Giáo Lý Khẩu Truyền Về Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm
Các đoạn kệ do Geshe Langri Tangpa soạn
Khenpo Sodargye Rinpoche bình giảng
(Phần 2) Đoạn kệ 5: Nhận về mình tổn thất và thất bại
Khi người khác, vì đố kỵ, Đối xử tệ bạc với con hay những người liên quan đến con Bằng sự lạm dụng hay nói xấu, Nguyện con nhận về mình thất bại, Và trao cho họ chiến thắng. [Đoạn kệ này nghĩa là:] Bất cứ khi nào người khác, vì đố kỵ hay các cảm xúc phiền não khác, đối xử tệ bạc với con bằng sự lạm dụng hay vu khống, hay thậm chí họ đối xử tệ với bậc thầy của con, họ hàng hay bạn bè của con, nguyện cầu con nhận về mình khổ đau, tổn thất và thất bại và trao cho họ hạnh phúc, những lợi lạc và chiến thắng.
Để đạt được hai câu cuối cùng của đoạn kệ này, Geshe Chekawa đã đi theo Lama Sharawa trong sáu năm trước khi nhận được sự trao truyền. Ngài thực hành những chỉ dẫn này suốt đời và cuối cùng, hoàn toàn loại bỏ sự bám víu vào “tôi” và “của tôi”. Mỗi người các bạn đang có mặt ở đây hôm nay, đặc biệt là những đệ tử cư sĩ vừa đến Học viện, đã thọ nhận toàn bộ trao truyền về
Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm, ngay khi bước vào Học viện và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ thực sự trưởng dưỡng nó!
Đoạn kệ này có vẻ khá dễ hiểu về mặt nghĩa đen; tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của nó rất sâu xa, bao la và ẩn mật. Nếu hành giả có thể tiếp tục thực hành nó một cách chí thành và tinh tấn, họ chắc chắn sẽ tiêu trừ mọi bám víu vào ngã và đạt được địa vị tâm linh cực kỳ cao trên con đường.
Đoạn kệ này chỉ ra rằng, người khác, vì những động cơ không thanh tịnh như đố kỵ, tham, sân, si hay cẩu thả, có thể chửi rủa và nói xấu chúng ta hay những người liên quan đến chúng ta, theo những cách thức bất công. Ở đây, “những người liên quan đến con” bao gồm Kim Cương Thượng Sư, các huynh đệ kim cương, cha mẹ, họ hàng và bạn bè. Thực sự, có hai kiểu tấn công cá nhân. Một là “sự tấn công cá nhân có căn cứ” và điều kia là “sự tấn công cá nhân không căn cứ hay bất công”. Ví dụ, nếu tôi đã giữ gìn các giới nguyện thanh tịnh và trong sạch, nhưng người khác bảo rằng tôi không; hoặc tôi không lấy trộm thứ gì, nhưng ai đó buộc tội tôi ăn trộm; hay tôi không phải là ngoại đạo, nhưng ai đó cứ nói vậy … tất cả những điều này thuộc về kiểu “sự tấn công cá nhân không căn cứ hay bất công”, nghĩa là sự tấn công dựa trên thứ gì đó không tuân theo sự thực. Và “sự tấn công cá nhân có căn cứ” nghĩa là điều vừa được nói ra đúng với sự thực, mặc dù bản chất của sự tấn công bằng lời, tự nó, là một ác hạnh.
Thông thường, với mọi người, “sự tấn công cá nhân có căn cứ” là điều gì đó có thể chịu đựng ở một mức độ, nhưng “sự tấn công cá nhân không căn cứ hay bất công” là sự giày vò quá mức chịu đựng. Trong thời Cách mạng Văn hóa, tôi vẫn là một đứa bé. Khi ấy, nhiều người được gán cái được gọi là “mũ” của “Bốn Kiểu Người”. (Thuật ngữ “đội mũ” giống như phương pháp gọi tên, điều liên kết một người với một biểu tượng tiêu cực). Một lần, tôi nghe nói rằng một người họ hàng của tôi đã đội ba mũ, và tôi rất muốn xem ông ấy đội kiểu mũ nào. Vì thế, tôi đến một trong những “buổi đấu tố” và mặc dù tôi thấy ông ấy đang đứng cùng hàng với nhiều người khác trên sân khấu, tôi chẳng thấy ông ấy đội chiếc mũ nào cả! … Đây là ví dụ về “sự tấn công không căn cứ hay bất công”, phải không nào?
Người bình thường thường xem người nói xấu họ là kẻ thù lớn nhất; tuy nhiên, với chúng ta, hành giả Đại thừa, nói xấu và chửi rủa giống như ngọc báu như ý, một kho tàng quý giá ban tặng công đức và cơ hội nhanh chóng đạt Phật quả. Geshe Potowa thường nói: “Khi người khác nói xấu con, đó là lòng từ lớn nhất với con”. Chúng ta cần xem xét dòng tâm thức để xem liệu nó có thể khởi lên niềm tin như vậy không. Trên con đường tâm linh để đạt Phật quả, hành giả của Đại thừa thậm chí có thể trao tặng vợ và con, thân thể, cho mọi hữu tình chúng sinh; vì thế việc bị nói xấu và chửi mắng cũng không phải vấn đề lớn, phải không?
