Đại Thành Tựu Giả Tôn Đức Tông Khách Ba
(Mahasiddha Je Tsongkhapa)
Trong thế giới trí thức phương Tây thì cách thức diễn giải thông thường cho rằng Lama Je Tsongkhapa (Lạt Ma Tôn Đức Tông Khách Ba) [Sơ Tổ dòng truyền thừa Gelug] chỉ là một giảng sư. Người phương Tây không nhận biết ra được rằng ngài là một du già sư vĩ đại, một hành giả vĩ đại, và là một đại thành tựu giả (mahasiddha). Thực ra, đức Lama Je Tsongkhapa đã giảng dạy và trước tác nhiều về mật điển hơn cả kinh điển, nhưng bởi vì ngài không phô bày khía cạnh thành tựu của một đại thành tựu giả, nên người phương Tây có cảm nhận rằng ngài chỉ thuần túy là một nhà trí thức.
Có một số người nghĩ rằng Gelugpa – những người tu theo trường phái Giới Đức (Gelug), những môn đồ của đức Lama Tsongkhapa là những người không tu theo lối thiền vô tạo tác [ý nói thiền Đại thủ ấn hay thiền Đại viên mãn], ví dụ là như thế. Họ nghĩ rằng chỉ có những trường phái khác mới thiền định theo phương thức đó, và họ cho rằng ngài Lama Tsongkhapa phủ nhận điều này, rồi chỉ truyền dạy lại duy nhất cách thiền dựa trên trí óc [theo luận lý] và phân tích. Tôi đã từng nghe người phương Tây nói rằng, “Các môn đồ dòng Gelug lúc nào cũng vận dụng trí óc, lúc nào cũng động não.” Điều này không phải là sự thật. Bạn biết đấy, điều này không phải sự thật.
Ngài Lama Tsongkhapa đã từng là một thiền giả vĩ đại ngay từ khi lên mười mấy tuổi. Và ngay từ thời niên thiếu đó, ngài đã không mang trong người những chứng bệnh như chúng ta. Khi ngài gặp phải một vấn đề nho nhỏ nào đó [một căn bệnh sơ sài] thì ngài có thể tự chữa lành. Khi gặp phải lụt lội hay tuyết lở, ngài tụng một lời cầu nguyện, và rồi mọi thứ sẽ ngừng dứt. Nếu bạn đọc tiểu sử của ngài, bạn sẽ thấy rằng đức Lama Tsongkhapa là một đại thành tựu giả vĩ đại.
Đại lễ Cầu Nguyện (Monlam), là một lễ hội cầu nguyện vĩ đại được thiết lập tại ngay thủ đô Lhasa vào lễ Nguyên Đán Tây Tạng hằng năm, đã được chính đức Lama Je Tsongkhapa khởi xướng. Chúng tăng ni và cư sĩ từ khắp các truyền thống Phật giáo Tây Tạng khác nhau đều vân tập để cùng dâng phẩm vật cúng dường và tụng những bài cầu nguyện. Vào dịp đại lễ Cầu Nguyện Monlam đầu tiên, có vô lượng vô số những ngọn đèn bơ đã được cúng dường. Rồi thì, một ngày nọ, hằng ngàn ngàn ngọn đèn bơ trong ngôi tự viện đã hòa thành một vòm lửa lớn. Ngay sau đó, cơn cháy đã bốc lên không thể chế ngự được, và mọi người vô cùng sợ hãi rằng ngôi tự viện có thể sẽ bị cháy rụi. Họ chạy đi tìm ngài Lama Tsongkhapa và kêu khóc, “Các phẩm vật cúng dường của ngài sẽ thiêu rụi ngôi chùa này!” Đức Lama Tsongkhapa bèn ngồi xuống, ngài nhập định, và rồi bỗng chốc, tất cả những ngọn lửa đều tắt ngúm, vì tất cả đều bị thổi tắt bởi một luồng khí [gió]. Điều này đã xảy ra do bởi công phu thiền định nội hỏa của ngài. Người Tây Tạng chúng tôi tin rằng xuyên qua công phu thiền định về nội hỏa mà bạn có thể làm chủ được tứ đại [bốn nguyên tố đất, nước, gió, lửa] của chính hệ thống thần kinh (bản tiếng Anh: nervous system) [tức hệ thống kinh mạch vi tế bên trong thân thể bạn], thì bạn cũng có thể chế ngự được các nguyên tố bên ngoài. Đức Lama Tsongkhapa chẳng cần đến một xe chữa lửa [hay chữa cháy] bình thường; do ngài đã có được chiếc máy động cơ chữa lửa bên trong nên những ngọn lửa bên ngoài đều hoàn toàn tắt ngúm. Điều này chứng tỏ rằng ngài Lama Tsongkhapa là một người đã chứng ngộ vô cùng thâm hậu. Ngoài ra, vào ngay lúc đó, ngài cũng đã cảm ứng được tám mươi bốn vị đại thành tựu giả trong không trung ngay trên thủ đô Lhasa.
