Những Lý Do Để Hoan Hỷ
Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng ngày 9/9/2012 tại Amsterdam Orgyen Tobgyal Rinpoche đang ở Paris, thành phố yêu thích của Ngài, không phải làm gì trong vài ngày, khi bất ngờ Ngài thông báo rằng Ngài muốn đi tàu đến Antwerp [một thành phố thuộc Bỉ]. Khi chúng tôi đến Antwerp, Ngài bảo rằng Ngài muốn viếng thăm Amsterdam vào hôm sau, nhận lời mời từ người bạn cũ của Ngài – Ane Jinba, để thăm chợ hoa nổi tiếng và có thể ghé thăm trung tâm Rigpa Amsterdam. Như bạn có thể tưởng tượng, trung tâm Rigpa Amsterdam lập tức thỉnh mời Rinpoche đến giảng dạy và bởi hiện nay, một trong những chủ đề hợp mốt nhất với các giảng sư là thuyết giảng về ‘hạnh phúc’, Ngài quyết định rằng cũng đã đến lúc Ngài trình bày quan điểm về điều khiến một Phật tử hạnh phúc. Một lần nữa, Rinpoche lại dành thời gian của Ngài để trình bày tinh hoa tích tập từ sự hành trì Giáo Pháp trong suốt cuộc đời, thay vì theo các lối thuyết giảng truyền thống của việc đơn thuần lặp lại những lời dạy của Đức Phật và chư đạo sư vĩ đại – điều mà Ngài nói rằng có thể dễ dàng tìm thấy trong các cuốn sách như Lời Vàng Của Thầy Tôi. Tôi đã đến đây hoàn toàn bất ngờ, không có bất kỳ kế hoạch nào! Và khi ở Hà Lan, tôi không nghĩ rằng các bạn sẽ bận tâm đến việc tôi ghé thăm. Dẫu sao thì hôm nay cũng là Chủ nhật, vì thế, hầu hết đều rảnh rỗi. Hôm nay, tôi quyết định giảng dạy theo cách mà tôi chưa từng làm trước kia.
Khi chúng ta lần đầu tiên tiếp cận những giáo lý của Đức Phật, chúng ta phải bắt đầu ngay từ đầu, tức là các thực hành sơ khởi (Ngondro). Ở Tây Tạng, chư vị Lama luôn luôn giảng dạy các thực hành sơ khởi trước và sau đó là phần chính yếu. Khi giảng dạy phần chính yếu, chư vị sẽ nhắc đến các yếu tố của thực hành sơ khởi như một cách để rèn luyện tâm người đệ tử. Vì vậy, các thực hành sơ khởi là nền tảng của thực hành. Nếu nền móng của một ngôi nhà không được xây dựng vững chắc, tòa nhà sẽ bị nghiêng; giống như vậy, nếu các thực hành sơ khởi cho một giáo lý không được thấu triệt, những từ ngữ sâu xa của phần chính yếu, cách thức hành trì, sẽ không được hỗ trợ và mọi điều bạn làm sẽ dễ dao động.
Thông thường, khi chúng ta giải thích những thực hành sơ khởi, chúng ta nói về khổ đau của tam giới trong luân hồi. Nhưng hôm nay, tôi sẽ không nói về khổ đau. Thay vào đó, tôi sẽ nói về hạnh phúc!
TÁM TỰ DO VÀ MƯỜI THUẬN DUYÊN Các bạn đều đã thọ nhận những giáo lý về đời người quý báu thế nào cũng như tám tự do và mười thuận duyên của nó. Quán chiếu về mỗi điều cần khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn bởi mỗi người trong số các bạn đều sở hữu tất cả những điều này! Tôi sẽ không liệt kê chúng bởi chúng quá dài dòng. Dẫu sao, tất cả những gì bạn cần biết là bạn có chúng.