Trong quá khứ, có một người đàn ông tốt tính bị cầm tù trong sáu năm bởi sự đố kỵ của người khác, nhưng ông ấy nói rằng, “Đó là nghiệp của tôi”, và đối mặt với hoàn cảnh này bằng sự an bình. Một ví dụ khác mà chúng ta đều quen thuộc là Jetsun Milarepa. Trong những năm cuối đời, khi một vị Geshe cúng dường sữa chua tẩm độc vì đố kỵ, Đức Jetsun Milarepa, người xem mọi thứ là giấc mộng và hư huyễn, an nhiên dùng sữa chua. Đây là những phẩm tính quý báu mà một hành giả Đại thừa cần có, và một sự minh chứng sống động về cách thức những cảm xúc phiền não có thể được đem vào con đường.
Thật đáng tiếc khi phần lớn hành giả ngay nay có sự bám víu vào cái tôi quá mạnh mẽ và gần như đến mức mà họ sẽ không nhường dù chỉ một in-sơ cho người khác. Chẳng phải điều này hoàn toàn đối nghịch với thực hành Pháp chân chính? Hơn thế, mặc dù vài người đã dành nhiều năm tháng hành trì, họ vẫn nổi cơn thịnh nộ bất cứ khi nào gặp phải nghịch cảnh dù nhỏ bé. Nếu họ tiếp tục với kiểu hành vi này, nó sẽ chẳng mang lại nhiều lợi lạc, thậm chí họ thiền định trong hang động trên núi cả đời. Sakya Pandita, trong
Kho Tàng Khai Thị Tốt Lành, nói rằng:
“Dù ở trong rừng, người ác độc hư hỏng, Dù ở thành thị, người cao quý vẫn an bình; Người ta thấy rằng động vật trong rừng hoang dã và ác độc, nhưng những chú ngựa tốt nhất vẫn rất kỷ luật ở trong thị trấn”. Là môn đồ của Đức Phật, chúng ta cần có tính cách tao nhã và chỉ khi chúng ta có nền tảng này cho sự hành trì, chúng ta mới có thể đạt được vài thành tựu.
Người Tạng có một thành ngữ nhắc đến sự thật rằng trong thời kỳ an bình, khi chúng ta có thể tận hưởng ánh mặt trời với cái bụng no, và mọi thứ vẫn suôn sẻ, tất cả dường như đều là hành giả tốt, chẳng có phiền não tinh thần, nhưng ngay khi khó khăn khởi lên, khi thức ăn và quần áo hiếm hoi hay khi có sấm sét và mưa lớn, thực hành đã kết thúc. Đây là bức tranh mà chúng ta thường thấy giữa các hành giả. Để vượt qua kiểu khó khăn này, chúng ta cần vun bồi và duy trì quan kiến thanh tịnh trong tâm, nhìn mọi hiện tượng là giấc mơ và ảo ảnh, và thấy mọi hữu tình chúng sinh đều có Phật tính. “Bây giờ, bởi ác nghiệp nặng nề, họ cố gắng làm hại con, nhưng thực sự, họ chẳng có lựa chọn nào khác, giống như bệnh nhân bị ốm dù cho họ chẳng muốn. Bởi vậy, con phải đối xử với họ bằng lòng đại bi”. Khi chúng ta mở rộng tâm thức theo cách này, chúng ta khá dễ dàng để khoan dung với những nguy hại từ người khác. Khi đạt được giai đoạn này, chúng ta cần quán chiếu rằng mọi hiện tượng hiển bày có thể biến thành con đường. Sự hiểu này sẽ làm tăng công đức của chúng ta trong hành trì và chứng ngộ tâm linh, và như thế, chúng ta sẽ phát khởi tâm biết ơn với tất cả hữu tình chúng sinh.
Người ta thường nói rằng: “Nhận tổn thất nhỏ vì lợi ích lớn” và “Thất bại là mẹ thành công”. Từ quan điểm của người bình thường, chúng ta có thể học được nhiều điều từ thất bại và tổn thất, để chúng ta có thể có được lợi ích và thành công lớn hơn trong tương lai. Từ quan điểm Phật Pháp, để đạt Phật quả, chúng ta cần cung cấp mọi sự an bình và hạnh phúc cho người khác để đạt giác ngộ rốt ráo. Trong
Đạo Ca Chiến Thắng: Diệu Âm Của Trống Thiêng, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nói rằng: “Với người mong muốn làm lợi lạc bản thân trong dài hạn, chỉ dẫn then chốt là làm lợi lạc tha nhân trong ngắn hạn”. Vì thế, không chút do dự, chúng ta cần nhận về mình mọi lỗi lầm, tổn thất và khổ đau của người khác và hồi hướng mọi công đức, chiến thắng, an bình và hạnh phúc cho họ.
