Lời Khuyên về Thực Hành Mật Thừa (1)
Những giáo lý và chỉ dẫn cốt tủy của Kyabje Rinpoche (2) bao trùm bốn phần: 1. Lời khuyên về Thực hành Mật thừa, 2. Phát Bồ đề tâm, 3. Phát tâm xả ly và 4. Phát triển tính cách thiện lành.
Các giai đoạn tuần tự của bộ luận này rất rõ ràng. Trong tác phẩm Những Giáo Huấn Căn bản Của Phật Giáo, đạo sư Tsongkhapa vĩ đại nói về ba con đường chính yếu của tâm xả ly, Bồ đề tâm và trí tuệ bất nhị. Ở đây, chúng ta đang thảo luận “bốn con đường chính yếu”. Tại sao? Trí tuệ bất nhị bao trùm Kinh thừa và Mật thừa. Những Giáo Huấn Căn Bản Của Phật Giáo trình bày trí tuệ bất nhị của Trung Đạo trong Kinh thừa. Bộ luận này miêu tả trí tuệ bất nhị của Đại Viên Mãn vô song trong Kim Cương thừa trên nền tảng của Trung Đạo trong Kinh thừa. Đó là trạng thái siêu việt, xứng đáng để hành giả tâm linh theo đuổi. Làm sao chúng ta có thể đạt được Đại Viên Mãn như vậy? Với Bồ đề tâm. Theo Nhập Bồ Tát Hạnh, những vị với công đức tốt nhất vẫn không thể đạt giác ngộ mà không có Bồ đề tâm. Làm sao chúng ta có thể đạt được Bồ đề tâm? Với tâm xả ly. Làm sao chúng ta đạt được tâm xả ly? Với thiện hạnh. Nếu chúng ta đảo ngược trình tự, kết quả của thực hành sẽ bắt đầu bằng: “Chúng ta cần phải thiện lành”. Tiếp theo là phát khởi sự xả ly bằng cách từ bỏ sự bám chấp với ham muốn thế gian. Kế đó, chúng ta cần phát khởi Bồ đề tâm để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Cuối cùng, trên nền tảng như vậy, chúng ta đã sẵn sàng thực hành Kim Cương thừa hay Pháp Trí Tuệ Ba La Mật.
Hãy thử nghĩ xem, có tám vạn bốn nghìn pháp môn trong giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi đã thấy hàng tấn sách Phật giáo tại các hiệu sách ở Hồng Kông, Mỹ và Trung Quốc. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu tất cả những Kinh điển và bộ luận này, chúng sẽ tạo ra một bộ sưu tập lớn như đại dương. Làm sao chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong một đời ngắn ngủi? Nhưng ở đây, tất cả giáo lý được tóm lược để chúng ta hiểu trọn vẹn một điều: Chúng ta cần thực hành trí tuệ bất nhị để đạt Phật quả; trí tuệ bất nhị lại đến từ tâm xả ly, Bồ đề tâm và thiện hạnh. Những giáo lý cốt tủy này đã thâu nhiếp tinh hoa của tất cả Giáo Pháp. Với sự hiểu đó, chúng ta cần thực hành theo hướng như vậy một cách đúng đắn.
Kyabje Rinpoche thực sự rất khác thường và tôi không tán thán Ngài chỉ bởi vì Ngài là Bậc Thầy Tôn Quý của tôi. Ngày nay, vài người luôn phủ định, thậm chí khi chư đạo sư của họ phạm phải những lỗi lầm, “Không, không, thầy của tôi là Phật. Làm sao Phật lại sai lầm?!” Nó giống như một thành ngữ phổ biến ở vùng Tây Tạng: “Bạn ngậm thịt của người khác trong miệng nhưng vẫn không thừa nhận bạn là trộm”. Chúng ta không giống như vậy. Thay vào đó, sự đánh giá của chúng ta dựa trên hai khía cạnh của sự đóng góp cho Phật giáo và lợi lạc cho bản thân. Thực sự, Kyabje Rinpoche đã hóa hiện giống như một vị Phật chân chính để giác ngộ hữu tình chúng sinh trong thời đại suy đồi này.
CÔNG ĐỨC CỦA VIỆC THỰC HÀNH KIM CƯƠNG THỪA VÔ SONG
Đại Viên Mãn, sâu xa và ngời sáng,
Chỉ nghe các đoạn kệ cũng giúp người ta phá vỡ gốc rễ của luân hồi,
Giải thoát đạt được trong sáu tháng hành trì.
