CÁCH THỨC HÌNH THÀNH NGHIỆP
Nghiệp bộc lộ khi tâm lý bám chấp của chúng ta kích động một thèm khát (Phạn, trishna, “khát”) vào đối tượng bám chấp. Sự thèm khát ám chỉ không những một thèm muốn hoặc bị thu hút vào một đối tượng mà còn hướng tới mặt bên của sự thèm muốn – thương hay ghét. Cả hai thương và ghét hút chặt vào sự bám chấp tinh thần của chúng ta, mà, lần lượt khởi sự một quá trình nhầm lẫn (hay si – vô minh), tham lam, và gây hấn (hay thù hận), được biết là ba cảm xúc phiền não hay ba độc. Do vậy chúng ta hình thành nghiệp chướng qua ba “cửa” thân, khẩu, ý của mình. Chúng được kết nối với những cửa vì chúng ta biểu lộ mọi việc mình làm qua chúng – thân, khẩu, ý. Sự tiến triển của những sự kiện này bắt nguồn từ chính nhận thức tinh thần của chúng ta, chịu trách nhiệm cho mọi thân, khẩu, ý xấu của mình. Như Ngài Gampopa nói, “Gốc rễ của mọi lỗi lầm và đau khổ là sự ‘bám chấp’ vào ‘bản ngã’”. Luận Abhidharmakosha (A Tỳ Đàm) nói:
Ý định là nghiệp của tâm.
Thân và khẩu [hành vi] là nghiệp được tạo ra bởi ý định đó.
Dù không giúp việc phát sinh ra nghiệp, chúng ta có thể chọn lựa giữa hạnh phúc và đau khổ vì có thể chọn thực hiện hành động tích cực hay tiêu cực, khiến phát sinh nghiệp tốt hay xấu. Những bản văn của Đạo Phật trình bày mười thiện hạnh và mười bất thiện hạnh, hay nghiệp mà chúng ta tạo ra bằng thân, khẩu, ý của mình.
Ba hành động bất thiện của thân là (1) sát sinh, (2) trộm cướp, (3) tà dâm. Bốn hành động bất thiện của ngữ là (1) nói dối, (2) nói chia rẽ, (3) nói lời thô tục, (4) nói chuyện phiếm vô nghĩa. Ba hành động bất thiện của ý là (1) tham, (2) sân (ý định gây hại), (3) si (quan điểm sai lạc – tà kiến).
Mười thiện hạnh bao gồm việc từ bỏ mười hành động bất thiện, bao gồm những hành động của thân (1) bảo vệ cuộc sống người khác, (2) làm việc thiện, và (3) theo đuổi phẩm hạnh đạo đức trong sạch; những hành động của ngữ là (4) nói sự thật, (5) làm người khác hòa giải, (6) nói lời dễ nghe, và (7) làm thỏa mãn người khác bằng lời lẽ đầy ý nghĩa; và những hành động thuộc ý được rèn luyện trong (8) bố thí, (9) từ-bi, (10) và chánh kiến.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định nghiệp quả có đạo đức hay không là ý định hay động cơ của chúng ta. Ngài Je Tsongkhapa nói, “Giống như nam châm tự nhiên làm miếng sắt chuyển động, vì vậy việc tập trung vào ý định, một sự kiện tinh thần, sẽ là nguyên nhân và cảm hứng cho tâm bị thu hút vào những tư duy thiện, bất thiện hay trung lập”.
Nếu ý định của chúng ta bị ảnh hưởng trói buộc của ba độc tham, sân, và si, thì bất cứ làm gì, nói hay suy nghĩ đều sinh ra nghiệp bất thiện và gặt hái hậu quả bất hạnh. Tổ Long Thọ nói:
Nghiệp tạo ra bởi tham, sân, và si là bất thiện,
Nghiệp bất thiện sinh ra mọi đau khổ,
Cũng như bị sinh vào những cõi thấp.
Trái lại, nếu động cơ là lòng từ bi, vô ngã, rộng lượng, và trí tuệ – đối nghịch với ba độc – thì bất cứ những gì chúng ta nói, làm, và suy nghĩ đều tạo ra thiện nghiệp và tương lai chắn chắn sẽ may mắn. Tổ Long Thọ nói:
Nghiệp sinh ra không do tham, sân, và si là thiện nghiệp,
Thiện nghiệp khiến tái sanh vào những cõi hạnh phúc,
Và liên tục được sinh ra với mọi hạnh phúc.
Nếu ý định ô hợp, nghiệp của chúng ta cũng sẽ như vậy. Và nếu nghiệp là trung lập, chúng ta đã hình thành nghiệp trung lập, khiến sinh ra kết quả chẳng phải hạnh phúc cũng chẳng phải không hạnh phúc và cũng gây tái sanh vào cõi chẳng cao cũng chẳng thấp.
Một số người có thể tự hỏi tại sao đôi khi chúng ta thấy người tốt bị đau khổ và người xấu lại thịnh vượng. Câu trả lời là khi nào hoạt động của những nghiệp khác nhau chín muồi. Mỗi người chúng ta đã tạo ra vô số nghiệp trong vô lượng kiếp của mình. Mỗi hành động mà chúng ta biểu lộ đều để lại dấu vết trong tâm nền tảng của dòng tâm thức mình. Tâm nền tảng (Phạn, Alayavijnana; Tạng, kunzhi, Kun gZhi – A lại da thức) là một trạng thái trung tính, không hoạt động, và vô thức của tâm, nền tảng của kinh nghiệm sinh tử. Những khuôn mẫu nghiệp khác nhau để lại dấu ấn trong tâm nền tảng trở thành động lực chắc chắn đem lại kết quả trong những kiếp tương lai. Những kết quả này – dù là những kinh nghiệm tích cực, tiêu cực hay trung lập – đều là sự chín muồi của những hạt giống nghiệp mà chúng ta đã gieo trồng trong tâm nền tảng của mình, trong tiến trình hoạt động tự nhiên và kết quả của nó. Đức Phật nói:
Tâm nền tảng giống như đại dương, và
Những đặc tính của nghiệp thì giống như những cơn sóng.
