Chí Thành và Tình Cảm
Pháp Vương Gyalwang Drukpa Đời Thứ XII Khai Thị
Tâm chí thành là một hình thức của sự hiểu biết. Đây là điều cốt tủy khi đàm luận về tâm chí thành. Trong các giáo phái, trong các tôn giáo khác phẩm hạnh này có thể có những tên gọi, danh hiệu và cách biểu đạt khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều cốt yếu là phải có sự hiểu biết chân thực về tâm chí thành.
Có rất nhiều người còn chưa thấu tỏ giữa tâm chí thành và tình cảm bởi xét về phương diện thực hành, họ chỉ cố gắng trở thành những tín đồ sùng đạo, khi đó tâm họ sẽ tự nhiên trở nên tràn đầy những tình cảm. Trong bài thuyết pháp của mình, tôi sẽ đàm luận chủ yếu về vấn đề này. Nhiều Phật tử đang thực sự nhiệt tâm tu tập nhưng trong tâm họ lại nảy sinh tình cảm, tràn đầy những tình cảm phức tạp. Khi đó, họ gặp rất nhiều chướng ngại rắc rối trên con đường đạo thậm chí hơn cả thời điểm họ mới vào đạo.
Đây là một thực tế đang diễn ra không chỉ trong Phật giáo mà cả ở nhiều tôn giáo và những đức tin khác; căn nguyên của chúng bắt nguồn từ những hiểu biết sai lầm của chúng ta. Với tư cách là một hành giả chân chính, bạn nên suy xét, quán chiếu tường tận về mọi điều đang diễn ra, chân tướng của sự vật là như thế nào, đâu là phương pháp tiếp cận và hiểu biết chân thực về chúng. Đây là tất thảy những điều mà bạn - một hành giả chân chính phải thấu đáo.
CHÂN LÝ CỨU KÍNH SIÊU VƯỢT MỌI TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG.
Là một hành giả Phật giáo, tôi xin đàm luận từ quan điểm, thế giới quan của Phật giáo. Tuy nhiên, thông thường tôi luôn nhắc tới chân lý cứu kính - chân lý siêu vượt mọi tôn giáo và những tín ngưỡng khác nhau v.v… bởi tôi thực sự không hoan hỷ xưng hô mình là ai, loại tín ngưỡng nào mà tôi đang theo và như vậy bạn hãy nên theo tín ngưỡng đó. Tôi không thích kiểu xưng hô như vậy chút nào bởi vì nó sẽ tạo ra nhiều chướng ngại. Từ vô thủy tới nay, chúng ta đã tạo rất nhiều chướng ngại và chính chúng mang lại cho chúng ta ngàn vạn rắc rối, chướng ngại phiền não thống khổ. Hầu hết những rắc rối, chướng ngại mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay đều là kết quả của những chướng ngại mà chúng ta đã tạo, đã tích lũy trong quá khứ. Bởi vậy, chúng ta không mong đợi một loại trở ngại nào dù về phương diện tâm linh hay về mặt vật chất thế gian. Một khi còn có bất kỳ trở ngại nào thì chẳng có thể mang lại những điều tốt đẹp cho chúng ta. Đó cũng là lý do tôi không muốn đàm luận về bất cứ điều gì cụ thể liên quan tới một tín ngưỡng, một tôn giáo hay một lĩnh vực riêng biệt nào.
Tuy nhiên, chủ đề của chúng ta là lòng chí thành và tình cảm được nhìn nhận từ góc độ tâm linh, do đó, tôi chẳng bị ràng buộc vào một tôn giáo cụ thể nào, tôi được tự do để nói về tu tập tâm linh; tôi thích dùng cách diễn đạt “tâm linh”, bởi tính linh là vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta. Vật chất thế gian bên ngoài rất hữu ích cho chúng ta nhưng chúng chỉ là nhất thời và hữu hạn, chúng không đáng tin cậy. Điều duy nhất mà chúng ta có thể tin tưởng và thực sự tu tập là tính linh, đó cũng chính là bản tâm. Tính linh - tâm vô cùng trọng yếu đối với tất cả chúng ta.
TÂM LÀ CHÌA KHOÁ CHO MỌI VẬT.
Tôi luôn thích sử dụng rất nhiều những dẫn dụ về hạnh phúc và khổ đau. Mỗi người có thể viện dẫn nhiều lý do cho hạnh phúc hay khổ đau của mình, có thể hạnh phúc bởi ta có một người bạn hòa hợp, có thể bạn đang thưởng thức món ăn ngon, hay bạn đang được hưởng một thời gian tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực phải được xuất phát từ tâm. Chính tâm chứ không phải bất cứ sự vật nào có thể mang lại cho bạn cả hạnh phúc cũng như khổ đau. Tâm là căn nguyên cho hết thảy mọi điều, từ hạnh phúc tới khổ đau v.v…Bởi vậy, những sự vật bên ngoài trong mọi lúc chỉ là tác động mang lại hạnh phúc và khổ đau. Khổ đau và hạnh phúc, dù cho là bất kỳ cảm xúc nào thì đều bắt nguồn từ nội tâm bạn.
Tôi thấy trong các truyền thừa, giáo phái và những tín ngưỡng thì không nên quy loại các Đạo sư tâm linh bởi vì sẽ tạo ra những bất đồng hỗn loạn làm cho nhiều người bối rối hơn, thù hận và ích kỷ hơn. Những trở ngại này đã được kiến lập kiên cố từ rất lâu rồi; và bây giờ là thời điểm trọng yếu cho chúng ta phải tìm ra con đường đạo chân chính. Chúng ta phải liễu ngộ, thực chứng tự tính tâm bản lai để thấu hiểu thực tướng của hết thảy mọi hiện tượng. Chỉ có tinh tiến tu tập trên con đường đạo, bạn mới có thể thành tựu được mục đích cao quý này. Nếu chỉ trên con đường vật chất thế gian thì bạn sẽ không thể đạt được giải thoát, tất nhiên con đường vật chất thế gian cũng có thể trợ giúp rất nhiều cho bạn.
TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU MONG CẦU HẠNH PHÚC
Tôi chắc chắn rằng, thậm chí những người chỉ có niềm tin thế tục thôi cũng luôn mong cầu hạnh phúc, chẳng có ai mong muốn khổ đau cả. Bởi vậy, chúng ta hết thảy ai ai cũng đều cố gắng nỗ lực tìm cầu hạnh phúc. Những hành giả đang nhiệt tâm tu tập những pháp tu khác nhau như thiền định, yoga…đều mong nguyện tiêu trừ khổ đau và tất nhiên cả những ai không tín tâm vào con đường đạo cũng tìm đủ cách để cho mình hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc chân thực chỉ thực sự đến từ con đường tâm linh, con đường mà hiện nay, ngay giờ đây chúng ta chưa thấu tỏ. Do đó, thay vào việc nhất tâm chí hướng tu tập tâm linh thì chúng ta lại cứ luôn tìm cầu một phương pháp khác, một phương pháp tương đối, đôi lúc có thể mang lại kết quả tốt đẹp nhưng đôi lúc lại không và cứ như vậy, nó được chúng ta kiến lập bền chắc, kiên cố qua nhiều năm.
