ĐẠI THÀNH TỰU GIẢ NAROPA VÀ PHÁP THỰC HÀNH NGONDRO
(Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trong chuyến viếng thăm Việt Nam, 2013) Nếu từng đọc tiểu sử của các bậc Đại thành tựu giả như Naropa hoặc Milarepa, các bạn sẽ thấy các Ngài không hề thực hành Guru Yoga theo cách như chúng ta, thậm chí pháp tu này không một lần được nhắc đến trong tiểu sử của các Ngài. Vậy Ngài Naropa đã thực hành như thế nào? Khi Ngài tới gặp Ngài Tilopa và thỉnh cầu “Xin Ngài ban cho con giáo pháp Kim Cương Thừa”, ngài Tilopa trả lời: “Được, ta sẽ chỉ cho con”. Và Ngài giao cho Ngài Naropa làm 12 việc khó khăn, nghịch hạnh.
Một hôm, Ngài Tilopa nói với Ngài Naropa rằng có người đang bố thí thức ăn và bảo ngài Naropa hãy tới đó khất thực. Ngài Naropa làm theo, và Ngài Tilopa sau khi ăn liền khen thức ăn rất ngon. Mặc dù Ngài Tilopa là bậc chứng ngộ, Ngài đã siêu việt mọi tạo tác nhị nguyên, không còn sự phân biệt ngon hay không ngon, song Ngài vẫn nói thức ăn này rất ngon, ta muốn ăn thêm nữa. Ngài Naropa liền đi xin thêm lần nữa. Ăn xong Ngài Tilopa vẫn nói muốn tiếp tục ăn. Khi thấy Ngài Naropa đến xin lần thứ ba, vị thí chủ cảm thấy thật quá đáng liền bảo “Như thế là quá nhiều rồi. Hai lần còn được, nhưng nếu ông còn quay lại nữa, chúng tôi sẽ không cho nữa mà còn đuổi đánh đấy”. Nhưng Ngài Tilopa vẫn nói: “Không, không, con vẫn phải đi.” Ngài Naropa bạch rằng “Họ không muốn bố thí nữa rồi”. Tuy vậy, Ngài Naropa vâng lời Thầy đi thêm một lần nữa. Khi quay trở về, Ngài đã bị đuổi đánh bầm tím khắp người. Ngài Tilopa tới, vẩy nước gia trì và chữa lành mọi vết thương cho Ngài Naropa. Tại sao có thể gọi đây là sự tịnh hóa? Bởi lẽ việc cảm thấy xấu hổ khi mang bát đi khất thực, việc ngại ngùng sợ hãi khi phải đi xin thức ăn nhiều lần, tất cả những cảm thọ ấy đều xuất phát từ bản ngã. Việc thân bị đánh đập chính là sự bám chấp vào thân xác này, cũng tức là bám chấp vào bản ngã.
Đức Phật dạy rằng bám chấp chính là sự thể hiện của bản ngã. Chính vì vô minh nên bản ngã mới xuất hiện, mới có sự phân biệt nhị nguyên năng-sở, rồi từ đó mới khởi tâm yêu ghét, tham ái, sân giận và tạo nghiệp, tạo nên luân hồi.
Câu chuyện này vốn là một sự tịnh hóa lớn lao để dẹp trừ bản ngã. Ngài Naropa đã thực hành 12 nhiệm vụ như vậy, toàn nhưng việc vô cùng khó khăn, hoặc những điều rất nghịch hạnh hoặc vô cùng đáng xấu hổ. Cho tới cuối cùng, Ngài Naropa lại một lần nữa thỉnh cầu Ngài Tilopa: “Xin hãy ban giáo pháp cho con”, Ngài Tilopa liền rút ra cây gậy gỗ và dạy rằng: “Không nghĩ về quá khứ, tương lai, hiện tại, không nghĩ ngợi, không tạo tác… không thiền định, hãy để kệ mọi thứ trong tự tính…”, rồi Ngài Tiropa dùng cây gậy gỗ nện vào đầu khiến Ngài Naropa vô cùng đau đớn và ngã lăn bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Ngài thốt nhiên đạt giác ngộ. Vậy vì sao Ngài Tilopa không dùng gậy đập vào đầu Ngài Naropa từ trước? Bởi lẽ Ngài Naropa nhất thiết phải trải qua những thử thách gian khổ như vậy để được tịnh hóa, đó chính là sự thực hành Ngondro của Ngài Naropa.
Ngày nay, tôi không thể yêu cầu các bạn làm như vậy. Tất cả chúng ta đều đang sống trong thời mạt pháp. Tôi cam đoan sẽ không bao giờ bậc Thầy bắt các bạn làm như vậy. Song tối thiểu, nếu muốn trở thành hành giả Kim Cương thừa bạn cần hiểu, mối liên hệ Thượng Sư – đệ tử vô cùng quan trọng. Điều đó không có nghĩa là nếu hôm nay Thượng Sư bảo bạn nhảy cầu xuống nước, bạn sẽ phải làm theo. Bạn có thể tự kiểm lại mình. Nếu bạn có tâm chí thành rất mạnh mẽ, liệu bạn có thể vâng lời Thầy không? Nếu bạn không thể hoan hỷ làm theo, bạn có thể từ chối. Đó không phải là một lỗi nặng nề. Bạn có thể đỉnh lễ ba lần trước bậc Thượng Sư và nói “Thưa Ngài, con không thể làm như vậy”. Điều đó không hề có lỗi. Bạn không cần phải áy náy, bạn sẽ không bị đọa vì điều này. Hoàn toàn không phải vậy. Nhưng thời nay, 99% các bậc Thầy không khắt khe, khó tính. Chẳng bậc Thầy nào đưa ra yêu cầu như vậy. Ngay cả những bậc Thầy vĩ đại như Ngài Tilopa, nếu còn tại thế Ngài cũng sẽ không yêu cầu như vậy. Ngài Tilopa sẽ nói các bạn thật tuyệt vời, Ngài thật vô cùng hoan hỷ khi được gặp các bạn. Các bạn thật tốt, không cần thực hành quá nhiều, chỉ cần 5 phút thôi cũng tốt. Các bạn đừng lo lắng.
Chính vì thế nên cách đây 200-300 năm, các bậc Thầy đã soạn ra pháp thực hành Ngondro. Khi thực hành, bạn cần lễ lạy, bạn cần trì chân ngôn Kim Cương Tát Đỏa, các bạn không phải làm những việc như các Ngài xưa kia, mà cần trì tụng, cần cầu nguyện tới Thượng Sư trong hình tướng Vajradhara, bạn cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện, và dần dần một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra Thượng sư bằng tâm chí thành chân chính, thấy Thượng Sư chính là Phật. Rồi một ngày, bất cứ việc làm nào, lời chỉ dạy nào của Thượng Sư, bạn cũng sẽ hiểu đều bắt nguồn từ trí tuệ bất nhị, bạn sẽ vâng theo không do dự, tâm chí thành chân chính sẽ phát khởi vô cùng mạnh mẽ, đó chính là phương tiện.
Nguồn: drukpavietnam.org