PHẦN MỘT
CON ĐƯỜNG CỦA BỒ TÁT
Dù chúng ta da trắng, da vàng hay da đen, dù giai cấp xã hội hay tuổi tác nào, tất cả chúng ta - từ con người và thú vật xuống đến côn trùng nhỏ nhất - đều có cảm giác rằng chúng ta là một cái “tôi”. Dù cho chúng ta không hiểu bản tánh của cái “tôi” này là gì, chúng ta vẫn biết tất cả cái gì nó mong muốn: không có khổ đau và có được hạnh phúc. Chúng ta cảm thấy chúng ta có quyền được hạnh phúc và chúng ta làm theo chiều hướng đó. Những biểu lộ của khổ đau là vô số, thay đổi không cùng và chúng ta tìm cách bảo vệ mình khỏi tất cả chúng. Thú vật cũng làm như vậy và theo cách đó chúng giống chúng ta rất nhiều. Nhưng chúng không có sự lo xa và thiếu phương tiện giữ cho chúng khỏi bị tổn hại. Thế nên, trong khi nền tảng động cơ của mọi sinh vật là một - tránh khổ đau và được hạnh phúc - con người chúng ta có nhiều phương thức hơn để làm điều đó. Hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm có thể có nhiều hình thức khác nhau, nhưng căn bản nó là một.
Ý niệm của chúng ta về cái “tôi” trải rộng: chúng ta muốn có hạnh phúc cho gia đình chúng ta, gia đình “của tôi”, bè bạn “của tôi”, đất nước “của tôi”. Bấy giờ cái chúng ta gọi là hạnh phúc và khổ đau có một ý nghĩa sâu rộng hơn. Khi những nhu cầu trực tiếp nhất của chúng ta đã được thỏa mãn, quan niệm về hạnh phúc của chúng ta hơi thay đổi và phương tiện để có được nó cũng trở nên phức tạp hơn. Sự sáng tạo ra ngôn ngữ và văn học, giáo dục, những hệ thống xã hội khác nhau, mỹ thuật, trường học và bệnh viện, nhà máy, tiến bộ y khoa - mọi sự đều đến từ một mong muốn căn bản có được hạnh phúc và tránh thoát khổ đau. Tất cả đời sống trên trái đất đều tham gia vào cuộc tìm cầu này.
Những triết học khác nhau cố gắng trả lời và giải thích những câu hỏi mà hiện hữu đặt ra. Khảo sát bản chất của chúng ta và trật tự của thế giới, những triết học này hy vọng khám phá nguyên nhân thực sự của hạnh phúc và khổ đau và tìm ra một giải pháp. Một số triết học được hệ thống hóa trong xã hội và chính trị. Những tôn giáo cố gắng giải quyết vấn đề vĩnh cửu này bằng cách giải thích nguyên nhân của nó theo những quan điểm khác nhau của chúng. Chúng ta có thể phân biệt những quan điểm giáo điều, chúng tìm một câu trả lời trong những nguyên lý nguyên nhân và phổ quát, với những quan điểm không giáo điều tìm kiếm một cách giải quyết thực tiễn trong xã hội và những lãnh vực vật chất. Theo nghĩa này, Phật pháp là giáo điều.
Chúng ta có thể quan sát rằng khổ đau về thân thể thường đến từ tâm thức, hay rằng nếu hai người cùng chịu đựng một mức độ khổ đau vật lý như nhau, người mà tâm thức bình an và hạnh phúc thì ít đau đớn hơn người tâm thức xáo trộn và lo âu. Chúng ta cũng có thể thấy rằng ngay cả người rất may mắn có đủ tiện nghi vật chất lại chán nản, lo âu và không hạnh phúc... trong khi những người khác đời sống hàng ngày đầy kém may mắn nhưng lại có một tinh thần vui tươi và bình an nội tâm, cho ta một cảm tưởng thanh thản lớn lao. Một người đàn bà mà tâm thức trong sáng, rộng mở và quân bình sẽ có tâm thái an bình trước những khó khăn không thể tránh và thậm chí trước cả những đau đớn lớn lao, trong khi một người đàn ông cố chấp, xáo trộn và lo âu sẽ trở nên thất vọng bi quan và mất hết tiềm năng khi đối diện với sự khó khăn bất ngờ nhỏ nhất.