Con sẽ khắc sâu điều này trong tâm.
Đại Viên Mãn vô song, tuyên thuyết tinh túy chói ngời của Phật tính, rất khó để người bình thường hiểu trọn vẹn và thường bị nói xấu bởi những kẻ thiếu trí tuệ. Tuy nhiên, người ta có thể cắt đứt nguyên nhân gốc rễ của luân hồi đơn giản nhờ lắng nghe những đoạn kệ và những vị với căn cơ cao có thể đạt giải thoát nếu họ thực hành một cách tinh tấn trong sáu tháng. Vì thế, chúng ta cần phải khắc ghi sâu sắc Đại Viên Mãn trong tâm.
Những công đức của Đại Viên Mãn không thể miêu tả bằng từ ngữ. Có giải thoát bằng sự ngửi, giải thoát bằng xúc chạm, giải thoát bằng sự thấy và giải thoát bằng cách đeo. Bạn sẽ giải thoát chỉ nhờ lắng nghe từ ngữ, chạm vào các bản kinh, hiểu ý nghĩa hay đeo một Pháp khí trên thân thể. Những công đức của Giáo Pháp Mật thừa vô song thật khó mường tượng với người bình thường. Nó giống như một bé trai chăn gia súc, cưỡi trên lưng Yak mỗi ngày – cậu bé thậm chí chưa từng ngồi trên máy kéo, chứ đừng nói đến việc biết đến sự tồn tại của máy bay. Vì vậy, nhiều người không tin tưởng vào những lợi lạc của thực hành Đại Viên Mãn nếu họ chưa từng có trải nghiệm về việc thực hành nó.
Mặc dù tôi chưa thực sự giác ngộ, tôi đã dấn thân vào việc quán chiếu, sử dụng trí tuệ của bản thân trong hơn hai mươi năm qua. Tôi cũng đã nhận thấy và đạt được vài lợi lạc thực sự. Nếu ai đó trích dẫn những thuật ngữ từ Đại Viên Mãn mà không theo ngữ cảnh và kết luận rằng Kim Cương thừa không phù hợp với Giáo Pháp, lời đáp lại duy nhất của tôi sẽ là nụ cười khúc khích bởi nó chỉ cho thấy người đó nông cạn thế nào. Ngoài ra, chẳng có điều gì mà họ có thể nói cung cấp bất cứ sự hỗ trợ khó hiểu nào hay suy ra bất cứ điều gì phản bác lại Kim Cương thừa.
Vài người thuộc Phật giáo Trung Hoa không hiểu về Kim Cương thừa. Phần lớn họ chưa bao giờ đến Tây Tạng. Thậm chí những người đã đến Tây Tạng và nghiên cứu với các hành giả của Phật giáo Tây Tạng trong hai hay ba tháng có thể vẫn không hiểu một vài trong số những lý luận căn bản nhất trong Đại Viên Mãn. Trong quá khứ, tôi đã gặp nhiều người với bằng Tiến sĩ và các kiểu bằng cấp sau-Tiến sĩ, những người ban đầu rất kiêu ngạo. Họ nghĩ rằng Phật giáo thì đơn giản giống như vật lý và hóa học. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với Phật Pháp, họ thậm chí không thể hiểu được những kết luận căn bản của Trung Đạo và Lô-gic Phật giáo (Pramanavada – nhận thức học, Hetuvidyā – nhân minh học), chứ đừng nói gì đến Đại Viên Mãn. Sau đấy, họ bắt đầu dần dần phát triển niềm tin với Phật Pháp.
