PRAHEVAJRA (GARAB DORJE)
KIM CƯƠNG CỰC HỶPRAHEVAJRA (dGa’ Rab rDo rJe) là một Nirmānakāya (Hóa thân), thân hiển lộ của Đức Phật xuất hiện như Đạo sư Đại Viên Mãn đầu tiên trong loài người. Theo nguồn tư liệu của dòng Đại Viên mãn, Prahevajra sinh làm con của con gái của Vua xứ Oddiyāna. Theo một vài học giả thì Oddiyāna ở khu vực quanh Thung lũng Swat mà hiện nay là Pakistan. Oddiyāna là suối nguồn quan trọng nhất của các giáo lý Phật giáo, hay tantra (Mật điển) bí truyền. Nó là một địa điểm đầy năng lực và là xứ sở của các dākinī, nhiều tài nguyên thiên nhiên, rừng rậm và dã thú. Tại Oddiyāna cũng có một ngôi chùa tráng lệ tên là Deche Tsekpa (Vô số Hỉ lạc) có 6.108 ngôi chùa nhỏ bao quanh. Tất cả đều rất hưng thịnh.
Cách đó không xa lắm, trên một hòn đảo có cát vàng bao phủ, một sư cô tên là Sudharmā, con gái của Vua Uparāja và Hoàng hậu Ālokabhāsvati (Bậc Chiếu sáng) xứ Oddiyāna đang thiền định trong một túp lều cỏ đơn sơ với một thị giả tên là Sukhasāravati (Trái tim Hỉ lạc). Một đêm, sư cô có một giấc mơ trong đó một người đàn ông tinh khiết với nước da trắng xuất hiện và đặt một bình pha lê lên đầu cô ba lần. Chiếc bình có tô điểm năm chữ tượng trưng cho năm vị Phật và phát ra những tia sáng, và cô có thể nhìn thấy ba cõi thật rõ ràng.
Sau giấc mơ, vào ngày mồng mười, sư cô sinh ra một cậu con trai tô điểm những dấu hiệu kiết tường. Đứa trẻ này là tái sinh của Adhichitta, một hiển lộ của Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa), đấng xuất hiện trong cõi trời để truyền bá Đại Viên Mãn ở đó. Sư cô hoảng sợ và xấu hổ. “Đứa trẻ không cha này chính là một tinh linh xấu ác!” cô la lên và ném nó vào một hố tro, mặc dù cô thị giả, là người có những phẩm tính tốt lành, đã cảnh báo sư cô rằng đứa trẻ là một hiển lộ giác ngộ. Vào lúc đó, người ta nghe thấy những âm thanh kỳ diệu, và những tia sáng xuất hiện. Ba đêm sau đó, sư cô tìm lại được đứa bé, nó bình yên vô sự. Cô nhận ra rằng đứa bé là một hiển lộ giác ngộ, và cô đưa nó về nhà, quấn nó trong một miếng lụa trắng và tắm cho nó. Vào lúc đó, các dākinī và hiền nhân ca ngợi và cúng dường đứa trẻ, và từ trên không trung các vị trời tán thán:
Ồ Vị Bảo trợ, Đạo sư, Đấng Thế Tôn,
Bậc Thủ hộ của thế giới, người khám phá chân tánh,
Xin là vị bảo trợ mạnh mẽ của chúng con.
Kim cương của Pháp giới, chúng con khẩn cầu ngài. Khi đứa trẻ lên bảy tuổi, tràn đầy năng lực trí tuệ, cậu nài nỉ mẹ cho cậu đi gặp các học giả để có thể thảo luận với họ về giáo thuyết tôn giáo. Khi được cho phép, cậu vội vã chạy tới ông của cậu là Vua Uparāja, và khẩn cầu được gặp các học giả. Cậu thảo luận với năm trăm học giả, không ai có thể đánh bại cậu. Họ đồng lòng chấp nhận cậu là một hóa thân giác ngộ và đặt bàn chân cậu lên đầu họ trong cử chỉ vô cùng tôn kính. Họ tặng cậu bé danh hiệu Prajnābhava (Bản tánh Trí tuệ). Nhà vua rất vui và tặng cho đứa trẻ danh hiêu Prahevajra (Kim cương Cực Hỷ). Cậu cũng được gọi là Vetālasukha và Rolang Thaldok (Thây ma sống lại Hỉ lạc và Thây ma sống lại màu Tro), bởi cậu đã được cứu sống từ tro tàn nơi cậu bị chôn vùi.
