MỐI LIÊN HỆ GIỮA THƯỢNG SƯ VÀ ĐỆ TỬ
Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị
Trong Phật Giáo Kim Cương Thừa, chúng ta thường nói đến Thượng sư và đệ tử, thượng sư là người thầy hướng đạo dẫn dắt đệ tử. Đây là một trong những lý do tại sao Thượng sư cần phải hội tụ đầy đủ những phẩm hạnh. Một Thượng Sư không thể đơn giản là người chỉ biết giảng Pháp hay vì điều đó quá dễ dàng và điều đó chỉ là phần lý thuyết. Quan trọng nhất là người thầy phải có những trải nghiệm chân thật. Dù thầy của bạn là ai đi chăng nữa thì cũng phải là người nhiều kinh nghiệm tu tập để ít nhất cũng hiểu thấu đáo được những gì mình nói. Nếu không, họ có thể nói thao thao bất tuyệt về rất nhiều điều nhưng lại chẳng biết mình đang nói gì.
Đối tượng quy y thông thường trong Đạo Phật là “Phật, Pháp, Tăng”, tuy nhiên, trong Phật Giáo Kim Cương Thừa, chúng ta có thêm một đối tượng quy y nữa – đó là Thượng sư. Vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thị tịch nên Thượng sư là người thay vì đức Phật truyền dạy, hướng đạo cho chúng sinh. Nếu không có các Ngài thì chúng sinh không biết con đường tu tập chân thật giải thoát nên Ngài đại biểu cho Phật, Pháp và Tăng. Mặc dù, Đức Phật Thích Ca đã thị hiện viên tịch nhưng Phật tính vốn sẵn đủ nơi chúng sinh tức là trí tuệ đại giác thì vẫn thường trụ bất biến. Phật tính thường trụ từ vô thủy nhưng chúng ta vẫn chưa chứng ngộ được nó. Do đó, chúng ta không thể thuyết giảng chính xác về cảnh giới giác ngộ hay Phật tính.
Thượng sư phải là người hội tụ đầy đủ những phẩm hạnh của lòng từ bi, kinh nghiệm và sự tu chứng
Tại sao chúng ta vẫn hay nói người thầy còn quan trọng hơn cả Đức Phật? Đó là bởi vì Thượng sư tiêu biểu cho Phật, Pháp, Tăng và vì Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn nên chúng ta chỉ có thể tiếp xúc và tu học với một người thầy trong hình tướng loài người. Thông qua sự truyền thông này người thầy sẽ hướng đạo, dẫn dắt chúng ta. Vì vậy, đương nhiên Thượng sư phải hội tụ đầy đủ những phẩm hạnh về lòng từ bi, kinh nghiệm và sự tu chứng. Người thầy phải có tâm từ bi, đặc biệt là lòng từ bi bình đẳng.
Nếu không có phẩm chất này thì người đó không đủ hạnh làm thầy. Chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng nếu một người không có tấm lòng từ bi hỷ xả thì người đó không phải là một Thượng sư.
Nếu một người thầy có tâm đại từ, đại bi bình đẳng thì dù họ không uyên bác, danh tiếng hay không được trọng vọng trong xã hội cũng không sao. Bởi lẽ họ thực sự chứng đạt và có kinh nghiệm về những gì họ nói nhờ vào sự hiện diện của tâm từ bi ấy. Một mặt rất khó để kiểm chứng phẩm chất của một người thầy, nhưng mặt khác lại rất dễ dàng để làm điều đó vì bạn chỉ cần để ý xem liệu người thầy ấy có từ bi hay không. Nói về tâm từ bi, tôi cho rằng các bạn cũng cần phải hết sức thận trọng bởi vì tâm từ, tâm bi như ái kiến từ bi hay từ bi có điều kiện khá khó có thể nhận diện và dễ nhầm lẫn. Ý tôi muốn nói là tâm từ bi có thể dễ bị đánh lừa theo nghĩa là mọi người ai cũng có thể bộc lộ tình thương và lòng từ ‘thông thường’ nhờ tâm đại từ đại bi và đại trí mà tất cả chúng ta vốn dĩ xưa nay vẫn có từ vô thủy.
Tất cả mọi người ở khắp mọi nơi đều có một chút tâm từ và tâm bi, ngay cả loài côn trùng bé nhỏ nhất từ vô thủy cũng đã sở hữu tất cả những phẩm chất này. Đây là lý do tại sao chúng ta vẫn còn sống và tồn tại trên thế giới này – bằng không chúng ta hẳn đã sát hại tất cả lẫn nhau mất rồi! Nếu không có tình thương và lòng từ bi, hẳn mọi người ai cũng lăm lăm tay súng tay dao và đã tự hủy diệt lẫn nhau từ lâu rồi. Mặc dù chúng ta không phải đang chung sống hòa thuận nhưng dù sao vẫn còn tương đối ổn thỏa nhờ vào bản tâm đại từ đại bi này.
Tình thương của chúng ta rất không bình đẳng và có điều kiện, chưa đủ để trở thành một Thượng sư
Mặc dù chúng ta từ vô thủy vẫn có tâm đại từ đại bi, đại trí tuệ nhưng chúng ta chưa hoàn toàn chứng ngộ được bản tâm của mình; bản tâm của chúng ta vẫn bị vô minh che lấp. Đây là lý do tại sao chúng ta chưa có tình thương bình đẳng trong sự tu tập thường nhật. Tình thương của chúng ta rất thiên vị và có điều kiện nên chưa đủ phẩm chất để trở thành một người thầy. Một Thượng sư chân thật phải sở hữu một tình thương bình đẳng và vô điều kiện đối với các đệ tử và tất cả những người xung quanh, phải có lòng từ mẫn đối với tất cả mọi hữu tình. Ngay cả đối với những người không có tín tâm và tôn trọng mình, vị Thượng sư vẫn trải rộng tình thương và từ ái đến với họ, điều này có nghĩa là Ngài có vô duyên từ (tâm từ bi vô điều kiện). Tôi hy vọng các bạn thấu hiểu rằng tình thương và lòng từ bi vô điều kiện nghĩa là thương yêu và từ ái vô ngã vị tha mà không cần có bất kỳ điều kiện gì.
