CÁI CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ SỰ CHẤM DỨT
Tulku Thondup Rinpoche
Đối với mọi người nói chung thì lúc chết là khoảng thời gian quan trọng nhất. Dù là người Đông Phương hay là người Tây Phương, dù là Phật tử hay tín đồ của một tôn giáo nào khác, dù là người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, người ta cũng đều giống nhau ở điểm này. Khi thần thức rời khỏi thể xác vốn thường được quý trọng của mình, thì đó là khúc quanh quan trọng nhất của đời người, vì cái chết sẽ đưa người ta đi tới một cõi giới bí ẩn.
Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, người ta sẽ đứng ở giữa ngả ba đường. Nếu đã sửa soạn trước, người ta sẽ sẵn sàng đi tới với sự tự tin và thoải mái, giống như con đại bàng vươn cánh bay lên bầu trời. Theo giáo lý Phật Giáo, nếu không có sự chuẩn bị trước, người ta sẽ phải trải qua chu trình sống, chết và tái sinh nhiều lần.
Đa số người ta không thích nghe nói về cái chết, cái không thể tránh được của mình vốn có thể tới bất cứ lúc nào. Họ còn không dám nghĩ đến sự chết, và chỉ chú tâm vào những công việc trong đời sống hàng ngày của mình. Những người có tín ngưỡng thì tin rằng còn có một sự sống ở bên kia cửa tử, trong khi nhiều người không có tín ngưỡng thì cho rằng chết là hết, người ta không còn gì cả.
Ngày nay chúng ta đang ở trong thời đại hoàng kim của khoa học kỹ thuật, nhưng kiến thức của chúng ta về sự sống ngừng lại ở chỗ hơi thở chấm dứt. Khoa học và kỹ thuật không thể cho biết là có hay không có sự liên tục của tâm thức sau khi người ta trút hơi thở cuối cùng. Việc nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc bị các nhà khoa học và y học thuộc giòng chính ngạch bác bỏ. Trong thời đại hồ nghi này, người ta thường cảm thấy khó có thể tin là có cuộc sống ở đời sau, vì họ sợ bị người khác xem là người kém trí tuệ, đơn sơ và ngây thơ.
Bất cứ khi nào mở máy truyền hình, chúng ta cũng có thể trông thấy những hình ảnh chết chóc, dù là những cái chết giả trên điện ảnh hoặc những đoạn phim thời sự về những người trên thế giới chết vì bệnh tật, tai nạn hay bạo động. Rất ít khi chúng ta được trông thấy những hình ảnh tự nhiên về những người chết một cách bình thường hay đang trong cơn hấp hối, mà thường được trông thấy nhiều hơn hình ảnh của những tang lễ nhiều màu sắc, với người chết được trang điểm thêm, nằm bên trong quan tài được trang trí bằng nhiều bông hoa xung quanh. Nếu dám nhìn trực tiếp vào sự sống và cái chết, chúng ta sẽ thấy rõ luân hồi sinh tử là quy luật dành cho toàn thể sinh linh, con người sinh ra, chết đi và sẽ tái sinh trở lại.
LÚC CHẾT ĐIỀU GÌ XẢY RA?
Tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng chết không phải là hết, mà còn có một “cái gì đó” tồn tại, dù giáo lý của các tôn giáo khác nhau trong chi tiết và lối diễn dịch. Dù được gọi là tâm, thần thức, linh hồn hay tinh thần, “cái đó” vẫn tiếp tục hiện hữu trong hình thức này hay hình thức khác. Phật Giáo gọi là “tâm” (Tiếng Anh “mind”, tiếng Tây Tạng “sem”, tiếng Sanskrit “citta”), là tính chất căn bản, vẫn tồn tại sau cái chết của thể xác vật chất. Thể xác sẽ tan nhập trở lại vào những nguyên tố (tứ đại: đất nước gió lửa), mà từ đó nó đã được tạo ra, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hiện hữu bởi tâm trí và thần thức, và sẽ nhập vào một thể xác khác để sống trong kiếp sau.
Thể xác là “vật chuyên chở” tâm trí và là con người vật chất, gợi ý tưởng về danh tánh, hay ý tưởng “ta”. Như vậy chúng ta cảm thấy mình là một người riêng biệt trong suốt kiếp sống của mình. Những ảnh hưởng của môi trường xã hội và những tập quán văn hóa cũng đóng góp cho sự liên tục của kinh nghiệm đời sống của mỗi người. Chúng ta cảm thấy thể xác của mình cũng như những sắc tướng ở xung quanh là những gì “chắc thật”. Mọi vật và mọi sự việc xuất hiện trong ý thức của chúng ta, được cảm nhận bởi các giác quan của chúng ta, đều có vẻ chắc thật ở bên ngoài, và phân biệt với tâm trí của chúng ta.
Nhưng vào lúc chết, tất cả những sắc tướng này sẽ biến mất. Tâm trí sẽ rời khỏi thể xác, giống như người ta bỏ lại một bộ quần áo cũ. Ngay khi thần thức rời thể xác, những vật mà chúng ta trông thấy cũng như những cảm giác mà chúng ta đã có trong đời sống sẽ thay đổi một cách cực kỳ. Những gì chúng ta trải qua sau khi chết sẽ hoàn toàn tùy thuộc tâm trí của mình, tức là tùy thuộc những thói quen tâm trí và những ý nghĩ mà chúng ta đã tạo ra và dung dưỡng trong đời sống ở cõi vật chất vừa qua.
Nếu tâm ta an lạc thì tất cả những gì chúng ta làm ở cõi vật chất cũng là sự biểu lộ an lạc và tất cả những gì chúng ta nói cũng là những lời an lạc. Như vậy tất cả những hành động của chúng ta sẽ trở nên đạo đức, và chúng ta sẽ là nguồn an lạc đối với tất cả những người nào tiếp xúc với chúng ta. Vào lúc chết, khi chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc của thể xác, thoát khỏi những sự giới hạn văn hóa và những ảnh hưởng của môi trường xã hội, chúng ta sẽ được tự do hưởng an lạc, vốn là thật tánh của tâm trí. Cũng giống như vậy, nếu trong đời sống thế gian, chúng ta tu luyện đúng pháp, thì vào lúc chết, tất cả những hiện tượng xuất hiện với chúng ta sẽ là một cõi an lạc và giác ngộ.