Vì thế người xấu hưởng thành công là do sự chín muồi của một số hành động tốt trong quá khứ, trong khi người tốt thì lại gặp những kết quả của một số hành động tiêu cực trong quá khứ. Nhưng khi những nghiệp cụ thể này đang chín muồi, dấu ấn của những nghiệp khác vẫn in trong tâm nền tảng và sẽ vẫn sẵn sàng.
Vậy nghiệp chín theo thứ tự nào? Quy luật chung là những nghiệp hùng mạnh, mãnh liệt và nghiêm trọng nhất sẽ chín muồi trước tiên. Tiếp theo là những nghiệp mà ta tạo ra vào giờ khắc quan trọng của cái chết. Thứ ba là những nghiệp chúng ta sử dụng nhiều thời gian và quen thuộc nhất. Sau đó, nghiệp sẽ được kinh nghiệm theo thứ tự thời gian, bắt đầu bằng cái chúng ta tạo ra trước. Vì thế chúng ta sẽ kinh nghiệm một số nghiệp quả trong kiếp này, một số trong kiếp tới, và những nghiệp kia trong bất kì các kiếp sau đó.
Ngay cả khi chúng ta có nghiệp vô định, chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của chúng, vì hầu hết chúng đang ở dạng ngủ ngầm và chưa chín. Nhưng khi thời khắc của một nghiệp nào đó chín muồi, nó sẽ trở nên hiệu lực và chúng ta sẽ kinh nghiệm hậu quả của nó trong cuộc sống mình. Những bản văn của Đạo Phật đưa ra phép loại suy của một người bị một loài chuột có độc nào đó cắn phải, nếu bị cắn vào mùa đông thì chất độc không tác dụng. Nhưng trong mùa xuân, khi người đó nghe tiếng sấm sét (thường xảy ra lúc thay đổi mùa), chất độc sẽ hoạt động – ngoại trừ việc áp dụng một sự giải độc. Do vậy, nghiệp quả của chúng ta chắc chắn sẽ chín muồi khi thời khắc đến nếu chúng ta không làm gì chống lại chúng. Thế nên, Đức Phật nói:
Nghiệp [vi phạm] bởi thân người
Sẽ chẳng bao giờ tiêu tan thậm chí trong một trăm kiếp.
Khi hoàn cảnh và thời điểm xảy đến,
Kết quả của nó chắc chắn sẽ chín.
Tuy nhiên, nếu chống lại và tịnh hóa những nghiệp tiêu cực của mình, chúng ta có thể chuyển đổi, làm giảm, hay hoàn toàn loại bỏ chúng. Một nghiệp tích cực rất mạnh có thể xóa sạch nhiều nghiệp tiêu cực. Động cơ càng mãnh liệt và thanh tịnh, thì hiệu lực nghiệp tích cực của chúng ta càng mạnh. Chúng ta không nên đánh giá thấp kết quả của ý niệm sinh ra. Đức Phật nói:
Sự thực hiện một hành động công đức rất nhỏ
Trong cõi kế tiếp sẽ đem lại hạnh phúc to lớn
Và hoàn thành những mục đích vĩ đại,
Giống như hạt giống sinh ra rất nhiều vụ mùa được thu hoạch.
Tuy nhiên, điều ngược lại cũng đúng. Một hành vi rất xấu có thể làm giảm bớt hoặc xóa sạch những hành vi tốt kia.
Mặc dù động cơ là điều quan trọng nhất, hiệu lực của một nghiệp cụ thể cũng phụ thuộc vào việc nó hoàn tất chưa, có nghĩa là liệu nó đã trải qua bốn giai đoạn sau chưa. Chẳng hạn như hoạt động từ thiện. Đầu tiên chúng ta phải có cái gì để cho đi. Cái đó được xem như là đối tượng (hay nền tảng) của nghiệp. Sau đó chúng ta cần động cơ quan trọng thực sự. Thứ ba là phải cho thật, được xem như là sự thực hiện. Khi món quà đã được nhận, đó là sự hoàn tất. Bất cứ hành động nào bao gồm bốn giai đoạn này là một nghiệp được tạo thành đầy đủ.
Chuỗi nghiệp nhân quả này trải rộng bất tận và không giới hạn. Một nghiệp đơn lẻ có thể gây ra nhiều kết quả. Một kết quả đơn lẻ có thể cũng là sản phẩm của vô số nguyên nhân và điều kiện nghiệp. Trong lúc kinh nghiệm kết quả của một nghiệp, chúng ta sẽ tạo ra nhiều nghiệp nhân quả khác. Trong khi kinh nghiệm quả của một nghiệp chúng ta sẽ phát triển nhiều nghiệp nhân quả mới. Mọi phương diện và mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống được chúng ta tạo ra và duy trì bởi một mạng lưới phức tạp của duyên sanh có nghĩa mọi sự trong hiện hữu đều nối kết với nhau, xuất hiện và hoạt động tùy thuộc lẫn nhau.
~ Tulku Thondup Rinpoche
Nguồn: vietrigpa.org