DZOGCHEN – THỪA THỨ CHÍN
Atiyoga Tantrayana, “Thừa Hợp Nhất Tối Hậu”, còn được biết với tên Dzogchen, “Đại Toàn Thiện, Đại Viên Mãn”. Trong hệ thống Nyingma, thừa thứ chín, Atiyoga hay Dzogchen, được xếp loại là một Tantra. Tuy nhiên, Dzogchen tồn tại trong lãnh vực riêng của nó, độc lập với những phương pháp của Tantra. Ở đây sự thực hành của nó không đòi hỏi tiến trình tiên quyết nào chuyển hóa thành một vị bổn tôn trú trong chiều kích thanh tịnh của mạn đà la, như trong trường hợp Mahayoga hay Anuyoga.
Hơn nữa, sự thực hành [Dzogchen] bắt đầu nơi Tantra dừng lại; nghĩa là Dzogchen bắt đầu với trạng thái tham thiền. Như thế Dzogchen được xếp loại là một thừa tự chính nó, và không chỉ là trạng thái kết thúc của tiến trình chuyển hóa như Maha-mudra chẳng hạn. Trong hệ thống Nyingma, Dzogchen được nhìn như đỉnh cao nhất (yang-rtse) đạt được bởi mọi con đường tâm linh khác và như điểm kết thúc của mọi thừa hay yoga trước đó.
Dzogchen có một phương pháp luận hoàn toàn riêng, phân biệt nó với các thừa khác, và bởi thế nó không chỉ là một mở rộng hay tiếp tục của hệ thống Tantra. Phương pháp của các Tantra Thấp (Ngoại) là con đường tịnh hóa, như nhiều loại thực hành làm sạch cái thấy bất tịnh thuộc nghiệp báo; và phương pháp đặc trưng của các Tantra Cao (Nội) là con đường chuyển hóa, như tiến trình chuyển hóa bản thân, cả ngoài lẫn trong, thành bổn tôn trong chiều kích thanh tịnh của mạn đà la của vị thần ấy. Ở đây trong các Tantra Cao, cái thấy bất tịnh thuộc nghiệp báo tác động chúng sanh vô minh bình thường không chỉ được làm sạch, mà còn thực sự chuyển hóa thành cái thấy thanh tịnh của trí huệ và tri kiến của một bậc giác ngộ. Những cảnh giới bình thường của thế gian không còn bình thường nữa, mà là những cảnh giới [thanh tịnh] của bổn tôn và mạn đà la. Những âm thanh bình thường của thế gian không còn bình thường nữa, mà là những âm thanh thanh tịnh của minh chú. Những tư tưởng không còn bình thường nữa, mà là những tham thiền (Samadhi) của bậc giác ngộ.
Tuy nhiên, phương pháp đặc trưng của Dzogchen không phải là chuyển hóa, mà là con đường của tự-giải thoát (grol-lam), và đó là sự độc nhất vô nhị của nó. Tất cả những phương pháp thực hành này trong Ba Thừa, hay trong hệ thống xếp thành Chín Thừa, hoàn toàn phân biệt về cách tiếp cận của chúng đối với con đường tâm linh. Điều này có thể thấy bằng thí dụ cây độc. Loại hành giả thứ nhất theo phương pháp những Kinh Tiểu thừa, cố gắng tránh cây độc ngăn chặn con đường của họ. Cách tiếp cận này biểu thị con đường từ bỏ.
Loại hành giả thứ hai theo những phương pháp của những Kinh Đại thừa và những Tantra Thấp, cố gắng áp dụng một đối trị với chất độc của cây mà nó tiếp xúc khi ở trên con đường. Cách tiếp cận thứ hai này tiêu biểu con đường tịnh hóa. Cái đối trị phổ quát với những chất độc thế gian là thiền định về tánh Không, sự vô tự tánh của mọi hiện tượng.
Loại hành giả thứ ba, theo những Tantra Cao, cố gắng chuyển hóa chất độc trong cây theo cách luyện kim để thành cam lồ của trí huệ hay tánh giác. Cách tiếp cận thứ ba này tiêu biểu con đường chuyển hóa. Cây độc này tượng trưng mọi phiền não và tiêu cực làm khổ tâm thức con người trong hiện hữu sanh tử.
Nhưng những cái trên không tiêu biểu phương pháp riêng của Dzogchen. Hành giả Dzogchen không cố gắng thoát khỏi, hay áp dụng một cái đối trị cho, hay chuyển hóa chất độc này. Trong Dzogchen không có gì để từ bỏ và không có gì để chuyển hóa. Nói cho đúng, Dzogchen có phương pháp riêng của nó, gọi là tự-giải thoát (rang grod), ở đây, trong thực hành thiền định của cá nhân, những tư tưởng được để cho tự-giải thoát ngay khi chúng khởi lên. Những bản văn được dịch sau đây nói về phương pháp chót này, gọi là con đường của tự-giải thoát.
---
Trích “Những Chữ Vàng”, trang 34 - file PDF, nxb Thiện Tri Thức.
BBT LHQ trích, biên tập, giới thiệu.