NĂNG LỰC CỦA KINH LUÂN THỜI NAY
Ở Tây tạng trước đây, bất kỳ nơi đâu bạn đi qua, bạn sẽ bắt gặp mọi người nhất là người già, tay quay kinh luân từ sáng đến tối, trong lúc miệng đọc tụng câu chú Om Mani Padme Hum (là câu kinh Tây tạng bằng tiếng Phạn đầy năng lực) để làm vơi nỗi khổ của mọi chúng sanh.
Lẽ sống của đời tôi là bảo tồn cả văn hóa và Phật giáo Tây tạng. Kinh luân là một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa và thực hành tâm linh Phật giáo Tây tạng. Mặc dù sanh ra và lớn lên ở Tây tạng, nhưng hiện nay tôi sinh sống tại nước Mỹ và quanh tôi là những học trò thông thạo công nghệ máy tính mà tôi không thể tưởng tượng ra khi còn ở quê nhà.
Mục đích ban đầu của thực hành kinh luân của truyền thống Phật giáo Tây tạng là xoa dịu mọi chúng sanh đang đau khổ. Với việc thực hiện một kinh luân Tây tạng ở tu viện Sakya, chúng tôi đã nối kết sự tuyệt hảo của thực hành tâm linh Tây tạng với công nghệ máy tính hiện đại bậc nhất để tạo ra một “nghi thức của nghệ thuật mới” qua sự kết hợp tâm linh - công nghệ hiện đại hoặc như đệ tử của tôi Chuck Pettis gọi vắn tắt là ‘Tibet-Tech’.
Kinh luân lớn nhất ở Tây tạng, Om Mani Dunkhor, chứa 100 triệu thần chú Mani. Kinh luân Tibet-Tech, nhỏ gọn nhưng chứa đựng số lượng thần chú nhiều hơn bất kỳ những cái đã từng được làm trước đây. Với 1,349,580,000,000 thần chú trong mỗi vòng quay, Kinh luân Tibet-Tech có khả năng tạo ra vô số công đức, niềm an bình và từ ái vô biên xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sanh.
Việc chú tâm quay kinh luân với số lượng 1,300 tỷ thần chú tạo ra một lượng công đức và lợi lạc tương đương với việc trì tụng 1,300 tỷ thần chú. Điều này được thành tựu nhờ quay kinh luân theo chiều kim đồng hồ sẽ kích động và phóng xuất năng lực của những thần chú bên trong. Giả sử tụng một câu chú mất một giây, thì phải mất xấp xỉ 42,776 năm để đọc tụng 1,300 tỷ câu chú. Nhưng chỉ với một lần quay, kinh luân Tibet-Tech (100 vòng / 1 lần quay) sẽ phát ra 27,000 thần chú cho mỗi người trong số 5 tỷ người trên hành tinh. Nếu xếp nối đuôi nhau, những câu chú này sẽ trải dài từ trái đất đến mặt trăng rồi quay lại được 607,500 lần! Để hiểu rõ năng lực của các kinh luân, chúng ta phải thấu hiểu năng lực của các thần chú (mantra). Chữ mantra bắt nguồn từ tiếng Phạn mà nghĩa đích thực của nó là “bảo vệ tâm”. Trong văn hóa Tây tạng, các thần chú được giải thích là những chủng tự tâm linh được ban năng lực của các bậc giác ngộ, đem lại lợi lạc cho hữu tình chúng sanh.
Nhiều Phật tử trì tụng Om Mani Padme Hum, thần chú Lục- tự của Chenezi, vị Bồ tát của lòng từ bi. Mặc dầu thật khó thành tựu, song một số Phật tử tinh tấn đã trì tụng 100 triệu biến chú Om Mani Padme Hum trong suốt cuộc đời của họ. Lợi ích phát sinh từ khối công đức đó, là họ hiển lộ sự thành tựu và an định, có khả năng cứu giúp người khác và không còn sợ hãi cái chết. Số khác thậm chí mọc răng mới khi họ đã 80 - 90 tuổi. Tự bản thân tôi biết có người đã làm được như vậy.
