“Đối với một người không tu tập thì chẳng thể nào là con cọp giấy, vì với họ thì đau khổ là thật, hết sức thật. Tuy nhiên với một người có tu tập sâu sắc thì rất có khả năng là tất cả mọi đau khổ đều chỉ hóa hiện như một con cọp giấy. Dù là vậy nhưng nếu không có được một nền tảng vững chắc trong khi tu tập thì ngay cả một sự lui sụt hay thiệt thòi nhỏ bé nhất cũng trở thành là con cọp thật!” Khenpo Tsultrim Lodro
(Trích bài phỏng vấn do Lưu Phương Milam thực hiện tại California 2017)
“KHỔ ĐAU CHỈ LÀ CON CỌP GIẤY” Đạo Phật có một số phương pháp rất đặc biệt để đối trị khổ đau. Bằng cách thực hành theo các phương pháp này, chúng ta sẽ tịnh hóa được tâm của mình và đạt được trạng thái chứng ngộ cao hơn. Trước mắt, chúng ta sẽ có thể làm giảm căng thẳng của mình; cuối cùng, chúng ta sẽ có thể vượt qua được khổ đau của sinh, lão, bệnh và tử.
Khổ đau của con người có thể đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Và phương pháp để đối trị khổ đau cũng rất đa dạng.
Đạo Phật có một số phương pháp rất đặc biệt để đối trị khổ đau. Bằng cách thực hành theo các phương pháp này, chúng ta sẽ tịnh hóa được tâm của mình và đạt được trạng thái chứng ngộ cao hơn. Trước mắt, chúng ta sẽ có thể làm giảm căng thẳng của mình; cuối cùng, chúng ta sẽ có thể vượt qua được khổ đau của sinh, lão, bệnh và tử.
Trước đây, người ta thường cho rằng Phật Giáo đồng nghĩa với sự bi quan và thụ động và dạy ta cách trốn tránh cuộc sống thực tế. Thật ra thì điều này không đúng. Sự hiểu biết của Phật giáo đối với khổ đau của con người vượt xa quan kiến này. Phật giáo không hề thụ động; ngược lại, quan niệm của Phật giáo về cuộc sống, khổ đau và hạnh phúc có liên hệ mật thiết với cuộc sống thực tế. Hiểu được một số các quan điểm sau sẽ có lợi cho tất cả chúng ta rất nhiều.
NGUỒN GỐC CỦA KHỔ ĐAU Khổ đau của con người phát sinh thế nào? Nhiều người suy nghĩ theo cảm tính rằng khổ đau đến từ việc thiếu thốn tiền bạc, ăn không no, mặc không ấm… mà chẳng chịu tìm hiểu kỹ càng. Thật sự, đây chỉ là một số lý do khiến chúng ta đau khổ, nhưng lại chẳng phải là lý do chính.
- Nguồn gốc ban đầu của đau khổ - Tánh sáng và đại dương tĩnh lặng
Phật giáo thỉnh thoảng dùng chữ “đại dương” để mô tả trạng thái tâm của chúng ta, và đôi khi cũng dùng bầu trời, áng mây để mô tả bản tánh và hoạt động của tâm. Ở đây chúng ta lại so sánh đại dương và tâm của mình.
Trạng thái sáng tỏ của tâm cũng giống như bề mặt của đại dương lúc hoàn toàn tĩnh lặng, không âm thanh, không sóng và không gợn, nó bình lặng và giống như không có thời gian và không gian.
Trong cuộc đời của mình, chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm được tánh sáng nội tại, mặc dù tất cả những khổ đau, hạnh phúc và cảm xúc đến từ sâu thẳm trong tâm. Phật giáo thường dùng từ “sáng tỏ” để chỉ tầng cơ bản nhất của tâm. (Các từ “quang minh” hay “tịnh quang”, hay “ánh sáng trong suốt” cũng thường được sử dụng). Tánh sáng này không phải là ánh sáng có thể nhìn thấy được cũng chẳng phải là ánh sáng không thể nhìn thấy được; nó cũng không thể được tìm thấy trong bất kỳ phổ điện từ nào trong vật lý.
Đây là trạng thái thanh tịnh tuyệt đối không còn chút nhiễm ô nào. Trong trạng thái đại bình đẳng này, không có hạnh phúc hay hỷ lạc, không có đau khổ hay lo lắng.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng được trạng thái sáng tỏ quang minh này khi Ngài đạt được giác ngộ. Tất cả những người thực hành Phật Pháp đều mong muốn đạt được trạng thái chứng ngộ này. Trong kinh điển, trạng thái này cũng được gọi là Phật tánh. Phật tánh hay tánh sáng nội tại của tâm cũng có thể được trực nhận và trực chứng. Trong thiền tông có câu thế này: “Người uống nước biết rõ nước đang ấm hay lạnh.” Điểm nhấn trong thiền tông về Phật tánh cũng không khác gì việc chứng ngộ tánh sáng nội tại này.
