chư vị trưởng tử / Cùng người xứng đáng Nay tôi kính xin / Thuận theo lời Phật Tóm lược lối vào / Giới hạnh bồ tát [NBĐHL – I. 1] Ở đây có bốn tiêu đề
A1. Người tu
A2. Tâm người tu
A3. Nội dung pháp tu
A4. Kết quả pháp tu
A1. NGƯỜI TU Thứ nhất, hành giả bước theo pháp hành này phải là một người hội đủ mọi tự tại và thuận duyên, phải có chánh tín và tâm từ bi.
A2. TÂM NGƯỜI TU Thứ hai, tâm bồ đề có hai: bồ đề tâm nguyện và bồ đề tâm hành.
B1. Bồ Đề Tâm Nguyện Về bồ đề tâm nguyện, kinh sách dạy rằng:
Phát tâm bồ đề là Vì lợi ích chúng sinh Nguyện đạt chánh đẳng giác. [
Hiện Quán Trang Nghiêm, chương 1, đoạn 18]
Nói cách khác, đây là tâm nguyện vì lợi ích của chúng sinh mà cầu quả vị Phật.
B2. Bồ Đề Tâm Hành Bồ đề tâm hành là lập chí bước theo pháp hành của bồ tát.
B3. Thọ Bồ Tát Giới Để mang tâm bồ đề về khởi phát trong tâm, người tu cần thọ giới từ một đấng chân sư. Trong trường hợp này, cần theo đúng nghi thức thọ giới bồ tát, hoặc của Duy Thức tông, hoặc của Trung Quán tông. Ở đây hướng dẫn phương pháp tự thọ giới.
Có ba phần: chuẩn bị; chánh lễ; hoàn tất.
C1. Chuẩn bị Thọ Giới Có ba bước: mở tâm hoan hỉ; dâng bảy hạnh phổ hiền; chuyển tâm
D1. Mở Tâm Hoan Hỉ Khởi tâm mừng vui vì hiểu lợi ích của tâm bồ đề được giải thích trong chánh văn chương 1.
4. Tự tại, thuận duyên / là điều khó đạt, đủ sức toàn thành / nguyện ước chúng sinh.
Vậy nếu nay tôi / thủ lợi riêng mình, kiếp sau đâu thể / thuận duyên như vậy. 5. Tựa như tia chớp / giữa nền trời đen, trong một phút giây / sáng soi khắp cả. Nhờ Phật gia hộ / mà người thế gian đôi khi thoạt hiện / một vài thiện đức. 6. Cho nên tâm thiện / bao giờ cũng yếu; tâm ác thì lại / mạnh dữ vô cùng. Muốn điều ngự tâm, / ngoài tâm bồ đề, thử hỏi có còn / thiện tâm nào khác? 7. Mâu Ni nhiều kiếp / thâm sâu chiêm nghiệm, thấy chỉ tâm này / mới thật lợi sinh. Vô lượng chúng sinh / nương vào tâm này, có thể dễ dàng / viên thành đại lạc. 8. Ai người mong cầu / diệt trăm khổ nạn, mong quét bất hạnh / của khắp chúng sinh, hay mong được hưởng / vạn cảnh yên vui, tâm bồ đề này / chớ nên lìa bỏ. 9. Chúng sinh khốn khổ / trôi lăn luân hồi
mà phát được tâm, / thì ngay lúc ấy sẽ được gọi là / Như Lai trưởng tử, thành nơi xứng cho / trời, người hiến cúng. 10. Tương tự thuốc tiên / hóa sắt thành vàng, nay thân ô nhiễm / nhờ tâm bồ đề mà thành thân Phật / vô vàn trân quí. Vậy hãy giữ chắc / tâm bồ đề này. 11. Đấng độ quần sinh / dùng trí vô lượng quán chiếu tận tường / và đều thấy rõ: ai người muốn thoát / cảnh khổ luân hồi, phải giữ cho chặt / ngọc bồ đề tâm. 12. Những thiện đức khác / giống như thân chuối, ra quả một lần / rồi là tàn rụi. Nhưng tâm bồ đề / triền miên kết trái, không bao giờ tàn, / vững vàng lớn mạnh. 13. Sợ cảnh hung hiểm, / ta nương anh hùng; cho dù phạm phải / tội ác tột cùng, chỉ cần phát tâm / tức thì vượt thoát. Vậy sao những kẻ / sợ cảnh đọa rơi lại chẳng tìm đến / nương tâm bồ đề? 14. Như lửa hoại kiếp / thiêu rụi thế gian, tâm bồ đề này / thiêu tan ác nghiệp. Lợi ích vô lượng, / bất khả tư nghì, bậc trí Từ Thị / dạy cho Thiện Tài. 15. Cần biết tâm này / nói gọn, có hai, một là ước muốn: / bồ đề tâm nguyện; hai là thực hiện: / bồ đề tâm hành. 16. Cũng