Đối với tất thảy mọi người dù có niềm tin tôn giáo, niềm tin vào đời sống kiếp sau hay không thì hạnh phúc vẫn là điều quan trọng nhất. Chúng ta tự có thể suy xét lại xem, chúng ta đang làm gì trên cõi đời này và có một điều chắc chắn rằng, hạnh phúc là thứ được mong cầu nhất. Nhưng chúng ta đã làm gì để có được chân hạnh phúc? Kết quả thực sự của tất cả những điều mà chúng ta làm là gì? Những kết quả này có thực sự được thỏa mãn hay không? Hãy tự suy xét tường tận những điều này và khi đó chúng ta sẽ chắc chắn nhận chân được tầm quan trọng của tính linh cũng như của con đường tâm linh đến mức độ nào. Qua đó giúp chúng ta có được tâm chí thành - tâm chí thành thanh tịnh không còn vướng mắc bất kỳ những tình cảm chướng ngại.
NẾU HIỂU SAI CON ĐƯỜNG TÂM LINH THÌ BẠN SẼ ĐẦY TÌNH CẢM CHƯỚNG NGẠI
Tình cảm khởi hiện chủ yếu là do kết quả của sự hiểu biết sai lầm về con đường tâm linh. Nếu bạn hiểu sai ngay khi mới bắt đầu bước vào con đường tâm linh hay khi đã tu tập thì tâm bạn sẽ đầy những tình cảm, điều này là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Cũng có những người có tâm kiên cố tới mức không bị những tình cảm này phiền nhiễu nhưng hầu hết mọi người thì không. Bởi vậy, nếu muốn vững bước trên con đường tâm linh thì điều đầu tiên là không được ngộ nhận, không được hiểu biết sai lầm.
Có rất nhiều giáo pháp khác nhau để phù hợp với căn cơ của những đệ tử. Ví dụ như, trong Phật giáo quy định những điều gì Phật tử được phép làm và những điều gì không được phép làm… Đây là một loại hình thức của kỷ luật và nếu như bạn được giảng dạy theo cách này thì là do bản thân bạn chưa có được ý niệm nào về việc được phép làm gì và không được phép làm gì. Tuy nhiên, tất thảy những kỷ luật này phải được thấu hiểu một cách tường tận; thời khắc Đạo sư giáo dạy chúng ta những điều đó đòi hỏi ta phải lĩnh hội tính linh chứ không theo cách mệnh lệnh áp đặt kiểu: “Nếu anh không thực hiện theo những điều tôi yêu cầu thì điều đó là không tốt”. Cách truyền dạy chân chính không thể là như vậy được. Nếu bạn cảm thấy mình đang thụ nhận giáo pháp với một thái độ áp đặt mệnh lệnh như vậy và Đạo sư khai thị cho bạn rằng, bạn phải thụ nhận chúng theo cách đó thì đây là phương cách hoàn toàn sai lầm. Giáo pháp tâm linh không thể được truyền dạy theo cách thức như vậy, nhưng tất nhiên Đạo sư tâm linh là những bậc có phương tiện thiện xảo để truyền thụ những giáo pháp tâm linh. Ở đây, tôi đang luận bàn về những giáo pháp tâm linh chân chính chứ không phải bất kỳ một loại giáo pháp nào khác.
TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU CẦN TỰ DO
Những giáo pháp tâm linh chân chính đều đưa hết thảy chúng sinh tới tự do tuyệt đối. Tất cả chúng ta đều cần tự do dù là ở mức độ tối thượng hay thế tục. Tất nhiên, tự do thế tục không được khuyến khích trừ khi bạn là người có năng lực tâm linh mạnh mẽ, bởi vì tự do thế tục có thể làm cho đời sống sinh hoạt của bạn trở nên hỗn loạn hơn mà thôi. Tuy nhiên những bậc thượng căn chứng ngộ thì lại là chuyện khác.
Mục đích tối thượng của sự tu tập là đạt tới tự do tuyệt đối - cảnh giới cứu kính. Và như vậy, trước tiên là phải bước đúng ngay từ bước đầu tiên trên con đường tới tự do tuyệt đối. Tôi lấy ví dụ, Đạo sư sẽ khai thị cho bạn đâu là chính đạo, các mức độ thứ lớp của con đường đạo là như thế nào. Đây là bổn phận và phương tiện thiện xảo của Đạo sư nhưng việc bạn có theo hay không thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn, trí tuệ của bạn sẽ chỉ cho bạn là có nên theo hay không.
SUY NGẪM TƯỜNG TẬN, NGHIÊN TẦM GIÁO PHÁP
Lấy ví dụ, sau khi khai thị những giáo pháp thâm diệu, đức Phật đã dạy những đệ tử của mình: “Ta khai thị giáo pháp còn bổn phận của con phải suy ngẫm tường tận trước khi quyết định theo hay là không. Con không nên theo giáo pháp của ta nếu chỉ vì đó là giáo pháp của ta”. Trường hợp của chúng ta đây cũng tương tự như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm tường tận những giáo pháp được khai thị bởi Đạo sư trước khi quyết định chúng ta có thực sự nên theo hay không.
CẦN PHẢI LUÔN TRƯỞNG DƯỠNG TÂM MÌNH
Bất luận thế nào thì chúng ta cũng phải chú tâm vào tinh thần - tâm của mình. Đây là phẩm hạnh mà chúng ta phải trau dồi. Tâm là thứ duy nhất thực sự tối quan trọng, và phải được luôn trưởng dưỡng. Còn ngay bây giờ đây, tâm chúng ta tràn đầy những thứ vô nghĩa; rất nhiều người trong chúng ta không có lấy ý niệm chân tâm thực sự là gì, sự vận hành của tâm là gì hoặc thậm chí chỉ đơn giản nó là như thế nào. Nhiệm vụ của chúng ta là phải thấu hiểu toàn bộ những điều này, thậm chí chỉ cần hiểu biết về mặt tri thức thôi chứ chưa cần thực chứng bản tâm cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho chúng ta khi bắt đầu trên con đường đạo. Tất nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Học thuật, tri thức thì còn rất nhiều hạn chế, bạn phải tu tập, trải nghiệm thực chứng bản tâm để có thể tự chủ kiểm soát mọi thứ trong nội tâm. Khi chúng ta tu tập thực chứng bản tâm thì đó chính là cảnh giới giác ngộ, cảnh giới cao quý nhất trong hết thảy.
Chính đạo chỉ đường dẫn lối chúng ta tới cảnh giới cứu kính. Bởi vậy, nếu một ai hiểu biết thấu đáo về chính đạo thì không bao giờ rơi vào tà kiến sai lầm cùng với những tình cảm tiêu cực chướng ngại trên con đường đạo; con đường vật chất thế gian thông thường lúc này cũng có thể mang lại hạnh phúc cho người đó trong mọi lúc. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta có thể thấy được một sự khác biệt lớn giữa một người có tri thức chân thực về con đường đạo với một người không có được điều đó. Khi đã có chính kiến thì bạn có thể đạt đến tự do tự tại trong mọi hoàn cảnh, dù bạn có theo tín ngưỡng, tôn giáo nào đi chăng nữa.
Tôi có rất nhiều bạn bè, bằng hữu, và hầu hết họ đều không theo một tôn giáo nào cả. Họ thậm chí còn không có danh hiệu là một Phật tử như tôi; họ luôn coi tôi đơn giản chỉ là một người bạn. Nhưng thật là phúc duyên hy hữu, họ có sự hiểu biết rất sâu sắc về việc làm thế nào để được luôn hạnh phúc. Điều này cũng rất tốt mặc dù họ cần phải hoàn thiện nó rất lâu và cần một thời gian dài để thực hiện. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi hoàn toàn tự hào về những người bạn này của mình bởi vì dù không có sự hiểu biết sâu sắc về con đường đạo, nhưng họ lại có thể thể hiện và duy trì được toàn bộ chính pháp qua một ngôn ngữ rất thông thường. Có thể họ không có bất kỳ Đạo sư nào nhưng bản thân họ vẫn có thể đạt tới giáo pháp của hạnh phúc. Bởi vậy, tôi thực sự mong nguyện rằng tất cả mọi nguời chúng ta hãy luôn an lạc hạnh phúc, rồi sau đó mới suy xét nhiều hơn tới sự phát triển tâm linh.
