CĂN NHÀ ĐÓ GIỐNG NHƯ MỘT Ổ RẮN
Ngày xưa có một vị vua xứ Magadha (Ma kiệt đà) tên là Shinga Shupa. Ông có một con trai là thái tử Kundukye, là người có lòng sùng mộ lớn lao và một tâm trí trong trẻo. Khi đã khôn lớn, Kundukye không thể chịu đựng nổi đau khổ của sinh, lão, bệnh và tử, vì thế thái tử quyết định đi vào núi rừng để thực hành Pháp. Những người dân của vương quốc van nài thái tử từ bỏ dự định và ở lại vương quốc với họ, nhưng họ không thể thuyết phục được ông. Vua Shinga Shupa trở nên tuyệt vọng và xin Vua Dawa Ö ở Varanasi cho mình lời khuyên về cách thuyết phục thái tử ở lại vương quốc và không nhập thất.
Vua Daway Ö tới gặp Thái tử Kundukye và nói: “Than ôi! Đáng tiếc biết bao! Ông đang từ bỏ một cung điện lộng lẫy để lấy một thân cây. Có lẽ ông đã bị mê lầm bởi quỷ ma hay đã điên loạn. Xin hãy cẩn thận lắng nghe những gì ta nói: Ông có thể cai trị một quốc gia và đồng thời thực hành Pháp.” Thái tử đáp lại: “Than ôi, Đại Vương, chính ngài phải lắng nghe con. Con cảm kích những lời tử tế và lòng bi mẫn của ngài, nhưng con đã quyết định. Khi ngài đã nhìn thấy cung điện thực sự trong sự cô tịch của rừng thẳm, cung điện của một vị vua có vẻ là một tổ kiến.”
Vua Daway Ö vẫn khăng khăng: “Nếu ông không muốn cai trị vương quốc, ít nhất hãy ở lại trong cung điện và thực hành pháp ở đó.” Thái tử đáp: “Than ôi, cung điện thì đầy những phiền não và lầm lạc. Quá khứ thì rắc rối, và việc tiếp tục đối mặt với những vấn đề trong tương lai thật mệt mỏi. Căn nhà đó giống như một ổ rắn. Con không muốn ở lại trong vương quốc.”
Sau đó Vua Daway Ö phản đối: “Nếu ông không muốn sống trong cung điện, ít nhất hãy tới một tu viện và nghiên cứu Pháp ở đó.” Thái tử trả lời: “Khi ngài đã nhận ra bản chất của tánh Không, chỉ đơn thuần nghiên cứu các bản văn thì như tiếng huyên thuyên của những con vẹt. Loại tham luyến đó chỉ là việc thương mại và một đối tượng thích đáng cho lòng bi mẫn. Con đã từ bỏ lâu lắm rồi sự huyên thuyên như thế.”
Sau đó Vua Daway Ö nói: “Nếu ông không muốn sống trong cộng đồng các tu sĩ, ít nhất hãy giữ cho mình một ít của cải và thực hành bố thí.” Thái tử trả lời: “Ngay cả một ngọn núi vàng được tô điểm bằng lam ngọc cũng không thể hấp dẫn con đến với của cải. Thay vào đó, với tâm tập trung, con sẽ giữ của cải là sự mãn nguyện.”
Sau đó Vua Daway Ö lý luận: “Nếu ông không muốn của cải, ít nhất ông nên có một vài người bạn đáng tin cậy.” Thái tử phản đối: “Ngay cả một trăm thần dân đáng tin cũng không đáng tin cậy hơn sự giác ngộ.”
Rồi Vua Daway Ö nói: “Nếu ông không muốn những người phục vụ, ít nhất ông nên có một ít quần áo tốt.” Thái tử trả lời: “Khi ngài có quần áo của sự mãn nguyện, mọi lụa là và gấm thêu kim tuyến khác trở thành các đối tượng của lòng bi mẫn.”
“Nếu ông không muốn quần áo, ít nhất hãy có thực phẩm tốt lành để ăn và sau đó thực hành Pháp,” nhà vua nói. Thái tử trả lời: “Được nuôi dưỡng bằng sự bất nhiễm và tư tưởng vô niệm đức hạnh là chất dinh dưỡng tốt lành nhất.”
Vua Daway Ö chẳng thể làm được gì, và nhà vua mất mọi hy vọng về thái tử. Nhưng thái tử nói với vua: “Sinh tử này là hão huyền và vô thường. Những kẻ ngu dốt bám chấp vào nó, nhưng bậc hiền trí thoát khỏi nó. Vì thế, con cũng muốn an trú trong sự cô tịch. Ôi Đức Vua, ngài cũng nên làm như thế. Những nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, và tử thì không thể chịu đựng nổi. Sinh tử thật khốn khổ và vô tận. Cung điện của ngài chỉ là một giấc mộng.” Theo cách này, thái tử cho nhà vua những lời khuyên và mời vua cùng đi với mình vào sơn thất. Kết quả là Vua Daway Ö cũng từ bỏ vương quốc, đi theo con đường thực hành, và trở nên thành tựu.
Khi hiểu rõ lời răn dạy của câu chuyện này, ta nên từ bỏ các nguyên nhân của đau khổ. Thay vì xây dựng một lâu đài to lớn với một “quang cảnh” vĩ đại của sinh tử, ta nên nhìn xa hơn điều đó, đến tận cung điện của niết bàn, nó vĩnh cửu, là cội nguồn của mọi an bình và hạnh phúc, và suối nguồn của lợi lạc chân thật cho mọi chúng sinh.
Trích “MỘT HƯỚNG DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT PHÁP”