Ngày nay, chúng ta yêu thương nhau vì rất nhiều lý do, chẳng hạn như nhu cầu phải được người khác thương yêu mình. Bạn có thể thấy là bạn yêu thương người khác vì những lý do rất hợp lý. Nếu không có những lý do đó, bạn hẳn đã không yêu thương người khác. Ngược lại, nếu bạn thương yêu một người nào đó mà không vì bất kỳ lý do nào thì sẽ lại bị coi là hẳn bạn có ‘vấn đề’ nào đó! Chúng ta tin là như vậy nhưng niềm tin ấy không chân thực. Tình thương ‘vô điều kiện’ là tình thương không vì bất kỳ lý do nào.
Thượng sư phải có tình thương và lòng từ bi đối với tất cả các đệ tử bất kể họ là ai
Thượng sư phải có vô duyên từ bi - tình thương và lòng từ bi vô điều kiện không phân biệt đối với tất cả chúng sinh. Hãy thử tưởng tượng nếu một người thầy yêu người Pháp hơn người Ý, hay thương người Tây Tạng hơn người Châu Âu, thì sẽ thế nào? Sự thực là không nên có bất kỳ tình yêu thương thiên lệch phân biệt nào, nhất là đối với các đệ tử dù họ là ai. Dù người đệ tử có đi theo chính đạo và tu tập hay không thì người thầy vẫn yêu thương họ một cách vô điều kiện. Điều này cũng có nghĩa là người đệ tử được thầy yêu thương không điều kiện dù đệ tử có cúng dường thầy thật nhiều tiền hay chẳng cúng dường chút nào. Mặc dù không phụng sự được thầy về mặt vật chất nhưng nếu bạn tu tập một cách chân chính bằng cách giúp đỡ hết thảy hữu tình thì vẫn là người đệ tử chân chính. Bổn phận một người đệ tử cần phải phát tâm bồ đề tu trì đạo tâm vì lợi ích của vô lượng chúng sinh.
Chừng nào tâm bồ đề của bạn kiên cố như vậy bạn xứng đáng là một đệ tử. Mặc dù bạn xứng đáng là một đệ tử nhưng người thầy cũng không vì thế mà có sự phân biệt trong việc dành tình thương và quan tâm đối với bạn và những đệ tử khác. Tâm từ bi không chịu sự chi phối của bất kỳ điều kiện nào – đó là điều tôi muốn nói. Tình thương không nên có điều kiện. Giống như sóng biển, dù xảy ra điều gì thì biển vẫn luôn dậy sóng. Cũng như thế, tình thương luôn luôn hiện hữu và dành cho tất thảy hữu tình; nó giống như hư không hay sóng biển vậy.
Đối với người đệ tử, phát tâm bồ đề rất quan trọng
Như tôi đề cập ở trên, việc phát tâm bồ đề là rất quan trọng đối với người đệ tử. Những đệ tử có động cơ để làm tăng danh vọng địa vị của mình bằng cách thực hành Phật Pháp, tu tập tâm linh, hay thụ nhận Pháp danh quy y với một vị đạo sư ‘thế này thế kia’, hay bằng việc trở thành một thành viên của một cộng đồng hay dòng truyền thừa ‘này nọ’ thì không xứng đáng được gọi là đệ tử, nghĩa là họ không phải là chân đệ tử. Rất nhiều người trong chúng ta bị mắc khiếm khuyết này trong động cơ của mình. Chúng ta ưa thích khoe khoang về danh tiếng người thầy của mình. Dĩ nhiên, tự hào về thầy là điều tốt, nhưng khi tôi kiểm nghiệm động cơ của những người này thì luôn thấy có điều gì đó không ổn. Họ cho rằng Thượng sư của mình phải là người có một danh hiệu nào đó như ‘Pháp Vương’, ‘Nhiếp Chính Vương’ hay ‘Rinpoche’ chẳng hạn. Danh tiếng người thầy càng cao thì bạn càng có xu hướng bám chấp vào nó nhiều hơn! Điều này hoàn toàn không nên chút nào. Nếu như vậy, giả dụ bạn có một người thầy chân chính nhưng không hề có tước hiệu hay không được trọng vọng trong xã hội (nhất là trong cộng đồng Tây Tạng hay Phật Giáo) thì bạn sẽ không muốn nêu tên Ngài mà chỉ gọi Ngài là ‘Thượng sư’ vì không mấy ai biết đến Ngài.