Thậm chí nếu chúng ta chỉ nghiên cứu vài đoạn kệ từ Đại Viên Mãn, chúng ta có thể cắt đứt những nguyên nhân gốc rễ của luân hồi sinh tử trong tam giới. Theo Tứ Bách Kệ Tụng của Tôn giả Thánh Thiên, những người hoài nghi về Trung Đạo vẫn có thể cắt đứt luân hồi xoay vòng trong tam giới. Điều này còn đúng hơn với những người đã tìm hiểu về Kim Cương thừa vô song. Nếu hành giả với niềm tin tuyệt vời và sự xác quyết mạnh mẽ thực hành theo đúng với Giáo Pháp và tuân theo trình tự của sự chuẩn bị, phần chính yếu và kết thúc, người đó có thể đạt giải thoát trong sáu tháng. Mật điển Vajra Panjara nói: “Nếu một người đã thực hành trong sáu tháng với niềm tin và sự xác quyết không dao động, họ sẽ có khả năng đạt Quả vị Kim Cương Trì Thiện Thệ”. (Điều này cũng được trích dẫn trong Năm Mươi Đoạn Kệ Về Phụng Sư Đạo Sư). Thệ Nguyện Mật Thừa cũng đề cập rằng: “Với niềm tinvà sự xác quyết không dao động, hành giả sẽ đạt quả vị Kim Cương Trì Thiện Thệ trong sáu tháng”. (Điều này cũng được trích dẫn trong An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn và An Trú Trong Thiền Định.) Người ta có thể đạt quả vị Kim Cương Trì trong khoảng thời gian sáu tháng ngắn ngủi nếu họ tinh tấn thực hành với tâm kính trọng và niềm tin. Điều này được tuyên bố rõ ràng hơn trong Chetsun Nyingthig và Longchen Nyingthig (Tâm Yếu Từ Cõi Giới Bao La Của Đại Viên Mãn). Vài người trong số các bạn ở đây có thể chưa từng thọ nhận quán đỉnh. Nhưng bởi chúng ta đang không thảo luận về thực hành Pháp tu thực sự, cũng vẫn ổn khi chỉ đề cập đến các công đức.
Cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều dấu hiệu cát tường xuất hiện trước khi chết ở nhiều vị trong số các đệ tử truyền thừa của Kyabje Rinpoche sau khi họ thực hành Đại Viên Mãn và đạt quả vị Thành Tựu Giả. Trong quá khứ, tôi đã biên soạn một bộ luận về việc đắc Thân Cầu Vồng. Bạn có thể đã từng đọc nó. Trong số những vị trở thành thành tựu giả trong sáu tháng, tôi đặc biệt ấn tượng với một vị Tỳ Kheo Nitên Ming Hui. Tôi đã nhắc đến Sư Cô rất nhiều lần trong các buổi giảng: Sư Cô có niềm tin lớn lao với Kim Cương thừa. Ban đầu, Sư Cô được điều trị ở Trung Quốc vì các vấn đề về sức khỏe. Sau đấy, Sư Cô biết rằng Kyabje Rinpoche sắp giảng dạy Kim Cương thừa ở Học Viện. Sư Cô cảm thấy cuộc đời vô thường và không biết mình còn có thể sống bao lâu trên đời, Sư Cô kiên quyết trở về tu viện để tu học với Kyabje Rinpoche. Kyabje Rinpoche giảng về An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn - Ba Nền Tảng và Ba Thiện Hạnh trong khoảng 100 ngày và Sư Cô đã tu học rất miên mật trong khoảng thời gian đó. Sư Cô xuống núi để tiếp tục được bác sĩ chữa trị vào ngày 1 tháng 9 năm 1993 sau khi lớp học kết thúc. Vào ngày 1 tháng 3 năm 1994, người chăm sóc và cũng là Pháp hữu của Sư Cô – Tỳ Kheo NiZhen Ru gọi điện thoại cho tôi từ Tu viện Jinfeng (hay Phượng Hoàng Vàng) ở thành phố Ya’an (Nhã An). (Khi ấy, tại Tu viện còn chẳng có đường dây điện thoại tốt, chứ đừng nói đến điện thoại di động. Chỉ có một chiếc máy bàn.) Sư Cô nói với tôi rằng Tỳ Kheo Ni Ming Hui đã viên tịch. Lúc mất, Sư Cô ngự trong tư thế oai nghiêm và liên tục cầu nguyện đến bậc thầy truyền thừa Đại Viên Mãn của Sư Cô và Đức A Di Đà. Thân thể Sư Cô bắt đầu thu nhỏ và mọi loại dấu hiệu cát tường xuất hiện. Tôi đã kiểm tra thời gian: chính xác sáu tháng từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc; thậm chí không lệch một ngày. Đây là một sự kiện rất hiếm có.