Nếu chúng ta không đồng thời có hạnh phúc tự nhiên và sự hiểu biết chân chính thì chúng ta không thể trưởng dưỡng tu tập con đường tâm linh. Đây là kinh nghiệm của bản thân tôi. Tôi không phải là một ai từ trên trời giáng xuống, mà hiện tại chỉ từ hàng sơ học đi lên địa vị hiện tại, thậm chí có thể thoái thất nếu không nghiêm cẩn trong việc này. Ý của tôi ở đây là, tôi đã có một chút kinh nghiệm để chia sẻ với các bạn bởi vì mình đã trải qua những điều mà các bạn đang phải trải qua; tất cả chúng ta đang chịu đau khổ như nhau trên trái đất này. Nếu tôi cứ đàm luận về những thứ gọi là cảnh giới “thần thánh” thì sẽ hoàn toàn xa lạ với những gì thông thường, khi ấy bạn sẽ chẳng thể hiểu được gì, chúng ta sẽ chẳng chia sẻ, chẳng bàn luận được gì.
Bởi vậy, kinh nghiêm của tôi chỉ ra rằng, nhất nhất đều từ tâm, tâm là mấu chốt để giải quyết mọi điều. Đồng thời khổ đau có thể xuất hiện trong mọi lúc vì ngoại duyên; ở nhiều phương diện, ngoại cảnh cũng rất quan trọng. Và những điều kiện đó xét ở nhiều phương diện cũng rất quan trọng. Nhưng với sự hiểu biết thấu đáo về bản chất tinh thần hay cũng chính là tâm, thì mặc dù ngoại cảnh vẫn ở đó, đau khổ của chúng ta chắc chắn cũng được giảm thiểu tối đa.
THIỀN ĐỊNH LÀ GIẢI PHÁP
Giải pháp để truy tầm sự vận hành của tinh thần là thiền định. Có rất nhiều phương cách thiền định, và tôi rất hạnh phúc khi phát hiện ra rằng, những người phương Tây cũng rất khát ngưỡng thiền định - đây là điều kiện mà tôi coi là quan trọng nhất cho sự tu tập tâm linh hiện nay. Còn ở phương Đông, lại thật không may là không có nhiều người quan tâm thực sự tới thiền định (ví dụ như tọa thiền).
Có rất nhiều hình thức thiền định, ví dụ như, khi bạn đang tu học kinh điển thì cũng có nghĩa bạn đang thiền định bởi vì phải chú tâm vào kinh điển và nghĩa lý của kinh. Bạn đang không thiền định trong tư thế ngồi, kiểu như chú tâm vào một đối tượng nào đó, nhắm mắt lại rồi sau đó lại cảm thấy hôn trầm buồn ngủ lúc nào không hay. Người phương Tây không thích loại thiền định này.
Thiền thực sự là vô cùng quan trọng, có hai loại chính: Thiền tu và Quán định tức là tọa thiền. Thiền tu đòi hỏi bạn phải vận trí quán tưởng để hiểu rõ thế giới này thực sự là gì, đâu là bản chất căn bản của thế giới này? Bạn phải tự quán chiếu, phải chăng có nền tảng căn bản cho thế giới này? Bạn phải vận trí để thụ nhận sự tác động trở lại của thế giới hiện tượng và từ những khía cạnh khác nhau của tồn tại. Đây là phương thức của thiền tu.
Quán định không đòi hỏi bạn phải vận trí nhiều, bạn chỉ phải để tâm ở trạng thái an bình tĩnh lặng, để tâm hiển diện có mặt tại đó, không phân tích, không suy xét sự vật; hãy tỉnh thức, cố gắng không xao nhãng. Trong hầu hết mọi lúc, chúng ta hầu như không tỉnh thức, xao nhãng và tán loạn, thậm chí dù xét về phương diện ngoại tướng, chúng ta không tán loạn nhưng kỳ thực về nội tâm thì lại tán loạn. Phần lớn chúng ta trên thế giới này đều đang sống trong tình trạng cuồng loạn.
TỰ TIN VÀ TỰ TRAU DỒI LÀ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG
Chúng ta phải suy ngẫm quán chiếu xem đâu là phương tiện chân chính để sống trên thế giới này. Thế giới này có thể chuyển biến đẹp đẽ hơn là bây giờ, chúng ta có thể chuyển hóa thế giới trong nội tâm trở nên đẹp đẽ hơn ngay tức thì nếu chúng ta có đủ phúc duyên may mắn. Chẳng có gì có thể thay đổi được từ bên ngoài, tất cả mọi thứ hoàn toàn phải được chuyển biến từ bên trong chính bạn, tức là sự tự trau dồi và sự tự tin của bạn. Do đó, sự tự tin hay tự trau dồi là vô cùng trọng yếu. Ngạn ngữ Tây Tạng có câu: “Chính bạn phải mang hạnh phúc tới cho mình bởi vì người khác chỉ mang lại cho bạn khổ đau mà thôi”. Điều này có nghĩa là chính chúng ta chứ chẳng phải bất kỳ ai khác là những người mang lại hạnh phúc cho mình. Nếu chúng ta không biết thực hiện được điều này thì sự đau khổ sẽ tiếp diễn triền miên đến từ những người khác và mọi thứ khác. Bởi vậy, trước hết chúng ta phải làm thế nào để có chân hạnh phúc. Đây là mục đích chính của con đường đạo và tôi không ngạc nhiên nếu nói rằng đây cũng là mục đích tối thượng của tất cả mọi tôn giáo.
CUỒNG NHIỆT TÔN GIÁO KHÔNG THỂ LÀ CỨU KÍNH
Nếu bạn không thông tỏ chính đạo thì dù có trở thành người mộ đạo hay cuồng nhiệt tôn giáo thì cũng không thể đem lại an bình đích thực trong cuộc đời bạn. Cuồng nhiệt tôn giáo không thể hỗ trợ được bạn. Tôi xin lấy ví dụ, ngay khi bạn trở thành một tín đồ Phật giáo cuồng nhiệt hay tự ngã thì cũng chẳng thành tựu được gì bởi Phật giáo lúc này chẳng thể mang lại cho bạn chân hạnh phúc. Bởi vậy, điều trọng yếu trước hết là phải hiểu rõ rằng, bằng cách nào để trở thành một hành giả tâm linh chân chính?
Tất thảy những điều mà tôi đang đàm luận đều dựa trên giáo lý đạo Phật. Sự diễn đạt này thực sự gắn kết với chân lý vũ trụ và chúng ta gọi đó là triết học Phật giáo, bởi vì đức Phật là đấng khai thị giáo pháp của chân lý nguyên sơ thanh tịnh và Ngài đã thuyết giảng những giáo pháp chân lý cứu kính này theo hình thức một học thuyết. Tuy nhiên, việc đặt tên hiệu những giáo pháp của Ngài là Phật giáo không có nghĩa là để tạo ra một rào cản. Tôi cho rằng đây không phải là tư tưởng của đức Phật. Nhưng thật không may, việc chấp thủ vào tên hiệu tôn giáo đang là một trở ngại lớn cho nhiều hành giả trên con đường đạo.