Như thế là không tốt bởi lẽ động cơ không chân thật. Hơn thế nữa, tôi còn chứng kiến nhiều người đệ tử có chiều hướng muốn thay đổi đạo sư của mình. Đây là điều tôi không sao hiểu được! Thoạt đầu bạn cho rằng một người nào đó là một đạo sư tốt nên bạn quyết định đi theo Ngài, nhưng sau đó bạn nhận ra rằng người thầy của mình không ‘cao cấp’ lắm! Một đạo sư khác nào đó ‘cao cấp’ hơn xuất hiện, danh tiếng hơn và đông đệ tử hơn. Và thế là bạn tiếp cận vị đạo sư này, nói rằng ‘Con đã từng quy y theo người này nhưng giờ con không còn quý mến người đó nữa. Giờ đây con xin nguyện quy y với Ngài!’ Có thể vị thượng sư mới sẽ hỏi: ‘Tại sao?’ Bạn đáp: ‘Vì Ngài có danh hiệu là ‘Pháp Vương’ hoặc ‘Nhiếp Chính Vương’ và tất cả mọi người ai cũng kính trọng Ngài’. Lý do là thế đấy. Rồi sau đó, bạn ra ngoài và tuyên bố: “Tôi là đệ tử của ‘Pháp Vương’, hay tôi là đệ tử của ‘Nhiếp Chính Vương’!”.
Như vậy là bạn đang chỉ lợi dụng danh tiếng của người thầy mà không hề tiếp xúc được căn bản tình thương và lòng từ bi nơi Ngài. Thậm chí, bạn không hề quan tâm xem liệu Ngài có từ bi hay chỉ có danh mà không có thực tâm. Bạn chỉ quan tâm đến cái danh huyễn, điều này thực sự rất không tốt. Bạn cần phải phát tâm chân thật.
Cần thiết phải phát tâm bồ đề chân thật để tu tập đạo tâm vì lợi ích của hết thảy chúng hữu tình
Trước hết cần phải phát tâm chân thật để tu tập giải thoát vì lợi ích chúng sinh. Động cơ này là điều tối quan trọng cần phải phát nguyện khi bạn quy y hay khi khởi đầu sự tu tập. Bạn cần phát tâm bồ đề mạnh mẽ và chân thành vì nhiêu ích giải thoát chúng sinh nhờ vào sự thực hành của mình. Để trưởng dưỡng được tâm bồ đề như vậy, bạn cần phải được dẫn dắt hướng đạo, vì vậy điều quan trọng thứ hai là bạn phải tìm được một đạo sư chân chính, nghĩa là một người thầy có kinh nghiệm tu chứng và tâm đại từ bi bình đẳng. Đó là tất cả những gì bạn cần. Sau đó, thực sự là bạn không cần bận tâm về những tiểu tiết cũng như những vấn đề nhỏ nhiệm về hoàn cảnh sống của mình. Chẳng hề hấn gì cho dù điều kiện sống của mình không được thuận lợi và suôn sẻ.
Chừng nào động lực của bạn tu tập để lợi ích tất thảy hữu tình thì dù điều kiện nhân duyên gì xảy ra cũng không phải là vấn đề. Dù hoàn cảnh không thuận lợi cũng không sao và bạn không cần phải buồn, lo lắng vì nó. Tất cả những gì bạn cần làm là nhất tâm tu tập để lợi lạc quần sinh. Nếu không, những vấn đề thông thường sẽ xuất hiện và chi phối bạn. Chẳng hạn như sẽ nảy sinh sự thất vọng, nhất là thất vọng về Tăng Đoàn, hay thất vọng với sự sắp xếp tổ chức các buổi giảng Pháp, hoặc thậm chí thất vọng về thượng sư và giáo pháp. Bạn sẽ bị thất vọng đủ thứ. Ví dụ, khi định đăng ký vào một đạo tràng để thụ nhận giáo pháp từ một pháp sư nào đó, bạn sẽ bảo: “Ôi, phí đăng ký đắt quá, tôi không thể tham dự được!” Hoặc có thể phàn nàn rằng bạn muốn duỗi chân cho đỡ mỏi, nhưng vị pháp sư không cho bạn thời gian để nghỉ, v.v...
Nếu bạn không chuyên tâm hoặc không phát bồ đề tâm vì lợi ích chúng hữu tình thì sẽ có rất nhiều trở ngại xảy đến với bạn
Những điều nhỏ nhiệm không mấy thuận lợi có thể sẽ gây cho bạn rất nhiều trở ngại và tổn hại đến tín tâm của bạn. Vì động cơ của bạn là có điều kiện nên bạn rất dễ sân hận. Tuy nhiên, nếu bạn nhất tâm phát nguyện thì bạn sẽ không bị sân hận chi phối. Nếu bạn không nhất tâm hoặc không phát tâm bồ đề vì nhiêu ích chúng sinh thì mọi thứ khác sẽ gây rất nhiều trở ngại với bạn.
Thí dụ như, rất nhiều người muốn người thầy lúc nào cũng dành sự chú ý về mình. Nhưng làm sao mà đạo sư có thể lúc nào cũng chú ý đến những mong muốn nhỏ nhặt này được? Làm sao đạo sư có thể suốt 24 tiếng một ngày quan tâm chú ý đến họ bằng cách mỉm cười với họ, nhìn họ, vỗ vai họ, gọi điện cho họ, viết thư hay gửi thư điện tử cho họ được?! Làm sao Ngài có thể thực hiện nổi việc này trong khi có thể có tới hàng nghìn đệ tử và vì vậy Ngài sẽ phải gửi hàng nghìn email, viết hàng nghìn lá thư và nói chuyện điện thoại với hàng nghìn người được?! Làm sao Ngài có thể lúc nào cũng dành đủ thời gian cho từng đấy con người? Nhưng nếu Ngài không đáp ứng được điều này, lập tức nhân duyên của bạn với Ngài chấp dứt. Bạn tuyên bố: “Thôi được, giờ tốt hơn hết là mình phải đổi đạo sư vì chẳng thấy Ngài gửi mình email hay gọi điện gì cả. Mình đã cho Ngài số điện thoại của mình nhưng chẳng nhận được cuộc gọi nào. Thế nên mình sẽ tìm một người thầy khác, người sẽ quan tâm đến mình, gọi điện hỏi thăm mình!”