Chỉ dẫn cốt tủy này rất sâu xa. Tôi mong rằng tôi có thể nói nhiều hơn, nhưng tôi lấy làm tiếc phải nói với các bạn rằng, cá nhân tôi chưa thực hành nó thật tốt và chỉ hiểu đôi chút và có ít kinh nghiệm liên quan. Có lẽ, dựa vào chút ít kinh nghiệm này, tôi có thể chia sẻ đôi điều về chủ đề này với các bạn. Ví dụ, trong đời sống hàng ngày, nếu chúng ta thường nhận ra lỗi lầm của người khác, theo thời gian, chúng ta có thể kết thúc khi cảm thấy rằng không ai trên đời thực sự có lòng tốt. Mặt khác, nếu chúng ta nhấn mạnh vào việc nhìn người khác từ quan điểm tích cực, và liên tục quán chiếu về lòng tốt của họ với chúng ta, chúng ta sẽ dần dần trở nên quen với thói quen tốt đẹp này và lòng biết ơn với người khác sẽ sinh khởi trong chúng ta. Bởi chúng ta đã thọ nhận chỉ dẫn này, chúng ta cần kết hợp nó với sự hành trì. Ở Tu viện Dhomang thuộc hạt Luhou, có một Khenpo tên Lekshey. Trong mắt Ngài, mọi người đều tốt. Ngài không bao giờ nhìn vào lỗi lầm của người khác. Mặc dù Ngài nhận ra rằng các lỗi lầm tồn tại, Ngài nói: “Sẽ là không tốt nếu nói về lỗi của người khác. Có thể đây là những phương tiện thiện xảo được chư Phật và Bồ Tát sử dụng để giúp đỡ hữu tình chúng sinh và có những ý định cực kỳ bí mật”. Bởi thế, Ngài không bao giờ tranh cãi với người khác.
Như thành ngữ thường nói: “Con người luôn hướng lên cao, nước luôn chảy xuống dưới”. Nơi cao hơn, trên con đường tâm linh của thực hành Pháp, là hành động được nhắc đến trước đây của chư đạo sư tâm linh vĩ đại, người nhận về mình mọi khổ đau, tổn thất và thất bại của mọi hệ thống thế gian và cõi giới và trao cho người khác mọi an bình và hạnh phúc, lợi lạc và chiến thắng. Chúng ta không nên giống như một vị Bồ Tát lúc bắt đầu, như một người thường lúc ở giữa và ma quỷ lúc cuối (bị chôn vùi trong sự ám ảnh với ngã liên tục phát triển và rơi vào các cõi khổ).
Từ ngữ trong chỉ dẫn cốt tủy này đơn giản nhưng ý nghĩa thì sâu xa. Tôi đã thêm vài bằng chứng và ví dụ từ bản văn để các bạn có thể hiểu tốt hơn. Thực sự, chỉ những vị Bồ Tát an trú trong địa đầu tiên hay địa thứ tám hoặc cao hơn mới có thể hoàn toàn hoàn thiện thực hành về
Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiến hành các thực hành tương tự. Với chỉ dẫn cốt tủy này cùng ân phước gia trì của bậc thầy, hãy nỗ lực với nó trong dòng tâm thức càng nhiều càng tốt và dần dần, bạn sẽ đạt đến một trạng thái như vậy trong thực hành tâm linh.
Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm có thể đem lại lợi lạc lớn lao với sự hành trì của cả giáo lý Kinh thừa và Mật thừa. Tôi đã nói về bản văn này hôm nay theo lời thỉnh cầu của vài đệ tử và tôi rất biết ơn họ. Tôi tin tưởng rằng bản văn này sẽ hữu ích với đa số chúng ta ở đây, cả trong thực hành tương lai cũng như là một cách để giúp chúng ta hành xử đúng đắn. Nếu thực hành tâm linh của chúng ta không thích hợp với cách mà chúng ta hành xử như là con người, dù cho chúng ta có vẻ trông giống “những hành giả xuất sắc”, người nhập thất nhiều năm trên núi, chúng ta vẫn thấy mình không giỏi trong việc hòa hợp với người khác khi chúng ta rời khỏi nơi ẩn cư. Chúng ta thậm chí có thể thấy thực hành của mình vô dụng vào những thời điểm quan trọng, chẳng hạn khi chúng ta gặp những khó khăn, chúng ta không thể vượt qua chúng. Nếu vậy, một mặt, nó có thể phá hủy niềm tin hay sự tin tưởng của người khác với Phật Pháp, và mặt khác, chúng ta có thể nản lòng trước những thất bại không ngừng trong sự hành trì tâm linh và đánh mất sự hăng hái trên đường tu. Tôi không thể nói rằng không có Bồ Tát trong số những vị có mặt ở đây, nhưng bên ngoài, tất cả các bạn đều cho thấy bản thân là con người. Khi ở đây tại Học viện, phần lớn các bạn có niềm tin với Tam Bảo và luật nhân quả, và vì thế, tốt hơn nhiều người bình thường. Khi trở về thành phố lớn, những người xung quanh bạn, đa số, sẽ là những người chẳng biết gì về nhân quả, về điều đúng và điều sai liên quan đến nghiệp, và không có niềm tin với Tam Bảo. Trong những nghịch cảnh như vậy, hãy cố gắng giữ trong tâm chỉ dẫn cốt tủy được trao truyền ở đây và bất cứ khi nào những phiền não tinh thần của bạn khởi lên, hãy lập tức điều phục chúng bằng các chỉ dẫn cốt tủy này, giống như chiến binh trên chiến trường, người nhanh chóng rút vũ khí khi gặp kẻ thù và đánh bại không chậm trễ.
