Hãy nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi một cách cởi mở, thành thật, không chối bỏ
Đường đời dài và lắm gian truân. Tôi không ngại những gập ghềnh phải vượt qua nhưng đôi khi lại bồn chồn khi thấy con đường cứ trải dài phía trước. Chẳng ai trong chúng ta biết đường đời ngắn hay dài vì thế chúng ta luôn sống trong phấp phỏng, hy vọng và lo âu. Hầu hết mọi người đều yêu thích những chặng đường đầy hy vọng, nhưng không may hy vọng lại luôn đi kèm sợ hãi. Chẳng hạn, bạn sung sướng vì chiếm được trái tim của người yêu trong mộng hoặc do được tiến cử vào vị trí công việc mình hằng ước ao. Nhưng sớm hay muộn, những cảm xúc tuyệt vời ấy sẽ đi kèm với nỗi sợ hãi đánh mất người yêu, đánh mất vị trí trong công việc. Bạn luôn lo lắng sẽ có gì bất tường xảy ra, hay nghi ngờ mình không đủ năng lực níu giữ hạnh phúc.
Sợ hãi, lo lắng dường như đã trở thành căn bệnh thời đại. Nếu bạn luôn đặt nhiều kỳ vọng về mọi thứ thì lo lắng và sợ hãi đương nhiên sẽ tới. Vì diễn biến cuộc đời hiếm khi theo kịch bản ta phóng chiếu, chắc hẳn bạn đã từng đối mặt với thất vọng, kèm theo đó là sự sợ hãi nếu tiếp tục mạo hiểm, chúng ta sẽ còn thất bại lần nữa. Ta tự hỏi, khi đó cuộc đời sẽ đi về đâu!
Vấn đề nằm ở chỗ, khi quá hoảng sợ, sự sợ hãi thường dẫn đến tâm lý bế tắc thay vì giúp chúng ta biết tùy duyên hành xử. Vì thế, tốt nhất bạn hãy trực diện nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi một cách cởi mở và thành thật, không chối bỏ nhưng cũng đừng để cho nó níu chân, ngăn cản bạn nỗ lực vượt qua khó khăn chướng ngại.
Trạng thái bình thường, tự nhiên của đời sống thực sự chính là vô úy. Nếu có thể tiếp cận hay kết nối với trạng thái nguyên sơ đó, bạn sẽ trở nên tự tin, mạnh mẽ và vô úy hơn rất nhiều. Khi nhận thấy mình chẳng cần trở nên hoàn hảo, chẳng cần ganh đua với người khác, chẳng nên bị chi phối quá nhiều bởi những chỉ trích đàm tiếu bên ngoài, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận sự tự tin và vô úy tự tại.
Thử tưởng tượng một ngày bạn thôi không tự trách mình, cũng chẳng bị ai phán xét, chẳng hề buồn phiền lo sợ về “những gì có thể xảy đến”. Chấp nhận không có nghĩa là bạn trở nên bàng quan với thế giới xung quanh hoặc chẳng cần nỗ lực tìm kiếm mục tiêu cho mình, tuy nhiên, nó chỉ nhắc nhở chúng ta rằng chẳng ai hoàn hảo, ta không tốt mà cũng chẳng tệ hơn người khác. Vậy tại sao không sống như con người thực của mình và tận hưởng cuộc sống một cách ý nghĩa thay vì uổng phí thời gian lo lắng cho những thứ không đâu?
Trân trọng tri ân cũng khiến ta tự tin hơn, vô úy hơn. Khi nhận thức được ý nghĩa quý giá của kiếp người và những điều may mắn khi sinh ra làm người, bạn sẽ biết chấp nhận mọi sự và trở nên ít âu lo hơn. Với việc nhận ra nét đẹp và sự hoàn hảo nơi người khác, bạn cũng sẽ thấy được nét đẹp và sự hoàn hảo nơi chính bản thân mình. Thay vì lo lắng sợ hãi, bạn sẽ cảm thấy hứng khởi muốn tìm tòi, khám phá chiều sâu thế giới bên ngoài và bên trong chính mình. Vô úy không có nghĩa là bạn không bao giờ phải đối mặt với nỗi sợ hãi bởi sợ hãi luôn đi cùng hy vọng mà hy vọng lại là một phần tất yếu của cuộc sống. Giống như sân giận, nỗi sợ hãi cũng có thể là người thầy của bạn. Chẳng hạn, trong những thời pháp đàm đầu tiên của tôi ở Anh Quốc, khi thỉnh cầu tôi về vấn đề gì, cử tọa thường bày tỏ quan điểm của mình trước và điều đó khiến tôi bối rối chẳng biết nên trả lời thế nào. Khi đấy, tôi có cảm giác hơi khó hiểu và thoáng chút e ngại. Tôi tự vấn mình: “Liệu đó có phải là một câu hỏi?”, và hiểu rằng bản ngã của tôi đang bám chấp vào tình huống này. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự sợ hãi e ngại. Trên thực tế, chúng ta luôn trải qua những tình huống như vậy trong cuộc sống hàng ngày. Nếu biết nhìn nhận, chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học hữu ích để đối trị sợ hãi từ chính những tình huống này!
Đối với nhiều người, nỗi sợ hãi khiến họ vô cùng đau khổ, tuyệt vọng, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực như tự sát. Đáng buồn thay, họ không biết cách chuyển hóa năng lượng sợ hãi thành trí tuệ, nên thường để nó lấn át đè bẹp. Khi đó, ý thức về “cái tôi” giữ vai trò thống trị chi phối khiến cho bản chất cốt tủy của đời sống bị thu hẹp, tới mức vượt tầm kiểm soát. Đó là lý do tại sao, tôi luôn nói rằng chấp nhận là phương châm sống của tôi. Biết cách chấp nhận, tự cảm thấy hài lòng với những gì mình có và những nỗ lực tối đa của bản thân sẽ khiến bạn thoát khỏi mọi ràng buộc, được tự do tự tại. Nếu có thể nhắn gửi duy nhất một điều, tôi muốn khuyên bạn hãy biết chấp nhận. Chấp nhận sẽ đem lại cho bạn sức mạnh lớn lao.
Trích “Giác Ngộ Mỗi Ngày”, Gyalwang Drukpa