Giới luật Kim Cương Thừa và nghi thức sám hối
Giới luật giúp chúng ta rèn luyện thân, khẩu, ý; mỗi hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng ta cần phải được kiểm soát, dẫn dắt để chúng không tạo nên nghiệp bất thiện. Các nghiệp bất thiện không có cơ hội phát khởi thì sẽ không có quả báo đọa lạc. Đặc biệt trong Kim Cương thừa, việc trì giữ Giới luật hay Tam muội da (Samaya) là việc vô cùng quan trọng bởi nếu hành giả phạm giới Tam muội da thì việc đó sẽ làm tổn thọ của Thượng sư, tổn thọ bản thân hành giả trong kiếp này và kiếp sau, đồng thời cũng khiến mọi giới Tam muội da của toàn thể Tăng đoàn bị ảnh hưởng và hành giả phải trải nghiệm nhiều kiếp khổ đau nơi Địa ngục.
Kim Cương thừa luôn được coi là truyền thừa bí mật bởi việc thực hành đòi hỏi căn cơ và trình độ nhất định. Thông thường, khi thực hành Kim Cương thừa, chúng ta được xem như đã có những hiểu biết và nền tảng căn bản về Tiểu thừa và Đại thừa. Kim Cương thừa cũng được biết đến như pháp môn Phật giáo tiến đến giác ngộ nhanh nhất và cũng uy lực và bí mật nhất. Chính vì vậy Mật thừa được chư Phật, Bồ tát, Bản tôn Kim cương Hộ pháp và chư Bách thần bảo trì một cách rất cẩn thận.
Trong Mật điển cũng có dạy khi bạn thực hành Mật thừa mà không trì giới rõ ràng nguy hiểm, vì bạn đã sử dụng Mật pháp một cách sai lệch, để tăng trưởng tham sân si và bản ngã. Đây là lí do tại sao giới nguyện Tam muội da là rất cần thiết để giúp chúng ta tịnh hóa thân tâm và đem lại lợi ích cho mọi người. Theo nghĩa này, có thể nói, vị thế của hành giả Kim Cương thừa cũng giống như con rắn trong ống tre, chỉ có thể đi lên hoặc đi xuống. Đi lên tức là trì giữ giới nguyện Tam muội da, chúng ta sẽ đạt được giải thoát giác ngộ, còn đi xuống có nghĩa là phá bể giới nguyện Tam muội da, chúng ta sẽ bị đọa xuống tầng thấp nhất của địa ngục A Tỳ.
Sám hối tịnh hóa theo Kim Cương thừa
Trên phương diện tuyệt đối, giới nguyện Kim Cương thừa là cấp giới nguyện khó trì giữ bởi giữ được giới nguyện này tức là hành giả đã an trụ được trong Đại Thủ Ấn. Ngài Atisha, Bậc Thầy vĩ đại người Ấn Độ từng nói rằng cả đời Ngài chưa từng bị bể giới nguyện của hàng Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni, nhưng cũng cho biết đôi khi Ngài bị bể giới nguyện Bồ tát. Bồ tát giới bị bể ví dụ như khi có người nào đó, cho dù bạn đối xử rất tốt với họ, rất trân trọng họ, thế nhưng họ chẳng hề biết tri ân bạn, đến nỗi bạn phải nói rằng bạn đã quá mệt mỏi và đã đến lúc bỏ rơi người này,… thế là giới Bồ tát của bạn bị bể bởi theo giới nguyện này bạn không thể bỏ rơi mọi người! Tất nhiên bên ngoài bạn có thể tỏ ra không tử tế với họ, bạn có thể thị hiện giận dữ, đối xử tồi tệ hoặc thế nào cũng được. Nhưng bên trong, nếu bạn bỏ rơi dù chỉ một người, thì giới nguyện Bồ tát của bạn sẽ bị bể. Chính vì vậy mà Ngài nói rằng giới Bồ tát của Ngài đã bị bể đôi lần. Và Ngài cũng nói rằng Ngài thường bị bể giới nguyện Kim Cương thừa. Ngày nào Ngài cũng bị bể giới nhiều lần. Điều đó nói lên rằng giới nguyện Kim Cương thừa vô cùng khó trì giữ. Tất nhiên là phải khó, nếu không thì tất cả chúng ta đều đã giác ngộ và chẳng bao giờ còn thấy nhau trong cõi luân hồi. Nhưng Ngài cũng nói rằng Ngài không bao giờ giữ những lỗi lầm dù chỉ một ngày vì ngày nào Ngài cũng thực hành tịnh hóa chúng.