Trong quá khứ, chư đạo sư Kadampa vô cùng trân trọng hai dòng cuối của đoạn kệ này. Nếu chúng ta sao chép chúng trên một mảnh giấy và dán chúng ở nơi nào đó dễ nhận ra trong nhà, để nhắc nhở bản thân không ngừng, tôi tin rằng điều đó sẽ hữu ích với sự hành trì. Khi tôi đang học tại Đại Học Sư Phạm, tôi thường thích dán những câu châm ngôn và cách ngôn mà tôi thích lên tường trong phòng ngủ và thường đọc chúng trước khi tôi ra ngoài đi ăn. Tôi thấy nó hữu ích trong việc cải thiện kỷ luật và tính cách của mình. Ví dụ, chúng ta có thể không nhận ra lỗi lầm trong tính cách cho tới khi đọc những thành ngữ tao nhã này, lặp đi lặp lại:
“Không hài lòng với lời tán dương, Không bất mãn bởi sự chỉ trích, Và duy trì phẩm tính tốt đẹp, Đây là tính cách của những vị cao quý”. (trích từ
Kho Tàng Khai Thị Tốt Lành của Sakya Pandita)
Nếu chúng ta chỉ biết một vài chỉ dẫn và chỉ tiến hành vài pháp tu theo cách thức giả tạo, hay thậm chí, nếu chúng ta không chú ý đến các chỉ dẫn và chỉ tụng đọc các tâm chú, nghiên cứu về Bindu mỗi ngày và nhận điệp quy y sau đấy nghĩ bản thân là Phật tử, thì hành vi như vậy không đem lại lợi lạc thực sự cho dòng tâm thức của chúng ta. Từ tiểu sử của chư đạo sư Kadampa, chúng ta có thể thấy tâm thức của chư vị thiện lành thế nào và hành vi của chư vị thanh tịnh ra sao. Chúng ta thì sao? Tôi mong rằng các bạn có thể đọc thêm tiểu sử của chư vị để niềm tin với thực hành Pháp sẽ tăng trưởng và các bạn sẽ tràn ngập sự tinh tấn và bền bỉ nhiệt thành, để các bạn nỗ lực tiến vào con đường luyện tâm.
Những hành giả tốt lành có thể làm lợi lạc cả xã hội. Vì thế, nếu sự giáo dục Phật giáo bước vào trái tim mỗi người, xã hội, đạo đức, hiện trạng của cả đất nước sẽ được tăng cường. Hiện tại, nhiều Phật tử không có những năng lực như vậy, nhưng trong tương lai, khi các bạn đã phát triển được những khả năng như vậy, tôi hy vọng các bạn sẽ có thể thay đổi những tiêu chuẩn về đạo đức và hành vi con người của cả xã hội trở thành kiểu Giáo Pháp, để mọi người từ bỏ việc tích lũy ác nghiệp càng nhiều càng tốt, giúp họ tham gia vào thiện hạnh thường xuyên và khiến họ hiểu điều cần làm hay điều cần tránh, theo đúng luật nhân quả.
Đoạn kệ 6: Xem những ai hại con là chư đạo sư tâm linh
Khi ai đó mà con đã giúp đỡ, Hoặc người mà con đặt nhiều hy vọng, Làm hại con theo những cách cực kỳ bất công, Nguyện con xem anh ta Là vị thầy tâm linh chân chính của mình. [Đoạn kệ này nghĩa là:] Khi ai đó mà con làm lợi lạc hay giúp đỡ, hoặc người mà con dành mối bận tâm và hy vọng lớn lao, đối xử tệ bạc với con theo những cách rất bất công, con sẽ thành tâm xem người đó là vị thầy tâm linh chân chính của mình, không chút hận thù.
Mỗi người chúng ta có thể rơi vào hoàn cảnh như sau: Khi ai đó, người đó mà chúng ta giúp đỡ bằng sức mạnh hay tiền bạc, hoặc trợ giúp việc học tập và thực hành Phật Pháp và người mà chúng ta dành những hy vọng lớn lao, không đáp lại chúng ta bằng sự biết ơn mà lại làm hại chúng ta theo những cách bất công. Mipham Rinpoche từng nói trong Tiểu Sử Vĩ Đại Của Phật Thích Ca Mâu Ni như sau: “Khi thực hành nhẫn nhục ba la mật trong giai đoạn nguyên nhân, Đức Phật đã cứu một người mà mạng sống đang gặp nguy hiểm, nhưng người đó không đáp lại bằng sự biết ơn, mà thay vào đó, làm hại Ngài một cách khủng khiếp”. Những trường hợp tương tự cũng xuất hiện trong xã hội hiện nay. Chúng ta cần có thái độ nào với những người như vậy? Chúng ta cần xem họ là những vị thầy tâm linh chân chính, không khác với Kim Cương Thượng Sư của chúng ta. Đó là thực hành Pháp chân chính!
