LÀM SAO ĐỂ THỰC SỰ NGHỈ NGƠI – CẢ THỂ XÁC LẪN TINH THẦNi
Bài giảng Hungkar Dorje Rinpoche
Ngày 6.10.2016 (tối), tp Hồ Chí Minh
“Chúng ta luôn luôn quên khi có cái gì đó liên quan tới Pháp.
Nói cách khác, chúng ta chưa có được thói quen tốt luôn luôn nhớ về Pháp.
Cho nên chúng ta cần phát triển thói quen đó, thói quen hướng tâm về Pháp.”
Ở Tây Tạng có câu nói: “Cho đến khi mà cái đầu của chúng ta rụng xuống thì chúng ta vẫn còn tiếp tục nói và cứ nói nữa,” (cười).
Chúng ta rất cần, rất cần có ai đó luôn luôn nhắc nhở chúng ta, bởi vì bản chất của chúng sinh là như vậy. Chúng ta rất cần một ai đó chịu lãnh trách nhiệm nhắc nhở chúng ta những điều cần thiết, bởi vì tâm của chúng ta, bản chất của nó là luôn luôn quên. Rất ít khi nhớ và luôn luôn quên. Đó là bản chất tâm của chúng sinh.
Chúng ta luôn luôn quên khi có cái gì đó liên quan tới Pháp. Nói cách khác, chúng ta chưa có được thói quen tốt luôn luôn nhớ về Pháp. Cho nên chúng ta cần phát triển thói quen đó, thói quen hướng tâm về Pháp. Còn bây giờ chúng ta vẫn còn giữ thói quen, tập khí không tốt là thường quên hướng tâm về Pháp. Vì vậy, chúng ta cần một người nào đó chịu trách nhiệm về chúng ta, nhận lãnh trách nhiệm nhắc nhở chúng ta nhớ về Pháp.
“Mặc dầu biết rằng vạn pháp là vô thường, nhưng chúng ta vẫn nuôi thói quen thích bận rộn nhiều chuyện, càng nhiều chuyện càng tốt.
Và chúng ta thích bận rộn đến mức không thể dừng lại được.”
Ai cũng biết rằng mọi thứ xung quanh chúng ta đều thay đổi. Ta cũng đã nghe về bản chất vô thường của luân hồi. Ta cũng biết rằng không ai có thể ngăn chặn được sự thay đổi của vạn pháp. Đó là điều rất quan trọng chúng ta cần phải nhớ. Chúng ta thường xuyên phải nghĩ về nó, phải quán chiếu về nó, phải nhắc nhở mình nghĩ về điều đó, nghĩ về vô thường.
Lý do là vì tất cả những rắc rối, bất ổn của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta quên điều đó. Chúng ta không thường xuyên nhắc mình nhớ về bản chất của vô thường của vạn pháp. Tâm của chúng ta bám chấp rất mạnh mẽ vào luân hồi, do đó những rắc rối, những vấn nạn vẫn xảy ra với chúng ta. Mặc dầu biết rằng vạn pháp là vô thường, nhưng chúng ta vẫn nuôi thói quen thích bận rộn nhiều chuyện, càng nhiều chuyện càng tốt. Và chúng ta thích bận rộn đến mức không thể dừng lại được.
“Chúng ta muốn, rồi lại muốn hơn nữa, hơn nữa, rồi hơn nữa.
Càng nhiều thì lại càng tốt. Và vì vậy mà không bao giờ có thể dừng lại được.”
Chúng ta đều là con người vậy nên thích làm cái này, cái nọ là rất bình thường. Điều này có thể hiểu được. Tuy nhiên, từ đó sẽ xảy ra một chuyện khác: cội rễ của tất cả mọi vấn nạn rốt cuộc vẫn là tâm tham. Chúng ta muốn tất cả mọi thứ và không bao giờ dừng lại cái chuyện “muốn”. Chúng ta muốn, rồi lại muốn hơn nữa, hơn nữa, rồi hơn nữa. Càng nhiều thì lại càng tốt. Và vì vậy mà không bao giờ có thể dừng lại được.
Tâm của chúng ta - bản chất của nó là như vậy. Nó luôn luôn chạy, luôn luôn động. Đó là gốc rễ của tất cả mọi bất ổn, bất hạnh. Vì vậy, điều giản dị là chúng ta phải hiểu tâm của mình. Bản chất của nó là muốn hơn nữa thì ta phải nói với nó: “Hãy dừng lại!” Và để cho tâm dừng lại thì chúng ta phải có những khoảng thời gian thật sự thư giãn, thật sự nghỉ ngơi. Hãy để cho tâm chúng ta hoàn toàn nghỉ ngơi.