Nhưng nếu tâm trí chìm đắm trong những cảm xúc đau khổ như buồn giận, thì bất cứ điều gì chúng ta nghĩ cũng bị quấy nhiễu bởi những ý tưởng và những cảm xúc sân hận. Bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm cũng là sự biểu lộ mạnh mẽ của sự sân hận. Như vậy trạng thái an lạc sẽ không có cơ hội xuất hiệntrong tâm trí của chúng ta. Sự đau đớn với sân hận của chúng ta sẽ có ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh. Vào lúc chết, có thể chúng ta sẽ rơi vào một sự bốc cháy trong lửa địa ngục, sự biểu lộ tâm sân hận của chúng ta.
LUẬT NHÂN QUẢ
Các tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy rằng một đời sống lợi ích và tử tế sẽ đưa đến một cõi đầy phúc lạc ở bên kia cửa tử, còn một đời sống đầy sân hận và tai hại sẽ mang lại những hậu quả xấu. Thiên Chúa Giáo ngợi khen những việc tốt và những hành vi bác ái. Do Thái Giáo khuyến khích việc làm theo những điều răn trong Thánh Kinh Torah. Phật Giáo nói tới việc tích lũy công đức bằng cách tạo thiện nghiệp qua ý nghĩ, lời nói và việc làm tốt. Những tôn giáo này cũng như những truyền thống khác đều chấp nhận luật nhân quả tự nhiên và phổ quát trong vũ trụ vạn vật. Luật nhân quả hay nghiệp báo là nhân tố chi phối mọi sự kiện. Mỗi hành vi về thân, miệng và ý, đều sẽ phát sinh ra một hệ quả tốt hay xấu. Phật Giáo đặc biệt dạy tỉ mỉ về nghiệp quả nào sẽ xuất hiện sau những hành vi nào. Nói chung thì những ý nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động tốt sẽ đưa đến phúc lạc, trong khi những hành vi bất thiện sẽ có hậu quả đau khổ trong kiếp luân hồi.
Tất cả những cảm xúc đau khổ cũng như những ý niệm và những ý nghĩ theo thói quen đều có nguồn gốc là ngã chấp, tức là bám giữ vào cái “ta” giả ảo, phân biệt chủ thể và đối tượng, có ý tưởng mình là thực thể phân cách với tất cả các sinh linh khác. Luận Sư Nagarjuna (Long Thọ) viết: “Tất cả chúng sanh đều do ngã chấp mà kẹt trong luân hồi” (All beings have come from grasping at self).Tâm trí con người có khuynh hướng bám giữ vào những đối tượng của ý nghĩ và nhận thức, và đó chính là nguyên nhân của kiếp sống trong cõi nhị nguyên này.
Do ngã chấp, phân biệt mình với mọi vật khác, mà người ta xem những đối tượng của tâm trí là những thực thể có sự hiện hữu thực sự. Đối tượng tâm trí là tất cả những hiện tượng xuất hiện trong ý thứccủa chúng ta, thí dụ như “mình”, “người”, “anh”, “nó”, “tiền” hay “bàn ghế”, cũng như những ý tưởng, cảm xúc và cảm giác, thí dụ như “đau”. Khi nắm giữ một đối tượng của tâm trí như một vật chắc thật, chúng ta lập một liên hệ nhị nguyên chủ thể và đối tượng. Rồi đến ý tưởng thích hoặc không thích đối tượng của tâm đó, và như vậy xiết chặt thêm sự chấp thủ của tâm trí. Sau cùng là cảm xúc vui thú hoặc đau đớn, đầy kích thích và áp lực.
Ngã chấp bao gồm hai ý tưởng “ta” và cái của ta” và cũng bao gồm cả những hiện tượng xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Nhưng Phật Giáo dạy rằng không có một tự ngã nào có sự hiện hữu thực sự, chắc thật và bất biến. Như vậy tính ngã chấp của chúng ta chỉ dựa trên một ảo tưởng. Và do có luật nhân quả, những ý nghĩ và hành vi vô minh dựa trên ảo tưởng của chúng ta sẽ có hậu quả là đau khổ vốn rất thật đối với chúng ta.
Tính ngã chấp gây ra luân hồi và nghiệp báo. Nó sản sinh ra những cảm xúc, phiền não tham, sân, si, ganh tỵ, kiêu ngạo và lo sợ. Những cảm xúc phiền não này là nguyên nhân của sự tái sinh, vì vậy trạng thái tâm an tĩnh là phương tiện thoát luân hồi đau khổ.
Những giai đoạn sống, chết, và sau khi chết diễn ra một cách tự nhiên đối với mọi người, và không do một người nào khác tạo ra cho chúng ta. Đó là những phản ảnh và những lực phản ứng của chính những ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Vì vậy chúng ta phải tu tập một cách vững chắc để đạt phúc lạc trong sự chết và tái sinh.
CHU TRÌNH SỐNG, CHẾT VÀ SAU KHI CHẾT
Chu trình sống, chết và sau khi chết kéo dài bất tận, được gọi là luân hồi, hay “samsara” trong tiếng Sanskrit. Có khi luân hồi được mô tả tượng trưng bằng một bánh xe quay tròn không ngừng (xem hình vẽ trang 172, bản tiếng Anh). Luân hồi được chia thành bốn giai đoạn và là bốn loại kinh nghiệm khác nhau:
1/. Giai đoạn đời sống thế gian bắt đầu từ lúc thọ thai và chấm dứt với “căn bệnh gây tử vong” hoặc nguyên nhân nào khác đưa đến cái chết. Mỗi khoảnh khắc của đời sống cũng được xem là một giai đoạn đời sống xuất hiện và chấm dứt trong một chuỗi bất tận những sự kiện biến đổi giữa lúc sinh ra và lúc chết, lúc thức và lúc ngủ, lúc hạnh phúc và lúc khổ đau.
2/. Giai đoạn hấp hối bắt đầu với căn bệnh gây tử vong và đi qua sự phân giải thô đại và vi tế, khi những thành phần, thể xác, trí tuệ và cảm xúc phân rã. Giai đoạn này chấm dứt lúc hơi thở ngừng lại.