Ngài Lama Tsongkhapa chẳng hề thiếu năng lực thần giao cách cảm. Một lần nọ, ngài đang an cư tại một thiền thất nhỏ, nơi đó cách xa một địa điểm [đặc biệt] khoảng độ 30 phút. [Địa điểm đặc biệt này] là nơi mà sau này tu viện Sera đã được dựng lên do sự cố vấn của ngài. Thoắt nhiên, ngài bỏ đi và chẳng ai biết vì sao. Vào cùng ngày hôm đó, có một số người được Hoàng Đế Trung Hoa gửi đến; vì đã nghe danh của Lama Tsongkhapa nên Hoàng Đế muốn vời ngài qua Trung Hoa và những người này đã theo mệnh lệnh của Hoàng Đế đến tìm ngài với lời thỉnh mời. Nhưng chẳng ai tìm ra được ngài ở đâu. Chẳng ai biết rằng chuyện này sẽ xảy ra vào ngày hôm ấy, nhưng Lama Tsongkhapa đã biết, và ngài đã bỏ trốn qua bên kia dãy núi.
Điều này cho ta thấy rằng đức Lama Tsongkhapa có năng lực thần giao cách cảm, nhưng đây cũng chính là một ví dụ tuyệt vời về sự buông xả toàn hảo của ngài. Ngài cảm thấy buồn nôn trước dục lạc thế gian. Bạn có thể nào tưởng tượng ra chính chúng ta trong hoàn cảnh ấy không? Tất nhiên là chúng ta sẽ chấp thuận sự thỉnh vời [của Hoàng Đế Trung Hoa]! Tôi—tôi thì chẳng thể nào cưỡng lại được lời mời của một ông nhà giàu nào đó để đi đến viếng ông ta.
Cho dù đức Lama Tsongkhapa cực kỳ nổi danh, nhưng ngài chẳng bao giờ đi đến những nơi náo động, ngài thường trú tại những nơi hẻo lánh trên những rặng núi tuyết. Nhưng còn chúng ta thì chúng ta lại đi tới những nơi động loạn, rối rắm nhất. Điều này cho thấy chúng ta là như thế đó, và cho thấy sự buông xả [tâm xả ly] của chúng ta không được hoàn hảo.
Đức Lama Je Tsongkhapa lại có hằng ngàn ngàn đệ tử ở khắp đất nước Tây Tạng và thường xuyên nhận được phẩm vật cúng dường, nhưng ngài không có một tài khoản nào cả, không có nhà cửa, ngay cả không có đến một mảnh đất để có thể trồng trọt thức ăn cho mình. Tất cả những gì ngài nhận được, ngài đều cho đi. Ngài duy trì sự trong sạch. Tu viện Ganden là tu viện của đức Lama Tsongkhapa, nhưng ngài sống tại đó đơn thuần như là một người khách: ngài đến, nhận được các món đồ cúng, cho tất cả chúng đi, rồi ra đi tay không, không với bất kỳ cái gì cả. Đức Lama Tsongkhapa là một tấm gương tuyệt hảo của một nếp sống tương ưng với Đạo Pháp.