Với đa số mọi người, đây là điều rất khó để làm được. Tuy thế, chúng ta vẫn cần quán chiếu và thiền định về nhẫn nhục và đưa nó vào thực hành càng nhiều càng tốt; nếu chúng ta làm khởi lên sân hận trong những hoàn cảnh như thế, tất cả sự hành trì của chúng ta chẳng gì khác hơn sự giả mạo!
Xem những người làm hại chúng ta là không khác với vị thầy của bản thân cũng là điều gì đó rất khó làm. Nhiều năm trước, tôi đã mang về một bức tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi từ Ấn Độ, nhưng không may là, bức tượng bị lấy mất bởi một người biết tôi rất rõ. Từ thuở thơ ấu, tôi luôn có niềm tin lớn lao với Bồ Tát Văn Thù. Hơn thế, thủ tục hải quan để đưa bức tượng về cũng gây nhiều rắc rối. Vì thế, tôi quyết định sẽ thờ bức tượng linh thiêng này như là ruộng phước điền của mình, với sự quan tâm lớn lao, tôi dâng lên những cúng phẩm. Bức tượng ấy có ân phước gia trì thù thắng và tôi sẽ chẳng bán nó dù cho ai đó trao cho tôi hàng triệu nhân dân tệ – tôi khá bám víu với Bồ Tát Văn Thù! Sau đấy, khi những người quản lý nghe nói rằng nó đã bị lấy mất, họ hỏi xem liệu tôi có muốn điều tra tên trộm hay tôi có cần trợ giúp từ cảnh sát. Tôi biết ai đã lấy nó, vì thế, nếu tôi tìm kiếm sự giúp đỡ từ cảnh sát, sẽ không khó để lấy lại bức tượng. Tuy nhiên, khi ấy, tôi nghĩ: “Nếu chúng ta điều tra, mọi người sẽ biết ai là người lấy bức tượng. Tượng Phật là để làm lợi lạc chúng sinh, nhưng nếu điều này làm khởi lên những phiền não cho tên trộm, tôi sẽ trao bức tượng như là một món quà, dù cho tôi là người duy nhất biết về nó. Cuối cùng, đây giống như cơ hội tốt nhất để tôi thực hành nhẫn nhục”. Vì thế, tôi từ chối lời đề nghị từ ái của những vị quản lý và mọi việc được dàn xếp ổn thỏa.
Khi người khác làm hại bạn mà chẳng có lý do gì, bạn không nên bị kích động, mà cần phát khởi lòng đại bi với họ; bạn hồi hướng tất cả công đức của bạn cho họ và xem họ là vị thầy tâm linh – đó là cách thức của một hành giả thực thụ. Nếu bạn nghiến răng với sự hận thù và nổi cơn thịnh nộ với người đã lấy đi tài sản của bạn, đó không phải là cách thức của một hành giả chân chính và thậm chí còn rời xa con đường của Bồ Tát.
Ngày nay, những cơ hội thật lớn lao khi chúng ta gặp được những hoàn cảnh không như ý, và chúng ta tóm lấy mỗi cơ hội này để thực hành nhẫn nhục. Như Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo nhắc đến:
“Thậm chí nếu một người mà con quan tâm, Giống như con của chính mình, xem con là kẻ thù, Chăm sóc anh ta, như mẹ chăm con Đang bị bệnh tật. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Đây là thái độ căn bản mà chúng ta cần có một cách trọn vẹn với thực hành Pháp. Đoạn kệ 7: Bí mật nhận về mình mọi khổ đau của họ
Nói ngắn gọn, nguyện cầu con trao tặng Lợi lạc và hạnh phúc cho tất cả bà mẹ, Cả trực tiếp và gián tiếp, Và nguyện con bí mật nhận về mình Mọi tổn thương và khổ đau của bà mẹ chúng sinh. [Đoạn kệ này nghĩa là:] Dù trực tiếp hay gián tiếp, con sẽ dâng hạnh phúc và lợi lạc lên tất cả hữu tình chúng sinh, những vị đã từng là bà mẹ từ ái của con. Và một cách bí mật, con sẽ nhận về mình mọi tổn thương và khổ đau.
Đoạn kệ này dạy chúng ta một chỉ dẫn cốt tủy tối cao trên con đường của chư Bồ Tát. Tất cả hành giả Đại thừa, dù họ thực hành Kinh thừa hay Mật thừa, cần thiền định và thực hành chỉ dẫn cốt tủy này. Không có nó, chúng ta không thể tự gọi mình là hành giả Đại thừa.
Trong
Tiểu Sử Vĩ Đại Của Phật Thích Ca Mâu Ni: Bình Giảng Bạch Liên Hoa có kể rằng, Đức Thích Ca, trong hàng trăm nghìn kiếp, đã từ bỏ sự bám luyến với ngã và tiến hành hoạt động vị tha làm lợi lạc hữu tình chúng sinh bằng cách trao cho họ hạnh phúc và nhận về khổ đau. Chúng ta cũng cần đi theo bước chân của Ngài. Đây là điều mà chúng ta cần nghiêm túc suy ngẫm.
