Lama Sangi và Giáo Pháp Shitro –
Một Trăm Bổn Tôn An Bình và Uy Nộ
Với Từ Bi và Trí Tuệ Lama Sang đã làm tăng trưởng các hoạt động của Phật pháp và tín tâm của mọi người. Đặc biệt, Ngài đã làm cho giáo pháp Shitro và Sáu Bardo trở nên quan trọng, đem lại lợi lạc cho nhiều người. Khi còn trẻ, Lama Sang đã có giấc mơ và linh kiến về việc xây dựng tu viện Lungon. Lama Sang cũng có linh kiến về những hoạt động hoằng dương Phật Pháp của Ngài trong tương lai trên khắp thế giới, làm lợi lạc cho nhiều chúng sinh. Lama Sang có những linh kiến về những người mắt xanh, mũi to, thân nhiều lông, nói chuyện như chim, tranh cãi rất nhiều và không đồng thuận được với nhau. Bằng những hoạt động phong phú của mình, Lama Sang luôn hết sức nỗ lực để bảo vệ giá trị của truyền thống Shitro do tổ Do Khyentse xây dựng và thực sự đã đạt rất nhiều thành công ở Golok về phương diện này.
Do nhân duyên hạnh nguyện của Tổ Do Khyentse và Lama Sang mà truyền thống Shitro ở Golok tràn đầy sức mạnh và vô cùng phong phú. Ở Golok khi có người chết thì mọi việc được sắp xếp rất chu đáo. Người ta mời các lạt ma tới hành trì và tụng Shitro suốt 49 ngày cho người chết. Họ chuẩn bị thức ăn, cúng dường v. v. cho lễ Shitro.
Pháp Shitro là gì và nó xuất hiện như thế nào? “Shitro” có nghĩa là “Bổn tôn an bình và uy nộ” và đây là pháp tu đặt trên nền tảng 100 vị Bổn tôn an bình và uy nộ. Pháp này bao gồm năm bộ Phật - cả Phật nam và Phật nữ, Tám Đại Bồ Tát cả nam và nữ, Sáu Muni và Năm Heruka uy nộ cùng phối ngẫu của các Ngài v. v. Giáo lý Shitro bao gồm một luận giải rất rõ ràng về Sáu Bardo: 1. Bardo Sự Sống, 2. Bardo Samadhi (Thiền Định), 3. Bardo Cận Tử, 4. Bardo Giấc Mộng, 5. Bardo Pháp Tánh và 6. Bardo Sinh Thành. Không gì là không được bao hàm trong thuật ngữ Sáu Bardo, xét về các phương diện khác nhau, các pháp tu khác nhau. Sáu Bardo chỉ được dạy một cách hoàn hảo và rõ ràng trong Mật điển Giái Thoát Qua Sự Nghe.
Một trăm Bổn tôn an bình và uy nộ có vẻ như là hình tướng bên ngoài nhưng về thực chất đây là những hóa hiện tự nhiên của tâm. Nhờ điều này mà hành giả có thể được giải thoát chỉ nhờ nghe giáo lý Bardo và nhìn thấy hình tướng của các Bổn tôn như được mô tả trong giáo lý trong khi họ thực hành [pháp tu này]. Điều này đặc biệt đúng trong Bardo sinh thành, còn được gọi là “Bardo của những khả năng”. Trong Bardo sinh thành hay Bardo của những khả năng, thần thức “nghe” giáo huấn và các mô tả, và nhờ làm theo [giáo huấn] người đó gần cận sự giải thoát. Nói cách khác, giáo lý Bardo hữu hiệu hơn, mạnh mẽ hơn và lợi lạc hơn khi người chết trong Bardo sinh thành bởi vì thần thức khi đó rất sợ hãi, tuyệt vọng và tìm kiếm hướng đi. Pháp Shitro là giáo pháp thậm thâm bởi vì nó đặt trên nền tảng của bản tâm và hình tướng hóa hiện của bản tâm - những thị hiện hữu cơ, tự nhiên, linh động của tánh giác. Vì vậy, phần chính của thực hành Shitro là Atiyoga (Dzogchen) - thừa cao nhất của tám vạn bốn ngàn pháp môn.
Dòng truyền thừa Shitro cũng là dòng truyền thừa của Dzogpa Chenpo. Trong truyền thống Cổ Mật, trong mỗi bộ mật điển, có ba dòng truyền thừa: tâm truyền, ấn truyền và nhĩ truyền. Thầy sẽ giải thích kỹ hơn về dòng nhĩ truyền của pháp Shitro.
Vua Tritson Detsen cùng con trai của Ngài là dịch giả Lu’i Gyeltson và nhiều đệ tử khác của Đức Liên Hoa Sanh, đã chuẩn bị một mạn đà la bằng vàng đổ đầy ngọc lam, san hô và các chất liệu quý giá khác. Họ nói với Guru Rinpoche: “Hỡi Guru Rinpoche, bậc Kim Cương Thượng Sư vĩ đại, tâm từ bi của Ngài bao la như không gian và chúng con không bao giờ đền đáp được công ơn của Ngài. Ngài đã ban cho [chúng con] nhiều tới mức không ai làm được và sẽ không ai có thể làm được [trong tương lai] như vậy. Về điều này chúng con rất may mắn. Tuy nhiên, chúng con muốn thỉnh cầu Ngài ban cho chúng con một giáo pháp rất thâm diệu chưa từng được dạy. Một giáo lý là cốt tủy của tất cả các thừa ngoại và nội để người tu có thể đạt giác ngộ trong một đời, một giáo lý mà người tu không phải khổ nhọc nhiều, một giáo lý mà chỉ nghe thấy thôi người ta được giải thoát.