3/. Giai đoạn tính chất tối hậu hay chân tánh, bắt đầu khi “quang minh căn bản” hay tịnh quang, tính chất thật của tâm trí, xuất hiện. Đặc điểm của giai đoạn này là sự xuất hiện tự nhiên của “linh ảnh quang minh” và không chỉ có ánh sáng mà còn có những âm thanh và hình ảnh nữa. Giai đoạn này chấm dứt khi những linh ảnh này tan biến. Tuy nhiên những người bình thường không nhận ra linh ảnh quang minh là sự biểu lộ chân tánh của chính mình, mà họ xem đó là những hình ảnh hoặc sợ hãi hay vui mừng. Đối với họ, chứng nghiệm này sẽ chỉ kéo dài một lúc, vì họ sẽ bất tỉnh ngay sau đó.
4/. Giai đoạn chuyển tiếp, hay “Bardo”, bắt đầu khi những linh ảnh nói trên tan biến hoặc khi người ta tỉnh táo trở lại và chấm dứt khi người ta nhập vào thai bào người Mẹ ở kiếp sau.
Trong kinh sách Tây Tạng, mỗi giai đoạn đó được gọi là một Bardo, tức là giai đoạn chuyển tiếp hay trung gian, vì mỗi bardo xuất hiện giữa hai giai đoạn khác. Như vậy, cả kiếp sống thế gian cũng được gọi là một bardo, dù nghe có vẻ kỳ lạ, vì đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa lúc sinh ra và lúc chết. Tuy nhiên, nhiều người chỉ dùng từ ngữ bardo để chỉ giai đoạn ở giữa lúc chết và lúc tái sinh, một khoảng thời gian có nhiều chứng nghiệm linh động và những cơ hội quan trọng có tính cách quyết định kiếp tương lai của mình. Trong cuốn sách này tôi dùng từ ngữ “bardo” để chỉ giai đoạn thứ tư, ở giữa lúc thoáng thấy tịnh quang chân tánh và lúc tái sinh.
CÕI TRUNG ẤM – BARDO
Để minh họa sự kiện vượt qua ngưỡng cửa sự chết và những gì người ta có thể gặp ở bên kia cửa tử, tôi đã phiên dịch những câu chuyện kỳ lạ trong kinh văn Phật Giáo Tây Tạng về những hành giả đã rời khỏi thể xác của họ trong nhiều ngày liền để du hành trong cõi vô hình. Một hành giả như vậy được gọi là “delog”, hay người “trở về từ cõi chết”, tái nhập thể xác và viết lại cuộc du hành dị thường của mình vốn có thể đi qua tầng địa ngục thấp nhất cho tới cõi tịnh cao nhất.
Những cõi tịnh là những thiên đường hoan lạc và thanh tịnh mà các vị Phật hay các đấng giác ngộ do lòng từ bi đã dựng lên để các tín đồ có thể tái sinh ở đó mà không cần phải đắc những quả vị cao. Tái sinh trong một cõi tịnh, chúng ta sẽ tiếp tục tu tiến để đạt đến giác ngộ.
Có những delog kể lại chuyến đi thăm cõi tịnh của mình. Ở đó họ được các vị Phật dạy giáo lý. Các delog khác kể nhiều hơn về cõi Bardo, nơi có toà xử án, và những cõi khác nơi người ta có thể tái sinh, thí dụ như cõi quỷ đói hay cõi của các vị thần.
Những lời kể của các vị delog rất cảm động. Phần lớn các delog là những vị có đạo tâm kiên cố, và họ đã trở lại thế gian để kể cho chúng ta biết về cõi bên kia và cho chúng ta biết cách sửa soạn cho cõi giới đó. Mỗi câu chuyện là một tặng phẩm, vì đã mở một khung cửa sổ cho chúng ta thấy tương lai rộng lớn của mình ở bên kia cuộc đời này, các delog mở rộng tầm mắt của chúng ta và truyền cảm hứng cho chúng ta tu sửa cuộc đời của mình.
Những câu chuyện của các delog giúp cho chúng ta biết đến những điều quan trọng có tính cách quyết định cõi mình sẽ tái sinh. Chúng ta được thấy sức mạnh của việc tu tập có thể thanh lọc những ác nghiệp của thân, khẩu và ý. Chúng ta được biết sức mạnh cầu nguyện của người thân có thể giúp cho người chết đạt được sự tái sinh lên những cõi cao hơn. Chúng ta thấy sự thành tín là phương tiện thiện xảo để mở trí tuệ và làm cho các vị Thầy có thể giúp đỡ chúng sanh trong cõi bardo và hướng dẫn họ thác sinh về Tịnh Độ.
Phần lớn các delog mang về những lời nhắn của các người thân và bạn bè đã qua đời. Những lời nhắn riêng tư này làm cho chúng ta thêm tin tưởng vào việc sửa đổi lối sống của mình trong khi đang có thân người quý báu và đang có cơ hội tu tập ở thế gian này.
Ở Tây Phương, những người được hồi sinh từ cái chết trên giường bệnh có khi có “kinh nghiệm cận tử” (near death experiences). Những kinh nghiệm này có nhiều điểm giống kinh nghiệm của các vị delog, nhưng có thể chỉ kéo dài khoảng vài phút, trong khi kinh nghiệm của các delog có thể kéo dài nhiều ngày. Các delog cũng có vẻ đi sâu hơn nhiều vào cõi bên kia cửa tử.
Tôi đã tìm được nhiều văn bản delog, nhưng vì không gian giới hạn nên tôi chỉ có thể cho một phần nhỏnhững câu chuyện delog vào cuốn sách này. Những câu chuyện trong chương 2, chương 3 và chương 5 thường được ghi niên đại từ thế kỷ thứ 19 đến giữa thế kỷ 20. Delog không phải là hiện tượng mới có, mà cũng không phải chỉ có ở Tây Tạng. Họ đã được nói đến trong giáo lý của Đức Phật.
Khi đọc những lời kể của các delog trong cuốn sách này, một số độc giả sẽ thắc mắc tại sao những câu chuyện này nhuốm màu sắc người Tây Tạng và văn hóa cũng như tranh tượng Tây Tạng. Tại sao ở cõi bên kia các delog cứ gặp những người quen là Tây Tạng? Tại sao các vị phán xét có vẻ giống các phán quan trong tranh vẽ Phật Giáo?
