Giống như khi dệt vải, Ta đến mảng cuối cùng Với những sợi chỉ mịn màng đan xuyên vào nhau, Và đời người này cũng thế. -- ĐỨC PHẬT
Thật là điều vô cùng thiết yếu để có được sự tỉnh thức về cái chết – để quán chiếu rằng bạn sẽ không tồn tại lâu dài trong cuộc đời này. Nếu bạn không tỉnh giác về cái chết, bạn sẽ đánh mất cơ hội tận dụng đời người hiếm quý này mà bạn đã đạt được. Đời người này rất có ý nghĩa bởi vì, dựa trên đời người ấy, mà có những kết quả vô cùng quan trọng có thể được thành tựu. Sự phân tích về cái chết không phải là để trở nên sợ hãi mà là để biết trân quý kiếp sống này, trân quý kiếp người mà qua đó bạn có thể thực hành những pháp tu quan trọng. Thay vì hoảng sợ thì bạn cần phải quán chiếu, tư duy để thấy rằng khi cái chết hiện đến, bạn sẽ không đánh mất một cơ hội tốt lành để thực hành. Qua đó, sự quán chiếu về cái chết sẽ đem thêm nhiều năng lượng cho công phu tu tập của bạn.
Bạn cần phải chấp nhận rằng cái chết sẽ đến như là một điều tự nhiên, bình thường trong quá trình của đời sống. Như Đức Phật đã từng thuyết:
Một nơi hoàn toàn không phải chạm mặt cái chết,Nơi ấy không hiện hữu.Nơi ấy không hiện hữu trong không gian,không hiện hữu trong đại dương,Cũng chẳng hiện hữu ngay cả khi bạn ngồi ngay giữa một trái núi.Nếu bạn chấp nhận được rằng cái chết là một phần của đời sống, thì khi cái chết thực sự hiện đến, bạn có thể chạm mặt với cái chết một cách dễ dàng hơn. Trong sâu thẳm của tâm hồn, nếu người ta biết rằng cái chết sẽ đến nhưng lại cố tình lãng tránh việc phải suy nghĩ về cái chết thì việc này không tương xứng với hoàn cảnh và là một điều phản nghịch rất bất lợi. Điều ấy cũng chẳng khác nào như khi ta không chấp nhận tuổi già như là một phần của đời sống mà lại xem đó là điều ta không muốn xảy đến, rồi cố tình tránh né suy nghĩ về tuổi già ấy. Như vậy sẽ đưa đến tình trạng thiếu chuẩn bị về mặt tinh thần; và rồi khi tuổi già buộc phải xảy đến thì việc ấy sẽ rất khó khăn cho ta.
Nhiều người tuy thân xác đã già nua rồi nhưng lại cứ làm bộ như là họ vẫn còn son trẻ. Đôi khi khi tôi gặp lại những người bạn lâu năm, chẳng hạn như là những vị thượng nghị sĩ tại những quốc gia như Hoa Kỳ, tôi chào mừng họ bằng câu nói, “Chào bạn già của tôi,” hàm ý là chúng tôi đã quen nhau trong một thời gian dài, chứ không nhất thiết là già nua thể xác. Nhưng khi tôi nói như vậy thì một số trong các vị ấy dứt khoát đính chính một cách mạnh mẽ. “Chúng ta không già! Chúng ta là những người bạn lâu Sự thật là họ có già chứ – tai họ thì mọc lông, đây là một dấu hiệu của tuổi già – nhưng họ lại cảm thấy không thoải mái với chuyện già nua của họ. Thật là rồ dại.
Tôi thường nghĩ rằng đời sống con người có kéo dài thì nhiều nhất cũng chỉ là một trăm năm, mà nếu đem so sánh chuỗi thời gian ấy với tuổi thọ của hành tinh này thì đời người rất ngắn ngủi. Sự hiện hữu ngắn ngủi của chúng ta cần phải được sử dụng như thế nào để không đem lại khổ não cho những người khác. Ta không nên sử dụng đời người trong những công việc đem lại tai họa và phải dùng đời người ấy cho những hoạt động tích cực – hoặc ít ra là cũng không đem đến sự thiệt hại hoặc đem đến vấn đề cho những người khác. Qua cách sống như thế, chuỗi thời gian ngắn ngủi của ta như là một người đi du hành trên hành tinh này sẽ có ý nghĩa.
Trong số một trăm năm của đời người, phần đầu là khoảng thời gian ta sống như một đứa bé và phần cuối là sống trong tuổi già, lắm khi giống như một con thú được đút ăn rồi cho ngủ. Khoảng ở giữa, có thể là sáu mươi hoặc bảy mươi năm là ta có thể sử dụng một cách có ý nghĩa. Như Đức Phật đã từng thuyết:
•
Nửa cuộc đời trôi qua trong giấc ngủ. Mười năm trôi qua trong tuổi thơ. Hai mươi năm chìm đắm trong tuổi già. Trong số hai mươi năm còn lại, buồn tủi, than trách, đau đớn và bực tức khó chịu đã giết mất bao thời giờ, và rồi thêm cả trăm thứ bệnh tật về thể xác còn đem đến sự tàn hại thêm nhiều nữa.Để mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, việc chấp nhận tuổi già và cái chết như một phần của đời sống là điều vô cùng thiết yếu. Nếu ta có cảm giác là cái chết gần như chẳng thể nào xảy ra thì cảm giác ấy sẽ tạo ra nhiều vấn đề và thêm nhiều tham đắm – đôi khi lại còn đem đến hại họa một cách có chủ ý cho những người khác. Khi chúng ta nhìn kỹ vào cuộc đời của những người được coi như là những nhân vật vĩ đại – các vị hoàng đế, quân vương và những người đại loại như thế -- họ đã xây cất những tòa nhà khổng lồ với những bức tường khổng lồ, thì ta thấy là sâu thẳm trong tâm thức của họ, họ có tư tưởng cho rằng họ sẽ sống vĩnh viễn trong cuộc đời này. Sự tự đánh lừa như thế sẽ dẫn đến đến kết quả của nhiều sự đau đớn và nhiều vấn đề hơn nữa cho nhiều người.
