DÒNG PHÁP LONGHEN NYNGTHIK
(Tựa ngondro Longchen Nyngthik - bản trung)
Nói cho cùng, tất cả truyền thống Phật Giáo trên đời này đều có cùng một mục đích, bởi vậy chúng ta không nên phân biệt hay dở, cao thấp giữa các truyền thống. Tuy thế, cũng chẳng có gì sai nếu ta thực sự tin tưởng dòng pháp của mình là cao thâm hơn cả. Đức Liên Hoa Sanh Đại Sĩ, vị Phật thứ hai của thời đại này, là bậc vĩ đại nhất trong dòng chuỗi vàng những vị học sĩ và thành tựu giả của Ấn Độ và Tây Tạng. Ngài như ánh trăng vằng vặc giữa những vì sao. Trong kinh Niết Bàn và những kinh khác, chính Đức Phật đã từng tiên tri về việc truyền bá Mật Thừa, hay Qủa Thừa, của Liên Hoa Đại Sĩ. Cũng vì bồ đề tâm và năng lực vô thượng của Đại Sĩ mà giáo pháp Kim Cang Thừa mới xuất hiện đầy đủ trên thế gian này.
Trong cõi Tịnh Độ Vô Thượng có Bổn Nguyên Phổ Hiền Như Lai, Kim Cang Tát Đỏa… Bên Ấn Độ có Tổ Prahevajra, Saraha, Long Thọ, Liên Hoa Đại Sĩ, Vô Cấu Hữu … Còn Tây Tạng có 25 đại đệ tử của Liên Hoa Đại Sĩ, 108 Khai Mật Tạng Đại Pháp Vương, bậc toàn giác Longchen Rabjam, Trì Minh Vương Jigme Lingpa, Jamyang Khyentse… và vô lượng trì minh vương đắc phổ quang thân, nhiều đến độ thế giới này cũng không chứa nổi. Tất cả đều thành tựu nhờ pháp tu thanh tịnh quang của dòng Đại Viên Mãn.
Đức Phổ Hiền và Văn Thù đã hóa thân thành bậc toàn giác Longchen Rabjam tại Tây Tạng trong thân tướng một vị tăng, mà lòng từ bi và trí tuệ bất khả tư nghì của Ngài đã khiến dòng pháp Thanh Tịnh Quang Đại Viên Mãn tỏa sáng như ánh mặt trời.
Bậc toàn giác thứ hai là Khai Mật Tạng Đại Pháp Vương Rigdzin Jigme Lingpa mà công phu tu chứng từ những đời trước của Ngài đã được thể hiện rõ ràng. Bằng những công hạnh bi trí dũng, Ngài đã khai sáng dòng Longchen Nyingthig (Chân Như Tâm Yếu).
Trong tất cả những dòng pháp bên Ấn Độ và Tây Tạng nhiều như biển cả, đây là dòng truyền thừa Đại Viên Mãn đặc biệt tối đốn ngộ. Dòng pháp này như một con sông lớn tụ hội tất cả những dòng pháp khẩu truyền, phục điển và tịnh kiến. Đây là giáo pháp thanh tịnh không bị hoen ố như một kim cang độc nhất, sắc bén và chói sáng.
Các vị tổ sư, pháp sư và đức bổn sư của chúng ta đã phải trải qua trăm ngàn khó nhọc để tu chứng mật thừa, và đạt được những dấu hiệu thành tựu nội tâm, nhờ thế mà sự gia trì từ luồng hơi thở ấm áp của pháp ngôn các Ngài mới được truyền đời từ vị Tổ này qua vị Tổ khác mà chẳng bị hoại mất đi. Sự gia trì này, giờ đây, với lòng đại từ bi, lại được các Ngài rót vào tâm chúng ta.
Đây chính là kết qủa của những thiện nghiệp mà chúng ta đã tích lũy từ đời trước, và đó là điều rất có ý nghĩa mà ta nên trân qúy.
Trong thời ác trược này, đấng Quy Y Pháp Vương Orgyen Kusum Lingpa, đức bổn sư từ bi của tôi trong mọi kiếp; đấng Quy Y Pháp Vương Dodrupchen Đệ Tứ, Thubten Trinlay Palzangpo, Pháp Vương của giáo pháp Nyingthig; và những vị thầy khác đã từ bi cho tôi nếm được vị tinh túy của giáo pháp Thanh Tịnh Quang Tâm Yếu. Dù có cố công cả ngàn năm đi nữa, tôi cũng chẳng bao giờ đền đáp nổi ơn đức của các Ngài. Bởi vậy nên có câu:
Với bậc tối thắng, vàng cũng đồng như đất,
vậy thì tài sản bốn châu có ích chi?