Câu trả lời chính yếu là những cảnh tượng diễn ra trước mắt chúng ta trong cõi bardo là hình ảnh phản chiếu của những tập quán hay thói quen và những cảm xúc của chúng ta. Bất cứ cái gì chúng ta trông thấy và trải qua sau khi chết cũng phù hợp với tư tưởng của chúng ta vốn đã được định hình bởi nền văn hóa và hệ thống niềm tin mà bản thân chúng ta đã sống ở trong đó. Tất cả chúng ta, dù là trẻ con hay người lớn, có tín ngưỡng hay vô thần, cộng sản hay tư bản, đều gắn liền với những thói quen, nhận thức sự vật mà mình đã tiếp nhận trong đời sống. Vì các delog đều là Phật tử Tây Tạng hoặc quen thuộc với Phật Giáo, nên họ cảm nhận sự vật trong cõi giới Trung Ấm theo quan điểm đó.
Những tục lệ và tập quán của con người khác nhau tùy theo xã hội, nhưng chúng ta dù thuộc xã hộihay tín ngưỡng nào, cũng có chung một điểm là coi thế gian như sự thưởng và phạt cho những việc tốt hay xấu mà mình đã làm. Chúng ta luôn luôn giao động giữa mong cầu và lo sợ dưới những con mắt xuyên thấu của một quyền lực hay một vị phán xét nào đó. Những nhận thức của chúng ta thấm đầy tâm trạng phán xét này. Đó là lý do khi lỡ không có đạo đức, chúng ta sợ bị phán xét và sau khi chếtchúng ta sẽ cảm nhận một vị phán xét dành cho mình một lời tuyên án nghiêm khắc.
Sự thật thì không có một vị phán xét nào ở bên ngoài bản thân mình. Không có bản án nào cả. Kinh nghiệm sau khi chết của chúng ta chỉ là hệ quả của những nghiệp báo và cảm xúc mà chúng ta đã tạo tác trong đời sống. Luận Sư người Ấn Độ Shantideva đã viết về địa ngục như sau:
“Ai dựng lên địa ngục bằng sắt cháy nóng? những ngọn lửa đó ở đâu ra? tất cả chúng chỉ là hình ảnh phản chiếu những ý nghĩ bất thiện của mình. Đức Phật đã dạy như vậy”.
Rất có thể tất cả chúng ta sẽ trông thấy một quyền lực cao cấp nào đó. Hình dạng của quyền lực đó sẽ tương ứng với tập quán về tư tưởng của chúng ta. Các sách Tây Tạng mô tả một tòa án được chủ tọa bởi vị Pháp Vương và các phụ tá của Ngài, tức là các vị thần địa ngục. Những nền văn hóa và tôn giáo khác cũng nói tới một vị phán xét thiêng liêng, một cuốn sổ ghi công và tội của mọi người, hay một cái cân để cân công và tội. Những người có kinh nghiệm cận tử ở Tây Phương thường nói đến sự kiện “coi lại cuộc đời”, tức là trông thấy tất cả cuộc đời của mình, trong đó họ được khuyến khích phán xét cuộc đời của chính mình. Nhưng điều thông thường cho tất cả là luật nhân quả phổ quát quy định thói quenvà hành động tốt sẽ có kết quả tốt, còn thói quen và hành động bất thiện sẽ đưa đến hậu quả xấu.
TÁI SINH:
Sau giai đoạn bardo, chúng ta sẽ tái sinh với một thể xác và danh tánh mới. Cũng như những gì diễn ra với chúng ta trong cõi bardo tùy thuộc vào hành vi, khuynh hướng tâm trí và cảm xúc, và những thành tựu tâm linh, những nhân tố này sẽ quy định kiếp kế tiếp của chúng ta.
Chúng ta có thể nhận ra tính chất thật của mình, tức chân tâm, trong cõi bardo, hay trong bất cứ giai đoạn nào của bốn giai đoạn đời sống (đã được nói ở phần trước). Nếu có thể duy trì sự chứng ngộ này (chân tâm thường trụ) thì như vậy chúng ta sẽ đạt đến giác ngộ trọn vẹn và thoát luân hồi. Tuy nhiên, người ta phải mất nhiều năm thành tâm tu tập thì mới đạt đến giác ngộ, và không thể đạt được chỉ bằng cách tham dự những khóa tu Thiền cuối tuần hay hành Thiền vài phút mỗi ngày trong vài năm. Các vị Thầy thành tựu có thể đạt giác ngộ và tự chọn con đường tái sinh cho mình thay vì tùy thuộc vào nghiệp quá khứ. Chuỗi nghiệp báo thường lệ của các vị này sẽ ngừng lại hay được thăng hóa. Đối với họ thì vạn vật trong cõi hiện tượng này chỉ là sự phóng chiếu của những phẩm tính tâm trí của chính mình.
Nếu chúng ta giữ vững ý nguyện đạt giác ngộ và trụ vững trên đường đạo thì một ngày nào đó chúng tasẽ đạt được mục tiêu này. Nhưng trong hiện tại, con đường của các vị Thầy giác ngộ trọn vẹn không dành cho những người bình thường chúng ta. Tùy theo nghiệp quá khứ, người bình thường sẽ phải tái sinh ở một trong sáu cõi luân hồi (sẽ được nói đến ở chương 6).
Những người đã tu tập và đã tích lũy nhiều công đức sẽ được tái sinh trong những cõi phúc lạc. Nếu có những đức tính hiền hòa, tử tế, giúp đỡ và hiểu biết, và nếu thực hành những đức tính này trong lời nóivà việc làm, chúng ta sẽ tái sinh trong những cõi có đời sống an vui và ích lợi. Nếu trong kiếp sống này chúng ta tu tập quán tưởng, suy ngẫm, cảm nhận và tin vào sự hiện hữu của một cõi tịnh độ thì chúng tasẽ tái sinh vào cõi tịnh ấy, vì thói quen tâm trí mà mình đã gây dựng. Một cõi tịnh như vậy không phải là cõi tịnh vô thượng của trạng thái giác ngộ, mà là một cõi cực lạc hiển lộ. Chúng ta sẽ không chỉ được hưởng một cõi cực lạc mà chúng ta sẽ còn tỏa ra sự gia trì phúc lạc vô tận của cõi tịnh cho tất cả những người nào sẵn sàng đón nhận. Chúng ta sẽ vẫn còn chịu sự tác động của luật nhân quả, nhưng đó sẽ là những quả báo phúc lạc. Nhiều người có thể thực hành lối sống lợi ích cho tương lai như vậy, và chúng ta phải xem đây là điều ưu tiên để làm của mình.