Tâm thức quan trọng hơn thân thể rất nhiều. Thế nên, bởi vì chính trạng thái của tâm thức chúng ta cho phép chúng ta chịu đựng được nhiều hay ít hay thậm chí kinh nghiệm khổ đau, như vậy chúng ta cần xem trọng nhiều hơn nữa cách thức suy nghĩ của chúng ta. Sự chuẩn bị của tâm thức chúng ta bởi thế cực kỳ quan trọng và thực hành Pháp là sự chuẩn bị tốt nhất. Chúng ta hãy tạm để qua một bên luật nghiệp báo và tái sanh mà chỉ xem xét những kết quả do sự thực hành Pháp mang lại cho chúng ta trong đời này. Chính tâm thức của chúng ta và đặc biệt tâm thức của những người khác sẽ thu hoạch kết quả. Với một tâm thức cao thượng trong sạch và rộng lượng, chúng ta sẽ phát tán niềm vui chung quanh chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy an bình lớn lao và có thể truyền thông nó cho những người khác.
Hãy nhìn vào thế giới này quanh chúng ta, cái thế giới mà chúng ta gọi là “văn minh” và đã hơn 2000 năm tìm kiếm hạnh phúc, trốn tránh khổ đau bằng những phương tiện giả dối sai lầm: lừa đảo, tham nhũng, thù ghét, lạm dụng quyền lực, và bóc lột người khác. Chúng ta đã chỉ tìm kiếm hạnh phúc cá nhân và vật chất, người này đối địch người kia, nòi giống này chống lại nòi giống khác, những hệ thống xã hội chống đối lẫn nhau. Điều này đưa đến một thời của sợ hãi, khổ đau, giết chóc và đói kém. Nếu ở Ấn độ, châu Phi và những nước khác sự khốn khó và đói kém ngự trị, đó không phải vì thiếu những tài nguyên thiên nhiên, cũng không phải vì thiếu những phương cách đem lại phúc lợi lâu dài. Đó chính vì mỗi người chỉ tìm lợi ích cho riêng mình, không ngần ngại áp bức những người khác vì những mục tiêu ích kỷ và kết quả là thế giới đáng thương buồn bã này. Gốc rễ của nền văn minh này bị hư thối, thế giới khổ đau, và nếu nó tiếp tục theo cách đó, nó sẽ còn khổ đau thêm nữa.
Một số người có một hành trang văn hóa và trí thức khá lớn và tự cho là cởi mở nghĩ rằng Pháp là không thực dụng hay nó chỉ tốt cho những người sống ở những vùng kém phát triển và hẻo lánh. Nhưng Pháp là gì? Rõ ràng nó không phải là mặc những y phục đặc biệt, những tu viện và dấn thân vào những lễ nghi phức tạp. Những cái đó có thể đi cùng với sự thực hành Pháp, nhưng bất luận thế nào, cũng chẳng phải là Pháp. Sự thực hành chân chánh của Pháp là ở bên trong; nó là một tâm thức an hòa, rỗng rang và rộng lượng, một tâm thức mà chúng ta biết làm thế nào để huấn luyện, hoàn toàn trong sự kiểm soát của chúng ta.
Dù chúng ta có tụng thuộc lòng Ba Tạng kinh điển nhưng vẫn ích kỷ và làm hại những người khác, chúng ta không phải đang thực hành Pháp.
