Rinpoche gặp gỡ và trả lời câu hỏi của nhóm Phật tử Hà nội, sáng 13/8/2014 tại Singapore Câu hỏi 1 :
Con hàng ngày tụng kinh và phát nguyện xin vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Xin Thầy gia trì và chỉ dẫn thêm cho con.Tâm con nên luôn nghĩ về Phật A Di Đà. Chân tâm bản tánh của chúng ta và tâm của Phật A Di Đà là một. Trong
“Lời nguyện đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai” có nói
“cùng một nền tảng, nhưng có hai con đường và hai kết quả” [cùng nền tảng tâm nhưng xuất hiện hai kết quả là cõi Luân hồi và cõi Tịnh Độ, do bởi đi theo hai con đường khác nhau là con đường của sự chấp ngã và con đường vị tha].
Khi muốn tái sinh Tịnh Độ, thì chúng ta nên có tâm nguyện [muốn tái sinh ở đó] vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh chứ đừng chỉ nghĩ đến bản thân. Bởi vì thông qua việc nghĩ cho tất cả chúng sinh thì chấp ngã sẽ giảm thiểu. Nếu tâm không còn chấp ngã, thì tâm ta chính là Phật. Chư Phật phát khởi tâm vị tha và đạt được Giác Ngộ, Giác Ngộ có nghĩa là tự do khỏi sự chấp ngã. Bởi vì khi chúng ta phát tâm từ bi và nghĩ về người khác, thì điều đó giúp chúng ta sẽ không nghĩ về bản thân, tức là sẽ giảm thiểu được sự chấp ngã. Phá bỏ chấp ngã thông qua hướng tâm nghĩ đến lợi lạc của người khác là phương pháp duy nhất để đạt đến Giác Ngộ.
Quan trọng là con cần luôn nghĩ đến Phật A Di Đà. Ngay cả khi tụng kinh điển, hay trì danh hiệu đức Phật, thì con cũng luôn nghĩ đến Phật trong tâm tưởng của mình. Vì khi chết, cho dù con không tụng được danh hiệu Phật nhưng nếu tâm con chỉ nghĩ đến Phật thì cũng vẫn là đủ. Khi ta chết, [thần thức] ta bị rơi vào trạng thái bất tỉnh, và sau đó sẽ tỉnh lại. Và nếu ý nghĩ đầu tiên sau khi thần thức tỉnh lại là đức Phật A Di Đà, thì ngay lập tức con sẽ được tái sinh tại cõi tịnh độ của Phật A Di Đà. Điều này là chắc chắn.
Sự gia trì thực sự là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì sẽ nghĩ về nhau. Nếu con nghĩ về người nào đó yêu thương con, thì con sẽ thấy hạnh phúc. Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là tình yêu nhỏ bé. Hãy nghĩ đến tình yêu vĩ đại của đức Phật A Di Đà, tình yêu vĩ đại đó giúp phá hủy chấp ngã của tất cả các chúng sinh. Tất cả người nữ có thể coi mình chính là đức Quan Âm (Tara), còn người nam coi mình là đức Quán Thế Âm (Chenrezig). Từ tay phải của Phật A Di Đà có hàng triệu hiện thân của đức Quán Thế Âm hóa hiện. Từ tay trái của Phật A Di Đà, hàng triệu hiện thân của đức Quan Âm hóa hiện. Vì vậy đức Quán Thế Âm và Quan Âm cũng có cùng một bản chất với đức Phật A Di Đà và đều khởi hiện từ Phật A Di Đà. Mặc dù thế giới này chúng ta có người nam và người nữ, nhưng điều đó chẳng qua là do nghiệp và do những dấu ấn trong dòng tâm thức. Tâm thì không có nam hay nữ. Vì vậy đức Phật đã nói tâm không có giới tính, nam hay nữ chỉ là những tư tưởng và suy nghĩ mà thôi.
Nếu ta nhất tâm chỉ nghĩ về đức Phật A Di Đà thì chắc chắn sẽ được tái sinh tại cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Chính vì vậy đừng nên đau đáu nghĩ về gia đình của tôi, nhà cửa của tôi, và đất nước tôi [với tâm bám luyến]… Bởi vì như vậy có thể sẽ tái sinh thành động vật hay một loài nào đó trong luân hồi. Bởi vì tâm nghĩ về điều gì thì ta sẽ hòa với điều đó. Cho nên quan trọng là không hình thành những xu hướng hay thói quen luân hồi.
Con có thể học cách điều phục tâm bây giờ, mỗi khi sáng dậy con hãy nghĩ ngay đến đức Phật A Di Đà tại suy nghĩ đầu tiên. Bởi vì quá trình ngủ cũng giống quá trình chết. Khi chết, [thần thức] chúng ta cũng bất tỉnh và sau đó tỉnh dậy. Nếu con có thể nghĩ đến Phật A Di Đà vào ý nghĩ đầu tiên ngay sau khi [thần thức] tỉnh dậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, con sẽ chắc chắn được tái sinh tại Tịnh Độ Cực Lạc.
