Nên Chú Tâm vào Pháp khiến cho Tâm Sắc Bén
Khenchen Konchog Gyaltshen
Những trò tiêu khiển vô nghĩa và những câu chuyện vẩn vơlà nguyên nhân khiến đời ta bị lãng phí và ngăn che tâm Giáo pháp và v.v...Bạn nên phát triển đức hạnh càng nhiều càng tốt.
(Bhande Dharmaradza) RẤT NHIỀU CUỘC TRÒ CHUYỆN của chúng ta thật là vô nghĩa - những câu chuyện chỉ làm lãng phí thời gian và năng lực của ta và khiến ta phí phạm cuộc đời mình. Những trò chuyện đó hầu hết đều có liên quan đến những tham luyến và oán ghét của ta và không có nhiều ý nghĩa. Cuộc đời ta vô cùng ngắn ngủi. Nếu ta sống một trăm năm, nó chẳng là gì. Cho dù ta sống hai trăm năm thì dù thế nào chăng nữa ta cũng phải chết. Cuộc đời không dài lâu hay vững chắc. Điều này được dạy không phải để gây nên sợ hãi mà là để giúp ta hiểu rằng ta có thể sử dụng thời gian của mình một cách tốt đẹp hơn.
Đôi khi ta phải hy sinh chút ít. Giữa chừng cơn giận dữ, tham muốn, căm thù v.v.., ta có thể có một sự thực hành Pháp thành công hay không? Không, rõ ràng là ta không thể thụ hưởng mọi lạc thú của cuộc đời sinh tử và thành công trong việc thực hành Pháp. Vì thế ta phải hy sinh một số sự việc nhất thời và phát triển sự giác ngộ tối hậu. Tâm Giáo pháp có nghĩa là sự chánh niệm trong việc thực hành Pháp. Việc chú tâm vào Pháp khiến cho tâm sắc bén, như ta có thể thấy trong câu chuyện dưới đây:
Ngày xưa có một vị vua tên là Geö Dzepa, người rất tốt lành và khéo léo trong việc dạy dỗ thần dân của mình. Khi nhà vua nhìn thấy nỗi khổ của chúng sinh, ông khẩn cầu Phật, Pháp và Tăng chỉ dẫn cho ông cách cứu giúp họ. Mỗi ngày vua thực hiện những lễ cúng dường trọng thể. Một hôm có một giọng nói từ không trung: “Tất cả chúng sinh đều tham luyến sinh tử. Nếu ai muốn thành tựu trí tuệ nguyên sơ viên mãn, không có mâu thuẫn giữa ngôn từ và ý nghĩa, hãy lấy bầu trời làm khuôn mẫu. Chẳng có gì hơn nữa để diễn tả hay tỏ bày.” Khi vua và các thần dân của ông nghe điều này, tất cả đều thành tựu quả vị Bất Lai.
Điều này có nghĩa là họ đã chứng ngộ ý nghĩa tối thượng của sự không dính mắc, chứng ngộ của Mahamudra (Đại Ấn). Nguyên nhân của sự thành tựu này đến từ một đời trước. Thuở xưa nhà vua từng sinh ra làm một gia chủ không trò chuyện vô ích và sống một cuộc đời thuần tịnh. Bởi điều đó, ông được sinh làm vua trong đời này. Nhờ sự thanh tịnh của ông trong đời trước, ông đã thọ nhận các giáo lý thuần tịnh và thể nhập ý nghĩa tối thượng.
~ Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ về Con Đường Phật Pháp”Phúc Hạnh An trích dẫn.