Sự thực hành Pháp là cái cho phép chúng ta chân thực, thành tín, lương thiện và khiêm tốn - giúp đỡ và kính trọng người khác và hy sinh cho họ. Cố gắng tích tập tài sản hay tạo lập một vị trí xã hội tốt hơn sẽ không đem lại cho bạn niềm tin và bình an. Một số người cúi rất thấp trước những người quyền thế của thế giới này, tâng bốc họ hết mức nhưng chỉ trích và coi thường họ sau lưng. Những người khơi dậy khao khát thường không có tâm thức bình an và lo âu, quẩn trí với ý nghĩ sợ mất cái mà họ có thể chiếm được. Khi chúng ta chết, chúng ta sẽ bỏ lại mọi thứ, thậm chí cơ sở vật chất vững chắc nhất đòi hỏi chúng ta bao lo nhọc để hoàn thành. Chúng ta cũng sẽ để lại cha mẹ, bạn bè. Nếu cuộc đời chúng ta không lương thiện chúng ta sẽ cảm thấy nhiều hối hận, nhưng bất luận thế nào chúng ta cũng sẽ không thể hưởng lợi từ sự không lương thiện của chúng ta. Chúng ta phải bỏ thân thể của chúng ta. Thân thể tôi cũng thế, cái thân thể tên là Tezin Gyatso này, tôi phải bỏ nó và cái y phục tu sĩ mà tôi chưa từng rời dù chỉ một đêm. Chúng ta sẽ bỏ lại mọi sự như thế, và nếu của cải của chúng ta chỉ là vật chất và ích kỷ, những phút cuối cùng của chúng ta sẽ rối bời bởi lo âu và phiền muộn.
Huấn luyện tâm thức, từ bỏ sự thái quá, và sống hòa hợp với những người khác và với chính chúng ta sẽ bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc, dầu cuộc sống hàng ngày của chúng ta là bình thường. Và nếu chúng ta gặp lại ai đó thù nghịch với chúng ta, những người khác sẽ giúp đỡ chúng ta bởi vì chúng ta đã sống đẹp đẽ và tốt lòng. Chúng ta phải không bao giờ quên rằng dù một người hư hỏng và độc ác đến mấy, trong người ấy khi nào cũng hiện hữu một hạt nhỏ từ bi, và một ngày nào hạt giống đó sẽ làm người ấy thành Phật.
Bây giờ chúng ta cũng phải nghĩ đến đời tới của chúng ta. Luật nghiệp báo không dễ hiểu, cũng như sự tái sanh. Nhưng nếu chúng ta khảo sát cẩn thận những sự kiện của cuộc sống, với một tâm trí thành thật và không phiến diện, chúng ta sẽ hiểu chúng. Và chúng ta cũng sẽ quy chiếu trở lại với những lời dạy của Phật xác nhận sự tái sanh.
Mọi sự xảy ra cá nhân hay tập thể bởi vì luật nghiệp quả. Con đường tốt đẹp chúng ta đã theo sẽ kết thành quả trong đời kế tiếp, cố gắng chúng ta đã làm sẽ cho chúng ta đạt được một tâm thức cao cả và trong sạch. Việc các bạn đến đây chứng minh cho những lời nói của tôi, bởi vì các bạn đến để nhận những chỉ bày liên quan đến Pháp, điều đó chứng tỏ rằng Pháp có ý nghĩa đối với các bạn. Pháp tương đương với lòng tốt, nếu có ai từ chối Pháp, đó bởi vì người đó không hiểu điều này. Pháp là khả tính độc nhất để có được hạnh phúc.
