Không Có Gì Quan Trọng Hơn Pháp
Vào thời Đức Phật có vị vua không đi theo Đức Phật nhưng vợ của ông là một Phật tử hết sức sùng mộ. Một hôm, họ chuẩn bị một buổi lễ vô cùng xa hoa. Nhà vua mời tất cả những vị Thầy quan trọng của mình, và hoàng hậu cũng yêu cầu được mời vị Thầy của bà. Bà gởi thư mời Đức Phật đến dự lễ hay gởi các đệ tử mang lại nhiều lợi lạc nhất. Đức Phật phái đệ tử của ngài là Katyayana đến dự.
Lễ kỷ niệm được tổ chức linh đình với vũ điệu, thực phẩm và thức uống. Vào cuối ngày, nhà vua hỏi tất cả những vị thượng thư và các vị khách quan trọng là họ đã thưởng thức lễ hội ra sao. Mọi người trả lời: “Lễ hội thật tráng lệ! Thật phi thường!” Khi vua tới chỗ tu sĩ Phật giáo, ông cũng hỏi câu đó. Tu sĩ nói: “Tôi không có khả năng thưởng thức nó.” Thật sửng sốt, nhà vua kêu lên: “Sao ông lại có thể nói một điều như thế? Sự phô diễn tráng lệ này được chuẩn bị để ông thưởng thức ngay trước mặt ông!” Tu sĩ trả lời: “Tôi hiểu sự bối rối của ngài. Không dễ gì hiểu được phản ứng của tôi. Liệu tôi có thể khẩn cầu ngài làm điều gì đó để ngài hiểu được điều tôi muốn nói?” Nhà vua đồng ý. “Ngày mai, xin thực hiện lại màn trình diễn và âm nhạc này. Xin đưa đến một tử tội cùng hai lính gác, một người đứng trước và một người đứng sau. Xin đưa cho anh ta một cái tô đầy nước và bảo anh ta đi vòng quanh và thưởng thức lễ hội. Nhưng cũng nói với anh ta rằng nếu anh ta làm đổ ngay cả một giọt nước khỏi cái tô, anh ta sẽ bị hành quyết tức thì, và nếu anh ta không làm đổ nước, anh ta sẽ được trả tự do.” Nhà vua đồng ý.
Mọi sự được thực hiện như vị tu sĩ đề nghị. Tù nhân đi vòng quanh và không làm đổ ngay cả một giọt nước. Vào cuối ngày, tu sĩ yêu cầu nhà vua hỏi xem tù nhân có thưởng thức các bài hát và những màn trình diễn tuyệt vời hay không. Tù nhân nói: “Tôi không thấy hay nghe bất kỳ điều gì. Tâm tôi hoàn toàn tập trung vào cái tô này. Nếu làm đổ một giọt, tôi sẽ bị giết.” Vị tu sĩ nói: “Đây là nhân chứng của tôi. Tương tự như thế, tôi không có thời gian để vui hưởng. Tôi thấu hiểu sự vô thường và nhìn mọi sự như ảo ảnh. Nếu tôi có thể duy trì việc thiền định, tôi cũng sẽ thoát khỏi ngục tù sinh tử.” Nhà vua rất cảm kích và nói: “Thật tuyệt vời! Tu sĩ này hoàn toàn chánh niệm về nỗi khổ của sáu cõi và sự vô thường.” Vào lúc đó, nhà vua quy y Phật, Pháp và Tăng đoàn, và sau đó chân thành tuân theo giáo lý.
Không có gì quan trọng hơn Pháp. Vì thế, chớ lười biếng hay tham luyến lạc thú. Ta phải chiến thắng sự lười biếng của ta bằng cách suy tưởng về bản tánh quý báu của Giáo pháp.
Trích "MỘT HƯỚNG DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT PHÁP", Khenchen Konchog Gyaltshen