Hai hoặc ba năm trước khi đức Lama Tsongkhapa lìa đời, đức Văn Thù Như Lai, là vị bổn tôn mà ngài có một liên hệ hết sức đặc biệt, đã [thị hiện] và nói với ngài rằng, “Bây giờ là thời điểm con sẽ ra đi.” Bất thình lình, có vô lượng vô số chư Phật hiện ra, thỉnh cầu ngài Lama Tsongkhapa đừng thị tịch và ban cho ngài một quán đảnh với năng lượng vô biên để ngài có thể tiếp tục kéo dài thọ mạng. Và sau đó, ngài Văn Thù đã tiên đoán rằng đức Lama Tsongkhapa sẽ tiếp tục sống cho đến bao nhiêu tuổi.
Một thời gian ngắn trước khi ngài Lama Tsongkhapa lìa đời, có một chiếc răng của ngài rụng ra, và mọi người đều nhìn thấy nó phóng quang, tỏa ra nhiều ánh sáng cầu vồng [ngũ sắc]. Ngài đưa chiếc răng ấy cho Khendrub Rinpoche, một trong những đệ tử tâm truyền của ngài, nhưng các đệ tử khác của ngài lại thưa thỉnh rằng, “Ôi, ngài ban chiếc răng này cho Khedrub Rinpoche, nhưng chúng con cũng có thể có được một phần nhỏ bé nào hay không?” Đức Lama Tsongkhapa bảo họ hãy cầu nguyện cho việc này, và rồi ngài Khedrub Je đã đặt chiếc răng này lên trên điện thờ. Tất cả mọi người cùng tụng nhiều lời cầu nguyện và cùng thiền định rất nhiều. Chiếc răng tiếp tục chiếu ngời, phóng ra ánh sáng cầu vồng.
Một tuần lễ sau đó, đức Lama Tsongkhapa hỏi, “Chiếc răng của ta đâu? Đem răng của ta đến đây.” Khi ngài mở chiếc hộp ra, mọi người thấy chiếc răng khi ấy đã biến trở thành một bức tượng Tara nằm giữa những viên xá lợi. Ngài Lama Tsongkhapa ban những viên xá lợi ấy cho những người đệ tử đã muốn xin được thỉnh chúng. Ngài cũng tiên đoán rằng năm trăm năm sau đó, những viên xá lợi này sẽ đến được Bồ Đề Đạo Tràng. Điều tiên đoán này đã trở thành sự thật: cho dù người Trung Quốc đã hủy hoại những gì còn để lại từ báu thân của ngài, nhưng có một số viên xá lợi đã đến được Ấn Độ khi những người dân Tây Tạng chạy qua đó tỵ nạn.
Đến khi đức Lama Tsongkhapa thực sự lìa đời, ngài đã lìa đời một cách tuyệt hảo. Đầu tiên, ngài chuẩn bị thu xếp mọi thứ đâu vào đó. Kế đến, ngài bảo một trong các đệ tử của ngài, “Đem cho ta một cái bình bát sọ người.” Rồi ngài hành thiền cúng dường nội tại và nhắp ba mươi ba ngụm từ phẩm cúng dường nội tại. Đây là dấu hiệu rằng bên trong, ngài chính là vị bổn tôn Guhyasamaja [theo mật điển Bí Mật Tập Hội Guhyasamaja]. Cuối cùng, ngài khoác toàn bộ tăng bào và ra đi trong tư thế tọa thiền. Đây là điều chỉ rõ ra cho thấy ngài là một đại thành tựu giả (mahasiddha). Ngài chẳng cần phải tuyên bố, “Ta là một đại thành tựu giả”—các công hạnh của ngài đã chứng minh điều đó. Lama Tsongkhapa đã tự chứng minh.