Mục đích mối liên hệ giữa thượng sư và đệ tử là hướng tới sự trưởng dưỡng đạo tâm
Điều này là hết sức nực cười phi lý và không có ý nghĩa gì xét từ khía cạnh tu tập thực hành đạo pháp. Dĩ nhiên, nếu xét từ khía cạnh quan hệ thì khác. Nếu bạn muốn tìm cầu Thượng sư dưới hình thức bạn trai, bạn gái hay thành thân thì lại là một vấn đề khác. Nhưng nếu bạn thực sự muốn tu tập thì bạn không thể đòi hỏi Ngài làm những việc này được. Ngay cả một đạo sư có tâm đại từ bi vô điều kiện cũng không thể đáp ứng nổi. Nếu thực sự là những hành giả tu hành chân chính, chúng ta cần phải phát tâm vì lợi ích của chúng sinh. Đây là phương cách tu tập trưởng dưỡng tín tâm dâng hiến đối với đạo sư. Mối liên hệ giữa thầy và đệ tử chỉ nhằm trưởng dưỡng phát triển đạo tâm.
Mục đích của trưởng dưỡng đạo tâm là vì lợi ích hết thảy chúng hữu tình. Không có bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích này. Những vấn đề khác chỉ là thứ yếu theo nghĩa chúng sẽ hỗ trợ cho mục đích rốt ráo ấy. Những vấn đề thứ yếu đó bao gồm những việc như thất tu thiền định của bạn ấm áp hơn để hỗ trợ cho sự tu tập, hay luôn có thiện hữu tri thức, tức là ‘Tăng đoàn’ trên bước đường tu; những hành giả khác trong Tăng đoàn có thể trợ duyên cho sự thực hành của bạn. Tất cả những nhân duyên điều kiện này có thể trợ giúp cho bạn rất nhiều, hoặc đôi khi lại có thể gây phiền phức. Thế nhưng, không nên để bất cứ nhân duyên tiêu cực nào chi phối tín tâm dâng hiến của bạn. Chớ để chúng làm mất tín tâm của bạn đối với đạo sư, giáo pháp và sự tu tập. Chớ để tín tâm bị tác động bởi bất cứ điều kiện nào.
Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra trên thế giới này nhưng mấu chốt căn bản là bạn đừng để bị chi phối. Không bao giờ để tín tâm dâng hiến của bạn đối với giáo pháp của đức thượng sư và sự tu tập bị xao lãng. Đặc biệt, không nên xao nhãng trong sự tu tập thực hành vì tín tâm của bạn đối với đạo sư trước hết được nuôi dưỡng phát triển từ sự thực hành. Nếu không, sẽ rất khó để chúng ta tìm được cách thức tức thời trưởng dưỡng tín tâm hướng về đạo sư trước khi thực hành và sau đó mong muốn tu tập theo giáo pháp Ngài dạy. Mặc dù có thể thực hiện theo cách này nhưng sẽ rất rủi ro. Tôi cho rằng đây chính là lý do tại sao hầu hết mọi người đều bị trật khỏi chính đạo, khỏi thượng sư, giáo pháp của Ngài và đánh mất tín tâm của mình. Điều này sẽ có nguy cơ xảy ra.
Điều tôi đang muốn truyền tải đến với bạn là mặc dù bạn có thể có một mối liên hệ ‘tốt’ với đạo sư, nhưng bạn có thể lại không có sự kết nối trong tu tập và giáo pháp của đạo sư. Tín tâm dâng hiến của bạn rồi sẽ bị cản trở không được trưởng dưỡng. Bạn sẽ cảm thấy bị bế tắc và mặc dù vậy bạn vẫn sẽ chắc biết điều gì đang xảy ra. Bạn sẽ nghĩ “Mình kính trọng và yêu quí vị đạo sư này. Mình có một mối quan hệ tốt với Ngài, nhưng chẳng thể nào tu tập được nữa. Mình không thể hiểu nổi những gì Ngài truyền dạy.” Điều tồi tệ nhất là bạn sẽ rất dễ dàng từ bỏ đạo sư và giáo pháp. Thậm chí cho dù nếu bạn không từ bỏ Ngài thì mối liên hệ với Ngài cũng chẳng có ý nghĩa gì vì bạn không tu tập. Nếu bạn không tu sẽ giống như đi khám bác sĩ mà không chịu dùng thuốc. Nếu bạn không dùng thuốc thì đi khám bác sĩ có ích lợi gì đâu?
Vì bạn rất dễ bị xao lãng trước những cám dỗ thế gian, cách tốt nhất là bắt đầu bằng việc chú trọng vào giáo pháp
Tôi đã chứng kiến rất nhiều tình huống xảy ra ở châu Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á khi những người đệ tử hỏi chuyện nhau những câu như: “Ai là thầy anh? Thầy tôi là ‘thế này thế kia’.” Giống như thể họ đang cạnh tranh với nhau vậy. Họ ganh đua với nhau xem đạo sư của ai trẻ hơn, đẹp đẽ hơn, ai nói hay, ai nói dở, ai giao tiếp tốt hơn, v.v... Tôi nghe thấy nhiều thanh niên nói về người thầy như thể họ đang nói về bạn trai, bạn gái của mình vậy! Đó là do họ khởi đầu từ việc có thầy trước rồi sau mới tu tập. Cách này khó thành công hơn vì bạn rất dễ bị trần lụy thế gian làm cho xao nhãng. Vì thế, tốt nhất là hãy bắt đầu bằng việc chú trọng vào giáo pháp.