Sám hối giới nguyện
Khi phạm giới nguyện, bạn phải sám hối và tịnh hóa thông qua các pháp thực hành phù hợp vì việc phá giới có thể gây ra những trở ngại nghiêm trọng cho quá trình tu tập tâm linh của bạn. Thông thường, nếu hủy phạm bất cứ điều nào trong giới trọng của giới Biệt giải thoát, bạn sẽ không thể sám hối được. Riêng Bồ tát Giới thì có thể được phục hồi qua năng lực sám hối tịnh hóa. Kim Cương thừa có rất nhiều phương pháp tịnh hóa tùy thuộc loại Tam muội da nào bị phá bể. Đối với các loại Tam muội da khác nhau, phương pháp sám hối phụ thuộc vào mức độ vi phạm, thời gian sám hối (như sáu tháng hay ba năm...) và giới nguyện liên quan tới Thượng sư, Tăng già hay chúng sinh khác. Đây là lí do tại sao hành giả Kim Cương thừa nên phát triển tâm rộng mở chân thành với tất cả muôn loài, không phân biệt giới tính, địa vị, tôn giáo... Chúng ta nên thật sự từ bỏ quan niệm phân biệt, khinh hạ chúng sinh.
Có rất nhiều phương pháp đã nói trong chỉ dạy về sự sám hối, tịnh hóa và phục hồi những Samaya hay giới nguyện đã bị phá vỡ. Trong Kim Cương thừa, dù bạn là Cư sĩ, Tì kheo, nam hay nữ, nguyên tắc đều giống nhau, sự khác biệt chỉ là cấp độ của Tantra mình đang thực hành. Ví dụ, Tantra Kriya và Charya có ít giới nguyện hơn. Khi thụ nhận quán đỉnh thuộc các Tantra này, nếu có lỡ phá bể Tam muội da thì nghi quỹ cũng sẽ chỉ rõ bạn phải làm những gì để tịnh hóa. Nhìn chung, khi phá bể Tam muội da do cố tình hoặc vô tình, cách tốt nhất là tịnh hóa bằng trì tụng mỗi ngày 21 hoặc 108 biến chân ngôn một trăm âm Kim Cương Tát Đỏa. Giáo lý Kim Cương thừa dạy rằng thực hành Kim Cương Tát Đỏa tịnh hóa bất kì nhiễm ô, vô minh che chướng hay Tam muội da bị phá bể ở mức thông thường.
Bốn năng lực sám hối:
Việc thực hành tịnh hóa phục hồi giới luật Mật thừa phạm khuyết qua pháp tu trì Phật Bản tôn Vajrasattva Kim Cương Tát Đỏa cần hội đủ 4 năng lực:
- Năng lực hỗ trợ: nương sự gia trì của đức Kim Cương Tát Đỏa
- Năng lực hối tiếc: ân hận về những lỗi lầm mình đã tạo
- Năng lực cam kết: phát nguyện không tái phạm. Nguyện dẫn dắt giúp chúng ta có tâm và ý trí mạnh mẽ không tái phạm hoạt động xấu
- Năng lực giải độc: thực hành nghi quỹ tu trì Đức Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa.
Nhìn chung, sám hối là phương pháp hữu hiệu để tịnh hóa các nhiễm ô mà chúng ta lỡ tạo dưới xu hướng mạnh mẽ của các nghiệp tiêu cực. Mặc dù nhìn từ bên ngoài dường như chúng ta có những hành vi, việc làm đúng đắn và đạo đức, nhưng bên trong, chúng ta vẫn còn nhiều chi phối của bản ngã vị kỷ. Chúng ta nghĩ bản thân không phạm giới nhưng vẫn dễ mắc phải các lỗi trọng. Hành giả tu tập Tiểu thừa ít có khả năng phạm giới hơn vì chỉ khi phạm lỗi về Thân hay Khẩu thì mới cần sám hối; dù trong tâm hành giả có không giữ giới thì cũng không bị coi là phạm các giới của Tiểu thừa. Trong Kim Cương thừa, giới Tam muội da dễ bị vi phạm hơn vì chỉ cần một thoáng suy nghĩ trong tâm sai lệch là hành giả đã phá vỡ Tam muội da. Vì thế, các hành giả Kim Cương thừa cần luôn sám hối, một ngày có sáu thời là sáu lần cần sám hối. Sự tương tục của trí tuệ và năng lực Kim Cương thừa là trọng tâm và phần chính thực hành phục hồi giới nguyện thanh tịnh và hoàn thiện của hành giả Kim Cương thừa.
Trích “Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử” , Gyalwang Drukpa
Nguồn: drukpavietnam. org