Đào luyện trung đạo
Khi nghe nói cái “tôi” không thực và mọi hiện tượng đều huyễn hóa, ta có thể vội kết luận rằng bản thân ta, mọi người, thế giới và sự giác ngộ … toàn là không thực. Một kết luận như vậy gọi là chấp không, quá cực đoan. Các hiện tượng có hiện hữu, nhưng cái cách ta xem chúng độc lập tự tồn, mới là lầm lạc, đáng từ bỏ.
Lấy ví dụ ráng cầu vồng. Dĩ nhiên nó hiện hữu, nhưng chỉ do tác dụng hỗ tương giữa những giọt nước trong bầu trời, ánh mặt trời và vị trí quan sát của ta. Vậy, ráng cầu vồng là một hiện tượng duyên sinh, và nếu tra tầm kỹ ta có thể khám phá ra yếu tố chính (nhân) và yếu tố phụ (duyên) của nó. Nhưng khi ngắm ráng cầu vồng, ta có thể vì quá xúc động trước vẻ đẹp của nó mà cố đưa tay ra sờ. Nhưng ta càng tiến tới thì ráng cầu vồng như càng lùi xa. Dù chạy nhanh và xa bao nhiêu, ta cũng không bao giờ đuổi kịp nó. Một ráng cầu vồng tự bản chất đã không thể sờ chạm, nên ta phải nhận thức rằng hiện tượng đẹp đẽ kia chỉ là một bóng hình ta không thể cầm nắm trong tay hay chiếm làm sở hữu.
Cũng thế, mọi hiện hữu chỉ là những tướng có ra do tác động của nhiều nhân và duyên. Chúng sinh khởi, tồn tại rồi biến mất, và suốt thời gian ấy lại thay đổi không ngừng. Ngay bản thân chúng ta cũng vậy. Dù bản năng chấp ngã của ta tin là có, ta vẫn không tìm thấy một cái “tôi” cố định nào ở trong hay ngoài những hợp thể tâm- vật lý luôn biến đổi này “của ta.” Chúng ta và mọi hiện tượng khác đều trống rỗng, không một mảy may tính thực hữu, tự tồn. Và chính cái “chân không” này mới là bản chất tối hậu của mọi hiện hữu.
Bản kinh trong đó đức phật Thích Ca giảng giáo lý sâu xa nhất của ngài về Chân không là kinh Bát nhã ba la mật (bản kinh được cầm tượng trưng trong tay trái đức Văn Thù, hiện thân của trí đại giác.) Và vị luận sư Ấn độ đã giảng giải và truyền bá giáo lý này là Long Thụ (Nagarjuna), ngài vừa là một luận sư sâu sắc và hành giả mật tông vĩ đại.
Hệ thống phân tích triết học của Long Thụ có tên là Trung đạo, vì nó tránh hai cực đoan như hữu và phi hữu, thường và đoạn, tôn sùng và phỉ báng. Theo Long thụ, tất cả quan niệm thông thường của chúng ta về điều này điều nọ đều sai lầm, vì chúng ta quen gán lên đối tượng giác quan những tính chất cụ thể, biệt lập và tự hữu, mà kỳ thực chúng không có. Nói cách khác, quan niệm ngu mê phàm tình của chúng ta về thực tại – cái tôi và các pháp – đều là mê tín, vì có đối đãi nhị nguyên.
Như đã nói, ta luôn phóng chiếu một hình ảnh sai lạc lên đối tượng, rồi tin tưởng rằng hình ảnh ấy thực là đối tượng. Khi đã có vài khái niệm về thói thấy sai của mình, ta có thể có phản ứng quá trớn là phủ nhận hiện hữu của tất cả mọi sự. Đấy là cực đoan chấp không, không những sai lạc mà còn rất nguy hiểm. Điều cần hiểu là, sự vật quả có hiện hữu, nhưng không hiện hữu theo cách ta tưởng. Cái khó trong việc đào luyện chính kiến về trung đạo là không chấp nhận tính thực hữu độc lập của các pháp, nhưng cũng không phủ nhận sự hiện hữu duyên sinh của chúng.
Khi ta cố áp dụng luận lý để chứng minh một pháp nào đó là trống rỗng, không thực hữu nội tại, thì lắm lúc có vẻ hơi căng. “Cái này trống rỗng vì lý do này…hay lý do kia, lý do nọ.” Đôi khi việc ấy dường như khó chịu. Điều này chắc chắn xảy đến; quá nhiều lý luận thường có hại cho tuệ giác hơn là có ích. Những lúc như vậy, ta nên nới lỏng sức ép của lý luận, chỉ quan sát cách vận hành của cái vật ta đang tìm kiếm, nó từ đâu đến, hoạt động như thế nào, vân vân. Ví dụ khi khảo sát một vật để khám phá nó có tự tính hay không, ta có thể nhớ lại: “Món này được thợ lắp ráp trong xưởng, chuyên chở bằng tàu đến chợ bán; rồi tôi mua về dùng.” Khi được nhìn cách ấy, bản chất phi tự hữu của vật ấy trở nên sáng sủa hơn. Ta thấy nó do duyên sinh, lệ thuộc nhiều điều kiện mới tồn tại được, vận hành như vậy như kia. Cách thấy ấy giảm bớt cảm giác ta có về các pháp là hiện hữu biệt lập, tự tồn, chắc thực. Đấy là một cách hiểu trực tiếp tiện lợi về duyên sinh, phi tự tính hay tính không. Khi đã quen lối nhìn ấy, ta dễ dàng thấy tại sao các bậc thầy quá khứ công bố duyên sinh là vua của luận lý, là cách tốt nhất để hiểu thực trạng của mọi sự vật.
Theo quan điểm Long Thụ, tất cả pháp đều không thực tính độc lập, kể cả Tâm và Phật. Ta không thể nói một vật vô giá trị như thùng rác là trống rỗng không thực tính, còn một đối tượng vô cùng tôn quý như đức Thích ca mâu ni là thực có tự tính. Không phải vậy. Trên phương diện Tính không hay bất nhị, thì thực tại tối hậu của Phật và thực tại tối hậu của thùng rác đều giống nhau.
Kết luận thực tiễn về tất cả điều này là, tránh chấp nhận mọi hiện tướng nhị nguyên – tự tha, tốt xấu…- xem như tuyệt đối có thực, nhưng cũng không hoàn toàn chối bỏ chúng. Thay vì thế, ta nên giữ thái độ hơi buông lỏng, hơi hoài nghi. Ta nên ý thức chính vì sự vật đối với ta có vẻ rõ ràng là thế này thế nọ, nên mới có năng lực dẫn ta đến mâu thuẫn rối ren. Khi ý thức rõ điều này, ta sẽ không tự cho phép mình rơi vào bùa lực chúng một cách dễ dàng như trước. Và nếu ta tập luyện để quán tính trong sáng nguyên ủy của tâm trong đó các tướng này sinh khởi, thì ta có thể đi vào cái kinh nghiệm về bất nhị trong đó mọi xung đột rối ren cuối cùng đều lắng xuống.
Lama Thubten YesheNguồn: ripavietnam.org