Hãy lắng nghe giáo pháp của đạo sư, cố gắng nghiền ngẫm và tìm hiểu thấu đáo rồi kiểm nghiệm xem liệu có phù hợp với bạn hay không. Nếu phù hợp, nghĩa là bạn đã bắt đầu có tín tâm dâng hiến và mối liên hệ với giáo pháp của vị đạo sư đó. Sau khi phát triển được mối liên hệ với giáo pháp của đạo sư, thì tín tâm và mối liên kết của bạn với Ngài sẽ vô tác thành tựu.
Pháp là đối tượng quy y quan trọng nhất
Đó là nguyên tắc tương tự như khi chúng ta quy y Phật, Pháp và Tăng. Pháp là đối tượng quy y quan trọng nhất bởi lẽ sau khi hiểu được chân lý và vẻ đẹp của Pháp, bạn sẽ, một cách tự nhiên vô tác, kính ngưỡng Đức Phật Thích Ca vì Ngài chính là người truyền dạy giáo pháp. Vì thế, mặc dù theo thứ lớp quy y, Phật đứng trước Pháp nhưng xét về tầm quan trọng thì thực ra Phật còn đứng sau Pháp. Trong sự tu tập thực hành, Pháp xếp trước tiên, sau đó là Phật vì chỉ sau khi kính ngưỡng Pháp thì sự kính ngưỡng đối với Phật sẽ tự nhiên phát khởi. Nên theo cách thức đó. Cho nên, Pháp phải được quy kính trước hết sau đó mới đến vị thượng sư giáo dạy bạn.
Tôi cho rằng đây là phương cách rất tốt để phát triển mối liên kết giữa thượng sư và đệ tử. Phương cách này sẽ ít rủi ro và ít lầm lẫn hơn bởi vì bạn đã khai phát được lòng quy kính trước giá trị, hương vị và vẻ đẹp của giáo pháp. Giáo pháp khi đó sẽ đóng vai trò như loại ‘keo dính’ kết nối mạnh mẽ giữa bạn và thượng sư. Đó sẽ không chỉ là một mối liên kết bất hoại mà còn rất an lành nữa bởi lẽ bạn sẽ một lòng nhất tâm khao khát thực hành giáo pháp của Đức Phật thông qua khẩu truyền từ vị thượng sư trong hình tướng loài người mà bạn được hạnh ngộ.
Vì thế, đây là cách thức thuần tịnh để quy y và bước đi theo con đường đạo pháp. Tất cả những nhân duyên điều kiện khác trở thành thứ yếu và bạn sẽ thậm chí chẳng còn phải quan tâm đến chúng. Đây chính là những gì tôi đã tự mình trải nghiệm bởi vì tôi cũng đã từng gặp những vấn đề tương tự như của tất cả các bạn. Tôi từng có vấn đề trong mối liên hệ với thượng sư, với Tăng đoàn và về mặt chính trị. Thế nhưng, giờ đây tôi thực sự cảm thấy chẳng cần thiết phải làm gì với những vấn đề đó trong sự tu tập và trưởng dưỡng đạo tâm của mình. Tất cả những gì tôi phải làm là tập trung vào việc tu tập tâm linh nương theo ân đức gia trì của thượng sư. Còn những việc khác mọi người muốn làm gì cũng được.
Chúng ta cần có cái nhìn vượt lên trên quan kiến thông thường hiện tại để nhìn vạn pháp từ lăng kính ‘Báo Thân’
Cuối cùng chúng ta sẽ có thể tôn kính đạo sư của mình như Vajradhara – Đức Phật Kim Cương Trì, tôn kính Tăng đoàn như chư Bồ Tát, Daka, Dakini. Tuy nhiên, để có được quan kiến này, chúng ta cần vượt lên trên ý niệm hiện tại thông thường và nhìn vạn vật từ lăng kính ‘Báo Thân’. Mặc dù ngay lúc này điều đó có thể quá ‘cao’ và ‘xa vời’, chúng ta vẫn nên đặc biệt quan tâm cho mối liên kết với các thiện hữu tri thức giống như trưởng dưỡng mối liên kết với đạo sư.
Sống lục hòa tương thân tương ái rất quan trọng cho dù bạn có phải là hành giả hay không, đặc biệt là sống trong Tăng đoàn. Nếu chúng ta không sống tương thân tương ái thì cho dù có tín tâm và sùng kính đức thượng sư, chúng ta vẫn sẽ bị lạc lõng và cảm thấy bị đối xử tệ hại. Những cảm thọ tiêu cực đối với Tăng đoàn chính là phiền não và ám chướng nặng nề, không có gì tồi tệ hơn thế và ảnh hưởng rất xấu tới sự tu tập của bạn. Nếu chúng ta cười nói, giả vờ thân thiết như ôm hôn, bắt tay một cách giả tạo, không xuất phát từ trái tim mình thì sẽ gây ra rất nhiều vấn đề rắc rối cho cả cá nhân chúng ta lẫn người khác. Ấy vậy mà tình trạng này lại đang diễn ra trong Tăng đoàn của chúng ta. Mọi người ôm hôn nhau và nói lời “Xin chào” nhưng lại nói xấu sau lưng nhau. Quả là bất hạnh thay khi đó là điều mà một số hành giả của Đạo Phật đang cư xử, nó ảnh hưởng rất xấu tới sự tu tập đạo tâm.