Trong Phật giáo Tây tạng, việc trì tụng thần chú là một trong những phương pháp hiệu quả nhất nhờ đó họ thực sự đạt được sự an lạc, xả ly và hạnh phúc trong tâm hồn. Về mặt tinh thần, các thần chú làm hiển lộ và là chất xúc tác cho tâm giác ngộ xuyên qua những âm thanh thiêng liêng cùng với sự cầu khẩn các Bổn tôn, Chư Phật, Chư vị Bồ tát, các Dakini và các đấng linh thánh khác. Năng lực của kinh luân phát xuất từ lòng từ bi vô lượng của các bậc linh thánh luôn muốn dẫn dắt mọi chúng sanh đến giác ngộ càng sớm càng tốt.
Những lợi ích của Kinh luân
Sự thực hành Kinh luân có rất nhiều lợi ích kỳ diệu. Tương truyền, kinh luân được mang đến trái đất từ thế giới của loài Rồng (là những chúng sanh sống trong các đại dương) nhờ bồ tát Long thọ vì ngài được mách bảo bởi bồ tát Quan-Âm trong một linh kiến rằng “những lợi ích của nó đối với chúng sanh là vô cùng to lớn”. Ngài Long thọ đã trao cho vị Dakini mặt sư tử phương pháp thực hành kinh luân, về sau vị này dạy lại cho Đức Liên-Hoa-Sanh, người đã truyền nó vào Tây Tạng.
Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni dạy rằng một lần quay kinh luân còn tốt hơn là nhập thất trong nhiều năm, dù đó là một thực hành tâm linh mãnh liệt. Ngài bảo “Chuyển bánh xe pháp còn tốt hơn lắng nghe, suy tư và thiền định trong một tỷ năm”
Đức Phật A-Di-Đà dạy “Kẻ nào trì tụng thần chú Sáu âm trong lúc quay kinh luân phước của kẻ đó ngang với 1000 vị Phật”. Đức Liên-Hoa-Sanh bảo “ngay cả với kẻ thiếu kiên trì, vẫn có được những năng lực kỳ diệu. Những ai tinh tấn trì tụng Sáu âm và quay kinh luân thì không nghi ngờ gì nữa họ sẽ đạt được thập địa”.
Sừ dụng kinh luân là một trong những cách thức dễ dàng nhất để tịnh hóa nghiệp tiêu cực trong quá khứ, mọi ác hạnh, nhiễm ô và những chướng ngại ngăn che chúng ta nhận ra tự tánh của mình và vạn pháp. Đức Phật dạy “Lợi ích nhất chính là mọi nghiệp lực và vô minh phiền não tích tập trong chuỗi tái sinh dài vô tận được tịnh hóa dễ dàng không nhọc công”.
Những lợi ích khác của thực hành kinh luân:
• Chuyển thân, khẩu, ý của hành giả thành thân, khẩu, ý của một vị Phật. Thân của người đó trở thành cõi tịnh độ.
• Chuyển nhà cửa và của cải của hành giả thành cõi tịnh Potala an lạc và quý báu hoặc cảnh giới cao của chư Thiên.
• Cứu mọi chúng sanh trong khu vực chung quanh kinh luân không đọa vào các cõi thấp (như súc sanh chẳng hạn).
• Tịnh hóa thân, khẩu và ý của hành giả.
• Tích lũy lượng công đức bao la cho chính mình và mọi chúng sanh trong vùng
• Ngăn chặn những tai họa gây ra bởi các tinh linh và ác ma.
• Chữa lành mọi bệnh tật và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Sau đây liệt kê những lợi lạc của việc quay kinh luân được mô tả trong hai bản văn Phật giáo Tây tạng cổ. Trước hết là những lợi ích đề cập đến trong “Ma ni'i phan yon” hoặc “Lợi lạc của Mani”:
• Những bổn tôn thiền định, chư Dakini và hộ pháp sẽ tự nhiên gia hộ bạn khi quay kinh luân.
• Quay kinh luân có năng lực ban phước nhanh chóng; nó có sự thiện xảo thật lớn lao về mặt phương tiện; hành động của nó thật nhanh chóng; nó có năng lực giải thoát khỏi những chướng ngại ma quỷ, ngoại đạo, phá giới, 80,000 loài ma, 360 tinh linh xấu, 18 cái chết phi thời, ngăn ngừa mọi chướng ngại và sẽ bảo hộ chúng ta. Mọi kẻ thù đều vượt qua.
• Kinh luân như viên ngọc báu: bất cứ điều gì bạn muốn, nó sẽ hoàn thành những thành tựu thông thường và siêu việt.