Mỗi tôn giáo có một Pháp của mình; trong đó Phật pháp được đức Phật dạy. Một ngàn vị Phật sẽ xuất hiện trong kiếp này; Phật Gautama (Cồ Đàm) là vị thứ tư. Ngài sống trong xứ sở nơi hiện giờ chúng ta đang ở và đúng vào chỗ này ngài đã giác ngộ. Sau khi giác ngộ ngài chuyển Pháp Luân lần thứ nhất tại Sarnath, và rồi thêm vài lần nữa trước khi vào đại bát niết bàn (pari nirvana). Ngài dạy cho cả người thường mà sự hiểu biết bị giới hạn cũng như những đệ tử tâm thức mở rộng hơn. Ngài dạy cho những nhóm công khai cũng như những chúng hội bí mật. Ngài dạy cho những thế giới khác. Ngài dạy chư thiên. Những lời dạy của ngài xếp theo những cấp độ khác nhau và ý nghĩa của chúng từ rất dễ hiểu đến những cái rất sâu xa và khó hiểu.
Những lời dạy gồm cả Tiểu thừa và Đại thừa; Đại thừa thì lớn hơn trong động cơ, trong thực hành và trong mục tiêu của nó. Động cơ của nó là hạnh phúc cho tất cả chúng sanh thay vì chỉ phúc lợi cho riêng mình. Sự thực hành sáu hay mười ba la mật đi cùng với Đại thừa. Và mục tiêu của lời dạy này bao hàm không chỉ sự giải thoát khỏi sanh tử mà còn sự chứng đắc ba thân: Hóa thân, Báo thân và Pháp thân. Pháp Đại thừa gồm hai con đường Ba la mật đa thừa và Kim cương thừa. Cái sau có những phẩm tính khác làm cho nó cao hơn chỉ sự thực hành những ba la mật, mà sự hợp nhất của cả hai thì rất quan trọng.
Chúng ta may mắn bởi vì Phật giáo trực tiếp đến Tây Tạng từ Ấn Độ, thế nên chúng ta có một Pháp chính thống và trọn vẹn. Theo sự tiên tri của đức Phật, Pháp phải đi từ Nam đến Bắc: Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa và Nhật Bản. Có vẻ đường đi đã hoàn tất, tôi không biết liệu còn có phương Bắc nào khác nữa chăng! Qua suốt lịch sử của nó. Phật pháp thịnh vượng trong một số thời kỳ, và hầu như biến mất trong những thời kỳ khác.
Trong đời đức Phật Gautama, Tiểu thừa nở rộ vì nó dễ hiểu và có thể dạy cho nhiều người nghe, Đại thừa đòi hỏi một tâm thức chuẩn bị tốt hơn, ít phổ thông và chỉ được dạy cho những đệ tử tiến bộ hơn. Đấy là tại sao nó bị chỉ trích và sự hiện hữu của nó trong thuở sơ thời Phật giáo bị nghi ngờ và hiện còn như thế bởi một số người. Tuy nhiên Đại thừa quả thực hiện hữu từ thuở ban đầu trong lần chuyển pháp luân thứ nhất của Phật Gautama. Sau khi nhập đại bát niết bàn, nó có vẻ đã biến mất vài thế kỷ. Đại thừa có một sự khởi dậy lại vào thời Nagarjuna.
Nagarjuna là người phục hồi Đại thừa. Sự ra đời của ngài đã được đức Phật nói trước trong vài kinh, đặc biệt là
Manjushri Mulatantra. Nagarjuna sống vào khoảng 400 năm sau đức Phật. Từ thời đó về sau, Đại thừa được xem như một sự mở rộng vĩ đại, một sự làm mới lại, vài thế kỷ sau khi nó chìm lắng. Sau cùng, Phật giáo hầu như biến mất khỏi Ấn Độ. Từ khi đến Tây Tạng và cho tới gần đây, Phật giáo luôn luôn có mặt ở đó. Nó bị lu mờ gần tám mươi năm trong triều Lang-dar-ma, nhưng dù thời đó, nó cũng sống ở những phần phía đông và phía tây của Tây Tạng, về sau, cũng có những thời kỳ suy thoái, nhưng chúng ta có thể nói rằng trong một ngàn năm, truyền thống thuần khiết của Pháp, nó là sự hợp nhất của Ba la mật đa thừa và Mật thừa (Tantra- yana hay Kim cương thừa), vẫn liên tục ở Tây Tạng.