Như đã đề cập từ trước,
Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm của Đức Jetsun Langri Tangpa dễ hiểu về nghĩa đen, nhưng thực sự rất khó để kết hợp sự hiểu đó với hành trì thực sự.
Bởi chúng ta đã thọ nhận chỉ dẫn cốt tủy này, chúng ta cần sử dụng nó càng nhiều càng tốt trong đời sống hàng ngày. Với người cư sĩ, và đặc biệt với những vị mới đến, hôm qua tôi đã nói với các bạn rằng, hôm nay, tôi sẽ ban một chỉ dẫn cốt tủy siêu việt. Điều mà tôi đang nói đến là đoạn kệ thứ bảy và tám trong
Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm. Nếu các bạn không thể làm chủ việc thực hành chỉ dẫn cốt tủy này, dù tôi có giảng dạy về Đại Viên Mãn, dù bạn thiền định về Đại Viên Mãn bao lâu, tất cả những nỗ lực này đều vô ích. Chúng sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Vì thế, các bạn cần phát triển niềm tin với chỉ dẫn này và thực hành
Hoán Chuyển Bản Thân Với Người Khác. Đây là chỉ dẫn cốt tủy cho tâm thức và hành động của một vị Bồ Tát.
Hành giả Đại thừa, trên nền tảng của sự nghiên cứu, thiền định và thực hành Bồ đề tâm, cần cầu khẩn đến bậc thầy nhiều hơn. Các bạn cần cầu khẩn đến Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nhiều hơn, chứ đừng cầu nguyện đến tôi. Mặc dù, bởi những nguyên nhân và điều kiện nhất định, Kyabje Rinpoche đã soạn một lời cầu nguyện trường thọ cho tôi, tôi vẫn chỉ là con người và chẳng có sức mạnh gia trì. Sẽ là hợp lý nếu các bạn kính trọng tôi chỉ ở trong tim, bất kể liệu điều này được đánh giá từ quan điểm thế gian hay xuất thế gian hay không. Trong hơn một thập kỷ, gần như tất cả các chỉ dẫn, quán đỉnh và sự trao truyền Mật thừa của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche mà các bạn thọ nhận đều được chuyển dịch và trao cho các bạn bởi tôi. Tuy nhiên, nếu các bạn cầu khẩn đến tôi, điều đó là quá mức với tôi. Trong các bạn có nhiều vị đạo sư vĩ đại và Bồ Tát. Xuyên suốt lịch sử, chẳng bao giờ có chuyện Bồ Tát lại cầu khẩn đến một người bình thường. Vì vậy, xin hãy cầu nguyện đến Kyabje Jigme Phuntsok nhiều hơn, và tự nhiên, ân phước gia trì của bậc thầy sẽ thâm nhập trái tim bạn. Theo cách này, bạn sẽ làm chủ mọi chỉ dẫn then chốt của cả Kinh thừa và Mật thừa và sẽ có thể đem mọi hình tướng hiển bày của các hiện tượng vào con đường và sự tỉnh giác tự nhiên của tâm sẽ hiển hiện. Đánh thức bản tính nguyên sơ của tâm mà không có sự gia trì của bậc thầy là không thể. Khi ban trao truyền và giáo lý về
Văn Thù Đại Viên Mãn, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nói rằng: “Khi con cầu khẩn, bằng cách xem bậc thầy gốc là không khác với Bồ Tát Văn Thù, con dứt khoát sẽ thành tựu Đại Viên Mãn”.
Sự xuất sắc của chỉ dẫn được phát lộ trong đoạn kệ này nằm ở chỗ nó dạy chúng ta đổi hạnh phúc và lợi lạc của bản thân lấy khổ đau của người khác. Hoán Chuyển Bản Thân Với Người Khác được nói đến ở đây có chút khác biệt với đoạn kệ thứ năm. Chỉ dẫn về Hoán Chuyển Ngã – Tha trong đoạn kệ thứ năm là về thực hành Bồ đề tâm; còn Hoán Chuyển Ngã – Tha ở đây là về thực hành Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm là nền tảng của Bồ đề tâm. Nếu chúng ta xây dựng nền tảng này thật tốt, các chỉ dẫn then chốt khác sẽ dễ làm chủ hơn.
Như
Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo tuyên bố:
“Khi bà mẹ của con, người yêu thương con từ vô thủy, Đang chịu đau khổ, hạnh phúc của bản thân có ý nghĩa gì? Vì thế, để giải phóng vô lượng chúng sinh, Hãy phát triển ý định vị tha. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của bạn từ vô thủy và khi mà họ là mẹ bạn, họ yêu thương bạn như mẹ bạn trong đời này. Để chắc chắn rằng bạn có đủ ăn, họ thà chịu đói. Khi bạn bị bệnh, bà chẳng màng đến đồ ăn hay thức uống và nếu có thể, bà muốn hy sinh tính mạng để bạn được lành bệnh. Không chỉ những bà mẹ của con người hành xử như vậy, thậm chí những con thú hoang ác độc, như hổ hay sư tử, cũng tràn đầy tình yêu thương cho bầy con. Những miêu tả tỉ mỉ về điều này có thể tìm thấy trong
Lời Vàng Của Thầy Tôi (Một Chỉ Dẫn Về Các Thực Hành Sơ Khởi Cho Pho Tâm Yếu Của Cõi Giới Bao La Từ Đại Viên Mãn) do Patrul Rinpoche soạn.