Gần đây, có rất nhiều Phật tử thiên chấp, cuồng nhiệt tuyên bố rằng, Phật giáo là tôn giáo cao quý nhất so với những tôn giáo khác. Đây là tuyên bố hoàn toàn không đúng với mục đích tối thượng của Đạo Phật. Tình hình tương tự cũng đang xảy ra trong nhiều tôn giáo khác, những phê bình chỉ trích, tuyên bố như vậy cũng rất phổ biến. Do đó đã dẫn tới vô vàn những mâu thuẫn và xung đột trong thế giới này chỉ vì tôn giáo. Hàng triệu người đã bị giết chết chỉ vì tôn giáo. Thật đáng buồn và đáng hổ thẹn, đặc biệt với những người như tôi, là biểu tượng của hành giả tôn giáo.
KHÔNG ĐƯỢC HIỂU SAI CHÂN LÝ CỨU KÍNH
Kinh nghiệm chỉ cho tôi thấy rằng, triết học Phật giáo thực sự là chân lý cứu kính. Nhưng tất nhiên, chính bạn phải suy xét, quán chiếu tường tận xem điều này có chân thực hay là không. Chân lý cứu kính là chân lý bạn phải thấu đáo, thông tỏ, chúng ta không được hiểu sai khi đàm luận về chân lý cứu kính. Nếu không, mọi thứ sẽ trở nên sai lầm và bạn sẽ trở thành một hành giả nửa vời, nửa tâm linh nửa thế tục. Ban đầu, bạn nhiệt thành khát ngưỡng thành tựu tu tập tâm linh nhưng sau cùng thì lại chỉ thành tựu về phương diện vật chất thế gian. Khi ấy, bạn sẽ trở thành một hành giả nực cười và sống một cuộc sống nực cười. Do đó, song song với sự tiến bộ về phương diện vật chất, chúng ta cũng rất cần được hướng đạo đúng đắn về tâm linh.
Sự tiến bộ về phương diện vật chất là điều cần thiết nhưng nó cần được hỗ trợ bởi sự hiểu biết đúng đắn về mặt tâm linh; sự thông tỏ về mặt tâm linh chính là điều cực kỳ có ích cho sự phát triển về mặt vật chất. Đây là mối liên hệ nội tại giữa tâm linh và vật chất. Đức Phật từng chỉ ra sự khế hợp hoàn hảo chặt chẽ giữa chân đế và tục đế. Tục đế thực chất có nghĩa là chân lý vật chất thế gian hay cuộc sống vật chất thường nhật. Ta có thể lấy một ví dụ về chân lý này: Bạn phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn tiến bộ trong đời sống thường nhật đồng thời phải thông tỏ chân đế hay chân lý tuyệt đối. Như vậy, có hai cấp độ cần phải tu tập và đều tương trợ lẫn nhau. Phương thức sống mà chúng ta cần phải thực hiện là như vậy.
CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI CŨNG RẤT QUAN TRỌNG
Bàn về chân đế, bất kỳ điều gì chúng ta có thể thấy, nghe, chạm tới và ngửi nếm được đều quan trọng bởi vì chúng thực sự tồn tại. Chúng ta không thể nói chúng là không đúng chỉ bởi vì chúng không thể tồn tại một cách tuyệt đối. Không có một lý do nào để nói rằng, những sự vật hiện tượng này không tồn tại chỉ bởi vì chúng tồn tại ở cảnh giới tương đối.
Tôi lấy ví dụ về điều này, bây giờ tôi đang ngồi trên ghế và đàm luận với các bạn, bởi vậy bạn đang có mặt ở đây và tôi cũng vậy, và ngôi nhà này cũng vậy. Tất cả mọi thứ xung quanh đều đang hiện hữu ở đây. Bởi vậy, chúng ta không thể nói đơn giản rằng, chẳng có gì tồn tại cả. Tôi lấy thêm một ví dụ như, chúng ta cần phải làm việc để có tiền để sống, để có thể mua sắm quần áo v.v… nếu không thì chúng ta sẽ bị đói rét trong thời tiết giá lạnh và chúng ta cần một vài thứ thiết yếu để tồn tại và sống trên cõi đời này. Sự tiến bộ về mặt vật chất cũng được nhấn mạnh trong giáo lý đạo Phật, đức Phật dạy rằng: “Một trong những điều quan trọng là phải thấu đáo chân lý thế tục.” Ngài gọi là chân lý thế tục bởi vì những sự vật hiện tượng bề ngoài này thực sự là tương đối. Chúng ta phải thấu tỏ được chân lý thế tục là gì, cũng như tại sao chân lý thế tục không giống như chân lý cứu kính.
Một người khỏi bệnh sau khi được chữa trị, sau đó có một người tới và hỏi anh ta: “Anh khỏe chưa?” Người ốm này trả lời: “Cũng tương đối khỏe” hay anh ta có thể nói một câu tương tự như vậy. Qua cách trả lời này, chúng ta có thể hiểu tại sao chân lý thế tục lại được đề cập tới trong giáo pháp bởi vì “tương đối khỏe” có nghĩa là ngày hôm qua, người đó không khỏe hay tuần trước anh ta đang phải chịu đau ốm rất nhiều trong bệnh viện; tuy nhiên, so với những tình trạng sức khỏe này, bây giờ anh ta đang khỏe lên rất nhiều, như vậy “tương đối khỏe” là câu trả lời hợp lý.
Nhưng điều mà anh ta cảm thấy sau một tuần nữa thì anh ta vẫn chưa thể biết được. Cũng có thể anh ta sẽ chơi được bóng đá hay nhảy cao, nhưng trạng thái này vẫn chưa thể biết chắc được.
TẤT CẢ NHỮNG HIỆN TƯỢNG BÊN NGOÀI ĐỀU TƯƠNG ĐỐI
Tất cả mọi hiện tượng bên ngoài đều tương đối. Khi bạn cho một điều gì đó là tốt thì điều này chỉ tương đối, tương đối trong tương quan với một điều gì là xấu. Tuy nhiên, vẫn có những thứ tốt hơn điều bạn vừa khen, so với những thứ tốt hơn đó, thứ mà bạn vừa khen là tốt không tốt bằng.
Chân lý tương đối tồn tại như vậy đó. Khoảng cách giữa mọi thứ cũng rất tương đối, hạnh phúc và khổ đau cũng vậy, rất tương đối; nó đúng một cách tương đối và nó hiện hữu ở đó nhưng xét ở phương diện tuyệt đối- tối thượng thì nó lại không đúng và thực sự không tồn tại.
Tôi lấy ví dụ, bạn cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác cho cái bàn này là lớn hay nhỏ. Đây là cái bàn lớn theo nghĩa nó đủ chỗ để đặt 100 cái cốc nhưng lại quá nhỏ cho 1000 ngàn cái. Và với một người, cái bàn này là rất lớn, bởi vậy, bạn có thể nói rằng, cái bàn này là tương đối lớn. Dù cho cái bàn là lớn hay nhỏ thì đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn là gì. Như vậy, cỡ của cái bàn chỉ là tương đối.