như muốn đi / khác với lúc đi, tương tự như vậy, / kẻ trí cần hiểu thứ tự khác biệt / giữa hai tâm này. 17. Cho dù còn vướng / ở trong sinh tử, bồ đề tâm nguyện / đơm quả lớn lao, tuy nhiên cũng vẫn / chưa được liên tục như là công đức / bồ đề tâm hành. 18. Bao giờ phát tâm / không còn thoái chuyển, nguyện độ chúng sinh / thoát khổ luân hồi, liền ngay lúc ấy, / từ đấy trở đi, 19. cho dù ngủ nghỉ, / hay dù tán tâm, cả một suối nguồn / công đức bất tận cũng vẫn trỗi mạnh / rộng sánh không gian. 20. Chính đức Như Lai / đã dạy điều này trong bộ Kinh Su-ba-hu Thỉnh Vấn, / là để giúp cho những người tâm nhỏ / có thể phát khởi / tín tâm đại thừa. 21. Vì muốn lợi người / mà khởi tâm cầu thoát bệnh nhức đầu / cho khắp chúng sinh, thì công đức này / cũng đã vô tận. 22. Huống chi công đức / cầu khắp chúng sinh thoát vô lượng khổ, / rồi đưa chúng sinh viên thành vô lượng / thiện căn công đức. 23. Thử hỏi tâm này / mấy ai có được? dù cha hay mẹ / chư thiên, thiện giả, ngay cả Phạm Thiên / biết có được chăng? 24. Tâm này chúng sinh / chưa từng có được, dù là trong mơ, / dù chỉ cho mình. Làm sao có thể / có được tâm địa / vì khắp chúng sinh? 25. Chúng sinh phàm phu / chưa từng khởi tâm; Độ cho chính mình / còn chưa nghĩ tới! Tâm bồ đề này / mà khởi sinh được là điều nhiệm mầu / chưa từng thấy qua! 26. Là thuốc chữa lành / mọi cơn bệnh dữ, là nguồn hạnh phúc / cho khắp chúng sinh. Công đức bồ đề / vô vàn quí giá, thật chẳng lấy gì / cân đo cho được. 27. Chỉ cần một niệm / gánh vác chúng sinh, công đức quá hơn / công đức cúng Phật, huống chi nỗ lực / mang nguồn an lạc / về cho chúng sinh. 28. Là vì chúng sinh / dù cầu thoát khổ, nhưng vẫn mê mải / chọn khổ mà theo. Dù cầu an vui, / thế nhưng an vui thì lại u mê / hủy diệt tất cả / như diệt kẻ thù. 29. Ai mang vui đến / cho người bất hạnh, ai quét khổ nạn / cho kẻ khốn cùng, 30. ai xua bóng tối / mê muội vô minh, thiện đức này đây / lấy gì sánh nổi? có bạn nào hơn / người bạn lành này? chẳng công đức nào / tương tự như vậy! 31. Giúp người đền ơn / mà còn được khen, huống chi bồ tát / làm lợi chúng sinh / chẳng đợi ai cầu. 32. Bủn xỉn mang ra / chút ít thực phẩm, khinh miệt bố thí / cho đôi ba người, chỉ đủ ấm bụng / nửa ngày mà thôi, cũng còn được khen / là làm việc thiện. 33. Huống chi vĩnh viễn / tặng khắp chúng sinh suối nguồn hỉ lạc / vô thượng bồ đề; chúng sinh trong tâm / có ước nguyện gì, thì đều hết thảy / làm cho như nguyện. 34. Bậc trí dạy rằng: / với chư trưởng tử từ bi của Phật / mà khởi niệm ác, khởi bao ác niệm / thì phải đọa rơi đủ bấy nhiêu kiếp / vào cảnh địa ngục. 35. Nhưng nếu khởi được / tín tâm trong sáng, thời quả gặt hái / tươi tốt xum xuê, vì bồ tát dù / rơi vào nghịch cảnh, công đức bồ đề / vẫn không suy thoái, thiện đức vững vàng / tăng trưởng tự nhiên. 36. Nay tôi nguyện xin / đê đầu đảnh lễ tất cả những ai / sinh tâm bồ đề. Nguyện xin quy y / suối nguồn an lạc: người mang vui đến / cho kẻ hại mình. [NBĐHL – chương I, câu 4-36]
Ghi thay lời giới thiệu, trích đoạn trong “Chói rạng ánh mặt trời”, Patrul Rinpoche Việt dịch: Hồng Như Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_CHOI-RANG-ANH-MAT-TROI_gmlslml_xem-PDF_tuequang.html.