Mọi Của Cải Giống Như Mật Của Những Con Ong 1
Khenchen Konchog Gyaltshen
Mọi của cải giống như mật của những con ong. Nó trói buộc ta vào sinh tử và bị người khác lấy đi một cách tùy thích. Nhiều của cải bị mất mát và lãng phí không mục đích. Vì thế, điều quan trọng là rút ra được tinh túy của của cải bằng cách sử dụng nó cho Giáo pháp và bằng thực hành bố thí (Bhande Dharmaradza) CHÚNG TA DÀNH quá nhiều năng lực để tích tập của cải. Ta dự tính nhiều kế hoạch và chịu đựng gian khổ, thậm chí phải mất mạng, để thâu thập của cải. Khi đã thu thập một số của cải, ta phải dùng rất nhiều nỗ lực để bảo vệ nó. Nhưng bạn có thể thấy rằng hầu hết của cải mà bạn tích tập bị người khác sử dụng, bạn không giữ được bao nhiêu cho bản thân bạn. Ta làm việc cực nhọc để kiếm tiền, và vào một lúc nào đó, ta mất hầu hết tiền của đó. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, ta không có nhiều cơ hội để sử dụng của cải của ta một cách tích cực. Điều này được minh họa bằng một câu chuyện về một đời trước của Đức Phật.
Ngày xưa có một ngàn con ong mật, nữ hoàng của chúng là một vị Bồ Tát. Tất cả những con ong này thâu thập một lượng mật ong khổng lồ, và một thời gian sau, một người săn mật đi tới tổ ong và lấy mật đi. Những con ong đau khổ ghê gớm! “Chúng ta làm việc cực nhọc trong nhiều năm nhưng bây giờ không được hưởng kết quả. Ta nên làm gì?” Chúng di chuyển đến nơi khác và sản xuất mật trong vài năm nữa, chịu đựng những cơn mưa và sự nóng nực. Một lần nữa, sau một thời gian, một người đến và lấy đi tất cả số mật. Cuối cùng nữ hoàng của những con ong mật nói: “Hãy nghe ta nói vài lời. Ta có điều muốn nói. Đã nhiều lần chúng ta thâu thập phấn từ đủ loại cây và hoa khác nhau và làm việc vô cùng khó nhọc. Nhưng người ta cứ lấy đi mất. Đây là bản chất của sinh tử. Mặc dù thế, cho dù ta có nỗ lực nhiều tới đâu chăng nữa để thâu thập phấn hoa và chế tạo mật, điều tương tự vẫn sẽ xảy ra. Chúng ta chẳng có được một ngày nào trong cuộc đời này để hưởng hạnh phúc và an bình. Từ nay trở về sau, điều chúng ta nên làm là quy y Phật, Pháp và Tăng, từ bỏ sinh tử, và thực hành Giáo pháp quý báu. Đây là cách duy nhất để thực sự mang lại an bình và hạnh phúc.” Tất cả những con ong tuân theo ong chúa và thoát khỏi sự tham luyến vào việc tạo ra mật. Chúng chân thành thực hành Pháp, và đó là sự bắt đầu của an bình và hỉ lạc trong đời chúng.
Điều này không có nghĩa là ta không nên có của cải. Nó có nghĩa là ta nên cắt đứt sự tham luyến của ta đối với của cải, phát triển sự hài lòng, và sử dụng của cải mà ta có bằng một cách thức tốt hơn cho bản thân ta và những người khác. Theo cách này, của cải không trở thành một nguồn mạch của đau khổ.
Vì thế hãy sử dụng tinh túy của của cải của bạn cho Giáo pháp. Chẳng hạn như, khi bạn có nhiều một thứ gì đó, bạn có thể hỗ trợ cho người chân thành thực hành nhưng không có phương tiện để nhập thất. Nhiều câu chuyện trong thời Đức Phật kể về những bậc vĩ đại đã hỗ trợ cho các vị tăng và ni, xây dựng tu viện, và thiết lập các địa điểm dành cho việc nghiên cứu và thực hành Pháp để bảo tồn và truyền bá những giáo lý cao quý này. Đây là một câu chuyện như thế:
Ngày xưa có một gia chủ tên là Dawa Sangpo có một gia đình lớn và một địa vị rất cao. Một hôm có một vị Tỳ kheo đến khất thực ở nhà ông. Gia đình cúng dường cho vị tu sĩ và hỏi nhà sư có biết cách nào để mang lại của cải không. Nhà sư ban cho họ hình tượng Dzambhala và bảo họ đặt tấm hình trong két sắt và cúng dường. Vị sư bảo đảm với họ rằng của cải của họ sẽ tăng trưởng theo cách này. Gia chủ Dawa Sangpo cúng dường theo lời chỉ dạy, và tấm hình lớn dần lên. Về sau, họ tìm thấy nhiều châu báu—vàng, bạc v.v..—trong nhà. Nghiệp tạo nên tất cả những kết quả này như sau: trong một đời trước, Dawa Sangpo sinh vào một gia đình có người cha là một tên trộm chuyên nghiệp. Khi đứa trẻ lớn lên, người cha cố gắng dạy nó trộm cướp v.v.., nhưng cậu bé không cộng tác. Do bởi điều đó, người cha trở nên giận dữ và đuổi cậu ra khỏi nhà. Cậu bé đi tới một vị Thầy, thọ giới không bao giờ trộm cắp, và chân thành tuân giữ giới nguyện đó. Về sau, khi cậu được sinh làm gia chủ Dawa Sangpo, cậu gặp lại vị Thầy đó, khi ấy vị Thầy hóa thân làm một tu sĩ, ban cho ông pho tượng và các giáo huấn Dzambhala.
Quyển sách này là một ví dụ hay khác. Việc chuẩn bị và in sách đòi hỏi một số phí tổn. Nhưng nhờ sự rộng rãi của những người khác, giờ đây chúng ta có nó, có thể đọc và nghiên cứu sách để thâu đạt trí tuệ. Nó mang lại cơ hội cho những người khác để thực hành và phát triển trí tuệ. Khi nhận ra tính chất nhân và quả, ta nên được gây truyền cảm hứng để thọ nhận giới luật không trộm cắp và xa rộng hơn nữa, thực hành sự bố thí. Bản thân ta sẽ được lợi lạc chứ không ai khác.
CHÚ THÍCH: [1] Tên tiêu đề do BBT đặt để tiện cho bạn đọc theo dõi.
~ Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ về Con Đường Phật Pháp” Phúc Hạnh An trích dẫn.