Sau đó ở phương bắc, trên vách đứng Núi Sūryaprakāsha (Núi Rực Nắng), trong một túp lều cỏ, Prahevajra an trụ trong thiền định cho tới khi ngài ba mươi hai tuổi. Trong chốc lát, ngài nhận những quán đảnh, giáo huấn, và phó chúc của các tantra Đại Viên mãn từ Vajrasattva và đạt được cấp độ “vô tu,” Phật quả. Trái đất rung động bảy lần, người ta nghe thấy những âm thanh từ không trung, và một trận mưa hoa đổ xuống.
Khi nghe thấy những âm thanh chiến thắng đó, một vị vua dị giáo phái người tới giết Prahevajra, nhưng họ không thể làm hại ngài, bởi thân ngài vô hình giống như những tia sáng mặt trời. Ngay sau đó Prahevajra xuất hiện trong không trung, nhà vua và các thần dân tăng trưởng niềm tin nơi ngài và trở thành những Phật tử.
Năm ba mươi hai tuổi, ngài đi đến núi Malaya. Ngài ở trên đỉnh núi ba năm và chép lại các giáo lý của chư Phật trong quá khứ và đặc biệt là 6.400.000 câu kệ của Đại Viên mãn đang hiện diện trong ký ức của ngài, với sự trợ giúp của các Dākinī Vajradhātu và Anantagunā. Sau đó ngài giao cho Khandro Ngönpar Jungwar chăm sóc giáo lý và giao trách nhiệm cho Dākinī Semden thực hiện những lễ cúng dường cho Kinh điển thiêng liêng.
Với sự phô diễn thần diệu, Prahevajra đi tới đại bảo tháp ở Shītavana, mộ địa huyền bí. Ở đó ngài ban giáo lý cho nhiều đệ tử kể cả Dākinī Suryakiranā. Trong thời gian đó, phù hợp với lời tiên tri của Đức Văn Thù, Đạo sư Manjushrīmitra tới mộ địa Shītavana và nhận những giáo lý Nyingthig từ Prahevajra trong bảy mươi lăm năm.
Theo
Khandro Nyingthig và những nguồn mạch khác, Shrīsimha cũng tới mộ địa Shītavana và nhận
Khandro Nyingthig và những giáo lý khác từ Prahevajra, và sau này ngài trao truyền những giáo lý đó cho Guru Padmasambhava và Vairochana.
Cuối cùng, tại nguồn con sông Danatika, thân xác của Prahevajra tan biến vào Pháp giới thuần khiết, giữa những dấu hiệu kỳ diệu như trái đất rung động, một khối vĩ đại ánh sáng cầu vồng, và những âm thanh khác nhau.
Khi Manjushrīmitra dâng những lời cầu nguyện bi thương, từ giữa một khối ánh sáng trong không trung, Prahevajra xuất hiện, và một chiếc hộp bằng vàng lớn bằng một móng tay hạ xuống bàn tay Manjushrīmitra. Chiếc hộp này có đựng di chúc của Prahevajra, tên là Ba Lời Thâm nhập điều Cốt tủy. Nó bao gồm những lời sau:
Kính lễ sự chứng ngộ điều xác quyết nơi tự tánh!
[Bản tánh của] giác tánh là thoát khỏi sự hiện hữu,
Và những xuất hiện khác nhau của những sự tự-xuất hiện thì bất tận.
Vì thế mọi vật hiện hữu có tính chất hiện tượng đang xuất hiện như cõi tịnh độ của Pháp thân,
Và mọi sự xuất hiện được giải thoát trong bản tánh [của giác tánh] tự thân.
[Cái thấy:] Sự Giới thiệu bản tánh tự thân [giác tánh của riêng ta].
[Con Đường:] Trở nên xác quyết về điểm duy nhất [của việc duy trì bản tánh tự thân].
[Kết quả:] Có sự xác quyết nơi sự giải thoát [của mọi sự vào bản tánh nguyên sơ]. Chỉ bằng cách đọc di chúc, Manjushrīmitra đã đạt được một sự chứng ngộ tương đương với sự chứng ngộ của Prahevajra.
Trích: “Các Đạo Sư của Thiền Định và những điều huyền diệu: Cuộc đời của các Đạo Sư Phật Giáo vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng”, trang 48 - file PDF,
Tulku Thondup, Thanh Liên chuyển Việt ngữ.