Lời Nói Đầu Của Dịch Giả
Là những hành giả tâm linh, chúng tôi nhận được sự khích lệ và cảm hứng nhờ việc đọc tiểu sử của vị thầy phi thường vĩ đại. Nguồn cảm hứng chúng tôi nhận được từ cuộc sống gương mẫu của các ngài cho phép chúng tôi tiến nhanh hơn trên con đường giải thoát. Vì hiện tướng của tất cả mọi sự chúng ta có thể biết và thể nghiệm đều phụ thuộc vào nguyên nhân và hoàn cảnh, nên các cá nhân bình phàm thường bắt tay vào con đường thực hành theo một quá trình tịnh tiến từng bước. Tuy nhiên Đức Công Chúa Mandarava thì đã vốn sẵn được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử đau khổ và đạt được sự toàn giác trọn vẹn, ngài không phải là một cá nhân bình phàm. Ngài chủ định hóa hiện vào các cõi giới hiện hữu bình phàm nhằm truyền cảm hứng cho chúng sinh và dẫn dắt họ nhờ quá trình tịnh tiến từng bước này, ngài dạy họ cách thực hành thông qua tấm gương của chính mình. Những trang sách này hiện nay là một bản dịch tiếng Anh lần đầu tiên được ra đời từ bản văn kho tàng quý báu của Đức Padmasambhava được gọi là
Cuộc Đời và Sự Giải Thoát của Đức Công Chúa Mandarava. Những mô tả về cuộc đời đáng chú ý của Đức Mandarava thắp sáng những thể nghiệm của một vị Dakini trí tuệ vĩ đại đã truyền cảm hứng cho tất cả những người cô gặp và xoay chuyển tâm họ về trạng thái bất thoái chuyển hướng tới sự giải thoát.
Đức Công Chúa Mandarava xứ Zahor thường được mô tả ở bên cạnh Đức Đạo Sư Liên Hoa Sinh (Guru Padmasambhava), đối diện với một vị phối ngẫu chính khác của Đạo Sư là Đức Kharchen Yeshe Tsogyal. Công chúa Mandarava là phương tiện trong sự thành tựu bất tử của Đạo Sư, và như vậy, cô thường được mô tả cầm một bình trường thọ và mũi tên. Nhờ mối liên hệ của Đạo Sư với Đức Mandarava, mà Đức Liên Hoa Sinh đã có thể kéo dài thời gian hoạt động giác ngộ của Ngài trong thế giới này và như vậy du hành tới xứ tuyết Tây Tạng, nơi mà theo Je Mipham Rinpoche, Ngài đã ở lại khoảng 54 năm.
Trong 38 chương mặc khải này, độc giả đi đến sự nhận biết về một Nirmanakaya (Hóa Thân - biểu hiện giác ngộ) Dakini (Nữ Thần), bậc đã lựa chọn rất nhiều lần đi vào thế gian như là đấng tôn quý. Mục đích của sự mô tả này không phải để chúng ta thấy rằng chỉ những người có địa vị cao hay giàu sang mới đủ may mắn để có cơ hội như vậy, mà nó chỉ ra rằng rằng Đức Mandarava đã có thể và sẵn sàng từ bỏ, dù là những điều khó khăn nhất để từ bỏ, cụ thể là những ràng buộc, gắn kết vào cái được gọi là những thú vui trần tục của kiếp người. Trong mỗi kiếp sống của mình, cô luôn không mệt mỏi từ bỏ danh vọng và thú vui để hoạt động vì lợi ích cho người khác thông qua tấm gương và phương tiện thiện xảo. Sự từ bỏ những thú vui tạm thời, cái cướp đi thời gian quý báu và cơ hội cho sự phát triển tâm linh của cô phản ánh những cuộc tranh đấu mà các hành giả Pháp thời hiện đại này phải đối mặt. Dù là một nữ hành giả lừng lẫy, nhưng một cách tối hậu, Đức Mandarava không đi theo sự phân biệt giới tính và các hành năng giác ngộ của cô là bất tận. Giáo Pháp mà Đức Mandarava cùng tất cả các bậc thầy vĩ đại như cô thuyết giảng là con đường siêu vượt lên mọi sự phân biệt tương đối được tạo dựng bởi những cá nhân bình phàm dựa trên những thói quen thông thường của tâm nhị nguyên.
