Kẻ Goá Vợ
Một thuở nọ, tại Magaddha có một thanh niên thuộc giai cấp hạ tiện. Lớn lên, anh ta kết duyên cùng một thiếu nữ có nhan sắc mặn mà cũng cùng tầng lớp xã hội.
Anh ta tính tình chơn chất và cũng không phải là hạng người thiếu đạo đức. Tuy nhiên, anh ta thường không quan tâm đến cuộc sống đức hạnh và những giá trị của tâm linh. Vì thế, sau khi trải qua lạc thú của lứa đôi, anh ta có cảm giác rằng chỉ có cuộc sống thực tại mới đem lại cho anh ta những lạc thú hoàn toàn. Còn tất cả những điều khác chỉ là vô nghĩa.
Rủi thay, cho đến một ngày của định mệnh khắc nghiệt, người vợ trẻ lâm bạo bệnh và qua đời!
Đau khổ đến mất cả lý trí, anh ta ôm chặt lấy thây ma mà không chịu buông rời nửa bước.
Một nhà sư Du-già thấy anh ta trong tình trạng vô cùng tuyệt vọng và đau khổ ấy bèn dừng chân để hỏi duyên cớ.
“Ngài không thấy tôi đang đau đớn như bị cưa xẻ đây sao? Nàng chết đi là một mất mát to lớn, là kết thúc mọi niềm hạnh phúc, khoái lạc của đời tôi. Quả thật không ai trên đời này đau khổ bằng tôi.”
Nhà sư khuyên: “Tất cả cái gì sinh ra đều phải kết thúc bằng cái chết. Có sinh thì có tử. Có tụ thời có tán. Gặp gỡ rồi phải chia ly. Trong cõi thế gian vô thường này, ai cũng phải trải qua những chặng đường đau khổ ấy. Đó là qui luật tự nhiên, cớ sao ngươi lại phải vật vã mà ôm giữ cái thây ma kia, khác nào ôm giữ một đống bùn? Cớ sao ngươi không tu tập để cho vơi bớt nỗi sầu khổ kia?”
Nghe vị sư nói, anh ta choàng tỉnh cất tiếng nài nỉ: “Xin ngài xót thương dạy cho tôi cách thoát khỏi nỗi đau khổ này.”
Vị sư hoan hỷ nhận lời, khai thị cho anh ta. Kế đó, ngài dạy cho anh ta phương pháp thiền định để trừ tâm sầu não và những ý nghĩ vẩn vơ về cái chết của người thân yêu. Ngài dạy cho anh ta cách quán tưởng hình ảnh vợ mình như một Kim cương Thánh nữ (Dakini), một biểu tượng của không tính và tịnh lạc. Đồng thời, ngài cũng dạy cho anh ta quán các pháp vốn không có tự ngã.
Sau 6 năm tu tập, khi thấy rõ các pháp đều do duyên sinh, Kankaripa hốt ngộ chân lý.
~ Trích “Các Vị Chân Sư Đại Thủ Ấn”, Keith Dowman