HIỂU RÕ VỀ ẢO TƯỞNG
Trước tiên Phật giáo giảng về hai chân lý: tục đế và chân đế. Từ “chân lý” dùng cho cả hai trường hợp để chỉ ra rằng cả hai đều là thật.
Thế nào là thật? Lấy ví dụ, tất cả các hình ảnh trong giấc mơ là không thật với người đang thức; tuy nhiên chúng lại là rất thật với những người đang chìm đắm giữa cơn mơ, cũng giống như các trải nghiệm trong cuộc đời thì rất thật với một người vào lúc ban ngày. Tương tự, người thực hành và người không thực hành nhìn thế giới một cách khác nhau. Tuy nhiên, mỗi người đều nghĩ rằng thế giới mà họ đang sống là có thật.
Theo Đức Phật, cuộc sống mà những người bình thường đang sống là có thật đối với họ. Vì thế, những người bình thường chỉ có thể làm những gì mà họ cho là đúng; họ không được làm những điều sai trái như trộm cắp, gian lận, nói dối, sát sinh... Tuy nhiên, thực tế này chỉ là một thực tế tương đối, chứ không phải là thực tế tuyệt đối.
Giả dụ như nếu chúng ta đặt một viên đá cuội trên mặt bàn và quan sát bằng chính đôi mắt của mình thì chúng ta chỉ thấy một vật bất động. Nhìn bằng đôi mắt của mình thì chẳng có chuyển động trong nước và các đám mây; không có chuyển động trong một cấu trúc vật lý và trong viên đá cuội. Tuy nhiên, nếu quan sát bằng kính hiển vi thì tình hình hoàn toàn khác. Sự mâu thuẫn rõ ràng này phát sinh bởi vì mắt người và kính hiển vi cảm nhận sự vật với mức độ khác nhau. Kính hiển vi là một dụng cụ tinh vi có khả năng nhìn rõ hơn so với mắt người rất nhiều. Do đó, chúng ta phải kết luận rằng nội dung được khám phá dưới kính hiển vi là chính xác hơn Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, chúng ta cho rằng sự bất động của các đồ vật mà chúng ta tri nhận với mắt của mình là thực. Trong cái thực tại tương đối này, cái mà chúng ta tri nhận bằng mắt là chân lý tương đối; cái được tri nhận bằng kính hiển vi [được xem như là] chân lý tuyệt đối.
Chúng ta không nên tin tưởng quá nhiều vào các giác quan của chúng ta bởi vì chúng không hoàn hảo. Mắt chỉ có thể thấy được lớp ngoài cùng của trái đất, và chúng ta thấy được ánh sáng, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của quang phổ. Chúng ta nghe được âm thanh, nhưng đó chỉ là những âm thanh thông thường, chúng ta không thể phân biệt được các sóng âm thanh tần số cao hơn hoặc tần số thấp. Do đó, chúng ta không thể kết luận rằng các nhận thức qua giác quan của chúng ta là hoàn toàn đúng.
Còn sự khám phá về chuyển động Brown dưới kính hiển vi thì như thế nào - nó có thật ở mức độ chân lý tuyệt đối? Thực tế là luôn luôn có một số tri thức thâm sâu, một thiết bị tối tân và có độ nhạy cao hơn. Với sự ra đời của cơ học lượng tử, chúng ta thấy không thể ứng dụng các lý thuyết trong vật lý được nữa. Mọi kiến thức thế gian chỉ có giá trị ở mức độ tương đối, chứ không phải ở mức độ tuyệt đối.
Nhiều người đã đọc hoặc thậm chí còn trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Theo Bát Nhã Tâm Kinh thì không có mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Mặc dù trong cuộc sống, không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của mắt, tai…kết luận cuối cùng trong Phật giáo lý và mọi hiện tượng chỉ là ảo mộng, chỉ là chúng ta chưa ngộ ra mà thôi.
Nếu chúng ta quan sát thế giới chúng ta sẽ thấy rằng trái đất đang di chuyển với vận tốc 29,79 km một giây, vậy mà trong đời sống, chúng ta không hề nhận biết được điều đó. Những gì được tuyên thuyết trong kinh hơn hai ngàn năm trước về thế giới vi mô và những gì khoa học đã khám phá gần đây đều tương đồng với nhau - các hiện tượng sinh khởi và hoại diệt chỉ trong một thoáng chốc. Bất cứ những gì vừa được sinh ra cũng sẽ bị hoại diệt ngay tức khắc.
Nếu vậy tại sao chúng ta lại không thấy được quá trình sinh và diệt? Lý do là bởi vì nó diễn ra quá nhanh để chúng ta kịp nhận ra. Các sinh viên triết học sẽ dễ dàng chấp nhận các khái niệm về chuyển động và sinh khởi - hoại diệt.
Từ ngữ được sử dụng trong kinh là “sinh khởi - hoại diệt” nhưng thuật ngữ trong vật lý lại là “chuyển động.” Vậy từ nào chính xác hơn? Cá nhân tôi nghĩ rằng từ Phật học “sinh - diệt” là chính xác hơn.
Khi quan sát sự chuyển động của các hạt điện tử từ góc độ vật lý, chúng ta đã sai lầm khi cho rằng chỉ có một hạt điện tử xuất phát ở phía đông, chuyển động sang phía nam, tây và bắc, theo thứ tự này và trở lại điểm ban đầu; vì thế chúng ta gọi đó là một “chuyển động”. Khi quan sát chuyển động của các hạt điện tử từ góc độ Phật pháp, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng khi một hạt điện tử trông như có vẻ quay quanh nhân của nguyên tử, hạt điện tử chiếm vị trí 1 độ của quỹ đạo bị diệt vong ngay tại vị trí này; chiếm giữ từ vị trí 2 độ đến 360 độ là vô số các hạt điện tử, tất cả đều là các sự khởi sinh mới và bị diệt vong ngay tại vị trí của chúng; các hạt điện tử khác nhau này tạo thành ảo ảnh của một quỹ đạo.