Bạn có thể khai triển lý thuyết tương đối này vào chính mình. Bạn có thể dùng trí tuệ của mình để bao quát mọi điều, một đối tượng là dài và ngắn, lớn và nhỏ, đẹp và xấu… tất cả đều tương đối. Sự tương đối này hiển diện với tư cách một hình thức của chân lý tương đối. Nhưng xét ở phương diện tuyệt đối, tất cả mọi vật không ở trong hình thức như vậy. Ngay bây giờ, với tôi cái bàn là lớn nhưng thực sự về phương diện tuyệt đối, điều này lại không đúng bởi lẽ nếu về phương diện tuyệt đối là lớn thì phải lớn ở mọi lúc, mọi thời điểm và không trở thành nhỏ trong bất kỳ thời khắc nào. Điều này là không thể bởi vì cỡ của cái bàn cũng tương đối. Như vậy xét một cách tuyệt đối, cái bàn thực sự không tồn tại như nó xuất hiện.
CHÚNG TA CẦN NHỮNG PHÁP THIỀN ĐỊNH ĐỂ AN ĐỊNH TÂM
Đây là thời điểm bạn phải sử dụng trí tuệ của một hành giả tâm linh chân chính. Theo đó, chúng ta cần tu tập thiền định. Chúng ta cần mang lại sự an bình trong tâm mình để truy tầm, quán chiếu. Nhưng ngay bây giờ, chúng ta thậm chí không có một chút thời khắc an bình để quán chiếu bởi vì chúng ta quá bận rộn. Có thể nhìn bề ngoài, chúng ta dường như không bận rộn như vậy vì chúng ta có thể kiểm soát được đôi chút chính mình nhưng về mặt nội tâm thì chúng ta thực sự vô cùng bận rộn. Tôi rất mong là vào một ngày nào đó, máy tính có thể đọc được những điều mà chúng ta đang suy nghĩ và chỉ ra cho chúng ta thấy tâm mình đang bận rộn như thế nào. Tâm của chúng ta bận rộn tới mức thậm chí nếu chúng ta cố gắng tập trung trí tuệ của mình nhưng cũng không thể. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tĩnh tâm thiền định và cần hàng ngàn những kỹ năng thiền định khác để an định tâm. Nhưng thậm chí khi đó, chúng ta vẫn còn chưa bước vào con đường tâm linh. Mặc dù vậy, trước hết chúng ta cần an định tâm.
Có một vài người rất linh lợi, có thể giữ bề ngoài an bình nhưng nội tâm họ thì lại thực sự bận rộn. Nhiều người khác thậm chí còn không giữ được cho mình trạng thái an bình bề ngoài dù chỉ là trong chốc lát; họ không thể an tĩnh về thể xác lẫn tinh thần, phải ra ngoài đi uống chè, uống rượu hay bỏ phí cả đêm ra ngoài bởi vì tâm họ bất an, bồn chồn, chạo cử. Chúng ta cần phải an định tâm, để giúp truy tầm, quán chiếu; đó là cách duy nhất mang lại hạnh phúc và an bình cho chính chúng ta.
HẠNH PHÚC TỐI THƯỢNG CHÍNH LÀ CHỨNG NGỘ
Hạnh phúc tối thượng không chỉ là hạnh phúc tạm thời, tương đối. Tất nhiên, chúng ta có thể có được hạnh phúc tạm thời trước, rồi sau đó đạt hạnh phúc tối thượng, chúng ta cần đạt hạnh phúc tối thượng, đó chính là chứng ngộ. Sự nội chứng đạt tới chứng ngộ không nên mong chờ như là một thứ đến từ bên ngoài. Ví dụ như, Thượng đế không nên được mong đợi như một đấng sáng tạo sống bên ngoài chúng ta. Chúng ta phải tin rằng: Thượng đế, trí tuệ hay sự chứng ngộ phải tới từ bên trong chính chúng ta, thông qua sự nội chứng của chính chúng ta và nó phải được trưởng dưỡng trên con đường tâm linh.
Phật quả có nghĩa là chân lý cứu kính. Đó không phải là một loại khoảng trống hay không gian để chúng ta có thể đạt tới từ bên ngoài. Nhiều người nhìn sai lầm rằng, chân lý cứu kính là một thứ gì đó huyền bí, và Thượng đế phải là một người đàn ông to lớn với râu mép rậm rạp, hoặc phải là một đấng quyền năng nào đó có thể kiểm soát, chi phối được tất cả mọi thứ; và ngay khi ta nghe đến danh hiệu Đức Phật, thì chúng ta nghĩ ngay tới một Đại Hòa Thượng với nụ cười giải thoát và an tọa dưới gốc Bồ đề. Tất cả những quan niệm trên hoàn toàn không phải là đúng đắn và chân thực.
Phật có nghĩa: Chứng ngộ và chân lý cứu kính, đó là sự nội chứng tới cảnh giới chứng ngộ. Mọi thứ đều đến từ trong bạn. Điều này có thể được diễn đạt theo những cách khác nhau và từ những góc độ khác nhau để mọi người sẽ có những cơ hội thấu tỏ chân lý cứu kính.
Ví dụ như, giảng đường này có nhiều cửa để mọi người có thể tới từ những hướng khác nhau. Điều này cũng giống như bước vào con đường tâm linh vậy. Chúng ta có rất nhiều cách để bước vào con đường đạo nhưng tất cả đều dẫn tới một mục đích duy nhất, một hướng duy nhất là con đường tâm linh hay chân lý cứu kính. Chúng ta phải thấu hiểu điều này để qua đó trưởng dưỡng tâm chí thành. Và khi ấy bạn đã trưởng dưỡng được tâm chí thành chân thực- điều này giúp bạn sẽ không rơi vào những tình cảm lệch lạc, tà kiến v.v… nó sẽ giúp bạn vươn tới tự do tự tại, đạt tới chân giải thoát. Khi tâm chí thành chân chính thì sẽ có tràn đầy sự hiểu biết chân chính trên con đường đạo.
Tôi vừa trình bày mục đích tối thượng của sự tu tập trên con đường đạo mà bạn phải thấu tỏ, ở đó bao gồm những giáo pháp thiêng liêng của đức Phật, của những Đạo sư tôn kính cũng như những kinh nghiệm của chính tôi. Bạn hãy cố gắng ghi tâm để tự lợi và lợi tha. Tôi thỉnh cầu các bạn mang theo sự hiểu biết này khi bạn ở bất kỳ đâu, khi trở về nhà hay bất kỳ chỗ nào; hãy suy xét tường tận và trưởng dưỡng nó, còn nếu bạn chỉ tới đây để lắng nghe và rồi lại trở về thì sự tích lũy này chỉ là vô ích. Chúng ta phải giúp người khác bằng sự hiểu biết tâm linh mà mình vừa lĩnh hội. Bởi vậy, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi gì, xin đừng do dự và hãy đặt câu hỏi, tôi sẽ giải đáp ngay bây giờ.
HỎI VÀ ĐÁP
H: Những phẩm hạnh của Đạo sư đôi lúc bí mật và sâu kín, bởi vậy bằng cách nào chúng con có thể chắc chắn đó là Đạo sư chân chính?