Ngay cả cho những người không tin rằng có đời vị lai thì việc tư duy, quán chiếu về thực tại là một việc làm tích cực, có ích lợi và có tính cách khoa học. Lý do là bởi vì con người, tâm của con người và tất cả những hiện tượng duyên sinh, tất cả đều biến chuyển thay đổi từ phút này qua phút khác, và như thế cho nên, điều này mở ra tiềm năng cho sự phát triển tốt lành. Nếu những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống không thay đổi thì chúng sẽ vĩnh viễn ôm giữ lại đặc tánh của khổ não. Một khi bạn biết được rằng mọi thứ đều luôn luôn biến chuyển và thay đổi, thì ngay cả bạn phải trải qua một giai đoạn rất khốn khó, bạn sẽ tìm được sự bình yên trong lòng khi hiểu rằng hoàn cảnh khốn khó ấy không thể nào tồn tại mãi mãi. Thế cho nên, không cần phải bức xúc.
Sự may mắn của phước lộc cũng thế, chẳng thể nào thường hằng vĩnh cửu; thành ra, [hiểu được như thế thì] ta chẳng có nhu cầu để bám luyến quá nhiều những khi mọi việc diễn ra một cách tốt đẹp. Một cái nhìn dựa vào sự thường hằng, tồn tại vĩnh viễn, sẽ gây tai hại cho chúng ta. [Nếu bạn cho rằng mọi thứ sẽ vĩnh cửu] và ngay cả nếu bạn có chấp nhận rằng có những đời vị lai chăng nữa thì kiếp sống hiện tại sẽ trở thành mối bận tâm của bạn, và các đời tương lai thực sự lại chẳng quan trọng là mấy. Việc này sẽ phá hủy cơ hội mà bạn có được với cuộc đời hiện tại, là một cuộc đời được phú bẩm với những phước duyên để thực hành những việc làm tốt lành, tích cực. Một cái nhìn dựa vào vô thường sẽ có ích lợi hơn.
Muốn tỉnh giác về vô thường thì cần phải có kỷ luật – phải rèn luyện tâm – nhưng kỷ luật ở đây không mang ý nghĩa của sự trừng phạt hay sự khống chế từ bên ngoài. Kỷ luật không có nghĩa là cấm đoán; hơn là như thế, kỷ luật ở đây có nghĩa là, khi có sự đối chọi giữa những quan tâm dài hạn với những quan tâm ngắn hạn thì bạn hy sinh cái ngắn hạn để đạt được lợi ích dài hạn. Đây chính là tự kỷ luật, đến từ việc tin tưởng chắc chắn vào luật nhân quả. Ví dụ như là, trong trường hợp của tôi để giúp cho bao tử của tôi trở lại bình thường sau cơn bệnh vừa qua, tôi tránh ăn các thức ăn chua và tránh uống nước lạnh cho dù bình thường thì các thức ăn và thức uống này có vẻ rất là ngon lành, quyến rũ. Loại kỷ luật như thế này mang ý nghĩa của sự bảo vệ. Cũng như thế, sự tư duy, quán chiếu về cái chết đòi hỏi sự tự kỷ luật và tự bảo vệ, chứ không đòi hỏi sự trừng phạt. Con người ta có rất nhiều tiềm năng để tạo ra những điều tốt lành nhưng muốn sử dụng được tất cả những điều ấy lại đòi hỏi phải có sự tự do, độc lập. Chế độ chuyên chính làm gãy đổ sự phát triển này. Để hỗ trợ cho việc phát triển này thì cần có chủ nghĩa cá nhân, có nghĩa là bạn không mong đợi cái gì đến từ bên ngoài hoặc là ngồi chờ mệnh lệnh; mà ngược lại, chính bạn phải tự khởi xướng. Do đó, đức Phật thường xuyên khuyến khích “giải thoát cá nhân,” nghĩa là tự giải thoát, chứ không phải giải thoát xuyên qua một hội đoàn. Mỗi một cá nhân bắt buộc phải tạo ra một tương lai tốt lành cho bản thân cá nhân ấy. Tự do và chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi sự tự kỷ luật. Nếu tự do và chủ nghĩa cá nhân bị lạm dụng cho những xúc cảm ô nhiễm thì sẽ đưa đến những hậu quả tiêu cực. Tự do và tự kỷ luật phải song hành làm việc với nhau.
Ghi thay lời tựa, trích đoạn từ: “Ánh Sáng Chân Tâm”.Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_ANH-SANG-CHAN-TAM-Loi_ktlpqql_xem-PDF_tuequang.html