Còn về những người bình thường mà đời sống có đầy những cảm xúc tiêu cực như tham, sân, si, ganh tỵ và kiêu mạn thì sao? nếu tâm trí có thói quen tham, sân, si, chúng ta sẽ phải đối diện với một kiếp sống rất đau khổ. Khi trải qua bốn giai đoạn (đời sống thế gian, hấp hối, chứng nghiệm ánh tịnh quang và cõi trung ấm bardo) tâm trí xấu của chúng ta sẽ giống như đeo kính đen, làm cho u ám tất cả những gì chúng ta trông thấy. Thay vì khung cảnh quen thuộc mà chúng ta đã biết khi còn sống, tất cả những gì xung quanh chúng ta sẽ là những hình ảnh, những âm thanh và những sự việc đáng sợ hoặc gây đau khổ. Đó là những hiện tượng trong tâm thức của chúng ta như hậu quả của những trạng thái tâm bất thiện, phiền não mà chúng ta đã dung dưỡng trong đời sống của mình ở thế gian.
Nhiều người trong chúng ta, dù nhìn nhận hay không, đang duy trì những trạng thái tâm bất thiện đó trong đời sống. Thường thì đây là một tiến trình vô thức. Dù bên ngoài có thể chúng ta không nghĩ là một người ‘’xấu’’ như vậy, nhưng có thể chúng ta đang chìm đắm trong những cảm xúc độc hại, những tham muốn và ích kỷ mà nền văn hóa hiện đại khuyến khích. Chúng ta phải tự xét và giải trừ những cảm xúc bất thiện này của mình và thay đổi lối sống hằng ngày của mình ngay từ bây giờ, trong khi vẫn còn may mắn có thân người quý báu để tu tập và có một mức độ tự do chọn lựa cách sống tốt. Lúc chết chúng ta sẽ không thể tự ý thay đổi, vì nghiệp lực sẽ chi phối chúng ta, sẽ đưa chúng ta đến kiếp tái sinh, và có thể là ở một cõi phi nhân, nơi người ta không có cơ hội để tu tập nữa. Chúng ta sẽ trôi lăn trong luân hồi sinh tử và tái sinh bất tận, tràn ngập đau khổ hoặc quá vui sướng mà xao lãng việc tu hành.
CHUYỂN HÓA TƯƠNG LAI CỦA MÌNH
Cần phải nhớ rằng những cõi tịnh cũng như những cõi thấp mà chúng ta có thể trải qua sau khi chết hay khi tái sinh đều không phải là những cõi ở bên ngoài chúng ta và ở một nơi nào khác. Những kinh nghiệm vui sướng hay đau khổ trong những cõi khác nhau sau khi chết chỉ là những hình ảnh phản chiếu nghiệp báo của chúng ta. Những kinh nghiệm này giống như một giấc mộng được dựng lên bởi chính những tư tưởng mà chúng ta đã quen có trong đời sống. Chúng ta hãy nhớ đến điều này bất cứ khi nào nghe nói tới hay đọc về nghiệp báo. Tâm trí sản sinh những kinh nghiệm sướng hay khổ của mình sau khi chết như hệ quả của những thiên hướng vốn đã được huân tập và củng cố qua những kiếp trước. Được sản sinh bởi tâm trí, những kinh nghiệm này cũng diễn ra trong tâm trí chứ không phải ở một cõi giới nào khác.
Một điều cũng cần phải biết là chừng nào còn sống, chúng ta có thể thay đổi và phát triển tương lai của mình. Tất nhiên chúng ta sẽ luôn luôn chịu những giới hạn được áp đặt bởi những lực bên ngoài, và chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi những khuynh hướng tâm trí vốn đã được kết tụ trong quá khứ. Đây chính là lý do tốt nhất để phát triển những phẩm tính của đời sống, cái chết, và sau khi chết là thực hànhsửa đổi những thói quen tư tưởng và cảm xúc của mình từ xấu thành tốt.
Có ba điều cho chúng ta lựa chọn trong khi vẫn còn thời gian:
- Chúng ta có thể tiếp tục chịu đau khổ trong cuộc đời này như thường lệ, không nắm lấy cơ hội để tu sửa gì cả. Nghiệp báo của vô minh, phiền não và hoàn cảnh bên ngoài sẽ quyết định nơi tái sinhtương lai của chúng ta. Như vậy hạnh phúc đích thực sẽ không có dịp xuất hiện.
- Chúng ta có thể cố gắng đạt đến tình trạng hạnh phúc nhất và lành mạnh nhất mà kiếp luân hồibình thường có thể cung cấp. Nếu chúng ta duy trì một đời sống hiền hòa, vui vẻ, ích lợi và từ ái thì chắc chắn kết quả sẽ là một tương lai hạnh phúc và lành mạnh, ít nhất là trong một thế gian.
- Chúng ta có thể vượt lên trên kiếp luân hồi phù du, đạt đến trạng thái phúc lạc vô thượng và lâu bền, được gọi là Niết Bàn. Sự thành tựu này chỉ có thể đạt được đạt bằng việc chứng ngộ chân lý qua thiền quán và chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp vì lợi ích của người khác.
Nếu tâm ta quay về đúng hướng thì mỗi bước đi sẽ đưa chúng ta tới gần hơn mục tiêu mà mình muốn đạt được.
Những pháp môn tu tập được mô tả trong cuốn sách này chính yếu là dựa trên bản Kinh A Di Đà và Cõi Cực Lạc của Ngài. Nhưng nghi thức của các vị Phật và cõi tịnh độ khác cũng có thể được dùng, và cả những lời cầu nguyện của các hệ thống tín ngưỡng khác ngoài Phật Giáo với tính chất tương tự cũng sẽ có hiệu lực. Điều quan trọng là sửa soạn trước bằng cách thiền quán đều đặn theo một nghi thức kết hợp với một nguồn gia hộ.