Vô minh – sóng gợn Vô minh được dịch sang tiếng Hoa là
“wu ming”.
“Ming” (minh) chỉ trí tuệ đến từ sự chứng ngộ.
“Wu” (vô) là phủ định. Vì vậy, vô minh nghĩa là không có trí tuệ và không có chứng ngộ. Mặc dù tánh sáng soi nội tại của tâm thì luôn luôn tồn tại ở đấy, nhưng chúng ta chưa nhận biết ra hay chưa được trải nghiệm bởi vì chúng ta chưa đạt được chứng ngộ. Vì vậy, điều này được gọi là vô minh.
Khi trạng thái vô minh cơ bản phát sinh, tâm chúng ta đã xa rời trạng thái sáng tỏ tự nhiên để chuyển sang trạng thái thứ hai. Tầng vô minh cơ bản là gì? Ở tầng tâm hay ở trạng thái này, trước khi bước vào trạng thái sáng tỏ tự nhiên của tâm, thì tâm rất bình lặng, thư giãn, hoàn toàn vô niệm – [hoàn toàn không có] đúng, sai, tốt, xấu, đau đớn, hạnh phúc…
Nói cụ thể hơn, nguồn gốc của tâm là tánh sáng soi quang minh; sau đó, có các gợn sóng nhỏ bắt đầu hình thành trong tánh sáng đó; khi những gợn sóng nhỏ này xuất hiện thì khoảnh khắc đầu tiên của vô minh cơ bản được tạo ra. Mặc dù tánh sáng nội tại của tâm vẫn không thay đổi trong thời điểm này, nhưng vô minh cơ bản đã tách khỏi tánh sáng để tạo thành ý thức của chúng ta. Ở đây, vô minh cơ bản được ví như một gợn sóng lăn tăn trong đại dương. Mặc dù gợn sóng này chưa phải là con sóng lớn, bề mặt yên tĩnh của đại dương đã không giống như lúc đầu và đã cho thấy dấu hiệu của dòng nước ngầm.
Trong Phật giáo, vì sao vô minh lại được tạo ra từ chính tánh sáng là một câu hỏi khó. Làm sao mà vô minh lại được phát khởi từ một trạng thái quang minh? Thật ra thì chúng ta có thể nói rằng nguồn gốc của luân hồi cũng xa xôi như giới hạn của bầu trời, bởi vì chúng ta đã trôi lăn trong luân hồi từ vô thủy, nhưng từ một góc độ khác, chúng ta cũng có thể nói rằng nó ở ngay trước mặt chúng ta, bởi vì tánh sáng ở ngay thời điểm hiện tại lại là nguồn gốc của luân hồi. Những người quan tâm đến chủ đề này có thể tham khảo thêm kinh sách Kim Cang Thừa.
Tất cả các thiên thể trong vũ trụ, bao gồm cả dãy Ngân Hà và hệ mặt trời đều có quỹ đạo và chu kỳ riêng. Cuộc sống của con người cũng có chu kỳ riêng, nó sẽ tiếp diễn bất tận nhờ sinh lực hay năng lượng luôn tràn đầy cho đến khi đạt được Phật quả. Sinh lực này là không thể nghĩ bàn, kéo dài theo chu kỳ từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc.
Điểm khởi đầu là gì? Chính là tánh sáng. Điểm kết thúc là gì? Cũng là tánh sáng. Tánh sáng là điểm đầu và cũng là điểm kết của luân hồi. Nguyên lý này không mang tính tôn giáo. Tất cả chúng ta đều có thể trải nghiệm và ngộ được điều này bất kể chúng ta là ai. Đó là vì cấu trúc của tâm chúng ta đều giống nhau.
Hạnh phúc, khổ đau, thực tế, lý tưởng, hữu thần, vô thần… đều là những hiện tượng nằm sát ở tầng trên và chẳng hề hiện diện trên tầng vô minh hoặc quang minh. Nguồn gốc của ý thức là tánh sáng. Không hề có không gian và thời gian trong tánh sáng hay trong tịnh quang; tất cả các khái niệm về thời gian và không gian thì phát sinh từ vô minh. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi vô minh vừa được tạo ra từ tánh sáng thì không có khái niệm về thời gian và không gian. Cũng giống như trong Vụ Nổ Lớn, chẳng hề có vật chất trong khắc giây theo sau vụ nổ, mà sau đó chỉ có năng lượng được tạo ra từ không gian trống rỗng; khi năng lượng đạt đến một mật độ nhất định, một hạt cơ bản sẽ được hình thành. Từ hạt cơ bản này, tất cả các loại vật chất sau đó được hình thành. Cũng giống như vậy, từ chính tánh sáng soi quang minh mà nền tảng vô minh được tạo ra, nghĩa là [khi đó] ý thức được hình thành; ý thức là một đối tượng biết dao động, có khả năng tư duy và phân biệt giữa các hiện tượng. Sau đó, một hạt cơ bản ngay tức khắc được tạo ra; tất cả các loại vật chất được hình thành, rồi sau đó là sự hình thành trái đất và các thiên thể. Cách thức sự vật được hình thành từ năng lượng, vốn không bị ngăn trở bởi vật chất và cách thế giới được tạo ra từ vô minh, đều giống nhau một cách đáng kinh ngạc.