Bởi mọi hữu tình chúng sinh, người đã từng là cha hay mẹ của chúng ta, đang đau khổ trong luân hồi hay bị đè nén bởi những khổ đau không thể chịu đựng của cõi địa ngục, làm sao chúng ta, những đứa con, có thể tìm kiếm hạnh phúc cá nhân? Liệu chúng ta có giống những hành giả Tiểu thừa, người chỉ mong cầu giải thoát cho bản thân? Ý nghĩa của thực hành như vậy là gì? Vì thế, mỗi người chúng ta, với lòng đại bi, cần dâng tặng tất cả hạnh phúc và lợi lạc của bản thân, không chút ích kỷ, trực tiếp hay gián tiếp, lên tất cả bà mẹ từ ái của mình. Nếu chúng ta bây giờ chưa đủ phẩm tính để trao cho họ sự an bình và hạnh phúc một cách trực tiếp, chúng ta cần thành tâm mong mỏi rằng, mọi an bình và hạnh phúc của chúng ta đều được dâng cho tất cả bà mẹ chúng sinh từ vô thủy và muốn làm lợi lạc cho họ tốt nhất có thể – đó là sự cúng dường gián tiếp. Và sự cúng dường trực tiếp là gì? Tôi nghĩ – cứu mạng của chúng sinh sắp bị giết hại và giải phóng họ về với tự do là một sự cúng dường trực tiếp vì lợi lạc của chúng sinh. Có một sự giải thích về điều này trong bài báo
Mưa Cam Lồ – Công Đức Phóng Sinh. Bây giờ,
Mưa Cam Lồ – Công Đức Phóng Sinh có ảnh hưởng rất lớn ở nhiều vùng trên khắp đất nước và thậm chí trên toàn thế giới. Nhiều chúng sinh đang sống, sắp bị giết mổ, đã được cứu sống và giải phóng khỏi lưỡi dao của đồ tể. Có nhiều điềm cát tường trong khoảng thời gian này. Tôi nghĩ rằng bài báo này có thể là một phần của phương tiện thiện xảo của chư Phật và Bồ Tát, hiển bày từ lòng bi mẫn và trí tuệ vô biên, để cứu giúp hữu tình chúng sinh. Mặc dù chỉ là một cuốn sách nhỏ, nó đã cứu vô số mạng sống!
Bây giờ là thời điểm mà phóng sinh là điều rất cần để giúp đỡ hữu tình chúng sinh. Mỗi người chúng ta không chỉ nên phóng sinh, mà còn cần, càng nhiều càng tốt, thuyết phục người khác làm điều tương tự. Trong chư vị Tu sĩ, vài vị phóng sinh rất thường xuyên, mỗi lần cứu và giải phóng vài trăm triệu chúng sinh. Công đức của điều này là chẳng thể nghĩ bàn và kết quả tương lai của nó cũng vậy. Phóng sinh khác với các thiện hạnh khác. Khi tiến hành các thiện hạnh khác, nếu động cơ không thanh tịnh, hành động chỉ dẫn đến kết quả rất tầm thường. Tuy nhiên, phóng sinh thì khác. Thậm chí nếu người ta cứu sống và giải phóng mạng sống với động cơ bất tịnh, hoặc thậm chí với tà kiến, kết quả tương ứng cũng không sai lầm. Có nhiều bằng chứng về kinh văn cho điều này và nếu bạn muốn biết rõ hơn, hãy tham khảo
Mưa Cam Lồ – Công Đức Phóng Sinh. Phóng sinh trực tiếp làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Phật học viện của chúng ta tổ chức phóng sinh hàng năm và tôi mong rằng, mỗi năm, chúng ta có thể phóng sinh nhiều hơn năm trước.
Từ vô thủy, khi những bà mẹ chúng sinh của chúng ta đang chịu cơn đau vô biên trong vòng luân hồi của tam giới, một cách bí mật, tôi mong rằng sẽ nhận lấy mọi khổ đau về mình và âm thầm trao cho họ tất cả sự an bình và hạnh phúc. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nói rằng, nếu chúng ta có thể trực tiếp trao an bình và hạnh phúc cho người khác, đó là điều tốt nhất. Tuy nhiên, nếu không thể, chúng ta cần mong muốn trao mọi an bình và hạnh phúc cho hữu tình chúng sinh và nhận về mình mọi tổn thương và khổ đau của họ. Nếu chúng ta thiền định theo cách này một cách tăng tiến, khi đạt đến một mức độ nhất định, chúng ta sẽ có thể trực tiếp nhận về khổ đau của hữu tình chúng sinh và trực tiếp trao cho họ hạnh phúc và bình an.