Ở đây “nguồn gia hộ” muốn nói đến một đối tượng của việc tụng niệm hay cầu nguyện, sự tôn thờ, sự nương tựa, vốn là nguồn gia trì và bảo hộ. Nguồn gia hộ có thể là một nguồn cao cấp, nội tại, chân chánh, như một vị Phật, Bồ tát, thánh nhân, hiền triết hay đạo sư. Bất cứ một đối tượng của tâm trí nào cũng có thể là một nguồn gia hộ có oai lực nếu đối tượng đó có những phẩm tính tốt và được tâm trícảm nhận là tốt. Người hấp hối và người chết cũng như các vị hộ niệm phải dựa vào những nguồn gia hộ như sự giúp đỡ cho việc tụng niệm, cầu nguyện, thiền quán và những nghi thức của họ. Nguồn gia hộ tối hậu chính là bản thân chúng ta, vì tất cả chúng ta đều có Phật tánh, chân tánh giác ngộ. Tuy nhiên, cho đến khi nào chứng ngộ được tiềm năng của mình, chúng ta phải nương tựa vào một nguồn gia hộ bên ngoài để thức động chân tánh và những phẩm tính của mình.
Trong Phật Giáo Tây Tạng, việc tụng niệm một nguồn gia hộ, thí dụ như niệm danh hiệu Phật A Di Đà, là một trong những pháp môn phổ thông để đạt tới và nhận được sự gia hộ của một vị Phật. Phật A Di Đà đã phát nguyện sẽ cứu độ những người nào thành tâm niệm danh hiệu của Ngài, giống như một bà Mẹ chạy đến với đứa con của mình ngay khi nó kêu “Mẹ ơi”!
Có lần một người bạn của tôi thỉnh cầu đạo sư Yukhog Chatralwa hướng dẫn mình về pháp tu Dzogchen (pháp Đại hoàn thiện của phái Nyingma). Không nói một chữ nào về pháp tu Dzogchen, đạo sư Chatralwa trả lời:
“Trước hết hãy niệm danh hiệu Phật A Di Đà một trăm lẻ tám biến mỗi ngày với tín tâm kiên cố. Rồi cố gắng tăng lên hai trăm, ba trăm biến và nhiều hơn. Nếu có thể càng ngày càng nhiều thì sẽ đến lúc trong bất cứ việc gì mình đang làm việc, mình cũng an trụ trong danh hiệu của Đức Phật ở trong hơi thở và với cảm giác về sự hiện hữu của Ngài trong tâm trí. Như vậy, khi chết mình sẽ chết với danh hiệu của Đức Phật và cảm giác về sự hiện hữu của Ngài. Ngay lúc chết, do công đức của mình, do sự gia hộ của Phật A Di Đà và tín tâm của mình, tất cả những nhận thức của mình sẽ xuất hiện như Cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Tương lai của mình sẽ là an lạc. Mình sẽ là nguồn lợi ích cho người khác. Như vậy không phải là vi diệu hay sao?”
Lúc đó tôi đã không nhận thấy như vậy, nhưng mấy năm sau tôi mới bắt đầu hiểu những lời đạo sư Chatralwa là sâu xa và đầy ý nghĩa như thế nào?
Nếu tu tập Thiền quán xem vạn vật đều là Phật và cõi Tịnh Độ, thì dù chúng ta có gặp những hình ảnh, âm thanh, hay cảm giác xấu trong trung ấm bardo, chúng cũng không thể làm hại được chúng ta, và mọi vật sẽ trở nên tốt đẹp. Giống như trong một giấc mộng, nếu có thể nhận ra đây là một giấc mộng và là ảo ảnh thì chúng ta có thể tức khắc hóa giải oai lực của nó, làm cho những sắc tướng xấu biến đi như sương mù tan trong ánh sáng mặt trời. Cũng như vậy, nếu chúng ta có thể nhận ra những gì đáng sợxuất hiện trong cõi bardo chỉ là ảo ảnh hay là cõi Tịnh Độ thì chúng sẽ mất hiệu lực hay sẽ trở thành tốt đẹp. Những vị Thần chết đáng sợ sẽ trở thành các vị Thần trí tuệ và từ bi, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau.
Nhưng chúng ta hãy bắt đầu tu tập ngay từ bây giờ, trước khi cái chết tới gần. Nếu tu tập mỗi ngày, hay nhiều lần trong mỗi ngày, chúng ta sẽ không rơi vào trạng thái hoang mang trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
NHỮNG NGHI THỨC CHO NGƯỜI HẤP HỐI VÀ NGƯỜI CHẾT
Chúng ta đã thấy mình có thể làm được một cái gì đó để tự giúp mình xử lý sự việc trong lúc qua đời. Nhưng còn cái chết của những người khác thì sao? gồm cả những người đã không có cơ hội để tu tậptrước khi qua đời? chúng ta những người còn sống, có thể giúp đỡ họ được không?
Mỗi tôn giáo đều có những lễ nghi hay những kinh sách dành cho việc giúp đỡ người hấp hối và người chết, và cũng là một sự an ủi đối với những người sống. Thí dụ, với Đạo Do Thái, người hấp hối sẽ đọc bài kinh xưng tội và ăn năn, nếu không thể làm như vậy, những người khác sẽ giúp người hấp hối làm việc này. Sau khi một người qua đời, những người sống đọc nhiều lần bài kinh Kaddish, tôn vinh đức Chúa Trời. Với Hồi Giáo, người ta tụ tập lại để cùng nhau đọc kinh xin Thượng Đế tha tội cho người chết. Với Thiên Chúa Giáo, các tu sĩ làm lễ xức dầu cho người hấp hối và có những bài kinh cầu nguyệncho linh hồn người chết và nghi lễ an táng. Phật Giáo Tây Tạng cũng có truyền thống lễ nghi phong phú liên quan đến sự chết.
Trong cuộc đời có nhiều biến động của tôi, tôi có nhiều kinh nghiệm bản thân về việc tổ chức lễ nghi hậu sự cho các vị Thầy, các bạn thân cũng như những người xa lạ. Có những người được kính trọng hoặc có quyền lực, và được nhiều người than khóc khi họ qua đời. Những người khác thì có đời sống nghèo nàn, không được ai quan tâm hay biết đến.