“Và mỗi chúng ta chỉ có một cái bao tử mà thôi!
Vì vậy, chúng ta không cần phải lo toan, bận rộn quá nhiều.
Xin hãy nhớ điều này: phải biết đủ!”
Đức Phật dạy phải biết ‘thiểu dục tri túc’ - phải biết hài lòng với những gì mà mình có được. Đó là điều rất quan trọng. Bởi vì bản chất tâm của chúng ta là tham, và lòng tham này sẽ vô bờ bến. Nếu ta không thực sự nói ‘KHÔNG’ với nó và dừng nó lại thì nó sẽ không bao giờ dừng lại được. Nếu ta để cho tâm mình được tự do thì nó sẽ đuổi theo bất cứ cái gì nó tóm được. Vì thế, đức Phật và các bậc đạo sư vĩ đại trong quá khứ luôn dạy rằng những bận tâm thế tục sẽ không bao giờ hết, trừ khi ta quyết tâm dừng chúng lại.
Thầy xin nhắc lại lời dạy của đức Phật: phải biết ‘thiểu dục tri túc’. Đây là một lời dạy rất sâu sắc, một lời dạy rất quan trọng. Thực ra thân xác của chúng ta rất hữu hạn. Và mỗi chúng ta chỉ có một cái bao tử mà thôi! Vì vậy, chúng ta không cần phải lo toan, bận rộn quá nhiều. Xin hãy nhớ điều này: phải biết đủ!
Thực ra, nếu những việc chúng ta làm mang lại lợi lạc cho người khác thì bận rộn là điều tốt. Nhưng đa phần các hoạt động của chúng ta chỉ liên quan đến mục đích thế tục mà thôi. Khi các hoạt động chỉ có giá trị thế tục thì chúng không có nhiều giá trị đối với người tu Phật. Những hoạt động ấy chỉ có giá trị ngắn hạn và nhỏ hẹp. Xét về lâu dài thì những hoạt động như vậy chỉ mang lại rắc rối, mang lại khổ đau và vấn nạn cho chúng ta.
“Chừng nào chúng ta còn nuôi tâm tham, chưa chặt đứt được gốc rễ của nó, thì ta chưa tu hạnh bố thí đúng nghĩa.
Vì vậy, tu hạnh bố thí chính là chặt đứt gốc rễ của tham dục trong tâm.”
Đức Phật đã dạy những người tu tại gia, đặc biệt những người có điều kiện vật chất sung túc, phải tu hạnh bố thí. Đó là Pháp để đối trị với tâm tham luyến. Còn đối với giới tăng ni thì Ngài dạy hạnh ‘thiểu dục tri túc’ - càng có ít tham luyến càng tốt và biết hài lòng với những gì mà mình có. Như vậy, đức Phật đã dạy hai phương pháp, một cho người tu tại gia và một cho chư tăng ni. Đức Phật đã dạy hạnh ‘thiểu dục tri túc’ cho giới tăng ni, và dạy giới cư sĩ tu hạnh bố thí. Như thế nào có nghĩa là bố thí hoàn hảo? Gốc rễ của việc tu hạnh bố thí nằm ở đoạn diệt tâm tham. Đối với chư tăng chư ni và cư sĩ cũng như nhau.
Nhờ hiểu cái hại của tham dục và nhờ tinh tấn thực hành pháp đối trị tâm tham mà người tu có thể đoạn diệt tham. Để tu hạnh bố thí chúng ta cúng dường, bố thí, giúp đỡ người khác. Cho dù ta bố thí, cúng dường nhưng nếu sâu bên trong vẫn nuôi tâm tham thì ta vẫn chưa chặt đứt được gốc rễ của tham dục. Khi đó chúng ta không tu được hạnh bố thí thông qua hành động bố thí, mà chỉ làm cho tâm tham trong mình ngày càng gia tăng mà thôi. Chừng nào chúng ta còn nuôi tâm tham, chưa chặt đứt gốc rễ của nó, thì ta chưa tu hạnh bố thí đúng nghĩa. Vì vậy, tu hạnh bố thí chính là chặt đứt gốc rễ của tham dục trong tâm.