• Quay kinh luân với sự ăn năn sám hối lớn lao sẽ loại trừ 5 hành động bị báo ứng nhãn tiền, 4 trọng tội, 8 tà kiến, 10 hành vi bất thiện.
• Trong lúc bạn quay, bất kỳ ai nhìn thấy bạn quay kinh luân, chạm vào bạn hoặc kinh luân, nhớ nghĩ đến bạn hay kinh luân, được bóng của bạn hoặc kinh luân phủ lên sẽ không bao giờ đọa vào 3 đường ác, và được đưa vào con đường của Phật quả.
• Quay kinh luân có năng lực mạnh mẽ hơn 100 vị tăng tụng kinh và thần chú Trường thọ, và mãnh liệt hơn 100 yogi đang thiền quán về vòng bảo vệ kim cang.
• Bất kỳ nam hay nữ quay kinh luân sẽ đạt được mọi điều họ ước muốn vì điều đó hòa hợp với pháp.
• Bất kỳ ai quay kinh luân sẽ không tái sanh làm một gia chủ tà kiến, người què, mù, câm, điếc hoặc nghèo khổ.
• Bạn sẽ đạt được trí tuệ giác ngộ bình đẳng hành động vì lợi ích của chúng sanh.
Tiếp theo là những lợi ích của việc quay kinh luân theo “Ma ni ′khor lo′i phan yon” hay còn gọi là “Lợi lạc của kinh luân”:
• Quay kinh luân 1 lần tương đương với việc đọc 1 lần Tanjur (luận giải về giáo lý của Phật)
• Quay 2 lần đồng đẳng với việc đọc Kanjur 1 lần (kinh Phật)
• Quay 3 lần sẽ loại bỏ những chướng ngại của thân, khẩu, ý.
• Quay 10 lần sẽ loại bỏ khối ác hạnh to lớn như núi Tu-di.
• Quay 100 lần sẽ sánh ngang Yama, vua Pháp.
• Quay 1000 lần sẽ nhận ra ý nghĩa của Pháp thân, làm lợi ích cho chính mình.
• Quay 10,000 lần sẽ có khả năng làm lợi ích cho kẻ khác
• Quay 100,000 lần sẽ được sanh làm người hầu của Đức Chenrezi.
• Quay 1 triệu lần, chúng sanh trong sáu cõi sẽ đạt được đại dương hạnh phúc.
• Quay 10 triệu lần, sẽ cứu thoát tất cả chúng sanh hữu tình khỏi địa ngục.
• Quay 100 triệu lần, bạn sẽ đồng đẳng với Đức Chenrezi tôn quý.
• Theo “Chu klung chen po ′i m do” (Kinh dòng sông vĩ đại) mỗi lần quay kinh luân sẽ có lợi lạc nhiều hơn việc thiền định trong 7 năm. Quay 1 lần lợi lạc to lớn hơn việc giảng, học giáo lý và thiền định trong 1 tỷ năm; lợi lạc hơn hẳn nỗ lực thực hành lục độ trong 1 tỷ năm, đạt ích lợi vượt trội hơn cả giảng dạy và học hỏi Tam Tạng kinh điển và 4 cấp độ Tantra trong 1 tỷ năm. Trì tụng thần chú Lục tự và quay kinh luân vào những ngày thiêng liêng thì có phước ngang bằng với 1000 vị Phật. Những ai quay kinh luân sẽ trở thành những bậc Bồ tát thân cận của 1000 vị Phật.
• Vào lúc chết, khi đặt kinh luân ngay trên lỗ Brahma sẽ tạo ra sự chuyển di thần thức.
Liệt kê trên chỉ sơ lược một vài lợi lạc mà thôi, không thể mô tả hết diệu dụng của việc hành trì kinh luân.
Quán tưởng đúng đắn khi quay kinh luân
Việc quay kinh luân không phải là một thực hành với tâm lơ đãng. Việc hành trì kinh luân phải được thực hiện với những mục đích đúng đắn. Việc quay kinh luân phải quán tưởng nó như sự hiển lộ của thân, khẩu và ý của chư Phật. Trên phương diện thân, tay của chúng ta quay và chuyển động kinh luân. Về phương diện khẩu, miệng chúng ta trì tụng một trong những thần chú của kinh luân (vd. Om Mani Padme Hum). Về phương diện ý, chúng ta chuyên chú vào việc quán tưởng hoặc trì tụng, phát khởi động lực của chúng ta là vì lợi lạc của chúng sanh và sự an bình của xung quanh và toàn thể pháp giới.