Câu hỏi 2: Nếu con chỉ thực hành tại nhà mà không đi đến Đạo tràng như trước thì có được không ạ? Con có cần quán tưởng rõ Phật A Di Đà không, hay chỉ cần nghĩ đến Phật? Thực hành tại nhà hay tại Đạo Tràng đều như nhau. Quan trọng nhất là lòng sùng mộ và tín tâm với Phật. Khi thực hành con nên có bức ảnh Phật A Di Đà và luôn nhớ tưởng đến Phật trong tâm.
Con không cần quán tưởng, chỉ cần nghĩ đến Phật trong tâm là đủ rồi. Con có thể nhìn vào bức ảnh, nhắm mắt lại và để hình ảnh đó lưu vào tâm, cũng không cần phải lo rằng hình ảnh có được rõ ràng hay không rõ ràng trong tâm. Con đừng nên nghĩ rằng kia là đức Phật và đây là tôi, mà chỉ nghĩ về đức Phật thôi thì khi đó tâm mình sẽ trở thành Phật. Hãy để tâm nhập sâu vào định thông qua việc chỉ nghĩ đến Phật. Một số người không dễ dàng để hiểu điều này thì họ có thể quán tưởng đức Phật trên đỉnh đầu và điều này giúp họ hiểu được dễ dàng hơn. Nhưng thực ra Phật A Di Đà có trong chính tâm của chúng ta, vì vậy nếu tâm con nhất tâm nghĩ về Phật A Di Đà thì con cũng không cần quán tưởng.
Tâm của chư Phật giống như sợi dây của chuỗi tràng, giúp giữ được các tràng hạt trong chuỗi lại với nhau. Tâm của chúng sinh giống như những hạt này, chúng sinh giống như những miếng đá cứng, đâm chạm vào nhau và gây ra đau khổ, đó chính là sáu cõi luân hồi. Lấy cái cây làm ví dụ, tuy nhiên ví dụ cái cây cũng không phải là ví dụ tốt lắm. Một cây cổ thụ có rễ ở dưới đất, và ở phía trên là cành lá, hoa trái. Chúng ta có thể ăn hoa quả của cây. Rễ cây ở dưới đất. Tại sao nó lại ở dưới đất, đó là do chấp ngã. Chấp ngã làm ta đi xuống các cõi thấp như cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Và các cõi cao hơn là cõi người, trời, và các cõi Tịnh Độ. Các bông hoa cũng có thể ví như Đức Phật. Trong
37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nói rằng “Chư Phật toàn hảo đến từ tâm vị tha”. Vì vậy nếu chúng ta làm lợi lạc cho người khác thì chúng ta sẽ đi lên các cõi cao. Nếu chúng ta chỉ nghĩ “tôi, tôi, tôi” chúng ta lại càng đi xuống cõi thấp. Bởi vì chấp ngã nhiều thì giống như tảng đá nặng, tảng đá nặng thì chỉ có thể đi xuống mà thôi. Vì vậy trong “
Lời nguyện đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai” đã dạy rằng
“xuất phát từ một nền tảng tâm mà có hai con đường và hai kết quả”. Trong
37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nói: “tất cả chư Phật đều đến từ tâm vị tha”, đó là con đường đi lên. Còn “tất cả đau khổ đều đến từ tâm mong cầu cho bản thân” đó chính là con đường đi xuống. Điều này nói về cùng một ý nghĩa giống như trong
Lời nguyện đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai. Đức Phật giảng dạy tám mươi tư vạn Pháp môn nhưng tinh túy của tất cả chính là Bồ Đề Tâm. Nếu chúng ta hiểu được điều cốt tủy này thì sẽ không cần phải nói nhiều. Nếu chúng ta chỉ cần nghĩ “tôi nguyện được giúp đỡ chúng sinh” thì điều đó là đủ. Tất cả mọi khổ đau đều đến từ tâm chấp ngã, mặc dù Phật và chúng sinh đều chung một nền tảng tâm. Ví dụ nếu chúng ta cho sữa vào nước thì có thể uống được, sữa ở đây cũng giống như lòng từ bi, tâm vị tha. Nhưng nếu cho nước thải vào nước thì ta không muốn uống, mặc dù cũng cùng là nước.
“37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo”, và
“Lời nguyện đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai” là hai thực hành quan trọng nhất. Nếu chúng ta hiểu rõ được hai thực hành này thì các vị Thầy cũng không cần phải nói nhiều điều khác nữa. Đây là gốc rễ của Pháp. Tất nhiên chúng ta có thể giải thích chi tiết hơn. Ví dụ nói về Bồ Đề Tâm thì có các tác phẩm như
Nhập Bồ Tát Hạnh sẽ giải thích kỹ và chi tiết hơn.