Chúng ta có nhiều trường phái khác nhau, trong một số trường hợp được đặt tên theo thời kỳ chúng được thành lập, hay theo một địa danh đặc biệt, hay theo vị sáng lập hay theo giáo lý. Chẳng hạn, phái Nyingma được đặt tên theo “thời kỳ nó được thành lập”; Sakya và Kagyu là những phái “theo một địa danh đặc biệt”. Tất cả mọi phái này theo cùng truyền thống, là sự hợp nhất của những ba la mật và những tantra, có những khác biệt nhỏ trong cách giải thích về phương pháp này và trong sự áp dụng một vài thực hành, nhưng tinh túy là như nhau. Sự thực hành, phương pháp của Đại thừa Tây Tạng, và giáo lý của nó thống nhất những kinh và tantra nhắm đến trau dồi Bồ đề tâm. Nguyện vọng của Bồ đề tâm là nền tảng của Ba la mật đa thừa và mục tiêu tối hậu của nó là chứng ngộ tánh Không. Để thực hành Mật thừa, tuyệt đối cần thiết phải có nguyện vọng của Bồ đề tâm.
Bồ đề tâm là động cơ cần thiết cho một sự chuyển hóa thành công tâm thức. Con đường bắt đầu với sự từ bỏ trạng thái sanh tử, tiếp tục qua sự khai triển một tinh thần từ bi, giai đoạn gọi là “Bồ đề tâm tương đối”; và rồi đến sự chứng ngộ bản tánh tối hậu của thực tại: tánh Không, hay ít nhất một hiểu biết ý niệm về tánh Không. Không phải trước điểm này mà chúng ta có thể tiếp cận với mật thừa, nó gồm hai giai đoạn: phát sanh và rồi thành tựu, cho chúng ta quả chân thật. Quả không thể chín trừ khi qua tiến trình này. Không có ba nền tảng này (từ bỏ, Bồ đề tâm, tánh Không), những thiền định về những bổn tôn (những thực thể của con đường) và những thực tập về nadi (kinh mạch) sẽ không chỉ vô ích mà còn làm hại, dù cho về mặt kỹ thuật chúng ta biết thực hành chúng như thế nào.
Sự chuẩn bị cho sự khai triển của chúng ta nhờ mật thừa bởi thế rất quan trọng. Không chỉ cần hiểu ý nghĩa của từ bỏ, Bồ đề tâm và sự chứng ngộ tánh Không, mà còn phải thiền định về chúng lâu dài, để trở thành “mang thai” chúng và hòa nhập chúng vào tâm thức chúng ta. Chỉ sau khi làm điều đó con đường kim cương thừa mới có thể lợi lạc. Cái thiết yếu nhất trong những thể nghiệm sơ bộ này là bồ đề tâm, bởi thế tại sao hôm nay tôi xin tặng các bạn lời dạy của Guru Thogs-med bsang-po.
Thogs-med bsang-po là một lama rất vĩ đại, khiêm tốn và nhẫn nhục, tràn đầy từ bi cho tất cả chúng sanh. Ngài có một con chó sói đi theo ngài, một con chó thuần thành đã biến đổi bản chất - một con chó sói trở thành ăn chay! Khi đạo sư này giảng dạy về bồ đề tâm, sự khổ đau của những chúng sanh hiện thực trong tâm trí ngài đến độ nước mắt chảy ra nơi mắt ngài. Ngài học ở Tu viện Sakya và cuối đời ngài từ bỏ thế gian, rút vào cô tịch để khai triển bồ đề tâm trọn vẹn hơn nữa.