Vì thế, tôi tin tưởng chắc chắn rằng với ân phước gia trì của Kim Cương thừa, người ta có thể thành tựu quả vị Thành Tựu Giả trong sáu tháng. Hôm nay, tôi chợp mắt một chút lúc trưa và đã nằm mộng về Sư Cô. Có những điều nhất định mà tôi không thể nói rõ. Nếu tôi nói quá nhiều, sẽ có đủ kiểu suy đoán thế gian … Sư Cô không phải lúc nào cũng xuất hiện là rất thông tuệ, nhưng thực sự có niềm tin rất mạnh mẽ. Các điều kiện tiên quyết, với những người có căn cơ cao, để thực hành Đại Viên Mãn về cơ bản là niềm tin và sự xác quyết. Những người có niềm tin mạnh mẽ nhất với chư đạo sư của họ và Tam Bảo thường sẽ có lòng sùng mộ mạnh mẽ với Kim Cương thừa đến mức họ không bao giờ từ bỏ dù cho đang ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Những người này sẽ thành tựu và chiến thắng. Bởi vậy, Kyabje Rinpoche từng bình luận rằng: “Thật rất khó khăn để gặp gỡ Đại Viên Mãn trong thời đại suy đồi hiện nay, bởi đó là con đường cực kỳ tuyệt diệu”. Chúng ta cần khắc ghi những lời này trong tâm.
Với các Pháp hữu của chúng ta ở trong tu viện, các bạn chắc chắn đều đã nghiên cứu Kim Cương thừa. Nhưng những người bên ngoài có thể chưa có được cơ hội như vậy. Điều này cũng không sao. Cuốn sách Lời Vàng Của Thầy Tôi – Chỉ Dẫn Về Các Thực Hành Sơ Khởi Cho Tâm Yếu Của Cõi Giới Bao La Từ Đại Viên Mãn, điều mà chúng ta sẽ học ngay sau đây, cũng là một phần của Kim Cương thừa. Từ giờ trở đi, chúng ta sẽ bắt đầu thực hành. Nhiều người đang nghiên cứu Kim Cương thừa ngày nay, tin rằng họ phải quán chiếu với sự thanh tịnh nguyên sơ để tìm ra bản tính của tâm một cách hiệu quả. Nhưng tôi không hoàn toàn chấp nhận điều này bởi nó không phải lúc nào cũng đúng. Là con người bình phàm, người ta phải bắt đầu bằng thực hành sơ khởi, kế đó là thực hành phần chính yếu, thông qua quán đỉnh. Nhận thức và trạng thái giác ngộ hoàn toàn khác biệt theo cách tiếp cận này. Vì vậy, điều quan trọng là tuân theo trình tự khi thực hành. Đức Longchenpa, Mipham Rinpoche và Jigme Phuntsok Rinpoche đều đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt. Nhưng ngày nay, vài vị thầy, có lẽ bởi cách tiếp cận độc đáo của họ trong việc chấp nhận và giảng dạy đệ tử, đã đảo ngược các giai đoạn của con đường bằng cách giới thiệu với đệ tử thực hành chính yếu trước thực hành sơ khởi. Như thế, nó giống như vẽ bức tranh đẹp đẽ trên tường trong khi nền móng của tòa nhà vẫn chưa được ổn định. Nguy cơ là sau một thời gian, toàn bộ có thể sụp đổ. Vì vậy, tốt hơn là chúng ta vẽ những họa tiết trên tường chỉ sau khi nền móng đã vững chắc và an toàn.
Ở đây, Kyabje Rinpoche nói với chúng ta rằng, bởi Đại Viên Mãn là rất vi diệu, chúng ta không nên từ bỏ hay phỉ báng nó. Nếu bạn thực sự không thể phát khởi niềm tin, bạn có thể thảo luận nó với những vị thầy của Phật giáo Tây Tạng. Bạn không nên có những thành kiến chống lại Giáo Pháp Mật thừa mà không có nguyên nhân hợp lý. Trong quá khứ, vài vị tu sĩ lỗi lạc của Phật giáo Trung Hoa không tin tưởng Kim Cương thừa, nhưng sau đó có những hối tiếc và rất ăn năn. Chúng ta đã nhắc đến điều này nhiều lần.
Đại Viên Mãn vô song thì vô cùng siêu việt – Mipham Rinpoche nói trong vài bài giảng của Ngài rằng: “Trong thời đại suy đồi, hữu tình chúng sinh chịu nhiều phiền não sâu sắc và nặng nề, điều không thể dễ dàng bị điều phục bởi các phương pháp khác trong Phật Pháp. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cắt đứt mọi phiền não bằng Đại Viên Mãn vô song trong Kim Cương thừa”. Tôi đã suy nghĩ kỹ lưỡng về vấn đề này rất nhiều lần. Sẽ không hữu hiệu nếu chúng ta gạt Kim Cương thừa siêu việt sang một bên và sắp xếp để thảo luận vài phương pháp trong Kinh thừa mỗi ngày. Kinh thừa rất tốt và các giáo lý rốt ráo của Kinh thừa rất gần với Kim Cương thừa. Nhưng chúng ta đều cần biết về sự thật, sau khi đã tiến hành nghiên cứu trong thời gian dài như vậy, rằng các khía cạnh nhất định của Kinh thừa vẫn là điều gì đó khác với Mật thừa. Chúng ta không phản đối Kinh thừa, tuy nhiên các bạn sẽ hiểu những phân chia sau khi đã nghiên cứu nó.