Quán niệm trong lúc quay kinh luân bao gồm:
• Trì tụng Om Mani Padme Hum trong khi quay kinh luân. Việc này giúp tâm chúng ta trở nên kiên cố và tập trung tốt nhất vào thực hành và tăng trưởng lợi lạc vì tất cả chúng sanh.
• Chuyên chú tâm của bạn vào lòng từ bi, bình đẳng và lợi ích vì tha nhân, không phải cho bạn.
• Quán tưởng những tia sáng rực rỡ như mặt trời, phóng ra từ kinh luân chiếu sáng mười phương. Những tia sáng này phá hủy mọi ác nghiệp và đau khổ không chỉ của loài người, mà tất cả chúng sanh bao gồm súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, a-tu-la và chư thiên. Mọi ác nghiệp bị thu hút vào kinh luân và tiêu tan.
• Tập trung vào một vấn đề, chẳng hạn chiến tranh hoặc thảm họa, quay kinh luân nghỉ tưởng đang hóa giải nỗi đau thương của chúng sanh đang gặp nạn.
• Hồi hướng công đức của việc thực hành kinh luân nhằm tịnh hóa nguyên nhân căn bệnh của ai đó để điều trị bệnh.
Đức Phật đã từng dạy rằng không hồi hướng công đức giống như giọt nước rơi trên đá, nó nhanh chóng bay hơi và biến mất. Hồi hướng công đức như giọt nước rơi vào biển cả, nó còn mãi cùng với đại dương bao la. Sau khi quay kinh luân, thật lợi lạc khi hồi hướng công đức của việc thực hành thiêng liêng này vì sự giải thoát của chúng sanh hữu tình, đánh thức Bồ đề tâm, vì sự trường thọ và truyền bá giáo pháp của các vị Thầy.
Khi nào sử dụng Kinh luân
Bạn có thể quay kinh luân khi đang thực hành thiền định và trì tụng thần chú hàng ngày. Nó cũng có thể được sử dụng trong những đàn tràng trì tụng Chenrezi, Bát nhã tâm kinh, Thập nhị nhân duyên của Đức Phật, v.v… Kinh luân không được quay khi Đạo sư đang nói hoặc giảng dạy giáo lý.
Kinh luân có thể quay khi đang kinh hành bảo tháp, thánh địa và thậm chí trong lúc xem tivi hay nghe radio hoặc âm nhạc.
Kinh luân Tibet-Tech đã được thực hiện như thế nào?
Kinh luân truyền thống được lấp đầy thần chú bằng giấy có in thần chú quấn thành một khối đặt bên trong kinh luân.
Bởi vì một kinh luân càng nhiều năng lực khi càng có nhiều thần chú bên trong, các bậc thầy như Zopa rinpoche đã xếp thần chú lên tấm micro phim để tăng số lượng thần chú trong kinh luân. Với kinh luân Tibet-Tech đây là lần đầu tiên áp dụng đĩa DVD để lưu trữ thần chú bên trong kinh luân.
Ý tưởng của kinh luân hiện đại này phát xuất từ Chuck Pettis, chủ tịch tu viện Sakya, anh ta nói về điều này như sau: Pháp vương Jigdal Dagchen Sakya (Dagchen Rinpoche) và Nhiếp chính vương Dagmo Kusho Sakya (Dagmo Kusho) đã khuyên tôi sử dụng kinh luân để tu tập hàng ngày. Các vị đã tặng cho tôi 2 cái kinh luân. Một cái bằng điện và quay liên tục trên bàn thờ của tôi. Cái thứ hai tôi cầm trên tay và quay trong lúc trì tụng các thần chú hàng ngày. Khi tôi khởi sự quay kinh luân, ngay lập tức vợ tôi chú ý vì sự xuất hiện một bầu không khí thiêng liêng mạnh mẽ bao trùm phòng thờ của tôi. Một hôm, trong khi thiền định, một câu hỏi nảy sinh trong đầu: “Có bao nhiêu thần chú có thể đặt trong kinh luân?” Kết quả là kinh luân Tibet-Tech ra đời.