Đ: Đây là một câu hỏi khó. Một Đạo sư phải có nhiều phẩm hạnh về mặt tâm linh nếu không thì không thể là một chân Đạo sư. Như các bạn vừa hỏi, những phẩm hạnh đó đôi khi sâu kín, bạn không thể thấy và đánh giá được từ bên ngoài. Điều này làm cho bạn rất bối rối trong việc nhận ra được chân Đạo sư. Nhưng tôi cho rằng, trước đó bạn đã phải tìm cầu nhiều nơi, lắng nghe nhiều giáo pháp của nhiều bậc Đạo sư, và hỏi những câu hỏi để đón nhận gia trì của Đạo sư. Chúng ta có quyền thực hiện tất cả những điều này mặc dù nó có thể không phải là cách tốt nhất. Sau đó, chúng ta sẽ có thể biết được đâu là phẩm hạnh tâm linh chân chính và đâu là không. Cơ hội lúc này là 50/50. Chúng ta phải giành lấy cơ hội này từ chính trí tuệ của mình và phần 50 còn lại là từ sự hiểu biết thụ nhận được từ giáo lý, từ sự khai thị của các bậc Đạo sư khác nhau. Những Đạo sư tâm linh mà chúng ta đang đàm luận không nhất thiết phải là căn bản Thượng sư trong Vajrayana (Kim Cương Thừa), tuy nhiên chúng ta vẫn cần suy xét tường tận.
Hãy khoan vội vàng nhận một Bậc Đạo sư tâm linh làm Bản sư, mà trước hết, tôi muốn bạn hãy như một ong Chúa đi khắp nơi để tìm chỗ an toàn xây tổ. Bạn cũng vậy, bạn nên làm như vậy để tìm cầu được chân Đạo sư.
Tiếp đến bạn phải suy xét, quán chiếu tường tận xem đó có phải là chân Đạo sư hay không. Điều này phải được thực hiện thông qua trí tuệ của chính bạn, trí tuệ của bạn phải tới từ chính Đạo sư. Điều này cũng giống như người đi săn, sẽ giúp bạn đạt được trí tuệ. Ví dụ như, lúc này bạn đang thụ nhận những gì tôi đang trả lời, những gì tôi đang đàm luận, những gì tôi đang thực sự nghĩ. Sau này, bạn có thể tìm cầu một bậc Đạo sư khác, đàm luận và lắng nghe Đạo sư đó giảng pháp, rồi bạn đặt câu hỏi và tự quyết định xem đâu là phẩm hạnh chân chính và đâu là không. Đức Phật thậm chí cũng đã dạy: Các đệ tử có thể suy xét, quán chiếu giáo pháp của Ngài hơn là chỉ cho rằng, đây là giáo pháp của đức Phật nên phải theo, không nên theo một cách mù quáng như thế. Bởi vậy, khi đó chúng ta có cơ hội để suy xét, và quán chiếu đâu là những phẩm hạnh chân chính để nhận chân Đạo sư đích thực.
H: Khi nào chúng con có thể biết được là mình hữu duyên với Đạo sư?
Đ: Theo kinh nghiệm của tôi thì khi bạn thấy mình có được lợi ích từ sự hiển diện của Đạo sư và giáo pháp Ngài, lúc đó bạn đã có thiện duyên với Đạo sư.
H: Chúng con có nên chọn một Đạo sư có khả năng lôi cuốn được số lớn đám đông khi Ngài thuyết giảng hay không?
Đ: Không, không nhất thiết phải như vậy và điều này hoàn toàn là ngã chấp nếu bạn làm như vậy. Nói chung, một đám đông hàng ngàn người có thể có mặt ở đó nghe giảng pháp, và giáo pháp mang lại lợi lạc cho tất cả mọi người nhưng cũng có thể chỉ có vài trăm hoặc chỉ có 4 người thậm chí chẳng có ai cả. Việc lựa chọn một Đạo sư là vấn đề riêng của mỗi người, số lượng người thính pháp không phải là tiêu chuẩn.
H: Pháp Vương có nói về tự bản thân chứng ngộ thông qua Đạo sư. Vậy chúng con có thực sự nhất thiết cần một Đạo sư chăng?
Đ: Tất nhiên là cần. Một Đạo sự chân chính phải mang tới cho bạn những khai thị, giáo huấn chân chính. Sau đó, nếu tu tập tinh tiến, tuân thủ đúng theo những giáo huấn này thì bạn sẽ thành tựu chứng ngộ. Do đó, bạn nhất thiết cần một Đạo sư. Chỉ tu tập thông qua một cuốn sách thì không thể thành tựu, sách vở không thể thay thế được sự khai thị, dìu dắt của Đạo sư.
H: Kính bạch Pháp Vương tôn quý! Tâm chí thành giữa Đạo sư và đệ tử có thực sự cần thiết trên con đường đạo hay không?
Đ: Có, rất cần thiết. Hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng, tâm chí thành giữa Đạo sư và đệ tử là rất cần thiết trên con đường đạo. Ta hãy trở lại vấn đề này qua một ví dụ, ngay khi bạn lân mẫn Đạo sư, thì dù cho Ngài là ai trước hết bạn cũng cần phải biết một cách tương đối Đạo sư ở mức độ nào và những phẩm hạnh gì không thuộc về Đạo sư. Nhưng về phương diện tuyệt đối, bạn cần phải tín tâm thấu tỏ rằng, Ngài là chính Đạo sư, người khai thị chân lý nội tại trong tâm bạn. Đây là vấn đề trọng yếu mà bạn phải biết. Sự hiểu biết đúng đắn chính là tâm chí thành, và tâm chí thành chân chính phải được thiết lập một cách kiên cố và tốt đẹp, không còn chấp thủ tình cảm. Nếu lẫn lộn sự chấp thủ tình cảm trong mối quan hệ với Đạo sư thì giống như những chất độc được pha trộn với thức ăn, mặc dù thức ăn có thể rất ngon nhưng dạ dày của bạn sau đó chắc chắn sẽ bị đau, và điều này không được khuyến khích chút nào trong tu tập tâm linh. Bởi vậy, tâm chí thành phải được bắt đầu trên nền tảng hiểu biết đúng đắn và tường tận. Tâm chí thành tới Đạo sư có nghĩa là bạn cần thấu tỏ những phẩm hạnh của Đạo sư, cũng như vậy, tâm chí thành tới đức Phật có nghĩa là bạn cần thấu tỏ những phẩm hạnh của Ngài. Khi đó, bạn thành tựu được mục đích rốt ráo trên con đường đạo.
Xét về phương diện lịch sử thì có một đức Phật danh hiệu là Shakyamuni; nhưng đây là đức Phật bên ngoài chúng ta và Ngài đã nhập Niết Bàn. Bởi vậy, đức Phật cũng có những hình thức tương đối và tuyệt đối, những hình thức đức Phật bên ngoài và Phật bên trong chúng ta. Chúng ta nói rằng, có hằng hà sa số đức Phật nhưng điều mà chúng ta phải thấu tỏ là Phật ở ngay trong nội tâm của chúng ta; Phật nội chứng chính là chân lý cứu kính vũ trụ.
H: Chúng con nên mong cầu những phẩm hạnh của Đạo sư hay phải dừng tâm tâm mong cầu?
Đ: Dù cho bạn có mong cầu hay dừng tâm mong cầu hay không thì đều phụ thuộc vào sự kỳ vọng của bạn. Nếu bạn kỳ vọng sự hướng đạo tâm linh của Đạo sư thì sự khát ngưỡng của bạn sẽ ngày càng phát triển, nó không bao giờ giảm thiểu bởi vì bạn thực sự cần phải được sự hướng đạo tâm tinh. Nhưng nếu tìm cầu như một đối tác thì nên
dừng lại bởi các Đạo sư hay Thượng sư không vì mục đích đó. Bổn phận của Đạo sư chỉ để dìu dắt, hướng đạo cho bạn. Tất cả chỉ có vậy mà thôi.
H: Chúng con nên bắt đầu để trở thành một hành giả tâm linh như thế nào?