Tầm quan trọng lớn được đặt vào độ thuần tịnh và tính xác thực của dòng truyền thừa trong truyền thống Kim Cương Thừa. Các nữ hành giả vĩ đại trong những dòng truyền thừa này xứng đáng với sự công nhận của chúng ta. Điều này có thể được thực hiện bằng cách phiên dịch nhiều hơn tiểu sử của các nữ hành giả vĩ đại cùng các văn bản cổ quan trọng cũng như các luận giảng được viết bởi những người nữ sang Anh ngữ. Dự án biên dịch bản văn đặc biệt này ban đầu được lấy cảm hứng từ sự tận tâm từ một vài đệ tử của ngài Jetsunma Ahkon Lhamo. Jetsunma là người đứng đầu tâm linh của Kunzang Palyul Choling ở Poolesville, Maryland và bà là một người phụ nữ Mỹ được công nhận là một hóa thân của một Dakini nổi tiếng từ Tây Tạng do H.H Penor Rinpoche – bậc đứng đầu dòng Nyingma của Phật Giáo Tây Tạng hiện nay công nhận. Trăn trở để bản tiểu sử của Đức Mandarava có thể được chuyển sang Anh ngữ, ngài Thubten Rinchen Palzang đã tìm bản văn Tây Tạng ở Thư Viện Quốc Hội. Đặc biệt cảm ơn tới Susan Meinheit, người luôn yêu mến và coi sóc bộ sưu tập Tây Tạng rộng lớn ở Thư Viện và đã giúp xác định vị trí cho bản văn gốc. Bản dịch này của tôi về văn bản này sẽ không thể thực hiện được mà không có sự tài trợ hào phóng của Thubten Jampal Wangchuk, Noel Jones, Sarah Stevens, W.W và Eleanor Rowe, cũng như hàng chục người khác từ Tăng đoàn KPC. Vì bản văn này được viết bằng chữ Ume Tây Tạng (Dbu Med) và lại có rất nhiều từ viết tắt cũng như các lỗi chính tả, nên bản dịch sẽ không thể thực hiện được mà không có sự trợ giúp của Lama Choying Namgyal, được biết đến nhiều hơn với tên gọi là Lama Chonam, bậc đã không mệt mỏi làm việc cùng tôi, để mắt tới từng dòng văn bản. Kiến thức của Lama Chonam về Giáo Pháp, lịch sử Phật Giáo cùng ngôn ngữ Tây Tạng là không thể thiếu trong việc hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này. Bản thảo thô ban đầu được xem xét bởi W.W. và Eleanor Rowe, những vị đã dành rất nhiều thời gian để chỉnh sửa tỉ mỉ cho bản dịch đầu. Thubten Norbu Konchog đã phối hợp dự án biên dịch và giám sát nhiều chi tiết nhỏ. Nhiều năm đã qua kể từ những nỗ lực ban đầu của chúng tôi, Lama Chonam và tôi đã một lần nữa xem xét lại sự chính xác cho toàn bộ bản văn. Nhưng bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chúng tôi, bản văn vẫn còn có thể có những sai sót trong quá trình biên dịch. Đối với bất kỳ lỗi nào như vậy chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành và xin các vị hoan hỷ đóng góp, giúp đỡ cho việc chỉnh sửa hoặc thay đổi mà các học giả có thể phát hiện ra nhằm làm bản văn được tốt hơn. Tôi xin ghi nhận và bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới Arthur Azdair, người đã không thể thiếu trong những giai đoạn cuối cùng trong việc chuẩn bị bản thảo để giám sát, chỉnh sửa và khéo léo nhập vào tất cả những sửa đổi cùng chỉnh sửa của chúng tôi. Cuối cùng, tôi cảm thấy phải đề cập đến rằng những quan điểm và so sánh được trình bày trong phần giới thiệu sau đó không hoàn toàn phản ánh những quan điểm và lý do của tôi để biên dịch kho tàng mặc khải quý giá này. Cơ sở cho sự khác biệt về quan điểm xoay quanh việc giải thích các nguyên tắc nữ tính và cách nó gắn liền với con đường Phật Giáo Kim Cương Thừa.
Quan điểm cho rằng Phật Giáo Kim Cương Thừa chỉ dành cho thiên hướng người nam là sai lầm. Tuy nhiên, nhiều người nữ đang cố gắng để đeo đuổi con đường có thể tự nhiên trở nên nản lòng khi họ gặp phải những ảnh hưởng văn hóa Tây Tạng mạnh mẽ. Tuy nhiên Pháp càng bám rễ ở phương Tây, thì nó lại sẽ càng trở nên dễ dàng liên hệ trực tiếp hơn đến Pháp, điều này hoàn toàn thuần khiết và tự do khỏi những biên kiến phân biệt, thay vì tập trung vào những thói quen từ những cá nhân bình phàm đến từ các nền văn hóa ngoại lai. Đó là lời cầu nguyện của tôi rằng cuốn sách này có thể mang lại lợi ích trong việc khuyến khích nhiều hành giả nữ xuất sắc trên thế giới trau dồi những phẩm tánh cao quý của họ, và thông qua lực thực hành của họ, tiếp tục để chính họ trở thành những bậc thầy đủ phẩm tánh. Cầu mong tác phẩm này mang lại lợi ích vô lượng cho tất cả chúng sinh hữu tình, những người đều bình đẳng và có thể chứng ngộ, nhận ra Phật tánh quý giá của họ.
Sangye Khandro
Tashi Choling
Ashland, Oregon 1998
Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải bản PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_CUOC-DOI--SU-GIAI_cdmsmkl_xem-PDF_tuequang.html