Câu Chuyện Giải Thoát của Jomo Memo
(1248-1283)
Trong số 108 terton có hai vị là dakini và Jomo Memo là một trong hai vị đó. Cô được coi là một Hoá Thân của Yeshe Tsogyel, vị phối ngẫu của Đức Padmasambhava. Cô sinh ra tại Dagpo ở một nơi gọi là E, ở đó có một hang động được Đức Padmasambhava ban phước và được gọi là hang Zarmo Lung.
Cha cô là một hành giả Kim Cương thừa thành tựu tên là Dorje Gyalpo. Mẹ cô là một dakini tên là Padma Paltsum. Jomo Memo sinh trong Rabjung,1 thứ tư vào Năm Thân. Cha mẹ cô gọi cô là Padma Tsokye, “Hồ Hoa Sen Hoan hỉ.”
Cho tới khi cô lên bốn cha mẹ cô giữ cô tại nhà trong vùng lân cận yên tĩnh, dễ chịu. Sau đó mẹ cô mất và cha cô lập gia đình một lần nữa. Mẹ kế của cô bắt cô làm nhiều việc nặng nhọc, chẳng hạn như vác gỗ và chăm sóc thú vật.
Năm cô mười ba tuổi, một hôm vào giữa trưa, khi đang chăm sóc gia súc gần hang động linh thiêng thì cô trượt chân và bị ngã. Rồi cô nghe từ trong hang có một giọng nói ngọt ngào gọi cô. Cô thức dậy nhờ giọng nói rất dễ chịu này và cô nhìn vào trong hang và thấy một cánh cửa ở phía sau. Cô mở cửa và thấy một khu hoả thiêu trên thiên giới, với Vajra Varahi ở giữa và được nhiều dakini khác vây quanh. Các ngài đang thực hiện một tiệc cúng dường.2
Vajra Varahi nói với cô: “Con gái, con đã tới?” Ngài lấy một bản văn và đặt nó lên đầu Jomo Memo, với nó ngài ban phước cho cô. Rồi ngài ban cho cô bản văn. Ngài nói: “Đây là một giáo lý của dakini, ‘Sangwa Kundu’,3 nếu con thực hành thiền định này con sẽ đạt được giải thoát.” Ngay khi cô nhận quyển sách, cô tức khắc hiểu được những gì trong đó.
Sau khi cô dự tiệc với các dakini và dùng những vật cúng dường của bữa tiệc, cô thức dậy và thấy mình ở ngay nơi bị ngã. Sau kinh nghiệm này cô bất ngờ thấu suốt mọi sự và rất uyên bác. Những giáo lý mà cô chưa từng nghiên cứu xuất hiện trong tâm cô một cách tự nhiên. Cô có thể để lại những dấu chân và dấu bàn tay trên đá.
Hầu hết mọi người nói sở dĩ xảy ra điều này là vì khi cô đi vào núi cô thiếp ngủ và một quỷ cái (sMan.mo) tới ban phước cho cô. Đây là lý do cô có tên như thế, nó có nghĩa là “Ni cô Quỷ cái.” Bởi những người dân địa phương tỏ ra nghi ngờ về những năng lực của cô, coi cô như quỷ cái, nên cô di chuyển tới một nơi cách đó hai mươi lăm ngày đường. Nơi đó được gọi là Lodrak.4 Ở Lodrak có một terton nổi tiếng được gọi là Guru Chowang. Trong những tiên tri của ngài thì có năm dakini trong đời ngài, và ngài nhận ra Jomo Memo là một trong số đó.
Khi Jomo và Guru Chowang được hợp nhất, ngài có thể khám phá một terma mà trước đây ngài không thể giải đoán được. Bất kỳ điều gì cô biết cô đều nói với ngài, và ngài thuật lại cho cô mọi sự mà ngài biết.
Sau một thời gian ngài nói với cô: “Quyển sách do Vajra Varahi ban cho cô là một giáo lý từ Yeshe Tsogyel. Hãy đi và thiền định về nó thật bí mật. Đừng nói với bất kỳ ai là cô đi. Sau đó hãy tới miền Trung Tây Tạng cùng với hai nữ đệ tử của cô.”
Có một lúc cô gặp một thành tựu giả tên là Lingje Repa. Nhờ tiếp xúc với cô ngài có thể mở kinh mạch trí tuệ sâu xa. Ngài đạt được chứng ngộ cao nhất trong tất cả những người sống giữa Sông Hằng ở Ấn Độ, và Tây Tạng.
Từ mười bốn tới ba mươi sáu tuổi cô du hành đó đây, không ở nơi nào quá lâu. Năm cô ba mươi sáu tuổi, vào ngày mồng mười tháng tám, cô leo lên đỉnh Núi Lhari ở miền Trung Tây Tạng với hai đệ tử và họ thực hiện một tiệc cúng dường lớn. Cuối bữa tiệc cô và hai thị giả bay tới Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ của Đức Padmasambhava và không để lại thân.5 Thực phẩm dư thừa được ban phước từ tiệc cúng dường có năng lực đem lại sự chứng ngộ bao la như bầu trời; người chăn gia súc ăn những gì còn sót lại lập tức đạt được chứng ngộ.
_______________________________
Chú thích:
1. Rabjung thứ Tư: giống như chúng ta đo lường thời gian bằng cách tính theo những thế kỷ từ thời đại của Đức Chúa Giê Su, những người Tây Tạng tính bằng những chu kỳ sáu mươi năm, được gọi là Rabjung, có từ thời gian Kalachakra lần đầu tiên được giảng dạy ở Tây Tạng, vào năm 946. Vì thế Rabjung thứ Tư ở khoảng giữa những năm 180 và 240 sau nhập môn Kalachakra đầu tiên ở Tây Tạng. Rabjung thứ mười tám bắt đầu vào Năm Mới 1984 Tây Tạng.
2. Một tiệc cúng dường (Phạn: Ganachakra) là một phần cốt yếu của cuộc đời một Tantrika (hành giả Kim Cương thừa.) Một nhóm Tantrika họp nhau lại vào những ngày tốt lành, thường là năm ngày trước khi trăng tròn (ngày của Đức Padmasambhava), hay mười ngày sau (ngày dakini), cùng thực hành và sau đó dùng thực phẩm và rượu đã được nghi lễ hiến cúng, sau đó họ có thể nhảy múa, ca hát và tán tụng theo thông lệ, cúng dường những bài kệ chứng ngộ cho các guru v.v.. Sự khác biệt giữa loại tiệc này và một tiệc thông thường khác là những hành giả đã chuyển hóa trong tâm mọi sự thành cõi giới của Bổn Tôn Kim Cương thừa, và khi họ ăn và uống, họ làm việc với tánh giác của họ và nỗ lực thoát khỏi sự bám chấp nhị nguyên về “tốt” và “xấu.”
3. Bản văn này được đề cập trong tiểu sử của A-Yu Khadro. Nó là một terma của Jomo Memo được tái ẩn dấu và được khám phá (Yang.gter) bởi Jamyang Khyentse Wongpo.
4. Một địa điểm ở miền Nam Trung tâm Tây Tạng nơi ngài Marpa và Milarepa cũng từng sinh sống.
5. Thân ánh sáng: xem chú thích 42 trong tiểu sử của Nangsa Obu
~ Trích “PHỤ NỮ TRÍ TUỆ”, Tsultrim Allione