Đ: Quả thực là không dễ dàng khi khởi đầu. Nhưng trước tiên, bạn phải có sự hiểu biết chân chính về con đường tâm linh. Lấy ví dụ, bởi vì nhu cầu tương đối, bạn cần một Đạo sư tâm linh, một đấng hướng đạo cho bạn về tâm linh nên bạn quy y và sau đó bạn nên cảm kích tôn kính sự cao cả, vĩ đại của giáo Pháp đức Phật Shakyamuni. Bạn có thể suy xét tường tận giáo pháp của đức Phật thực sự chân chính như thế nào và tôn kính rằng, chân lý tương đối cũng rất quan trọng. Tôi xin lấy ví dụ về điều này, bạn cần một sự trợ giúp bên ngoài từ Đạo sư, bởi vậy bạn quy y Đạo sư, người dìu dắt, hướng đạo cho bạn. Xét một cách tương đối thì Đạo sư này là người dìu dắt, hướng đạo cho bạn. Nhưng về phương diện tuyệt đối thì lại không hoàn toàn đúng như vậy bởi vì sự chứng ngộ tối thượng phải tới từ chính bản thân bạn mặc dù nó cũng cần phải được sự trợ giúp từ Đạo sư bên ngoài. Nếu bạn thấu hiểu điều này từ góc độ của hai chân lý thì bạn không còn chút băn khoăn gì. Còn nếu như chỉ thiên về một chân lý thì chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều băn khoăn bối rối.
H: Một Đạo sư có thể vẫn hướng đạo cho chúng ta sau khi Ngài đã viên tịch hay không?
Đ: Có thể có, nếu Ngài là một đại Đạo sư - một Đạo sư vĩ đại thì chắc chắn Ngài vẫn có thể dìu dắt, hướng đạo bạn mặc dù sau khi Ngài đã viên tịch. Có rất nhiều thứ lớp của Đạo sư và Thượng sư. Một số đại Đạo sư có thể thực hiện được điều này tuy nhiên một số khác thì lại không.
H: Khi mọi người tiến tới mức độ chứng ngộ cao cấp, khi họ thị tịch và chuyển thế tái sinh thì sự chứng ngộ của họ ở đời này có tương đương với mức độ ở đời trước mà họ đã thành tựu hay không? Nếu như vậy, điều này có thúc đẩy sự tự kỷ của họ hay không bởi vì “bản ngã” này mà họ có trong đời trước được tái sinh?
Đ: Tất nhiên điều này có thể gây đôi chút bối rối cho nhiều người. Nhưng thực sự thì vô ngã có nghĩa là thực chứng về vô ngã. Bản ngã của chúng ta vẫn đang hiện hữu ở đây mặc dù tôi không nói rằng bản ngã là tồn tại thực sự.
Ví dụ như, nếu lúc này tôi là một Đấng giác ngộ và bạn hỏi tôi: “Thầy đã từ đâu tới?” Tôi chắc chắn sẽ không thể giữ yên lặng được bởi vì tôi là một Đấng giác ngộ, chắc chắn tôi sẽ trả lời cho bạn. Tôi sẽ lấy một ví dụ dễ hiểu hơn về điều này. Bởi vì Chúa Jesus là một bậc giác ngộ nên Ngài không có thái độ chấp ngã và vì vậy, Ngài mang lại lợi ích cho chúng sinh khi Ngài giáng sinh trở lại trên thế gian này, Ngài chắc chắn sẽ thấu tỏ rằng chẳng có sự tồn tại của cái tôi - bản ngã. Mặc dù vậy, bởi vì theo chân lý tương đối nên Chúa Jesus có thể nói: “Ta là đức Chúa trời ngôi thứ hai xuống thế làm người”. Những Đấng giác ngộ khi đã hóa thân chuyển thế trở lại cũng đều phải thuận theo chân lý tương đối.
H: Thức là gì?
Đ: Thức là một thứ phát triển và tiến hoá. Nó là một hình thức không gián đoạn. Ngay bây giờ chúng ta có thân vật lý và thân này là nơi cư trú của thức bởi vì sự vận hành của những khí mạch và tất cả các bộ phận trong cơ thể đều hoạt động và thực hiện tốt chức năng của nó. Đây là lý do tại sao thức của chúng ta vận hành tự nhiên tự tại trong cơ thể.
Nhưng khi những điều kiện duy trì sự tồn tại của cơ thể suy sụp thì thức hoàn toàn tự do khỏi thân vật lý. Tới tận khi chúng ta tìm được một thân khác phù hợp, thì khi đó chúng ta ở trong trạng thái trung ấm. Thức thực chất có nghĩa là tâm mà tâm lại là tinh thần. Ví dụ như, chúng ta luôn nói về ma hay linh hồn, chúng ta luôn sợ hãi về ma hay linh hồn. Nhưng thực sự không nên sợ hãi về những điều đó bởi vì chính bạn cũng là một linh hồn nhưng là một linh hồn gắn liền với thể xác. Linh hồn của bạn rời khỏi cơ thể khi cơ thể suy sụp và lúc đó bạn trở thành một linh hồn hay ma quỷ.
Đó là một tiến trình tự nhiên; là sự vận hành của tâm. Tâm vận hành như vậy tới tận khi nó tìm được thân mới phù hợp. Khi đó, đời sống kế tiếp bắt đầu. Chúng ta gọi trạng thái trung gian đó là cảnh giới trung ấm – thân trung ấm hay Bardo.
H: Pháp Vương có nhắc tới rằng, tất cả chúng ta đang tìm cầu hạnh phúc. Vậy Pháp Vương có cho rằng việc tìm cầu hạnh phúc cũng chính là chúng ta đang tìm cầu chân lý chăng?
Đ: Chúng ta đang tìm cầu chân lý, tôi hy vọng là như thế. Không có nhiều người có thể tìm được chân lý bởi vì họ không biết là có chân lý hay là không. Bất hạnh thay! Họ thậm chí không biết và cũng không tin vào điều này. Họ cho rằng, hạnh phúc thế gian chính là chân lý. Một vài người thậm chí còn nói rằng tiền là chân lý, bởi vậy, trong suốt cuộc đời của mình, họ chỉ tìm cầu tiền bạc và khi có nhiều tiền họ lại ngộ nhận mình đã đạt chân lý. Bất hạnh thay! Hiện quá ít người chân chính thực sự tìm cầu chân lý.
H: Từ góc độ tâm linh chân chính thì những công hạnh “Sai Baba” có đem lại lợi lạc cho chúng sinh chăng?
Đ: Từ góc độ tâm linh thì nó cũng tương đối khó hiểu, thậm chí có thể làm cho bạn hiểu sai. Từ góc độ thành quả, thì đã có rất nhiều chúng sinh được lợi ích từ sự xuất hiện và những công hạnh của Sai Baba. Ví dụ như, nhiều ngựời nói rằng: “Bởi tôi đặt ảnh của Sai Baba trong văn phòng của mình nên tôi bắt đầu có thể kiếm được rất nhiều tiền. Bức họa này thực sự giúp tôi có thể kiếm được rất nhiều tiền”. Tôi cho rằng nếu điều này là hiện thực thì cũng rất tốt, chẳng có gì là sai cả. Những người này rất hạnh phúc khi tiền chảy về túi họ. Tất nhiên, từ góc độ tâm linh chân chính thì điều này thực sự khiến người ta hỗn loạn. Nhưng khi điều này giúp ích cho người đó, không làm hại ai cả thì cũng tốt thôi. Còn nếu nó trực tiếp hay gián tiếp làm hại tới ai đó thì thực sự tồi tệ. Tất nhiên, chúng ta nên thực sự linh hoạt thấu hiểu những điều này vận hành như thế nào.