Bạn có tưởng tượng được là bạn có thể ra đi một cách có chủ tâm, ung dung tự tại và trong sạch như thế không? Khi chúng ta chết đi, chúng ta để lại một mớ hỗn độn. Chúng ta cần phát nguyện và cầu nguyện để chúng ta ra đi như đức Lama Je Tsongkhapa thay vì lại chết như một con bò. Đây là nhân quyền [quyền của một con người]. Hãy cầu nguyện rằng thay vì chết đi trong sự chìm đắm nặng nề, với một biểu lộ tang thương khổ não, thì hãy nguyện ra đi trong hỷ lạc. Hãy cố gắng đi. Có một cơ hội đấy. Hãy quyết liệt rằng, “Khi tôi chết đi, tôi sẽ làm chủ được những cảm xúc của tôi càng nhiều càng tốt và sẽ ra đi một cách an bình.” Bạn phải phát nguyện, bởi vì tâm nguyện hay động cơ đều có mang sức mạnh. Khi đến thời điểm bạn lìa đời, do bởi nguyện lực của bạn, bạn sẽ nhớ lại được lời cầu nguyện. Còn nếu bạn không có động lực mạnh mẽ ngay từ bây giờ, thì rồi khi thời điểm của cái chết đến, bạn sẽ bị khuấy động toàn bộ và mọi chuyện sẽ trở thành hết sức điên đảo. Nếu trước đó bạn biết rằng bạn phải làm gì thì vào thời điểm cái chết đến, bạn sẽ nhớ lại được [những điều đó]. Tôi nói những điều này với các bạn bởi vì tôi có niềm tin vào chúng, chứ chẳng phải vì tôi có chứng ngộ gì.
Một lần nọ, sau khi đức Lama Je Tsongkhapa đã thị tịch thì ngài Khedrub Je [đệ tử tâm truyền của Lama Tsongkhapa] đã rất buồn bã. Ngài Lama Je Tsongkhapa đã giải thích tất cả một cách rất tường tận từ đầu đến cuối, từ Tiểu thừa cho đến Bát Nhã thừa [Đại thừa] cho đến Mật thừa, [đây là] toàn bộ đường tu dẫn đến giác ngộ. Hằng ngàn, ngàn người đã thiền định dựa trên những giáo huấn này và đã đạt được chứng ngộ. Ngài Khedrub Je buồn bã bởi vì ngài nghĩ rằng, “Các giáo lý của đức Lama Je Tsongkhapa giống như những làn chớp sáng, nhưng bây giờ chúng như là ảo giác, chúng đang dần biến mất. Đáng tiếc thay, người dân Tây Tạng đang trên đà thoái hóa. Đức Tsongkhapa đã dạy người ta đừng bám luyến vào các dục lạc của thế gian, nhưng con người ta ngày càng trở nên bám luyến và càng có nhiều dục vọng hơn bao giờ hết.”
Ngài Khedrub Je cảm thấy ảo não như vậy là cũng có lý do; [bởi vì] đã có rất nhiều sự suy đồi. Ngài cảm thấy buồn bã quá, và ngài đã sụt sùi khóc và khóc. Sau đó, ngài đã cầu nguyện và cúng dường một mạn đà la. Bất thình lình đức Lama Tsongkhapa đã hiện ra [trong một hình tướng] trẻ trung, trên một chiếc ngai có chạm châu bảo, và có các vị bổn tôn, chư vị không hành nam (daka) và không hành nữ (dakini) vây quanh. Ngài bảo Khedrub Je, “Này con trai ta, con chẳng nên khóc. Thông điệp chính yếu của ta đã gửi đến mọi người là hãy tu tập con đường Mật điển. [Con] hãy thực hành đi và rồi hãy trao truyền lại cho những người có đầy đủ tánh đức. Thay vì khóc lóc thì con nên làm như thế càng nhiều càng tốt, và điều ấy sẽ làm cho ta rất hoan hỉ.” Đối với bạn thì cũng là như thế đấy. Nếu bạn thực hành thì Lama Tsongkhapa cũng sẽ mỉm cười.
Vào một lúc khác, ngài Khedrub Je có một số câu hỏi [về kỹ thuật tu tập] về Mật điển nhưng không tìm ra được ai có thể trả lời cho ngài. Một lần nữa, ngài lại khóc. Tim ngài như tan nát. Một lần nữa, ngài đã cầu nguyện hết sức mãnh liệt và cúng dường một mạn đà la. Đức Lama Je Tsongkhapa đã lại hóa hiện và đã ban cho ngài Khedrub Je nhiều giáo huấn và điểm đạo.