Khi được năm tuổi, tôi đã bắt đầu sống ở Tu Viện Dodrupchen nổi tiếng ở miền Đông Tây Tạng. Cùng với các tu sĩ và tu sinh khác, tôi đã quyết định dành trọn cuộc đời của mình cho việc học giáo lý, cầu nguyện và hành Thiền. Sau khi học xong những pháp tu căn bản, chúng tôi nghiên cứu và Thiền quánvề những giáo lý cao cấp và bắt đầu phục vụ cộng đồng. Chúng tôi được dạy phương pháp hộ niệmngười chết và giúp thân nhân của người quá cố bằng cách tụng niệm, nghi thức, giáo lý và Thiền quán, theo những điều mà Phật Giáo Tây Tạng đã đề ra một cách tỉ mỉ.
Hộ niệm cho người chết bằng những nghi thức này có thể là việc làm đáng buồn nhất, nhưng cũng thanh tịnh và thành thực nhất trong cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định gì khác hơn việc cố gắng hết sức để hộ niệm cho người chết trong hành trình đi vào cõi u minh của họ. Ở bên người chết hay người hấp hối, chúng tôi tụng niệm với tất cả tâm thành của mình. Tính chất vô thường của đời người hiển lộ rõ rệt trước mắt chúng tôi. Đối với người chết, danh vọng, sự nghiệp và tài sản đều không còn nữa. Ngay cả thân xác đáng quý trọng nhất của họ bây giờ cũng nằm bất động, lạnh ngắt, không có hơi thở_ một cái xác chết.
Hỗ trợ người hấp hối và người chết là một trong những việc phục vụ cộng đồng quan trọng nhất của chúng tôi. Tôi thường phụ giúp các vị lạt ma cao cấp trong việc hộ niệm, nhưng cũng có những khi tôi hướng dẫn một ban hộ niệm. Có đôi lần tôi hướng dẫn nghi thức hộ niệm kéo dài mấy tuần. Đa sốtrường hợp chúng tôi làm nghi thức này trong một hay hai tiếng đồng hồ.
Khi làm nghi thức hộ niệm, chúng tôi ngồi thẳng lưng bên người hấp hối hay gần xác của người chết. Tất cả các nghi thức đều theo cùng một khuôn mẫu căn bản như sau: chúng tôi bắt đầu bằng việc thành tâm kêu cầu nguồn gia hộ, thí dụ như Phật A Di Đà. Sau đó chúng tôi hướng tâm về người hấp hối hay người chết với tâm từ bi mạnh mẽ phát xuất từ tận đáy lòng của mình và làm nghi thức chính yếu: tụng niệm, Thiền quán và nhận sự gia hộ của chư Phật dành cho chúng tôi cũng như cho người chết. Sau cùng chúng tôi thấy, cảm giác và quán niệm vạn vật như một sự an lạc lớn. Nghi thức kết thúc với việc hồi hướng công đức của chúng tôi cho người chết và cho chúng sanh vốn đã là Cha Mẹ của mình trong vô số kiếp trước, và việc cầu nguyện cho người chết siêu sanh về miền Cực Lạc hoặc tái sinh làm người có đời sống phúc lạc.
Tôi không dám nói là mình có quyền năng thay đổi vận mạng của người khác hay mình có thần thông trông thấy người hấp hối hay người chết đi về đâu, nhưng vì tin vào giáo lý Phật Giáo nên sau khi làm những nghi thức này với sự thành tâm và lòng từ bi, tôi thường cảm thấy một niềm an vui lớn. Tôi cũng cảm thấy biết ơn là mình đã may mắn có cơ hội hỗ trợ người khác trong lúc cần được giúp đỡ nhất của họ, và mình đã cố gắng hết sức trong việc này. Cùng lúc đó tôi cũng đã luôn luôn cẩn thận không thúc đẩy mình quá giới hạn tâm trí, thể xác và tinh thần của mình.
Nhiều tang lễ là cơ hội hoan hỷ khi những người tham dự lễ kể lại những điều tốt lành mà người quá cố đã mang lại cho chính mình cũng như cho người khác trong đời sống trước đây. Nhưng cũng có nhiều tang lễ có bầu không khí đau buồn khi sự ngăn cách giữa người chết và người sống đến mức không ai có thể tiếp cận người quá cố, dù chúng ta có thể chạm vào thể xác của họ. Thần thức của họ đã đi vàocõi u minh, bí ẩn và cô quạnh. Ngồi bên giường người chết, đối diện với sự phù du của đời người, chúng ta thấy không có nơi an toàn nào để trốn tránh. Đây luôn luôn là cơ hội làm cho chúng ta thức tỉnh.
CÁI CHẾT CỦA VỊ ĐẠI SƯ
Lần đối diện với sự chết đầu tiên của tôi là một nguồn hoan hỷ đáng mừng đối với tôi. Có một Lạt Ma nổi tiếng tên là Sonam Tragpa, Ngài thuộc bộ tộc Wangrol của Mẹ tôi ở tỉnh Golok, miền Đông Tây Tạng. Người trong bộ tộc này gọi Ngài là Pushul Lama. Ngài sống ở một tu viện, cách tu việc của chúng tôi hai ngày đi ngựa. Ngài được xem là vị đại sư và cũng là đại học giả, tác giả của nhiều tập sách, một bậc Thầy về pháp tu Mật giáo cùng pháp tu Dzogchen, nhưng pháp tu chính của Ngài là pháp tu Tịnh Độ.
Lạt Ma Pushul viên tịch vào khoảng sáu mươi tuổi, lúc tôi còn là một thiếu niên. Khi biết tin này, Thầy của tôi, Kyala Khenpo, cùng với tôi và vài người khác phi ngựa đến chỗ của Ngài. Chúng tôi tới tu việncủa Ngài vào lúc chiều tối hôm đó và được các đệ tử tu sĩ cũng như tín đồ của Ngài đón tiếp.
Tôi có một mối liên hệ đặc biệt với Lạt ma Pushul. Sau khi tôi sinh ra, Ngài là một trong những vị Thầy đã nhận ra tôi là hóa thân hay “tulku” của vị Thầy chính yếu của Ngài. Ngài cũng là Lạt ma quan trọng nhất trong bộ tộc của Mẹ tôi. Như vậy tôi có bổn phận đặc biệt phải lo tang lễ cho Ngài.
