Hai Chân Lý
Đây là một giải thích vô cùng ngắn gọn về hai chân lý, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Chân lý tương đối là kinh nghiệm của ta về mọi hiện tượng tương đối, là những gì ta thường coi là thực sự hiện hữu và thật có mà không khảo sát bản tánh chân thật của chúng. Mọi niệm tưởng của ta, những lời ta nói và mọi sự ta nhìn thấy, mọi vật chất, được cho là
có điều kiện bởi chúng sinh khởi nhờ những nhân và duyên. Mọi sự có điều kiện thuộc phạm trù chân lý tương đối.
Nếu ta không khảo sát bản tánh của chúng, ta cho rằng chúng có sự hiện hữu nội tại và chân thật nào đó, nhưng đó là một nhận thức sai lầm được đặt nền trên sự thiếu hiểu biết về bản tánh chân thật thiết yếu của các sự vật. Khi ta khảo sát, ta nhận ra rằng mọi sự việc có điều kiện của chân lý tương đối không có bản chất chân thực, ngay cả ở mức độ vi tế nhất. Ngay cả một phân tử nhỏ bé nhất của một sự vật cũng không có sự hiện hữu chân thực. Lấy một ví dụ, nếu ta thực sự nhìn vào bản chất của trang sách này, nếu ta lấy một phần của trang giấy và mực và nhìn kỹ vào các phân tử cùng tụ hội để tạo ra nó, cuối cùng ta nhận ra là không có trang giấy thực sự và nội tại ở đây. Khi ta thực sự khảo sát bản chất của mọi hiện tượng theo cách đó, ta không tìm thấy điều gì; không có sự hiện hữu chân thực, thực có nào được tìm thấy ở đó. Thân thể vật lý của ta cũng đúng như thế. Ta thường mặc nhiên thừa nhận sự hiện hữu chân thực của thân thể ta, thậm chí khi nghĩ
đây là tôi và
đây là thân thể tôi, và nó rất thật đối với ta. Nhưng ở mặt khác, nếu ta khảo sát kỹ lưỡng, ta sẽ nhận ra rằng thực ra nó không có bản tánh nội tại. Mọi hiện tượng có điều kiện đều giống như thế, và không như ta nhận thức nó. Không có điều nào trong chúng thực sự hiện hữu, và vì thế bởi ta đang chịu sự tác động của mê lầm, mọi hiện tượng phức hợp mà ta kinh nghiệm là thực sự hiện hữu thực ra chỉ là chân lý tương đối.
Chân lý tuyệt đối là tánh Không, nhưng nó không phải là loại tánh Không có nghĩa là không có gì ở đó, giống như khi bạn nhìn một cái ly và bạn không thấy có chất nước ở bên trong vì thế bạn nói
nó trống không. Đúng hơn, chân lý tuyệt đối là tánh Không (sự trống không) tự nhiên trùm khắp mọi hình tướng. Nó là bản chất, nền tảng để mọi sự xuất hiện. Khi ta khảo sát chân tánh của mọi sự xuất hiện trước ta, ta sẽ nhận ra là chúng không có bản tánh nội tại; không có điều gì để chỉ ra rằng mọi sự ta nhìn thấy có một hiện hữu độc lập và chân thật. Đúng hơn, ta thấy rằng bản chất của những sự vật đó là tánh Không, và đây là sự trống không (tánh Không) tự nhiên trùm khắp mọi hiện tượng.
Chân lý tuyệt đối là tánh Không này; từ viễn cảnh của chân lý tuyệt đối, ta nhận ra rằng không hiện tượng nào có sự hiện hữu chân thật, thậm chí một mẩu nhỏ nhất của một phân tử cũng không có chút hiện hữu chân thật nào. Điều đó là đúng đối với tâm chủ quan của ta, cũng như đối với mọi đối tượng của tâm, là các hiện tượng xuất hiện trước nó. Cả chủ thễ lẫn đối tượng đều không có chút hiện hữu chân thật nào. Tâm không có một thực thể thật có, là điều có thể tìm thấy và nhận dạng theo cách thông thường; không thể định vị hay xác định tâm ở bất kỳ nơi nào, vì thế bản tánh của tâm cũng là tánh Không.
Khi ta thực sự nhìn vào trong và hoàn toàn khảo sát chân tánh của tâm ta, sự hiểu biết của ta về điều này sẽ đến từ kinh nghiệm trực tiếp. Ta càng khảo sát và hiểu biết bản tánh của tâm nhờ sự thiền định, ta sẽ càng tịnh hóa các che chướng và phát triển sự chứng ngộ, và nhờ đó sinh khởi các phẩm tính giác ngộ. Điều này là bởi mọi phẩm tính giác ngộ và chứng ngộ vốn có đều nằm trong bản tánh trống không của tâm ta, bởi tánh Không không phải là không có gì hết. Các phẩm tính giác ngộ là đặc tính của tánh Không. Chính bởi bản tánh trống không này mà ta sinh khởi các phẩm tính giác ngộ khi ta đạt được sự chứng ngộ toàn triệt của chân lý tuyệt đối.
Đức Nagarjuna đã nói rằng không có điều gì không có tánh Không, và không có điều gì không được khởi nguồn một cách phụ thuộc. Bằng những từ
khởi nguồn một cách phụ thuộc ngài muốn nói đến sự sinh khởi nhờ tính chất tương thuộc. Sự tương thuộc và tánh Không thì thực sự không thể chia cách. Tương thuộc là sự đan dệt phức tạp của các nhân, duyên và nghiệp quả, và vì thế tự thân sự tương thuộc cũng có bản tánh trống không. Do đó, chân lý tương thuộc chỉ rõ một cách trực tiếp và tự nhiên chân lý tánh Không, và chúng không thể chia cách.
Trích “TU HỌC PHẬT PHÁP: Nguồn Mạch của Hạnh Phúc Nhất Thời và Vĩnh cửu”, Khenpo Samdup.