Công ty của Chuck Pettis, ‘Bảo tồn trái đất’, phụ trách việc sản xuất các kinh luân Tibet-Tech. Bây giờ, anh ta sẽ giải thích làm thế nào kinh luân Tibet-Tech được chế tạo. ‘Ngay từ lúc bắt đầu, Dagmo Kusho và tôi đã liên lạc với Tarthang Tulku Rinpoche của Trung tâm thiền định Nyingma Tây tạng, người đã tạo ra hơn 1,600 kinh luân. Tarthang Rinpoche thật tử tế vì đã trao cho chúng tôi một tài liệu rất hữu ích, ‘Kinh luân của các trung tâm Nyingma’.
Kinh luân Tibet-Tech là lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật DVD để đưa mantra vào kinh luân. Mỗi thần chú trong 8 thần chú được chứa trong 10x5000 ô (cell) thành một ma trận trên một trang làm việc (worksheet) của phần mềm Microsoft Excel, sau đó chúng được xuất sang định dạng tập tin của Adobe Acrobat-6.0 PDF chứa 50,000 thần chú. Một ngàn tập tin PDF này được nén thành một tập tin chứa 50 triệu thần chú. Mỗi thần chú bao gồm rất nhiều tập tin nén trên được ghi vào một đĩa DVD. Mỗi chú có mười sáu đĩa DVD, tổng cộng 8 chú có 128 đĩa được chứa trong một kinh luân. Tổ hợp độc đáo của các thiết bị tâm linh này được dựa trên kỹ thuật thiết kế kinh luân cổ truyền kết hợp với công nghệ máy tính hiện đại. Ở trung tâm là cột gỗ đàn hương hình tháp được Yeshe Tulku sơn lên 3 chủng tự Om Ah Hum, biểu tượng của thân, khẩu và ý của Phật. Chồng lên nhau và bao quanh trụ này là 128 đĩa DVD, bao gồm 8 bộ 16 đĩa DVD trong đó là 8 chú (xem giải thích của các thần chú và lợi lạc của chúng bên dưới). Dagchen Rinpoche chọn thần chú. Yeshi Tulku viết ra thần chú. Dagmo Kusho và Dagchen Rinpoche đọc sửa lỗi các thần chú. Sau đó, Tom Ashbrook, một thành viên trong ban quản trị tu viện, sắp xếp các thần chú vào trang giấy, chúng lại được kiểm tra kỹ và in thử. Cuối cùng, Tom Ashbrook lưu lại và nén các thần chú vào đĩa DVD với định dạng PDF bằng bộ ghi đĩa Disc Makers ReflexPro7 DVD+RW. Tom Ashbrook nói rằng “Quá trình ghi đĩa DVD, với tôi trông giống như các thần chú được viết bằng ánh sáng cầu vồng lên đĩa”. Nhãn được dán lên mỗi đĩa, trong đó ghi tên thần chú, câu chú bằng chữ Tây tạng, số lượng thần chú trên đĩa và con dấu của tu viện Sakya. Bên dưới và trên của mỗi chồng đĩa DVD là biểu tượng bánh xe đất và bánh xe trời khắc nỗi trên đồng được vẽ bởi Zopa Rinpoche và mô tả trong cuốn sách “Bánh xe đại bi: Thực hành kinh luân của Phật giáo Tây tạng” của tác giả Lorne Ladner (Nhà xuất bản Trí tuệ, 2000).
Toàn bộ thiết kế và chế tác vỏ bọc của kinh luân được thực hiện bởi nghệ nhân kim loại Mike Sweeney với sự trợ giúp của một vài kỹ sư của Charlie Pettis (Cha của Chuck Pettis). Đĩa DVD được bao bọc bằng một hộp hình trụ bằng đồng và thau. Chúng đặt trên một khối lập phương có ổ bi và bộ đếm số vòng quay của kinh luân. Kinh luân chuyển động bằng cách đặt tay vào bốn càng ở đáy hình trụ và quay theo chiều đồng hồ. Các quả cầu gỗ ở đầu mút của mỗi càng được làm từ gỗ Jarra thuộc họ bạch đàn Úc, một loại gỗ rất bền bĩ với thời tiết bên ngoài. Om Mani Padme Hum được Yeshe Tulku vẽ tay dưới dạng chữ Ranjana của Ấn độ và được dập nổi trên vỏ đồng bọc ngoài.