Lời dạy của vị lama vĩ đại này được ban cho tôi bởi Lama Khunu (Tenzin Gyaltsen - người viết cuốn
Bao la như trời cao, sâu thẳm như biển cả), ngài đã nhận nó từ vị trụ trì của Tu viện Dzogchen.
Mở đầu của “Ba Mươi Bảy Thực Hành của những Con Trai và Con Gái của Phật” là một tôn kính đến đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) dưới tên là Lokeshvara. Ngài là đối tượng của sự tôn kính này bởi vì những câu kệ nói về những thực hành của Bồ tát được đặt nền trên đại bi, và Quán Thế Âm là nguồn của lòng đại bi này.
Hãy nhớ rằng ba cửa thân, ngữ, tâm của Phật là Manjushri (Văn Thù, trí huệ), Vajrapani (Kim Cương Thủ, khả năng), và Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), bậc đại diện lòng bi của tất cả chư Phật.
Sự tôn kính này cũng gửi đến đạo sư, bởi vì như Atisha đã dạy, mọi phẩm tính, lớn và nhỏ, đều do đạo sư. Nói riêng, phẩm tính Đại thừa đến từ đạo sư; chỉ qua ngài mà chúng ta có thể tìm thấy phương pháp thích hợp cho sự phát triển tâm linh và vì thế chúng ta quy y đạo sư.
Đây là bản văn:
Kính lễ Lokeshvara. Trước những bậc đã thấy rằng mọi hiện tượng là không có đến đi và hồi hướng tất cả nỗ lực cho lợi lạc của tất cả chúng sanh; trước những đạo sư tối thượng; và trước ngài, Lokeshvara bậc Bảo Vệ, con tôn kính đảnh lễ bằng ba cửa thân, ngữ tâm của con. Chư Phật Chiến Thắng, nguồn của mọi hạnh phúc và thiện ý, đã đạt chứng ngộ do thực hành Pháp, bản thân sự chứng ngộ này tùy thuộc sự thấu hiểu Pháp. Bởi thế con sẽ giải thích những thực hành của bồ tát. Đạo sư và Quán Thế Âm mà sự tôn kính này hướng đến không phải là những chúng sanh bình thường. Các ngài tạo thành một “đối tượng của sự quy y” tập trung tất cả mọi loại chứng ngộ.
Từ bỏ không chỉ dành cho những người có những xúc tình đam mê và mê lầm, mà cũng dành cho những người mà tâm thức vẫn còn chứa đựng dù dấu vết nhỏ nhất của ảo tưởng. Ngay những bậc A la hán vĩ đại cũng không thể thấy đồng thời hai chân lý - tương đối và tuyệt đối. Thiền định sâu vào tánh Không, các vị không thể thấy những hiện tượng một cách rõ ràng; hay các vị tri giác hiện tượng nhưng không “thấy” tánh Không dù có lúc các vị thấu hiểu nó trong thiền định. Chỉ có người đã đến Phật quả mới có thể thấy cả hai đồng thời. Để làm thế, người ấy phải hoàn toàn đoạn trừ mọi dấu vết ảo tưởng. Người ấy biết rằng không làm gì có sự đến hay đi; rằng tánh Không tối hậu là thường hằng hiện tiền.
Những phẩm tính của Quán Thế Âm cho phép ngài cứu giúp tất cả chúng sanh, theo khả năng riêng của họ và theo trạng thái thức tỉnh riêng của họ, để thực hành thiền định này về sự hợp nhất của sự chứng ngộ tánh Không và tri giác về mọi hiện tượng. Đây là lý do không chỉ hôm nay mà luôn luôn, trọn vẹn, qua ba cửa thân ngữ tâm của tôi, tôi quy y Quán Thế Âm và kính lễ ngài.
Ghi thay lời giới thiệu, Trích "Những giáo lý thiết yếu của Đại Thừa", Đạt Lai Lạt Ma Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_NHUNG-GIAO-LY-THIET_dlqstqt_xem-PDF_tuequang.html