Đoạn kệ 8: Mọi thứ giống như ảo ảnh
Nguyện cầu tất cả những thực hành này của con, không bị vấy bẩn Bởi lỗi lầm của tám mối bận tâm thế tục; Và nguyện con, nhận ra mọi thứ Là ảo ảnh, thoát khỏi sự bám víu, Được giải phóng khỏi sự trói buộc. [Đoạn kệ này nghĩa là:] Nguyện cầu mọi thực hành và hành động của con, trong quá khứ, hiện tại và vị lai, không bị vấy bẩn bởi các quan niệm về tám mối bận tâm thế tục, không bị nhiễm ô bởi của cải hay danh tiếng; và bằng cách nhận ra mọi hiện tượng là ảo ảnh, nguyện cầu con tiêu trừ mọi bám víu vào sự tồn tại thực sự trong dòng tâm thức. Nguyện cầu con được giải phóng khỏi sự trói buộc của bốn thái cực và quan niệm và đạt giải thoát rốt ráo.
Nếu tâm của chúng ta bị vấy bẩn bởi tám mối bận tâm thế tục, thậm chí chúng ta thực hành thiện hạnh, kết quả của những thiện hạnh này không xuất sắc. Trái lại, chỉ công đức không bị ô nhiễm bởi tám mối bận tâm thế tục mới là công đức được thấm nhuần trí tuệ Đại thừa. Người bình thường không có ý muốn tránh xa tám mối bận tâm thế tục và đó là lý do tại sao họ không thể đạt được trí tuệ rốt ráo đích thực hay giải thoát rốt ráo. Nhiều hành giả ở đây thực hành một cách thầm lặng, lắng nghe, quán chiếu, thiền định Giáo Pháp và phụng sự Tam Bảo một cách tinh tấn và chu đáo, chẳng màng danh tiếng hay của cải. Điều này cho thấy rằng họ biết được những nguy hại của tám mối bận tâm thế tục và đang học cách tránh xa chúng. Nhưng, vài người nảy sinh tình yêu thương với uy thế và sự tự thể hiện mình, và điều này cho thấy thực hành của họ chưa đủ, rằng họ cần học hỏi thêm về nguy hại của tám mối bận tâm thế tục, cần sắp xếp lại các mục tiêu của họ và nỗ lực nhiều hơn!
Rất lâu trong quá khứ, một vị thí chủ đang đến thăm vị Geshe Kadampa vĩ đại. Vì thế, trước khi vị thí chủ đến, vị Geshe lau dọn phòng thờ và trang hoàng các bức tượng Phật. Tuy nhiên, khi ông ấy bất ngờ phát hiện ra rằng các động cơ là bất tịnh, ông ấy lập tức ném một đống tro lên những vật phẩm cúng dường. Sau đấy, Đức Jetsun Padampa thở dài nói rằng công đức của đống tro này vô cùng lớn lao. Điều này là bởi ông ấy đã phá hủy sự bám víu vào tám mối bận tâm thế tục, và hơn thế nữa, ông ấy nhận ra rằng mọi hiện tượng giống như giấc mơ và ảo ảnh, không có sự tồn tại thực sự, không phụ thuộc hay khách quan nào.
Nếu chúng ta nhắc đến các chỉ dẫn liên quan trong
Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo, chúng là các đoạn sau đây:
“Khi con gặp phải những đối tượng hấp dẫn, Mặc dù chúng có vẻ đẹp đẽ, Giống như cầu vồng mùa hè, đừng xem chúng là thật, Và từ bỏ tham luyến. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. “Mọi hình tướng của khổ đau giống như cái chết của đứa con trong mơ. Xem các hình tướng hư huyễn là thật khiến con mệt mỏi. Vì thế, khi gặp phải những hoàn cảnh bất như ý, Xem chúng là hư huyễn. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Khi chúng ta khởi lên những cảm xúc phiền não, chẳng hạn tham hay sân, chúng ta cần trực tiếp quán xét bản tính của các cảm xúc này, để không bị dối lừa bởi những hiện tượng này và chúng ta sẽ thoát khỏi sự trói buộc và đạt giác ngộ.
Đoạn kệ này nhắc đến thực hành Pháp từ quan điểm cao nhất. Các chỉ dẫn trong
An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn chính xác là những chỉ dẫn được ban ở đây. Nếu chúng ta nhận ra rằng mọi hiện tượng giống như giấc mơ và sự huyễn ảo, chúng ta sẽ khiến đời người trở nên ý nghĩa.
Nguyên tác: An Oral Teaching on Eight Verses for Training the Mind (http://www.khenposodargye.org/teachings/foundation/an-oral-teaching-on-eight-verses-for-training-the-mind/). Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ. Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất cả hữu tình chúng sinh, nguyện sớm đạt thành Phật quả.Nguồn: thuvienhoasen.orgXem phần 1 tại link: https://lienhoaquang.com/thu-vien_Giao-Ly-Khau-Truyen-Ve_mltttqkl_web_baingan.html