Toàn bộ kinh luân được làm kín bằng silicon để bảo đảm khô ráo bên trong và đậy kín bởi một nắp trang hoàng đặc biệt làm bằng máy tương tự kinh luân của vị Dagmo Kusho. Con dấu của tu viện Sakya được dập nổi trên đồng và gắn vào mặt trước của kinh luân cạnh bộ đếm vòng quay…
Sau khi kinh luân hoàn tất vào ngày 13 tháng 5 năm 2004, chúng được ban phước và dâng cúng bởi chính tôi (Dagchen Rinpoche) với sự trợ giúp của Dagmo Kusho và Yeshi Tulku. Lễ ban phước có 3 phần. Đầu tiên là tán tụng thần chú, tiếp theo dâng cúng kinh luân. Cuối cùng, hồi hướng công đức vì lợi lạc của toàn thể chúng sanh và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Bao giờ vũ trụ còn tồn tại, bấy giờ những thần chú này vẫn còn hiệu nghiệm.
Bộ ba kinh luân đầu tiên được đặt ở trung tâm nhập thất của tu viện Sakya, trung tâm thiền định Tara trong khuôn viên công ty ‘Bảo tồn trái đất’. Những kinh luân này được đặt trên những trụ đá gần Dolmen, vành đá Cottonwood và vành đá Fen, ở đó chúng được quay bởi những hành giả nhập thất và khách hành hương để tạo ra những công đức to lớn vì lợi lạc của tất cả chúng sanh và đem lại hòa bình cho thế giới. Vào ngày 9 tháng 3 năm 2005, những kinh luân trên đã được quay trên 375,000 vòng, phát ra 507,837,506,940,000,000 thần chú.
Các Thần chú trong kinh luân Tibet-Tech
Thần chú trong kinh luân tiêu biểu cho những giáo lý nền tảng của Đức Phật. Những thần chú là những từ được chính Đức Phật nói ra và chưa bao giờ bị thay đổi. Các thần chú kết hợp sức mạnh âm thanh của Phật và sức mạnh của ý nghĩa, vì mỗi câu chú đại diện cho những sự thật và giáo lý sâu thẳm.
Các thần chú được xếp chồng từ dưới lên bắt đầu từ bộ 16 đĩa DVD A-li, tiếp theo 16 đĩa DVD Ka-li, và tiếp tục cho đến cuối cùng là bộ đĩa thần chú Kim-cang Tát-đỏa. Thần chú Số lượng thần chú trên một đĩa Số lượng đĩa DVD
trong kinh luân Số lượng thần chú trong kinh luân 1-A-li 21,750,000,000 16 348,000,000,000 2-Ka-li 7,000,000,000 16 112,000,000,000 3-Ta-ra 12,650,000,000 16 202,400,000,000 4-Ma-ni 14,400,000,000 16 230,400,000,000 5-Long-life 13,400,000,000 16 214,400,000,000 6-Se-dhe 9,800,000,000 16 156,800,000,000 7-Ye-dhr-ma 5,250,000,000 16 84,000,000,000 8-Vajrasattva 98,750,000 16 1,580,000,000 Tổng cộng 84,348,750,000 128 1,349,580,000,000
1. A-li Mantra:
AA II UU RiRi LiLi E Ai O Au Am Ah
A-li, nghĩa là nguyên âm, là 16 nguyên âm Phạn, chúng là những âm gốc, rung động nền tảng của toàn thể các thần chú và là những chữ đầu tiên được giảng dạy bởi Phật Thích-ca Mâu-ni.
2. Ka-Li Mantra:
Ka Kha Ga Gha Nga Tsa Tsha Dza Dzha Nya
Tra Thra Dra Dhra Nra Ta Tha Da Dha Na
Pa Pha Ba Bha Ma Ya Ra La Wa Sha Kha Sa Ha Cha
Ka-li, nghĩa là phụ âm, là 34 phụ âm Phạn được cho là tiếng Phạm thiên. Vì thế, thần chú này tịnh hóa khẩu của bạn.
Ở Tây tạng, khi các yogi và yogini chuẩn bị nhập thất, trước tiên họ rửa mặt rồi trì tụng nhiều lần chú Ka-li để tịnh tâm trước khi vào thất. Thực tế, sự kết hợp và sắp xếp trình tự các thần chú trong kinh luân cho phép bạn gặt hái những lợi lạc đích thực của nhập thất nếu bạn quay kinh luân với mục đích đó trong tâm.