Mối liên hệ giữa thượng sư và đệ tử đơn thuần là vấn đề liên quan đến trưởng dưỡng tín tâm
Mối liên hệ giữa thượng sư và đệ tử đơn thuần là vấn đề liên quan đến trưởng dưỡng tín tâm. Như tôi vẫn thường nói, tín tâm là chính kiến bởi lẽ chỉ thông qua chính kiến thì lòng tin chân chính mới phát khởi. Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là trước khi phát triển mối liên hệ thầy trò, bạn cần hiểu rõ người thầy và người thầy cũng cần hiểu rõ về bạn cùng những phẩm chất của bạn với tư cách là một người đệ tử. Mỗi bên đều nên phát triển sự hiểu biết về mặt trưởng dưỡng đạo tâm và phẩm hạnh nội tâm. Ví dụ, người thầy phải kiểm tra sự tinh tiến và tâm bồ đề của đệ tử. Còn đệ tử cũng có quyền kiểm chứng liệu người thầy có từ bi và chân tu thực chứng hay không.
Người thầy không nên gượng ép bắt đầu mối liên hệ này trừ phi đảm bảo được sự tinh tiến và bồ đề tâm của đệ tử. Người đệ tử không nên vội vàng khởi đầu mối liên hệ trong khi không biết chút gì về đạo sư mà chỉ vì danh tiếng của người đó. Thực hành giáo pháp là điểm mấu chốt trong sự kết nối này.
Xin lấy một ví dụ, Ngài Marpa đã không truyền giáo pháp cho Ngài Milarepa trong một thời gian rất dài. Milarepa bị bỏ lại trong khi Marpa truyền thụ giáo pháp cho hơn một trăm đệ tử khác. Mặc dù không được tham dự những buổi truyền pháp như vậy suốt nhiều năm, nhưng Milarepa không bao giờ nghi báng trí tuệ của Marpa. Vì Marpa và Milarepa đều có chính kiến nên mối liên hệ giữa họ trở nên bất hoại. Milarepa chỉ lo ngại rằng mình sẽ không bao giờ được thụ nhận giáo pháp từ Marpa.
Marpa tiếp tục trì hoãn không truyền thụ giáo pháp cho Milarepa vì Milarepa cần phải tịnh hóa bản thân bằng cách xây dựng rất nhiều công trình, đây chính là pháp tu mở đầu của Ngài. Pháp tu mở đầu của Milarepa là xây cất các công trình, sau đó đập bỏ chúng, rồi xây dựng lại. Ngài phải lặp đi lặp lại công việc này rất nhiều lần. Marpa không thể dạy pháp cho Milarepa trước khi pháp tu mở đầu của Milarepa được hoàn thành bởi vì nếu không giáo pháp sẽ không được thấm nhuần một cách hiệu quả nhất. Do đó, điều quan trọng là Milarepa phải từng bước hoàn tất pháp tu mở đầu của mình một cách chính xác. Đây là lý do chủ yếu tại sao Ngài Marpa cứ liên tục trì hoãn chưa ban truyền giáo pháp cho Milarepa.
Ngày nay, các bậc thượng sư thường truyền dạy giáo pháp liền một lúc. Rồi họ tuyên bố: “Được rồi đấy, giờ ta đã truyền thụ tất cả các pháp tu cho con, bao gồm cả Mahamudra và Dzogchen. Nay con đã có được mọi pháp để tu tập mà không cần phải hoàn thành bất kể pháp tu mở đầu nào.” Đây thực sự là một sự hỗn tạp! Mặc dù không nên thực hiện theo cách thức này, vậy mà một số người thầy vẫn cứ làm. Tôi không hiểu tại sao, có lẽ là do họ không có đủ phẩm hạnh hoặc có thể họ chỉ ‘trưng bày’ thế thôi và vì lý do nào đó họ không truyền thụ bất kỳ giáo pháp nào. Điều này quả thực không nên.
Thượng sư nên thực tế và cần phải kiểm tra tâm bồ đề của đệ tử
Thượng sư nên thực tế và cần phải kiểm tra tâm bồ đề của đệ tử. Sau đó, cố gắng trưởng dưỡng cho người đệ tử. Còn người trò không nên vội vàng hấp tấp lao vào các pháp tu cao cấp mà không bắt đầu bằng tu trì pháp tu mở đầu. Đệ tử nên làm những việc thực tế, đừng nên chỉ quanh quẩn bên đạo sư và chuyện trò với Ngài. Có thể sẽ mang lại niềm vui thật đấy nhưng không thực tế. Bạn nên chỉ thụ nhận một số giáo pháp, sau đấy thực hành pháp tu đó. Như vậy lợi ích hơn rất nhiều việc chỉ biết loanh quanh rao rảng: “Ồ, đức thượng sư của tôi là thế này thế kia, tôi đang đi cùng Ngài và đoàn của Ngài.” Việc này không lợi ích. Nó không có chút ý nghĩa nào ngoại trừ gia tăng danh vọng. Do đó, sự tu tập tâm linh của bạn cần phải được thực hiện.
Khi bạn đã có đôi chút tín tâm, chính kiến và một chút ý thức rõ ràng trong tâm về đạo sư và giáo pháp của Ngài, giáo pháp đó cần phải được vận dụng và hiểu biết đúng đắn ngay lập tức. Nếu bạn nắm bắt và vận dụng được sự hiểu biết của mình theo mục đích, bạn sẽ tiến bộ trên bước đường tu tập. Bằng không, sẽ chẳng có điều gì xảy ra. Vì vậy, từ nay trở đi bạn nên bắt đầu sự tu tập. Như tôi đã từng nói, nếu bạn nhất tâm thì sẽ không có điều gì thực sự đáng ngại cả. Chỉ cần kiên trì tu tập thì không có gì đáng để bận tâm nữa. Hãy nhất tâm trưởng dưỡng tâm bồ đề vô ngã vị tha và sự tu trì của bạn sẽ là sự tu tập chân chính. Như vậy đấy! Bạn hãy thực hành và sự tiến tu sẽ tiếp bước theo sau.
