Hành Giả Atisha Tầm Sư Học Đạo Bồ Đề
Một ngày kia, trong khi Atisha đang kinh hành quanh Kim cang tòa của Phật tại Bồ đề tràng, ngài nghe cuộc đàm thoại giữa hai thiếu nữ đã vượt được những giới hạn của thân xác con người, đang nói chuyện trên bầu trời phía nam của Bồ đề tràng.
Một cô hỏi: “Muốn giác ngộ cho toàn vẹn và nhanh thì người ta nên tu theo pháp nào?”
Cô kia bảo: “Hãy tu luyện tâm bồ đề.”
– “Phải đấy, tu bồ đề tâm là phương tiện cao cả nhất.”
Atisha đã dừng kinh hành để nghe cuộc đàm thoại, và ghi hết vào lòng như một bình chứa nhận hết nước trút từ bình khác.
Có lần ngài đang đứng cạnh hàng rào bằng đá do bậc thầy Long Thọ dựng lên, thì nghe ở đấy có một bà già bảo cô gái: “Bất cứ người nào muốn đạt giác ngộ sớm phải tu luyện tâm bồ đề.”
Một pho tượng Phật ở dưới hành lang của ngôi đại điện tại Bồ đề tràng có lần bảo Atisha, trong khi ngài đang kinh hành tại đấy: “Hỡi khất sĩ, nếu ngươi muốn giác ngộ sớm, thì hãy tu luyện tâm từ, tâm bi và tâm bồ đề.”
Một lần khác, khi ngài đi quanh vách đá một am cốc nhỏ, pho tượng Ðức Thích Ca bằng ngà voi nói với ngài: “Hỡi thiền giả, hãy tu luyện tâm bồ đề nếu ngươi muốn sớm đạt toàn giác.”
Thế là Atìsha tu tập phát triển tâm bồ đề hơn bất cứ lúc nào trước đấy, và vì muốn tu đạt đến trạng thái cao nhất của tâm bồ đề, ngài tự hỏi: “Ai là người nắm giữ toàn bộ giáo lý về điều này nhỉ?” Ngài tra tầm và nhận ra chính Suvarnadvìpi là người nổi tiếng bậc thầy về tâm bồ đề. Ngài dự định đi đến vị ấy ở Nam Dương để thụ giáo một cách toàn triệt về bồ đề tâm. Ngài vượt đại dương suốt mười ba tháng trên một con thuyền với vài thương gia đi buôn bán. Khi ấy thần dục lạc vì không chịu nổi sự lan truyền của Phật pháp, muốn ngăn cản tâm bồ đề của Atisha, nên đã thổi một luồng gió mạnh để làm cho chiếc thuyền xoay quanh, lại hóa một con cá voi lớn án ngữ trước mũi không cho thuyền đi tới, hóa sấm chớp, vân vân, gây rối loạn. Hiền trí Kagarbhà xin Atisha sử dụng thần thông phẫn nộ. Ngài bèn nhập định quán tưởng thần Yamàtaka màu đỏ hiện ra hàng phục được đám quỷ quấy phá, và cuối cùng đoàn người đến Nam Dương.
Atìsha đã trở thành một học giả và hành giả vĩ đại. Như ta đã nói, lúc mới mười tám tháng tuổi, ngài đã tự thốt ra những lời chứng tỏ ngài đã am tường về tâm bồ đề. Thế mà ngài vẫn tình nguyện trải qua bao nhiêu gian khổ để đi đến Nam Dương, điều ấy chứng tỏ cho chúng ta thấy trong phái Ðại thừa, không có gì quan trọng cốt cán hơn là bồ đề tâm.
~ Trích "Con Đường Nhanh Nhất đến Giác Ngộ"