Trong Phật giáo Tây Tạng, Mật điển Kalacakra mô tả ba thế giới khác nhau - thế giới bên ngoài, bên trong và ẩn tàng – và mối liên hệ giữa ba thế giới này. Thế giới bên ngoài là vũ trụ, bao gồm cả hệ mặt trời, dãy Ngân Hà…; thế giới bên trong là thân thể vật lý của chúng ta, thế giới bí mật chính là tâm. Thế giới tâm linh của chúng ta được giải thích như là một vũ trụ, cấu trúc thân thể chúng ta cũng là một vũ trụ; thế giới bên ngoài cũng là một vũ trụ. Cả ba đều liên hệ mật thiết với nhau. Trong một chừng mực nào đó, chúng có tác động qua lại.
Trong văn hóa hiện nay, các công trình nghiên cứu về tâm đang bị xem nhẹ, các công trình hiện có thì thường không nghiên cứu sâu về chủ đề. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề chúng ta đối mặt lại đến từ tâm. Những gì chúng ta cảm nhận bên trong thường không có liên quan với các điều kiện bên ngoài.
Mỗi chúng ta đều có quan điểm riêng về cuộc đời; nói một cách tương đối, các cách thức chúng ta nhận thức sự vật khác nhau có thể đúng đắn ở các mức độ khác nhau; tuy nhiên, chỉ có duy nhất một chân lý ở mức độ tuyệt đối. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu quan điểm một cách sâu sắc hơn.
Chúng ta cần phải biết rằng thế giới bên trong của mình thực sự rất kỳ diệu. Để đến với thế giới này, chúng ta sẽ không dựa vào số liệu hay việc quan sát bằng dụng cụ, mà chỉ dựa vào các phương pháp thực hành đặc thù của Phật Giáo. Đây không phải là niềm tin mù quáng mà là điều rất chân thực, cũng giống như thức ăn có thể thỏa mãn được cơn đói, như nước có thể chuyển thành đá ở nhiệt độ đóng băng.
Những gợn sóng của vô minh cơ bản rất giống với sự khám phá lý thuyết dây trong vật lý. Trong quá khứ, chúng ta từng cho rằng các hạt, như prôton và nơtron chẳng hạn, là các hạt vật chất. Lý thuyết đây cho chúng ta biết rằng cấu trúc cơ bản của vật chất là sợi dây đàn; với nhiều kiểu rung khác nhau thì một hạt mới sẽ xuất hiện. Mặc dù xuất hiện như một hạt vật chất, thật sự đây chỉ là một rung động. Chúng ta chỉ nhìn thấy ảo giác do cái nhìn thành kiến của mình.
Khi những vô minh cơ bản hay ý thức không dao động, nó sẽ yên ả như bề mặt của đại dương, vốn luôn luôn tĩnh lặng. Đây là trạng thái của Phật. Khi nhận thức bắt đầu chuyển động, hoặc thậm chí vô minh cơ bản khởi lên lại, nó không thể nhận thức được bản tánh tự nhiên của chính nó nữa. Đây là lý do vì sao chúng ta lại gọi là vô minh.
Tâm là một đối tượng phức tạp [nên] sự tương tục, diệt tận, bản tánh tự nhiên, và sự phát triển của tâm đều bị chi phối bởi các quy luật đặc biệt. Ngoài Đức Phật, không ai có thể hiểu được cách vận hành của tâm. Nhiều người có rất nhiều kiến thức quan trọng về thế giới, nhưng lại không biết mình là ai, bản tánh của mình là gì, và mình từ đâu đến. Có lẽ một khi đã phát triển đến một trình độ nhất định, khoa học có khả năng xác thực sự tồn tại của những quy luật này, nhưng hiện nay khoa học chưa thể xác thực được. Chỉ khi thực hành Phật pháp, chúng ta mới có thể làm được như vậy. Bằng cách thực hành, chúng ta sẽ ngộ được điều này bởi vì tâm của chúng ta có khả năng tự tri. Thiền tông, vốn nhấn mạnh đến việc nhận biết bản tâm, cũng không khác việc tự tri này.
Ghi thay lời tựa, trích “KHỔ ĐAU CHỈ LÀ CON CỌP GIẤY” Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_KHO-DAU-CHI-LA-CON-COP_cdtdkdql_xem-PDF_tuequang.html