Đại Sư Kyala Khenpo bảo tôi đi một mình vào phòng của vị Lạt ma quá cố. Thân xác của Ngài nằm trên giường theo thế sư tử nằm ngủ, vốn là một thế thiền định. Lúc đó tôi còn non trẻ nên không nghĩ nhiều về điều này, nhưng tôi cảm thấy bầu không khí toàn khu vực cũng như căn phòng thật an lạc. Tôi sờ vào ngực Ngài cảm thấy hơi ấm, dù Ngài đã ngừng thở hơn bốn mươi tám tiếng đồng hồ rồi. Đây là dấu hiệu cho thấy thần thức của Ngài vẫn còn nhập vào Thiền định ở trong thể xác. Khi Sư Khenpo biết điều này, Ngài nói: “Không ai được vào phòng của Lạt ma Pushul hay gây tiếng động xung quanh cho tới khi nào Ngài xả Thiền”. Mọi người tụng niệm và làm lễ ở trong những cái lều ở xa tu viện của vị Lạt Ma quá cố. Theo thông lệ thì sự kiện một vị Lạt ma cao cấp viên tịch phải được giữ bí mật trong mấy ngày, nhưng trong trường hợp này việc giữ bí mật là bất khả. Tin buồn đã lan ra khắp nơi như lửa cháy rừng.
Sáng hôm sau tôi không thấy vùng ngực của Đại sư Pushul còn hơi ấm nữa, vì vậy bốn tu sĩ được gọi vào để tắm rửa nhục thân của Ngài với nước nghệ, rồi lau khô bằng vải trắng mới. Sửa soạn xong mọi thứ để giữ nhục thân của Ngài trong nhiều ngày. Rồi họ thỉnh nhục thân Ngài ngồi lên theo thế kiết giàhoa sen trên một cái ngai nhỏ, đắp y áo và đội mão như trong những đại lễ. Hai cánh tay của Ngài bắt chéo trước ngực, cầm một chùy kim cương và một chuông linh, đèn, thực phẩm và các món đồ cúng khác được thiết bày trên hai cái bàn thấp ở phía trước Ngài. Tôi biết chắc là Ngài muốn tang lễ của mình thật đơn giản, nhưng thực tế lễ tang của Ngài đã được tổ chức rất long trọng vì cộng đồng muốn như vậy.
Tu Viện chỉ có khoảng ba mươi tu sĩ, nhưng những giòng người thuộc mọi thành phần trong xã hội từ khắp nơi đổ về đây suốt ngày đêm, cả từ những trại du mục ở xa, họ than khóc và cầu nguyện.
Chúng tôi tìm thấy một tờ giấy nhỏ có chữ viết của Đại su Pushul như sau:
“Ngay sau khi viên tịch, tôi sẽ vãng sinh Tịnh Độ. Tôi đã trì tụng bộ kinh Đại Bát Nhã (15 cuốn) một trăm lẻ tám lần và thiền quán về ý nghĩa thâm diệu của bản kinh ấy trong kiếp này. Vì vậy, danh hiệu của tôi sẽ là Bồ Tát Sherab Nyingpo (Tâm Trí Tuệ/Wisdom Heart). Ai thành tâm cầu nguyện với tôi, sẽ được tôi gia hộ tránh mọi tai ươngtrong đời này. Tôi sẽ tiếp dẫn về cõi Cực Lạc sau khi họ mãn phần”.
Ngài kết thúc những lời nhắn này bằng năm câu sau đây để các đệ tử cầu nguyện với Ngài:
“Trong cõi Tịnh Độ Ngài là Sheral Nyingpo. Trong xứ tuyết (Tây Tạng) Ngài là Sonam Tragpa. Trong tương lai Ngài sẽ được gọi là Phật Vô Lượng Thọ. Vị Thầy bổn sư của chúng con, chúng con cầu nguyện với Ngài, xin Ngài gia hộ cho chúng con vãng sinh về Tịnh Độ”.
Bức chúc thư này thật đáng ngạc nhiên, vì mọi người đều thấy Đại sư Pushul là người cực kỳ khiêm tốn và thực thà. Ngài không bao giờ nói những điều gì mà chính Ngài không thực tâm mong muốn. Chúng tôi ngạc nhiên không phải vì những điềuNgài viết, vì tất cả chúng tôi đều đánh giá Ngài cao nhất, mà chúng tôi ngạc nhiên vì Ngài đã viết những lời này.
Vào lúc rạng đông ngày thứ tám, nhục thân của Ngài được hỏa táng trong một cái tháp vừa mới xây xong. Các đệ tử xuất gia bận rộn để chuẩn bị mọi thứ cho lễ hỏa táng. Các tín đồ khắp nơi đổ về đầy khắp sườn đồi, cố gắng nhiễu quanh khu hỏa táng để tỏ lòng tôn kính, tụng niệm để hồi hướng công đức cho đại sư được cao đăng Phật quốc. Cả vùng biến thành một đại lễ thành kính, tiếng kinh cầu và tiếng âm nhạc vang vọng khắp không gian. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nhiều sự u buồn và nhiều lời tụng niệm thành tâm như vậy của nhiều tấm lòng trong một đại tang lễ như thế.
Sự kiện này biểu thị một sự thành tựu vĩ đại. Khi còn là một thiếu niên, đại sư Pushul đã từng bị rối loạn tinh thần đến mức gia đình Ngài phải trói Ngài lại để Ngài không làm tổn hại chính mình cũng như người khác. Nhưng do cầu nguyện và thiền quán, Ngài đã chuyển hóa bản thân và đạt đến niềm tin vững chắclà mình sẽ thác sinh vào cõi Tịnh Độ và sẽ hướng dẫn mọi tín đồ cùng vãng sanh. Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa gặp được người nào học rộng, vui vẻ và tử tế hơn Ngài.
Nếu noi theo gương của Ngài, chúng ta cũng có thể chuyển hóa, đạt đến niềm tin vững chắc trong đờisống cũng như lúc qua đời.
Nhà phân tâm học quá cố, tiến sĩ Elisabeth Kubler Ross, người đã làm cuộc cách mạng về thái độ đối với sự chết và sự hỗ trợ người hấp hối ở Hoa Kỳ, cũng có quan điểm tương tự khi bà nói:
“Sự thật duy nhất không thể chối cãi trong công trình của tôi là sự quan trọng của đời sống. Tôi luôn luôn nói rằng sự chết có thể là một trong những kinh nghiệm lớn nhất của đời người. Nếu sống mỗi ngày trong đời của mình một cách đúng đắn, người ta sẽ không có gì để sợ hãi cả".
Việt dịch: Thích Nguyên Tạng
Nguồn: thuvienhoasen.org