3. Ta-ra Mantra
Om Tare Tuttare Ture Soha
Tara là Mẹ của tất cả chư Phật và Bồ tát. Ngài đại diện cho mọi hoạt động của chư Phật. Ngài cứu giúp mọi người nhanh chóng ngay tức thì.
Om là thân, khẩu và ý thiêng liêng của Tara. Tare giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và kiểm soát vọng tưởng và nghiệp. Tuttare giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và nguy hiểm. Ture giải thoát chúng ta khỏi vô minh. Soha nghĩa là ‘nguyện cho ý nghĩa của thần chú bén rễ trong tâm con’.
4. Ma-ni Mantra
Om Mani Padme Hum
Mỗi âm trong sáu âm của thần chú này – Om, Ma, Ni, Pad, Me, Hum – đại diện cho một trong sáu cõi: Địa ngục, Ngạ quỹ, Súc sanh, Nhân, A-tu-la và Thiên. Thần chú Mani này là thần chú phổ biến nhất trong tất cả các thần chú của Phật giáo. Nó mang ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Nói vắn tắt, Om Mani Padme Hum là thần chú của Chenrezi, vị Bồ tát của lòng từ bi.
Thần chú này cũng được nhìn thấy bên ngoài vỏ đồng kinh luân dưới dạng ký tự Ranjana cổ của Ấn độ.
5. Long-Life Amitayus Mantra
Om Amarana Tsibin Tiye Soha
Amitayus là vị Phật trường thọ.
6. Se-dhy Mantra
Om Ah Hum Bendza Guru Padma Siddhi Hum - Con cầu khẩn Ngài, bậc Thầy kim cang, Đức Liên-Hoa-Sanh; nhờ sự ban phước của Ngài nguyện Ngài ban cho chúng con những thành tựu thông thường và tối thắng.
Thần chú này của Đức Liên-Hoa-Sanh, còn được gọi là Guru Rinpoche và vị Phật thứ hai. Thần chú này cầu khẩn Đức Liên-Hoa-Sanh ban phước cho chúng ta, bảo hộ chúng ta, xóa tan chướng ngại và ban cho chúng ta những năng lực linh thánh và sự chứng ngộ.
7. Ye-dhr-ma Mantra
Ye Dharama Hetu Prabhava Hetun Teshan Tathagato Hyavadat Tekhan Tsayo
Nirodha Evam Bhadi Maha Shramana
Ye-dhr-ma là thần chú của sự cúng dường, an định và tánh không.
8. Vajrasattva 100-Syllable Mantra
Om Bendza Sato Samaya Manupalaya Bendza Sato Tenopa Tita Dridho Me
Bhawa Suto Kayo Me Bhawa Anurakto Me Bhawa Supo Kayo Me Bhawa Sarwa
Siddhim Me Trayatsa Sarwa Karma Sutsa Me Tsittam Shreyam Kuru Hung HA HA HA HA HOH Bhagawan Sarwa Tatagata Bendza Mame Muntsa Bendzi Bhawa Maha Samaya Sato AH
Chú trăm âm là thần chú của Kim-cang Tát-đỏa. Lợi ích chính yếu của nó là tịnh hóa và từ bi.
~ Pháp vương Jigdal Dagchen Sakya
Mindroling Việt Nam phiên dịch từ các bài viết của Đức Jigdal Dagchen Sakya:
1. The Use and Benefits of Prayer Wheels
2. The Power of “Modern” Prayer Wheels
Pháp vương Jigdal Dagchen Sakya là bậc Thầy đứng đầu của dòng Sakya và tu viện Sakya của Phật giáo Tây tạng tại Seattle. Dagchen Rinpoche đã sanh ra và tu tập như một lãnh đạo tôn giáo ở Tây tạng xưa. Các vị lãnh đạo Sakya nắm giữ vị trí thứ ba sau Đức Dalai Lama về mặt thứ bậc. Dagchen Rinpoche cũng là một trong số ít các vị trưởng dòng bất bộ phái (Rime) còn sống ngày nay. Hiện Ngài đang hoàn thành cuốn tiểu sử 4 tập về cuộc đời của mình ở Tây tạng trước đây và cuộc sống hiện tại ở Tây phương.
TPHCM – 16.9.2011