CÔNG CHÚA PEMASAL
(Tiền thân của Tổ Longchenpa)
Công chúa Pemasal được sinh làm con gái vua Trisong Detsen và Hoàng hậu Dromza Jangchub Men. Công chúa có tâm tín thành với Pháp, với Đạo Sư Liên Hoa Sanh từ khi lên năm và đặc biệt thông minh vượt xa lứa tuổi của mình, vì vậy cô đã được trao truyền nhiều pháp nội mật và ngoại mật. Nhờ lực gia trì của Đạo Sư, cô đã nhanh chóng khai ngộ bản tâm.
Trong một buổi lễ ganachakra, công chúa bỗng mắc bệnh kiết lị và đột ngột qua đời. Nghe được tin này, Vua Trisong Detsen khóc ngã lăn xuống đất, bất tỉnh. Đức Bà Yeshé Tsogyal rẩy nước Tây Tạng hồng hoa giúp Vua tỉnh lại. Đạo Sư Liên Hoa Sanh khai mở cho nhà Vua về bản chất vô thường của vạn pháp. Nhà Vua hoan hỷ lắng nghe Đạo sư, rồi lễ lạy và đi nhiễu quanh Đạo Sư. Nước mắt tuôn như suối, nhà vua tha thiết cầu thỉnh Đức Liên Hoa Sanh cứu sống con gái của mình. Guru Rinpoche đặt giáo huấn khẩu truyền và chiếc áo gấm của công chúa vào chiếc hộp màu nâu làm từ da tê giác rồi chôn chiếc hộp như một phục điển (terma) với lời nguyện rằng [trong tương lai] công chúa sẽ tìm thấy nó.
Rồi đức Liên Hoa Sanh quỳ xuống bên cạnh xác công chúa, dùng ngón tay viết chủng tự NRI màu đỏ lên ngực công chúa và trì tụng tên cô. Thật kỳ diệu, với chiếc móc của lòng bi mẫn, Ngài đã triệu hồi thần thức công chúa nhập vào xác. Công chúa ngay lập tức tỉnh lại, hít một hơi thở sâu và mở mắt - cô thể trò chuyện.
Vua Trisong Detsen không hiểu được tại sao con gái của nhà Vua lại chết sớm như vậy. Đạo Sư Liên Hoa Sanh trả lời: “Công chúa không phải là quả của một đại nguyện cao quý. Khi chúng ta xây Đại Bảo Tháp ở Nepal, ta, Guru Rinpoche, bệ hạ, vua Trisong Detsen, và Viện Trưởng Shantarakshita lúc đó là anh em. Đức Ngài, vua Trisong Detsen, khi đó đập chết một con ong và giờ đây nó tái sinh là con của đức Vua, nhờ [sức mạnh] của những lời cầu nguyện thanh tịnh mà đức Vua tụng cho con ong lúc đó. Đây là lời giải thích cho mối nhân duyên tương sinh này.”
Công chúa Pemasal lúc đó còn rất bệnh và yếu do trải nghiệm cận-tử; cô hỏi Đạo Sư Liên Hoa Sanh: “[Thưa Đạo Sư], các kiếp về sau của con sẽ ra sao?” Guru Rinpoche trả lời: “Trước tiên con sẽ có 3 kiếp bình phàm. Sau đó con sẽ có 3 kiếp thanh tịnh của một Đại Khai Mật Tạng. Kiếp đầu tiên con sẽ là Pema Ledrel Tsal, kiếp thứ hai con là Longchen Rabjam, kiếp thứ ba là Vua Khai Mật Tạng Pema Lingpa. Trong kiếp là Pema Lingpa, con sẽ nắm giữ chìa khóa của 108 terma tâm.”
Công chúa thỉnh cầu Guru Rinpoche: “Xin hãy ban cho con pháp thực hành dễ học, dễ dùng, với ít câu chữ và sẽ đưa con tới Giác Ngộ viên mãn dễ dàng.”
Guru Rinpoche biết rằng công chúa Pemasal sắp sửa chết vì rất khó ngăn ác nghiệp khi nó đã ở giai đoạn chín muồi. Đạo Sư nói: “Những giáo lý này đã được chôn trong tim ta. Con không sống được bao lâu và sẽ gặp nhiều chướng ngại vì vậy sẽ cần những giáo huấn đặc biệt mạnh mẽ.” Và Ngài truyền pháp Khandro Nyingthig, tinh yếu của kho tàng mật điển Dzogchen như có Phật trong lòng bàn tay. Ngài cũng ban cho công chúa mật danh Pema Ledrel Tsal. Công chúa đặt chiếc hộp đựng giáo huấn Khandro Nying trên đầu và nói lời cầu nguyện: “Vào lúc nào đó trong tương lai, nguyện con gặp lại giáo huấn này và làm lợi lạc chúng sinh.”
Công chúa Pemasal và Đức Bà Yeshé Tsogyal viết các bản kinh vào tấm lụa màu vàng bằng máu từ lỗ mũi của Yeshé Tsogyal.
Đạo sư Padmasambhava giải thích rằng khi chủng tự nghiệp gieo từ kiếp trước của công chúa đã chín muồi, cô sẽ gặp cha, anh em và đạo sư của mình. Rồi Ngài cho phép thần thức ra đi trong khi Ngài thị hiện như thể đang làm nghi lễ cho người chết. Để tịnh hóa nghiệp chướng của công chúa, Đạo Sư Guru Rinpoche đã đưa thân của cô trong chớp mắt tới cõi Oddiyana và cử hành tiệc cúng dường.
Rồi trong chớp mắt Ngài trở về và nói: “Tsogyal, hãy viết lại những sự kiện này thành một câu chuyện. Hãy chôn cất bản văn cùng với phục điển (terma) thậm thâm vi diệu. Nhờ việc này, khi công chúa gặp phục điển trong tương lai cô sẽ có đức tin vào nó.”
Đức Bà Tsogyal đã thực hiện điều này, rồi Bà hỏi Đạo sư: “Những giáo huấn tâm yếu bí mật này cần được lan truyền hay giữ kín?” Đạo sư trả lời: “Thời gian để chúng được hoằng truyền chưa tới, vì vậy chúng phải được cất giấu như một phục điển (terma). Công chúa đã phát nguyện khi ta đặt hộp kinh lên đỉnh đầu cô. Một vài năm trôi qua và Đạo Sư vĩ đại Vimalamitra sẽ tới khi thời gian chín muồi cho các đệ tử của Ngài. Và [khi đó] giáo huấn Tâm Yếu sẽ nở rộ.”
~ Trích và lược dịch truyện từ “The Life of Longchenpa: The Omniscient Dharma King of the Vast Expanse”, Jampa Mackenzie Stewart
BBT LHQ.