Nếu ta trì Pháp tâm yếu của các Ngài,
đó mới là điều làm các Ngài mãn nguyện.
Vì thế, để đền ơn Thầy, Tổ, chúng ta nên tận lực văn, tư, tu giáo pháp viên mãn mà các Ngài đã truyền dạy; và chúng ta cũng nên hết sức điều phục tâm loạn động đầy phiền não của mình.
Khi xét đến những khổ nhọc mà các vị thành tựu giả và pháp sư thời xưa đã trải qua để văn, tư, tu, và khi thấy được những thành qủa tu hành các Ngài đã đạt được, rồi đem so sánh với mức độ dấn thân trong việc tu hành của chính bản thân mình, chúng ta có thể thấy phần nào hổ thẹn, nhưng Tổ Mipham Cholé Namgyal có kệ rằng:
Đức Kim Cang Trì tán thán tối thượng thừa:
“Chỉ cần nghe thôi ngươi sẽ được giải thoát.”
Vậy khỏi cần nói, nếu thực sự tư duy
thì do pháp tánh, ngươi càng mau giải thoát.
Ngài cũng nói khi “khổ hạnh thừa” (hiển giáo) khó giáo hóa nổi chúng sinh, thì giáo pháp tối thượng thừa sẽ xuất hiện tự tâm của Đức Phổ Hiền Như Lai; điều đó có nghĩa là những ai gặp được giáo pháp bí mật vô thượng này do Đức Phật từ bi truyền dạy thì không thểlà người thiếu phước.
Trong thời hiện đại, chúng ta vận dụng hết sức thân tâm của mình để đuổi kịp những tiến bộ của xã hội con người, cho đến khi thân thể mệt mỏi, tâm trí rã rời, chúng ta trở nên lười biếng, thối chí. Đó chính là phong cách mà chúng ta cầu Pháp. Ngày nay, chỉ có những sản phẩm máy móc tốt, lẹ, dễ dùng mới bán chạy. Người tu cũng vậy, thích tìm pháp gì dễ dàng, mau có kết qủa, giống như mua một máy điện toán vậy, nhưng sự thật thì chẳng có cách nào khác ngoài đường lối tinh tấn dụng công tu hành.
Tuy thế, đây là thời mà người tu cũng nên có pháp gì dễ thực hành, nên tôi đã soạn nghi qũy ngắn này cho bộ Pháp Tu Tiên Yếu của dòng Nyingthig, hầu hết lấy từ văn bản Longchen Nyingthig gốc, với một ít phần bổ sung từ những nguồn khác.
Nghi qũy trì tụng này có độ dài vừa phải, gồm đủ cả những giai đoạn tích tụ công đức và thanh tịnh các mê chướng, với pháp Bổn Sư Du Già chính yếu rất rõ ràng và chi tiết.
Nếu ai thành tâm muốn tu tập nghi qũy này, thì trước hết nên nhận khẩu truyền và hướng dẫn từ một vị thầy tu chứng. Rồi nếu chịu tinh tấn hành trì với niềm tin kiên cố, thì Tôn Sư Liên Hoa Sanh, sẽ thực sự xuất hiện trong cảnh trung ấm để tiếp dẫn về cõi Cực Lạc hay một Báo Thân Tịnh Độ.
Tự trong tâm, tôi nguyện với chư Phật và Bồ Tát, và nhất là chư Tam Căn, chư Hộ Pháp và hàng Hộ Giáo của dòng Nyingthig này. Mong các vị luôn hộ trì cho những hành giả nào đời trước đã có được phuớc duyên, công đức và hạnh nguyện, và đời nay đã bước chân vào tu tập giáo pháp này với niềm tin tự tâm thành. Nguyện cho những hành giả này, tư duy đúng như Pháp, tu hành đúng chánh Pháp, đường tu không sai lạc, được hết phúc lạc này đến phúc lạc khác. Nguyện cho họ chẳng bao giờ thối tâm lờn pháp, mà càng thêm chứng nghiệm sâu dày với giáo pháp tối thượng thừa thậm thâm vi diệu này, trong cả đời này lẫn mọi đời sau. Sau hết, nguyện cho tất cả đều luôn tự làm lợi ích cho bản thân mình và cho kẻ khác.
Đây là lời tín thành tự tâm của Tôn Giả Rigdzin Hungkar Dorje, người đã được nuôi dưỡng bởi giáo pháp Longchen Nyingthig, viết tại chùa Long Hoa xứ Hoa Kỳ, ngày 15, tháng 11, năm 2010.
---
Việt dịch: Dương Đạt (trích nghi quỹ ngondro Longchen Nyingthik – bản trung)
BBT trích, biên tập và giới thiệu.