“Còn một điều quan trọng nữa chúng ta cần phải biết, đó là phải học cách thư giãn, nghỉ ngơi về cả tinh thần lẫn thể chất. Cả về hai phương diện.”
Còn một điều quan trọng nữa chúng ta cần phải biết, đó là phải học cách thư giãn, nghỉ ngơi về cả tinh thần lẫn thể chất. Cả về hai phương diện. Đôi lúc chúng ta mệt mỏi về tinh thần do phiền não trong tâm. Phiền não làm tâm ta rất mệt mỏi. Rồi chúng ta cũng bị mệt mỏi về thể chất bởi vì bận rộn hết chuyện này lại chuyện khác. Ta phải chăm lo cho cuộc sống của mình, cần sức khỏe tốt. Một khi đã mệt mỏi về thể xác, thân thể không khỏe mạnh thì tâm ta cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta lo lắng và không vui.
Như vậy, ta cần phải biết làm thế nào để có thể thực sự nghỉ ngơi. Không có trí tuệ, không biết cách làm việc với tâm thì cho dù ta muốn hạnh phúc nhưng hạnh phúc không đến với ta, vì không có đủ nhân duyên cho nó. Vì vậy, đặc biệt đối với những ai đã có hiểu biết thật sự về giá trị cao quý của cuộc sống này thì phải cố gắng để làm được điều đó – đem an bình, hạnh phúc cho tâm và cho thân.
“Phải trực nhận được chân tâm và an trụ, nghỉ ngơi trong chân tâm, bản tánh đó.
Nghỉ ngơi trong giác tánh - đó chính là mục đích việc tu hành của chúng ta.”
Có nhiều giáo huấn dạy cách làm sao để có thể nghỉ ngơi về mặt tinh thần, nghỉ ngơi với tâm an bình. Đức Phật đã ban nhiều giáo huấn về việc làm sao để có thể nghỉ ngơi, cả về thân lẫn về tâm, cả bên ngoài và bên trong. Cả hai cấp độ, hai phương diện. Đây là phần chính yếu của giáo lý Phật đà. Đặc biệt, các giáo lý vĩ đại của Kim Cương thừa là Dzogchen (Đại Viên Mãn) và Mahamudra (Đại Thủ Ấn) đã mô tả những phương pháp thâm diệu để hành giả có thể đạt tới sự nghỉ ngơi chân thực. Các giáo lý này dạy ta cách tu để hiểu được bản tâm và an trụ trong bản tâm đó. Để an trụ, để nghỉ ngơi trong bản tâm đó, trong thực tại đó.
Điều quan trọng chúng ta cần phải biết là tuy những việc hành trì như trì chú, lễ lạy, nhiễu tháp là rất tốt, nhưng đó không phải là cái quan trọng nhất. Đó không phải là cái chính yếu, không phải là thực hành hiệu quả cao nhất. Việc hành trì thực sự đem tới trí tuệ tối hậu, an bình chân thực, an bình tối hậu trong tâm, đem tới sự chứng ngộ trong tâm chính là trực nhận bản tâm và an trụ trong bản tâm.
Chừng nào chúng ta còn chưa chứng ngộ, chưa trực nhận được bản tâm của mình, chưa an trụ được trong bản tâm đó, thì chúng ta còn chưa có được sự nghỉ ngơi, chưa có được an bình đích thực, an bình tối hậu, vĩnh hằng. Vì vậy điều quan trọng nhất đối với người tu là phải trực nhận được chân tâm và an trụ, nghỉ ngơi trong chân tâm, bản tánh đó. Nghỉ ngơi trong giác tánh - đó chính là mục đích việc tu hành của chúng ta.
“Nhiều người tu uyên bác, hiểu biết đã không giải quyết được vấn đề chính yếu của đường tu.
Vậy cái gì giúp hành giả có được giải đáp cho vấn đề chính yếu?
Cái thực sự giải quyết được vấn đề chính yếu là chứng ngộ được bản tâm.
Đó là cái giải quyết được vấn đề!”
