Hãy Điềm Đạm, Như Những Sợi Giây Đàn Ghi Ta
Khenchen Konchog Gyaltshen
Nếu bằng cách thích hay không thích,
bạn phản ứng dữ dội đối với chút lợi lạc hay tai hại,
rốt cuộc bạn không biết ai sẽ giúp đỡ hay làm hại bạn.
Thật tốt khi đáp lại mà không quá vui thích hay giận dữ.
Hãy có những tư tưởng cao quý.
Hãy điềm đạm, như những sợi giây đàn ghi ta.(Bhande Dharmaradza) TRONG ĐỜI SỐNG SINH TỬ BÌNH THƯỜNG, khi ta phản ứng với
thích hay
không thích một cách mạnh mẽ, điều này tạo nên một cuộc đời rất nhiều màu sắc. Thật là phấn khích khi ta thích điều gì đó và vui mừng khôn xiết hay khi ta không thích một điều gì nhiều đến nỗi ta trở nên rối loạn và chán nản—thậm chí tự tử. Sự biểu lộ cảm xúc này khiến cho cuộc đời trở nên bi thảm, và ta đi đến chỗ coi một khuynh hướng điềm đạm là tẻ nhạt. Nhưng cuối cùng, để kinh nghiệm sự an bình và hỉ lạc, điều tốt nhất là điều phục các cảm xúc của ta.
Ta không nên phản ứng quá mạnh mẽ đối với những điều không đáng kể. Thái độ này giúp cho việc thực hành Pháp được tốt đẹp cũng như khiến gia đình và xã hội được yên bình. Việc phản ứng quá nhiều, dù là tích cực hay tiêu cực, sẽ làm cho ta không kiên cố và cho thấy tâm ta yếu ớt biết bao. Nếu bạn gặp điều bạn không thích, hãy chuyển hóa cách bạn nhận thức nó. Bạn nên nhận ra rằng bản chất của nó là vô thường, hay thậm chí hư huyễn, và hãy sử dụng nó để nâng cao các thực hành trí tuệ và bi mẫn của bạn. Nếu bạn thích điều gì đó, đừng tham luyến nó. Là một hành giả tu tập, hãy xem mọi sự như một trò phô diễn. Hãy giữ tâm bạn dịu dàng, an bình, bi mẫn, và tràn đầy Bồ đề tâm.
Đôi khi người làm hại bạn lại là người thực sự giúp bạn nhiều nhất, thậm chí còn hơn cả người thích bạn. Vì thế, đừng trông đợi, hãy giảm bớt giận dữ đối với những việc bạn không thích, và bớt tham luyến đối với những việc bạn thích. Khi ta chơi
đàn ghi ta, giây đàn phải có độ căng thích hợp, không căng quá mà cũng không chùng quá. Tương tự như thế, điều quan trọng là luôn luôn duy trì một tâm thức
điềm đạm, cao quý.
~ Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ về Con Đường Phật Pháp” Phúc Hạnh An trích dẫn.