Dĩ nhiên, người ta thường nói rằng tín tâm ban đầu cần phải rất mạnh mẽ rồi bạn mới tiến bộ được. Thế nhưng, thực ra rất khó để có được tín tâm mạnh mẽ ngay từ đầu, cho nên một khi bạn đã phần nào hiểu được về người thầy, bạn thực sự cần tận dụng và đừng lãng quên. Đừng nên đánh mất chính kiến ấy.
Hiện nay, nhiều Phật tử rất thiếu chính kiến. Họ không biết mình thực sự đang làm gì trong việc tu tập đạo tâm. Họ luôn khát khao mong đợi khám phá ra điều gì đó nhưng lại không chịu tu tập thực hành. Họ có mong muốn mạnh mẽ tham dự những đại pháp hội trước khi bắt đầu sự thực hành, nhưng điều đó chẳng giúp ích gì vì cuối cùng họ lâm vào nghi báng do thiếu trí tuệ. Có được thứ trí tuệ nhất tâm rất cần thiết quan trọng nhưng trí tuệ ấy lại bị thiếu mất. Họ chỉ biết ngồi đó suy nghĩ vẩn vơ xem mình nên tu pháp nào: “Mình thụ nhiều pháp như thế, nên tu pháp nào đây? Nên theo đạo sư nào đây? Nên nhận một hay hai người làm thầy? Nên tu pháp Dzogchen hay Jang Chog (pháp tu cầu siêu)?” Đủ thứ vọng niệm tà kiến sẽ phát khởi.
Bạn nên thực hành ngay khi có chính kiến
Sẽ có rất nhiều mâu thuẩn nảy sinh trên con đường đạo pháp của bạn, chúng mang tính hủy hoại và lãng phí rất nhiều năng lượng và thời gian của bạn khi bạn chỉ biết ngồi đó suy nghĩ vẩn vơ mà không chịu tu tập. Thay vì như vậy, bạn nên lập tức tu tập thực hành mỗi khi có chính kiến. Bạn nên nắm bắt lấy những cơ duyên này nhưng đồng thời cũng phải kiểm chứng xem chính kiến đó là như thế nào. Có phải bạn thực sự say mê giáo pháp và tu trì vì lợi ích của hết thảy hữu tình hay chỉ vì bạn quan tâm ưa thích cá nhân vị đạo sư đó? Điều này rất quan trọng. Nếu chỉ vì bạn quan tâm ưa thích cá nhân người thầy đó thì rất nguy hiểm và dễ lầm lạc. Hệ quả sẽ dẫn đến nhiều hiểu lầm rắc rối. Tuy nhiên, nếu bạn ưa thích giáo pháp của đạo sư thì đó là điều tốt. Vì vậy, một mặt rất khó để có thể khởi đầu, nhưng mặt khác cũng lại rất giản đơn.
Ngay trong cộng đồng người Tây Tạng chúng ta cũng gặp phải rất nhiều vấn đề. Chúng ta có rất nhiều tín đồ nhưng tín tâm của họ rất mang nặng tính bè phái. Họ phân biệt
“Ôi, Pháp Vương của chúng ta! Đức Thượng sư của chúng ta! Thầy của chúng ta!” Từ tận đáy lòng, họ rất mực kính quý, luôn chăm sóc chu đáo cho đạo sư và thậm chí có thể hy sinh tính mạng vì người thầy. Nếu họ thực sự kính trọng bậc Thượng sư là rất tốt. Thế nhưng, đó không nhất định là lòng tín tâm sâu sắc mà là do ái kiến tình cảm. Họ sẵn sàng hy sinh vì đạo sư do xúc cảm mạnh mẽ và kéo dài. Đó không phải là tín tâm sâu đậm vì họ có thể lại rất ghét những Thượng sư khác. Trong xã hội Tây Tạng, chúng ta đặc biệt có xu hướng tiêu cực này. Song, tôi hy vọng rằng xu hướng này sẽ không gặp phải ở phương Tây nơi Phật Pháp còn rất mới mẻ.
Chúng ta không nên để bất kỳ cảm xúc hay ý tưởng tiêu cực nào ảnh hưởng xấu đến tín tâm của mình.
Chúng ta không nên để bất kỳ cảm xúc hay ý tưởng tiêu cực nào ảnh hưởng xấu đến tín tâm của mình, nếu không, đó tuyệt đối không phải tín tâm thanh tịnh. Chúng ta cần có tín tâm thanh tịnh, chính kiến thanh tịnh dựa trên sự tu tập đạo tâm. Không nên khởi nghi báng về bậc thượng sư người đã khai thị hướng đạo để trực nhận bản tâm nơi mình. Bất kỳ ai khai thị bản tâm trong sáng nơi bạn, người đó luôn là bậc vô thượng sư, nhưng chớ để điều đó khơi dậy tình cảm trần lụy mà hãy để nó khơi dậy tín tâm và trí tuệ hiểu biết của bạn về Đức Phật Kim Cương Trì - Vajradhara và bản tôn.
Chẳng hạn, bạn không nên có ý nghĩ cho rằng những thượng sư khác không can hệ đến bạn là những người ‘thứ yếu’, hoặc dù họ có bị giết hại cũng không sao vì bạn chẳng ưa thích gì họ! Đôi khi, nếu bạn càng yêu thương mạnh mẽ thì sự thù hận ghen ghét cũng càng mạnh mẽ - yêu ghét luôn đi đôi với nhau. Tuy nhiên, đây là thứ tình thương thế gian trần lụy. Vì chúng ta đang sống trong cõi thế tục, cũng khó tránh khỏi những vọng niệm xúc tình tiêu cực nhưng chúng ta phải nỗ lực tinh tấn tỉnh thức nhất tâm tu tập đừng để xao lãng.