Vì thế, tôi kiên quyết yêu cầu các bạn thêm vào các thực hành sơ khởi, bắt đầu từ năm nay. Theo ước tính ban đầu của tôi thì số lượng học sinh đăng ký các lớp về Lời Vàng Của Thầy Tôi: Chỉ Dẫn Về Các Thực Hành Sơ Khởi Về Tâm Yếu Của Cõi Giới Bao La Từ Đại Toàn Thiện và Tịnh Độ: Giáo Huấn Tây Tạng Về Pháp Tịnh Độ sẽ là 50-50. Nhưng dựa trên thông tin gần đây từ các địa điểm, phần lớn mọi người đăng ký lớp đầu tiên. Số còn lại đăng ký lớp Tịnh Độ: Giáo Huấn Tây Tạng Về Pháp Tịnh Độ, bởi tuổi tác và các mối bận tâm cá nhân khác. Có vẻ như đa số mọi người thực sự có kiến thức khá tốt về Kim Cương thừa. Trong quá khứ, người ta không biết về những ưu thế của Giáo Pháp Mật thừa, bởi các lý do như giao thông, khác biệt về ngôn ngữ, truyền thống quốc gia và nền tảng lịch sử. Nhiều người vội vã kết luận rằng Giáo Pháp Mật thừa không đúng với Giáo Pháp, nhưng điều đó chỉ dựa trên hành vi giả tạo của vài người đang nhân danh Kim Cương thừa. Thực sự, đây không phải là tinh túy đích thực của Giáo Pháp Mật thừa. Bởi chúng ta đã có cơ hội nghiên cứu Giáo Pháp Mật thừa cùng nhau, tôi hy vọng chúng ta sẽ làm vậy với niềm tin chân thành.
NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ THỰC HÀNH KIM CƯƠNG THỪA
Này những kẻ có phước báu gặp được Giáo Pháp siêu việt như vậy,
Con chắc chắn đã tích lũy thiện nghiệp trong nhiều đời
Bởi con có cùng niềm yêu thích với Đức Phổ Hiền,
Nguyện cầu tất cả chúng ta hoan hỷ trong Giáo Pháp vĩ đại này.
Với những vị có cơ hội gặp gỡ Đại Viên Mãn, điều này đến từ công đức được tích lũy trong nhiều đời. Thực sự, để có khả năng gặp gỡ Mật Pháp như vậy giống như có cùng nghiệp lực với Đức Phổ Hiền và tất cả các Pháp hữu cần phải rất hoan hỷ.
Tất cả chúng ta đã có phước báu lớn lao trong đời này khi được gặp gỡ Bậc Thầy Tôn Quý của chúng ta và nghe Ngài giảng dạy Mật Pháp, thọ nhận quán đỉnh và chỉ dẫn. Vài đệ tử Kinh thừa thậm chí đã có cơ hội trì tụng Mật chú Lăng Nghiêm, Phật Đỉnh Đại Bạch Tán Cái Đà La Ni và Mật Chú Vãng Sinh Cực Lạc. Những kết nối tuyệt diệu như vậy với Mật thừa hoàn toàn là kết quả của thiện nghiệp tích lũy từ nhiều đời trước kia. Đức Longchenpa đã đưa ra hai kết luận trong Kho Tàng Tối Thượng Thừa:
1. Bởi chúng ta đã gặp được Kim Cương thừa vô song trong đời này, chúng ta chắc chắn đã cúng dường và phụng sự vô số chư Phật trong các đời quá khứ và cũng đã là môn đồ của chư vị.
2. Bởi chúng ta đã gặp gỡ Kim Cương thừa vô song, chúng ta chắc chắn sẽ thành tựu chứng ngộ trong đời hiện tại, trong Bardo hoặc trong đời tương lai. Các kết luận từ Lô-gic Phật giáo (Pramanavada, Hetuvidyā) đã chứng minh rằng mọi chúng sinh có thiên hướng siêu việt nếu họ đã lắng nghe và nghiên cứu Kim Cương thừa.