Hoặc có những giải thích về Lục Độ Ba La Mật… hoặc rất nhiều kinh điển nói về Bồ Đề Tâm. Vì thế chúng ta nói là tám mươi tư vạn Pháp môn đều bắt rễ từ Bồ Đề Tâm. Đây chính là điều đức Phật đã nói. Đức Phật nói có hàng tỷ thế giới và hàng tỷ hóa hiện, vì thế đức Phật đã giảng dạy nhiều Pháp môn. Nhưng cuối cùng thì có một thứ quan trọng nhất cần thực hành, đó là thực hành lòng từ bi. Có nhiều lời giảng dạy giải thích, nhưng chỉ có một bản chất. Nếu chúng ta hiểu được tinh túy của tất cả giáo huấn (Bồ Đề Tâm) thì có nghĩa là chúng ta hiểu được tất cả. Vì vậy thầy nhắc lại là trong
37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo đã nói “Chư Phật toàn hảo đến từ tâm vị tha”. Cho dù nếu chúng ta không biết đọc và không biết viết, nhưng nếu có tình yêu thương và lòng bi mẫn thì chúng ta vẫn đạt được Giác Ngộ. Còn nếu chúng ta biết rất nhiều kinh điển nhưng lại kiêu ngạo về điều đó và không thực hành [phát triển tình yêu thương và lòng bi mẫn] thì cũng chẳng giúp ích được gì.
Thầy nói thầy không học rộng biết nhiều, nhưng thầy có tình yêu thương giành cho tất cả mọi người. Một số người mang đồ ăn đến cho Thầy, và thầy thì gửi lại cho họ tình yêu thương. Đặc biệt, những người lớn tuổi thì coi trọng tình yêu thương nhiều hơn, một số người trẻ tuổi thì có thể vẫn còn có hoài nghi trong tâm (cười).
Câu hỏi 3: Hiện tại con đọc và nghiên cứu nhiều sách Phật giáo Tây Tạng, và con nhận thấy việc phát nguyện tái sinh Tịnh Độ thì phù hợp với căn cơ và khả năng của con hơn. Vì vậy con mong nguyện tái sinh Tịnh Độ, vậy xin Thầy chỉ dẫn thêm cho con. Con có thể vẫn đọc bất cứ sách Phật giáo nào. Nhưng điều quan trọng khi muốn tái sinh Tịnh Độ là phải nghĩ đến đức Phật A Di Đà bằng trái tim của mình. Phải nghĩ về đức Phật A Di Đà mọi lúc, và nghĩ rằng mình cũng không khác đức Phật A Di Đà, và quán tưởng xung quanh không gian đầy các vị Phật, Bồ Tát, Bổn Tôn.
Thực chất thì con người gồm cả hai phần: phần của Bổn Tôn, và phần của con người. Nhưng vì [bản] tâm chúng ta là tâm Phật, nên theo tri kiến thanh tịnh của Kim Cang Thừa thì chúng ta [bản chất] cũng chính là các vị Bổn Tôn. Trong Kim Cang Thừa, chúng ta cần nghĩ mọi người đều là các vị Bổn Tôn, và cả các nguyên tố cũng thanh tịnh và là hóa hiện của Bổn Tôn. Đó là thực hành tri kiến thanh tịnh, và trong Kim Cang Thừa thì thực hành tri kiến thanh tịnh là quan trọng nhất. Cả mặt trời, mây, mưa… tất cả đều là hóa hiện của Bổn Tôn. Tất cả các chúng sinh trong vũ trụ đều là hóa hiện của Bổn Tôn. Đây là tri kiến thanh tịnh của Kim Cang Thừa. Một số người không hiểu và không tin, hoặc họ có nghi ngờ, đó là do họ không hiểu bản chất thực sự.
Thầy tặng mọi người cuốn sách nhỏ
“Lời nguyện đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai” và giải thích bức ảnh của Phật Phổ Hiền trong tư thế hòa nhập với Phật Mẫu. Ý nghĩa của sự hòa hợp trong bức ảnh là nói về bản chất của tâm, là sự hợp nhất của tịnh quang và tính không. Khi chúng ta trực nhận được bản tâm, đó chính là một tâm nhận biết sáng tỏ, biết được bản chất rỗng rang và đạt đến trạng thái đại hỷ lạc.
Ghi thay lời tựa, trích “KHAI THỊ CỦA GARCHEN RINPOCHE” Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_KHAI-THI-CUA-GARCHEN-RINPOCHE..._clmqgql_xem-PDF_tuequang.html