Kiến thức, hiểu biết là quan trọng. Chúng ta cần phải có hiểu biết về các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiểu biết về bản tâm vi diệu là hiểu biết thâm diệu nhất. Bởi vì, có nhiều người tu rất uyên bác, học rộng, biết nhiều như các vị pandita, các vị geshe, các vị đại học giả Phật giáo. Tuy nhiên, tâm các vị ấy vẫn còn vọng động. Các vị đó đôi khi còn trở nên rất cực đoan; họ không giữ được Trung đạo. Đôi khi họ chấp chặt vào biên kiến của họ, vào tri thức, hiểu biết của họ, vào việc tu hành của họ. Họ không giữ thái độ kính trọng đối với những người khác. Tâm họ có thể trở nên rất vọng động, hung dữ và rất điên đảo.
Lý do chính yếu là vì các vị ấy không hiểu được tâm, không trực nhận được chân tánh. Và họ đã sử dụng hiểu biết, kiến thức của mình theo một phương cách khác, theo một [nền tảng] đạo lý khác, rất sai lạc. Những phương cách đó không giúp giải quyết được vấn đề. Nhiều người tu uyên bác, hiểu biết đã không giải quyết được vấn đề chính yếu của đường tu. Vậy cái gì giúp hành giả có được giải đáp cho vấn đề chính yếu? Cái thực sự giải quyết được vấn đề chính yếu là chứng ngộ được bản tâm. Đó là cái giải quyết được vấn đề!
Như Thầy đã nói ở trên, hãy phấn đấu, hãy nỗ lực để khảo sát, tầm cầu, để nhìn thấu tâm mình. Và khi đó chúng ta sẽ tìm thấy đại an bình, tìm thấy hỉ lạc chân thực trong tâm.
“Cái tật của chúng ta, cái sai lầm của chúng ta là ở chỗ: chúng ta không biết cách tu.
Chúng ta không biết cách tu cho đúng.
Chúng ta cứ chạy theo hết cái này rồi lại cái khác, những cái không quan trọng.”
Thầy thường nhắc, thường dạy các bạn về tầm quan trọng của các pháp tu ngondro. Tại sao các pháp tu ngondro lại quan trọng? Là vì các pháp tu ngondro là nền tảng để hành giả đạt tới chứng ngộ tánh không. Pháp ngondro tạo nhân duyên chính yếu để đưa tới sự chứng ngộ. Vì vậy, ngondro rất quan trọng. Tuy nhiên, ngondro không phải là pháp tu tối thượng, không phải pháp tu chính. Pháp tu chính là pháp trực tiếp đưa [hành giả] tới chứng ngộ.
Thế nhưng chúng ta cần có một nền tảng căn bản. Chúng ta rất cần một nền tảng căn bản vững chắc. Không có một nền tảng như vậy thì không gì có thể phát triển, không gì có thể thành tựu được. Không có đất thì cây không có gì để mọc lên trên. Những pháp tu chính có thể ‘mọc lên’, có thể thành tựu được, chính là nhờ pháp tu nền tảng này. Vì vậy, ngondro - pháp tu nền tảng - là cực kỳ quan trọng.
Cái tật của chúng ta, cái sai lầm của chúng ta là ở chỗ: chúng ta không biết cách tu. Chúng ta không biết cách tu cho đúng. Chúng ta cứ chạy theo hết cái này rồi lại cái khác, những cái không quan trọng. Ngay cả các hành giả [ngondro] đôi khi cũng bận rộn với những cái không quan trọng và đánh mất cái chính yếu, cái quan trọng nhất. Cái quan trọng nhất chính là nền tảng căn bản [ngondro], nhưng chúng ta lại quên cái nền tảng căn bản này và bận rộn với cái nọ cái kia. Chúng ta tự trách mình: “ Ô, tôi không có thời gian để trì chú. Ô, tôi không thể nào để hoàn tất được phần lễ lạy ...”
Điều quan trọng là chúng ta cần phải hiểu, cần phải biết làm sao để tu cho đúng! Nếu chúng ta chỉ bỏ ra chỉ 10 phút thôi, nhưng trong 10 phút ấy chúng ta làm tốt, chúng ta quán chiếu và nhìn thấu vào tâm của mình. Ta cố gắng để đem lại an bình cho tâm. Theo Thầy, đây chính là điều quan trọng nhất cần phải làm.
Hết bài giảng tối 6.10.2016, tp Hồ Chí Minh
Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện).
Bản chép tay do Thanh Tâm thực hiện, được hiệu đính theo MP3 bài giảng ngày 6.10.2016 (tối), Glenwood Residence, Việt Nam.
___________________
i Tựa đề là do người dịch đặt để tiện cho người đọc.