H: Có phải là khi một người đạt mức độ cao cấp trong tu tập tâm linh thì họ sẽ có công năng lạ thường?
Đ: Điều này là đúng. Khi đó thì họ tự nhiên sẽ có những năng lực làm được những việc như vậy. Nhưng tôi không biết những năng lực đó có hiển lộ ra hay không, tôi không trả lời cho các bạn được.
H: Pháp Vương có tin Chúa Jesus tái sinh lần thứ hai hay không?
Đ: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Tôi thấy thoải mái, sáng suốt khi nói như vậy. Chúa tái sinh chuyển thế và một Chúa Jesus thứ hai sẽ tái sinh chuyển thế để dẫn dắt, cứu rỗi chúng sinh. Tôi nói là mình thấy hoàn toàn sáng suốt, thoải mái khi trả lời câu hỏi này bởi tôi có thể thấu hiểu lý do việc Ngài tái sinh chuyển thế bởi vì vào cuối của thời mạt pháp này, chúng ta sẽ hoàn toàn bị hỗn loạn, bất lực và vô vọng vì vô số những ác nghiệp mà chúng ta đang tạo ra. Bởi vậy, một quyền năng siêu nhiên cần giáng lâm để cứu rỗi chúng sinh. Tôi cho rằng vào cuối thời mạt pháp này, chúng ta sẽ phải đối mặt với một rắc rối vô cùng trầm trọng, bởi vậy chúng ta cần sự giáng thế của một vị thánh giả. Đây là lý do tại sao tôi hoàn toàn cảm thấy sáng suốt, thoải mái khi nói điều này.
H: Một số người khi sắp chết cảm thấy rằng đó thực sự là một sự giải thoát giũ bỏ trong khi có người lại cho là nếu tin tưởng Thượng Đế thì khi họ chết Thượng Đế sẽ che chở cho họ. Vậy mọi người có nên có cảm giác hay trải nghiệm tương tự như vậy vào thời điểm chết hay không?
Đ: Cảm giác được giũ bỏ giải thoát khi chết hoàn toàn không mâu thuẫn với sự tin tưởng nơi Thượng Đế bởi vì những lý do khác nhau nên mỗi cá nhân có những loại cảm xúc và trải nghiệm khác nhau. Ví dụ như, cảm giác và sự trải nghiệm của tôi về cái chết sẽ rất khác với của bạn. Bạn có thể thấy khổ đau bên ngoài rất nhiều trong khi tôi lại có thể thấy rất hạnh phúc. Bởi vậy, vấn đề mấu chốt ở đây không phải là có tin tưởng nơi Thượng Đế hay không, ý tôi là Thượng Đế bên ngoài không phải là cứu cánh duy nhất mà bạn có thể dựa vào, Thượng Đế phải là chân lý nằm ngay ở trong chính tâm bạn. Cảm giác mà một người có khi anh ta đang chết hay đang phải đối mặt với cái chết có thể cũng là một sự ban phúc từ Thượng Đế - Đấng tồn tại chính trong tâm bạn. Bởi vậy, không có sự mâu thuẫn nào giữa cảm giác hay sự trải nghiệm về cái chết của người này với cảm giác hay sự trải nghiệm của người khác.
H: Khi một người đạt chứng ngộ ngay trước thời khắc anh ta chết thì có thể được xem là một sự gia trì từ Thượng Đế hay không?
Đ: Như tôi vừa trình bày lúc trước, có rất nhiều hành giả với tính cách khác nhau, họ ở những trạng thái khác nhau và có những phương pháp tiếp cận khác nhau với cuộc sống và cái chết. Cũng có nhiều loại phương thức chết. Nếu một người có rất nhiều sự vui thích, an bình và chứng ngộ ngay trước khi chết thì bạn có thể nói rằng, anh ta được ban gia trì từ Thượng Đế. Nhưng “Ai là Thượng Đế” và “Thượng Đế ở đâu” lại là một vấn đề cần suy xét, ý tôi là Thượng Đế chính ở trong bạn, là chân lý trong tâm bạn - đó mới là sự gia trì từ chính bạn.
H: Khi sự hiểu biết thấu tỏ về một giáo lý có thể xúc động tâm con, con cảm thấy mình muốn bật khóc. Đây là tâm chí thành hay chỉ là tình cảm?
Đ: Đó là tâm chí thành tình cảm. Bởi vì ‘xúc động’ là một loại tình cảm, và nó cũng là tâm chí thành, như vậy chí thành tới từ sự luận giải thấu tỏ giáo nghĩa. Bạn cũng có thể nói rằng đó là loại chí thành có tính chất tình cảm.
H: Phải chăng hạnh phúc chỉ là một loại hư ảo?
Đ: Điều này phụ thuộc vào loại hạnh phúc mà bạn đang bàn tới. Ví dụ như, hạnh phúc chỉ mang tính tình cảm và vật chất có thể chỉ là ảo tưởng. Nhưng ảo tưởng chỉ tương đối bởi vậy nó là chân thực, tương đối chân thực. Chúng ta không thể nói ảo ảnh là một cái gì đó tồi, do đó bạn đừng cố công tìm cầu hạnh phúc nữa. Nhiều hành giả tâm linh lại cho rằng: “Đừng có mong hạnh phúc. Khi bạn hạnh phúc thì chính là lúc bạn trong vòng si mê đấy. Hạnh phúc là thứ vô nghĩa và tồi tệ bởi vì nó là căn nguyên của hàng loạt những loại tình cảm”. Bản thân tôi cũng từng nghe nói về những điều này nhưng tôi cho rằng đó không phải là thuyết pháp toàn mỹ chân chính. Tôi cho rằng, hạnh phúc thực sự là hạnh phúc, đó là điều tốt và bạn phải dùng chân lý cứu kính để đạt đến hạnh phúc, điều này là vô cùng trọng yếu.
H: Có thể có một loại ý thức về sinh mệnh trong cuộc sống hay không, ví như ý thức về mục đích? Hay đây cũng là một thứ đến từ ngã chấp của chúng ta?
Đ: Có một loại ý thức sinh mệnh là vô cùng quan trọng. Mỗi người phải có một sinh mệnh trong tu tập tâm linh cũng như trong đời sống thế tục. Bạn tất yếu cần phải chú trọng tăng trưởng đời sống vật chất thế tục, đồng thời phải trưởng dưỡng sự tu tập tâm linh và điều đó có nghĩa là bạn cần có một sinh mệnh, một mục đích vươn tới trong cuộc đời. Một lần nữa, điều này phải được thực hiện từ khái niệm của hai chân lý. Khi đã thấu hiểu hai chân lý, bạn có thể phát triển đời sống vật chất đồng thời với đời sống sinh hoạt tâm linh mà không bao giờ rời xa mục đích rốt ráo. Bạn sẽ không bao giờ chệch khỏi con đường đạo, rơi vào tà kiến lầm lạc bởi vì sự hiểu biết chân chính và tâm chí thành đã có mặt ở đó. Tất nhiên, sinh mệnh cũng sẽ xuất hiện nếu không bạn sẽ giống như một chú ngốc cuồng loạn đang hành động mà chẳng hướng tới một mục đích nào cả.
Nguồn: Devotion and Emotion, The Dragon, spring and summer 2002, Biannual Issue.