Với những giọt nước mắt của tâm chí tín thành, họ dâng lên Guru Rinpoche lời thỉnh cầu tha thiết này. Khi đó, Guru Rinpoche nói với họ: “Đức vua, Ngài và con trai của Ngài, các vị thượng thư và các đệ tử, ta có giáo pháp mà các vị thỉnh cầu. Nhưng giáo pháp này không phù hợp với những kẻ tâm địa hẹp hòi, thiếu lòng tin và đầy tà kiến. Vì vậy, các vị không được hé lộ giáo pháp này cho những kẻ như vậy. Ta sẽ chôn cất giáo pháp này như một phục điển, vì lợi lạc của con người trong tương lai. Đây là giáo pháp tâm yếu của Phổ Hiền Như Lai, là cốt tủy của 6.400.000 mật điển Dzogpachenpo. Đây là một giáo pháp giúp ta không sanh vào ba đường ác đạo chỉ nhờ lắng nghe, một giáo pháp dẫn ta tới đại lạc nhờ lắng nghe, một giáo pháp với tiếp cận của cấp độ Viên Thành Trì Minh nhờ tư duy quán chiếu ý nghĩa của nó. Đây là giáo pháp cốt tủy của tất cả các thừa nội và ngoại, một giáo pháp giúp ta đạt giác ngộ chỉ trong một đời.” Sau đó, Guru Rinpoche dạy toàn bộ giáo pháp Sáu Bardo. Đó là tóm tắt về giáo pháp này lần đầu tiên tới trái đất như thế nào.
Đức Liên Hoa Sanh, vì lợi lạc chúng sinh kém phước trong tương lai, nói rằng: “Ta sẽ gọi pháp tu Shitro này là ‘Pháp Tu Thâm Diệu của các Bổn Tôn An Bình và Uy Nộ - Giải Thoát Qua Sự Nghe’ và ta sẽ chôn cất giáo pháp này như một phục điển được khai mở trong tương lai.” Khi đó Đức Liên Hoa Sanh với những lời cầu nguyện và đại nguyện để dẹp trừ chướng ngại, đã chôn cất phục điển tại núi Gampo Trung Tạng và tiên tri về Karma Lingpa, vị terton sẽ khai mở phục điển này.
Nhờ những lời cầu nguyện và đại nguyện của Guru Rinpoche mà Khai Mật Tạng Vương Karma Lingpa đã sinh tại Trung Tạng. Karma Lingpa là hóa thân của dịch giả Lu’i Gyeltsen, một trong các đệ tử của Guru Rinpoche. Cha Ngài là Nyda Sange, một đại thành tựu giả và bậc khai mật tạng. Karma Lingpa khai mở Shitro trên núi Gampo và bí mật thực hành Shitro suốt cuộc đời. Ngay trước khi nhập niết bàn, Ngài ban quán đảnh Shitro cho con trai là Nyda Choje, người trở thành vị trì giữ dòng truyền thừa Shitro. Karma Lingpa nói với con trai rằng vị đó không được trao phục điển này cho bất cứ ai ngoại trừ Nyda Odzer, người được nhắc tới trong tiên tri, và sẽ là vị trì giữ truyền thừa Shitro [sau Nyda Choje].
Khi Nyda Choje gặp Nyda Odzer, Ngài nói: “Thân phụ ta đã nhắc tới con và con là bậc hộ trì dòng truyền thừa [Shitro] thứ ba. Ta đã không hé lộ pháp này cho bất cứ một ai và cho tới khi thế hệ thứ ba của các bậc hộ trì dòng truyền thừa [xuất hiện] pháp này vẫn được giữ bí mật.” Dòng phục điển Karma Lingpa ban đầu là dòng truyền thừa một-bậc-hộ-trì – truyền pháp từ một người tới một người. Nyda Choje lệnh cho Nyda Odzer thực hành Shitro bí mật trong sáu năm và sau đó giáo lý được hé lộ cho những người khác. Tiên tri của Karma Lingpa nói rõ rằng các giáo lý phục điển này sẽ được truyền bá từ vùng quanh núi Gampo tới phương Bắc. Nyda Odzer truyền trao giáo lý cho Namkha Gyatso và Namkha Gyatso ban quán đảnh cộng đồng, rồi sau đó giáo lý Shitro được truyền khắp Tây Tạng và thế giới.
Một hành giả, với tư cách là một lạt ma dòng Cổ Mật, cần phải thọ nhận và thực hành giáo lý này. Pháp Shitro này được thực hành rất rộng rãi và công khai trong dòng phái Sakyapa và Kagyupa. Có hàng trăm ngàn câu chuyện có thật về việc người tu có lợi lạc thế nào từ pháp Shitro. Trong các phục điển của Lama Sang có nhiều đoạn nói tới việc Lama Sang là hóa thân của Karma Lingpa. Có thể đó là lý do Lama Sang có tâm chí tín thành lớn lao và nhiều hứng thú dạy pháp Shitro cho mọi người suốt nhiều năm liền.
~ Trích “Lịch Sử Nhập Thất Mùa Đông và về Tu Viện Lungon”, Hungkar Dorje Rinpoche ____________________
Chú thích:i Đức Orgyen Kusum Lingpa