Lại vào một lúc khác, bởi vì ngài Khedrub Je đã khóc sướt mướt và đã cầu nguyện rất nhiều nên đức Lama Tsongkhapa lại hóa hiện trong [hình tướng] sắc màu đỏ, tay cầm một thanh kiếm và một bình bát bằng sọ người, cưỡi trên một con hổ. Sau đó, ngài hóa thiện thành đức Văn Thù, và một lần khác, ngài lại hóa hiện trong thân tướng bình thường của ngài nhưng cưỡi một con voi trắng. Năm linh kiến đã hiện ra khi ngài Khedrub Je đã tuôn lệ khóc và cầu nguyện [trong năm lần khác nhau] vì những lý do khác nhau.
Tại sao tôi lại kể những câu chuyện này cho các bạn nghe? Thật là điều tốt lành để biết rằng đức Lama Je Tsongkhapa đã từng là một du già sư vĩ đại, một đại thành tựu giả (mahasiddha)—không có gì phải hoài nghi về điều này—và ngài Khedrub Je đã có chứng ngộ nội tâm thâm hậu do bởi chỉ thuần túy khẩn nguyện đức Lama Tsongkhapa mà ngài Lama Tsongkhapa đã hóa hiện. Ngoài ra bạn cũng cần nên biết rằng lãnh vực chính yếu của ngài Lama Tsongkhapa chính là Mật điển. Cho dù chúng ta đang thoái hóa, nhưng chúng ta vẫn có được cơ hội lắng nghe cách ngài diễn giải con đường tu tập Mật điển và cố gắng ứng dụng chúng. Chúng ta thật vô cùng may mắn. Ngay cả nếu chúng ta không biết nhiều về những gì liên quan đến Phật giáo, nhưng chỉ cần chúng ta thực hành những gì ta biết thì đức Lama Tsongkhapa cũng sẽ rất hoan hỉ.
“Lãnh vực đặc biệt tinh chuyên của đức Lama Tsongkhapa chính là Mật điển, đặc biệt là [pháp thực hành] thân huyễn hóa,” Lama Thubten Yeshe đã nói như thế trong một trong các buổi giảng cuối cùng trước khi ngài lìa đời vào năm 1984. “Cách thức đức Tsongkhapa giải thích mọi thứ, và cách ngài ban các giáo huấn về thiền định đều mang các đặc tính nổi bật rõ rệt; chúng cực kỳ trong sạch, rõ ràng, minh bạch. Khi bạn hiểu được những giáo huấn này, là bạn thực sự có được những điều rất lợi ích và sự quy ngưỡng sẽ khởi sinh. Khi trao truyền lại những giáo lý này, tôi thực sự cảm thấy vô cùng biết ơn đức Lama Je Tsongkhapa. Bởi vì ngài đã giải thích về Sáu Pháp Du Già của ngài Naropa qua một hình thức hết sức thâm diệu nên tôi đã phát khởi rất nhiều lòng sùng mộ đến ngài. Cách thức mà ngài [làm sáng tỏ mọi thứ], không có gì phải hoài nghi—ngài đúng thực là một đại thành tựu giả (mahasiddha).”
Lama Thubten Yeshe thuyết giảng
----------------------------
Trích từ tập sách “The Bliss of Inner Fire” (Hỷ Lạc của Nội Hỏa) của Lama Thubten Yeshe, hiệu đính bởi Robina Courtin và Ailsa Cameron; do Wisdom Publications phát hành tại Boston năm 1996.
Tâm Bảo Đàn chuyển Việt ngữ chiều ngày 21 tháng 9/2014. Cám ơn Bạch Nga rất nhiều đã chuyển bài Anh ngữ ra diễn đàn Viet Nalanda.
http://mandala.fpmt.org/archives/older/mandala-issues-for-1995/november/the-mahasiddha- je-tsong-khapa/
Nguồn: vietnalanda.org