Vài người đã thọ nhận quán đỉnh của truyền thừa Mật giáo, nhưng họ vẫn hỏi rằng, “Thưa thầy, con có phước báu để nghiên cứu Kim Cương thừa không?” Thật là một câu hỏi ngu dốt. Thực tế là, tôi có thể khẳng định rằng nếu bạn đã gặp được Mật Pháp trong đời này, bạn không chỉ có thiên hướng với Kim Cương thừa trong đời này, mà cũng có nó trong các đời quá khứ của hàng tỷ năm trước. Tôi không nói vậy chỉ như một ý nghĩ quan niệm. Điều này được chính Đức Longchenpa, vị mà tất cả người Tây Tạng đánh giá cao, nhận xét.
Thực sự, bạn đang đang có cùng hoàn cảnh với Đức Phổ Hiền, bởi bạn đã gặp được Mật Pháp trong đời hiện tại. Bởi vì Giáo Pháp siêu việt này, Đức Phổ Hiền đã đạt trạng thái tự-chứng ngộ và giải thoát trong một phần của giây. Như Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh có giải thích, một người bị lạc và lang thang trên đường, có cảm giác rằng anh ta ở gần ngôi làng. Khi anh ta thấy một người chăn trâu, anh ta biết rằng mình sẽ bỏ lại đằng sau nỗi sợ hãi về những con đường sai lầm. Giống như vậy, chúng ta đã gặp gỡ được các thiện tri thức tâm linh vĩ đại và Kim Cương thừa và vì thế, giống như con cá đã mắc câu và chắc chắn sẽ bị kéo lên bờ, chúng ta sẽ nhanh chóng đạt giải thoát.
Bởi vậy, Kyabje Rinpoche nói một cách khiêm nhường về điểm này: “Hỡi tất cả các Pháp hữu, các con cần hoan hỷ khi đã gặp gỡ Mật thừa vĩ đại như vậy”. Các bạn không nên làm phiền bản thân bằng mọi kiểu nghi ngờ, chẳng hạn: “Liệu con có thể trở thành Thành Tựu Giả trong đời này nếu tiếp tục thực hành theo cách như vậy? Liệu con có bị chư Hộ Pháp trừng phạt? Liệu con có bị Bậc Thầy phạt?” Không cần thiết phải suy nghĩ về mọi điều tiêu cực, thay vì những điều tốt. Gặp gỡ Mật Pháp như vậy đến từ sự tích lũy của thiện nghiệp trong nhiều đời quá khứ. Kyabje Rinpoche nói trong Đạo Ca Hoan Hỷ Về Sự Hành Trì rằng các bạn sẽ thành tựu trong đời tiếp theo, thậm chí nếu bạn không thể thực hành tốt, miễn là các bạn không phá giới trong đời hiện tại. Bạn cần có niềm tin như vậy.
Tuy nhiên, nếu bạn nói xấu Kim Cương thừa hay không tuân theo bậc thầy và những giáo lý của Ngài, thật khó để nói đến những kết quả. Một vài giới luật trong Kim Cương thừa rất nghiêm ngặt. Không chỉ các giới luật trong Kim Cương thừa mà Bồ Tát giới hay thậm chí các giới luật cho Phật tử cư sĩ đều rất nghiêm ngặt. Nếu hôm nay bạn quy y Tam Bảo và nói xấu Tam Bảo vào ngày mai, chắc chắn bạn sẽ đọa vào ba cõi thấp hơn. Vì vậy, vài người có thể nghĩ rằng, “Ôi, tôi không thể bước vào Mật thừa. Thật quá nguy hiểm!” Nếu bạn nghĩ thật nguy hiểm khi tu học Mật thừa, nó cũng nguy hiểm khi quy y Tam Bảo. Cũng thật nguy hiểm tại nơi làm việc – nếu bạn phạm phải tội giết người tại nơi làm việc, bạn chắc chắn sẽ bị kết án tử hình. Khắp nơi trên thế giới đều rất nguy hiểm với những người xấu. Chỉ người tốt mới có thể giải thoát.
Trích “Đạo Ca Chiến Thắng”, Khenpo Sodargye bình giảng, Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
BBT LHQ trích và giới thiệu.
______________________
Chú thích:
1. Đây là trích dẫn bình giảng của Khenpo Sodargye về “Đạo Ca Chiến Thắng”. Tên do BBT LHQ đặt để tiện theo dõi cho người đọc.
2. Ngài Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche (1933-2004), tác giả của Đạo Ca Chiến Thắng.