Điều tôi muốn nhắn gửi đến các bạn là dẫu cho một cách tương đối, bạn có thể xếp các bậc đạo sư của mình các vị trí thứ nhất, thứ nhì hay thứ ba về mặt tình cảm hoặc trong sự tu tập nhưng bạn vẫn luôn phải sùng kính các vị đạo sư một cách bình đẳng không chỉ là đạo sư của bạn. Còn nếu bạn có thái độ phân biệt thì điều đó có nghĩa bạn chưa thực sự hiểu biết chân thật về Thượng sư. Cái hiểu của bạn đã bị lệch lạc, nghĩa là bạn có thể chỉ ưa thích cá nhân vị đạo sư chứ không phải giáo pháp của Ngài. Sự ưa thích đó có thể sẽ gây rắc rối. Mặc dù nó có vẻ là một ý nghĩ hay ho và lãng mạn, nhưng cũng chính là một bước đi sai lệch đầu tiên. Nó dường như thật dễ chịu, lãng mạn, ngọt ngào, ấm áp và đầy màu sắc, nhưng hệ quả thì vô cùng đảo điên. Nó sẽ dẫn đến một mối liên hệ lệch lạc với đạo sư, một sự tu tập lầm lạc, và một Tăng đoàn hỗn loạn.
Quan kiến thanh tịnh và tín tâm thanh tịnh cùng song hành
Trong Phật Giáo Kim Cương Thừa Tây Tạng có câu: “Chừng nào bạn có tín tâm đối với thượng sư và giáo pháp của Ngài, chừng đó chắc chắn bạn cũng sẽ có được chính kiến thanh tịnh đối với chư vị thượng sư và mọi người khác.” Quan kiến thanh tịnh và tín tâm thanh tịnh luôn song hành với nhau. Nếu cái được gọi là tín tâm của bạn đối với đạo sư thực chất lại mang tính cảm xúc thì bạn sẽ không thể có được chính kiến thanh tịnh về bất kỳ người nào khác. Thay vào đó, bạn sẽ có tà kiến bất tịnh về các Rinpoche và đạo sư khác. Thật không may và đáng buồn thay, điều này lại đang diễn ra trong xã hội của chúng ta.
Trong cộng đồng Phật Giáo, đặc biệt là trong cộng đồng Phật Giáo Tây Tạng, chúng ta có các trung tâm Phật Pháp, có các đệ tử, các vị lama, các bậc đạo sư không sống hòa hợp được với nhau. Nếu loại tà kiến này hiện hữu thì chắc chắn người đó không có tín tâm. Họ không có tín tâm cho dù họ rất yêu quý bậc thầy và luôn miệng nói: “Ôi, đức thượng sư của tôi, dòng truyền thừa của tôi, đạo tràng của tôi!” Có thể họ giúp đỡ được phần nào đó cho đạo tràng của mình nhưng điều đó không có nghĩa là họ có tín tâm chân chính về mặt đạo tâm. Dĩ nhiên, không có gì sai trái khi bạn có mối liên hệ tình cảm đối với người thầy và khi bạn muốn giúp đỡ Ngài, dòng truyền thừa hay trung tâm Phật Pháp của Ngài. Điều đó cũng tốt! Nhưng đây không phải là con đường chân thật để khai triển các mối nhân duyên liên kết song song với con đường tu trì đạo pháp.
Phân định rõ ràng giữa lòng sùng kính tín tâm với cảm xúc là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, tín tâm thanh tịnh cần phải được thiết lập trong mối tương quan với sự thực hành đạo pháp chứ không phải mang tính tôn giáo. Bất kỳ ai giáo dạy bạn về tăng trưởng đạo tâm và con đường tu tâm luôn là bậc vô thượng sư. Thế nhưng, mối liên kết với bậc thượng sư đó cần thuần khiết và dựa trên tín tâm thanh tịnh. Nếu có được điều này, không bao giờ có chuyện bạn nói những lời bất mãn, tiêu cực về đạo sư của mình cũng như về bất kỳ vị đạo sư nào khác. Không bao giờ có chuyện đó xảy ra!
Tại sao bạn lại nói những lời tiêu cực? Thậm chí về mặt sự tướng, bạn có thể chứng kiến rất nhiều, được nghe kể rất nhiều những điều tiêu cực đi chăng nữa, thì sao nào? Đó không phải là việc của bạn! Việc của bạn là tập trung tu dưỡng thực hành đạo pháp, những gì thượng sư đã truyền dạy cho bạn, vậy thôi! Tất cả những vấn đề khác của thượng sư là việc của Ngài. Cho dù Ngài có đang cố hủy hoại cả thế giới đi nữa thì cũng chẳng sao! Cứ để Ngài làm nếu có thể. Việc của bạn là kiểm soát những cảm thọ của mình, chuyển hóa chúng và trưởng dưỡng theo hướng tích cực để cuối cùng làm lợi ích cho vô lượng hữu tình. Nếu bạn nhất tâm tu hành như vậy, chính là đang phụng sự đạo sư và bản thân mình. Bạn đang phát triển cách sống chân chính và đang làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh. Cuộc đời bạn vì thế sẽ tràn đầy hạnh phúc, an lạc, thành tựu và mãn nguyện.
Nguồn: Relationship between Guru and Disciple, trích trong tạp chí ‘Dragon’, Winter 2002.