Cũng giống như vậy, thế giới mà chúng ta đang nhìn thấy chỉ tồn tại trong một phần vô cùng bé của một giây (một phần mười ngàn của một giây, có thể còn bé hơn thế nữa). Thế giới trong khoảnh khắc trước đó đã hoàn toàn biến mất và thế giới tương lai thì vẫn chưa đến. Tuy nhiên, chúng ta lại tin rằng thế giới tồn tại một cách tương tục, thường còn mà không hề có thay đổi. Chính tâm hư vọng của chúng ta đã dẫn đến kết luận này.
Có một ví dụ rất phù hợp trong lĩnh vực kỹ thuật hiện đại. Phim điện ảnh cũ đã tạo thành từ nhiều khung hình phim nghịch đảo; khung hình thứ nhất chẳng liên quan gì đến khung hình thứ hai nhưng do tốc độ quay chiếu (24 khung hình trong một giây), chúng ta không nhận biết được lúc nào khung hình đầu tiên kết thúc và khung hình tiếp theo bắt đầu. Chúng ta hiểu nhầm rằng khi một người trong phim đi đứng và nói chuyện thì đó là một chuyển động liên tục, chúng ta không nghĩ ra được rằng các hình liên kết với nhau được tạo thành từ nhiều khung hình riêng. Ảo giác xuất hiện bởi vì mắt của chúng ta không nhận thấy được các vật thể tinh tế. Lôgic này được các nhà khoa học và vật lý học dễ dàng chấp nhận lý luận.
Do đó Phật giáo tin rằng tất cả hiện tượng vốn sinh và - diệt bởi nhân duyên cũng giống như một giấc mơ, như ảo thuật, như bọt nước, như cái bóng. Tất cả đều là không thật và hư ảo.
Tuy nhiên, trên quan điểm của chân lý tương đối (tục đế), nếu chúng ta muốn tồn tại và sống một cuộc đời bình thường, chúng ta cần có cái hư ảo đó. Nếu cái hư ảo đó vỡ vụn thì nền tảng của sự tồn tại và tín ngưỡng của chúng ta cũng sẽ sụp đổ theo.
Làm sao chúng ta chứng minh được thế giới chỉ là hư ảo? Hàng trăm năm trước, tổ tiên của chúng ta hoàn toàn dựa vào luận lý để suy luận và đưa ra kết luận. Ngày nay, bên cạnh luận lý, chúng ta còn có thể dựa vào kỹ thuật để chứng minh rằng cuối cùng thì tất cả hiện tượng đều là rỗng rang.
Có lẽ chúng ta sẽ hỏi rằng vì sao cuối cùng thì vật chất là rỗng rang khi mà càng chia nhỏ, càng có nhiều vật chất được tạo thành. Trong vật lý và toán học, thỉnh thoảng chúng ta gắn thuộc tính vô cùng lớn hoặc vô cùng bé cho các đối tượng. Tuy nhiên đây lại là một khái niệm sai lầm, bởi vì một hạt vô cùng bé chẳng hề tồn tại trên thế giới này. Ví dụ, một phút có thể chia nhỏ thành 60 giây, một giây lại có thể chia nhỏ thành 100 hoặc thậm chí nhiều đơn vị nhỏ hơn thế nữa; nếu chúng ta tiếp tục theo cách này, chúng ta sẽ kết thúc với khái niệm mà chúng ta gọi là vô cùng nhỏ (cực vi).
Thật sự, nếu một giây có thể chia nhỏ một cách vô tận, thời gian sẽ ngừng lại vĩnh viễn tại giây đó, không có khả năng trôi qua. Chúng ta đều biết rằng, trong thế giới khách quan, thời gian được giới hạn ở đơn vị một giây. Hiển nhiên là hai điều này mâu thuẫn lẫn nhau.
Tương tự, nếu một phân tử hay hạt điện tử có thể chia nhỏ thành vô cùng, thì một tòa nhà và một hạt gạo sẽ có khối lượng và trọng lượng như nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng hạt gạo có khối lượng hoặc trọng lượng không đáng kể bởi vì nó được tạo thành từ một số ít phân tử và nguyên tử; một tòa nhà mặt khác lại rất to lớn và nặng bởi vì nó được tạo thành từ nhiều nguyên tử và phân tử.
Tại sao có sự mâu thuẫn này? Bởi vì có sự khác biệt giữa nhận thức chủ quan và sự thật khách quan.
Nói cách khác, mặc dù về mặt khái niệm, một giây có thể được chia nhỏ thành mười ngàn đơn vị, hoặc một trăm ngàn đơn vị nhỏ hơn… tất cả chỉ là ảo tưởng. Cũng giống như cái quạt gió đang quay ở tốc độ cao, chúng ta không thể thấy được từng cánh quạt riêng biệt mà chỉ thấy một hình dạng hình tròn mà thôi. Hoặc trên cái ly mà chúng ta uống nước, chúng ta không thể thấy được vô số phân tử và nguyên tử tạo thành cái ly hoặc vô số các hạt điện tử đang xoay quanh nhân của từng nguyên tử. Nhận thức bằng mắt của chúng ta thì rất giới hạn, chúng ta không thể thấy được thực tại đích thực của các hiện tượng mà chỉ thấy ảo ảnh mà thôi.
~ Trích “BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC CHƯA?”, Khenpo Tsultrim Lodro