Trong thế giới này của chúng ta, có ai mà không lập tức hạnh phúc khi họ nhận được một trăm triệu đô-la? Tôi nghe nói rằng vài người phát điên vì trúng được số tiền lớn đến vậy. Nhưng thật ra, trúng một giải thưởng như những tự do và thuận duyên này thực sự phải khiến bạn phát điên – phát điên vì sung sướng! Nhưng thậm chí nếu bạn không cảm thấy như vậy, ít nhất bạn cần cảm thấy hạnh phúc càng nhiều càng tốt!
VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI Sau khi miêu tả về tính quý giá của đời người, các giáo lý Ngondro giải thích rằng cuộc đời thì vô thường. Vô thường là một phần của con người chúng ta, nhưng bởi chúng ta vẫn còn sống vào chính thời điểm này, chúng ta chưa trải qua sự thật về vô thường của cuộc đời – tức cái chết. Chúng ta đều sẽ chết vào một lúc nào đó bởi đó là điều xảy ra với tất cả hữu tình chúng sinh; vì thế, lo lắng về nó lúc này thì có nghĩa lý gì? Thực sự các bạn cần hoan hỷ trước sự thật rằng các bạn vẫn chưa chết. Có lẽ các bạn sẽ chết khá sớm thôi, điều mà những giáo lý cảnh báo chúng ta rằng có thể xảy ra. Nhưng dù vậy, các bạn đã thọ nhận những giáo lý Dzogchen, gốc rễ của tất cả Giáo Pháp, nhiều lần, bao gồm các chỉ dẫn đặc biệt như Tsik Sum Ne Dek [1]. Đã thọ nhận kiểu chỉ dẫn này và nỗ lực hết sức để thực hành nó, các bạn sẽ chẳng có gì để hối tiếc khi chết – và chẳng có gì để lo lắng [2].
NHÂN QUẢ Sau đó, chúng ta quán chiếu về nhân quả, quy luật của nghiệp. Rõ ràng là các nguyên nhân luôn luôn tạo ra kết quả và rằng cả nhân và quả đều được tạo ra bởi tâm.
Vì thế, điều gì xảy ra khi bạn đem sự hành trì đến với tâm? Hãy tưởng tượng rằng bạn phát khởi tâm giác ngộ, bằng cách nỗ lực tạo ra hay bởi có một nhận thức tự nhiên về Bồ đề tâm. Dù theo cách nào, tôi chắc chắn rằng với mỗi người các bạn trong căn phòng này, đó là một quá trình của tâm, nghĩa là chính tâm quan niệm đang làm điều đó. Và lợi lạc của việc phát khởi Bồ đề tâm chỉ một khoảnh khắc trong tâm bạn, trong ‘dòng tâm thức’ của bạn, là bạn sẽ thoát khỏi nghiệp và cảm xúc tiêu cực, thứ là cố hữu trong tam giới luân hồi và trói buộc bạn như xích sắt với nhà tù luân hồi. Kết quả là, bạn sẽ được công nhận là vị kế thừa của Đấng Chiến Thắng và tối thắng trong những trưởng tử của Ngài. Và là tâm tử Bồ Tát [nam hay nữ] của Ngài, bạn sẽ trở thành đối tượng xứng đáng của sự kính lễ và cúng dường từ tất cả chư thiên và con người.
Có một vị đạo sư tên là Bồ Tát Tịch Thiên, một vị kế thừa chân chính của Đấng Chiến Thắng. Tuy nhiên, với những người khác, Ngài trông giống một người bình phàm, vị sống tại đại học Phật giáo vĩ đại – Nalanda và ăn ba cân gạo khi ngồi ở hành lang của chùa mỗi ngày. Thời gian còn lại, dường như tất cả những gì Ngài làm là ngủ! Ngài ngủ gần như 24 giờ mỗi ngày – cả ngày lẫn đêm – điều làm nhiều vị tu sĩ khác bực mình, những vị đặt cho Ngài biệt danh ‘Busuku’ [3], ‘kẻ chỉ ăn, ngủ và đi vệ sinh’. Họ liên tục than phiền rằng Tịch Thiên chẳng làm điều mà một thành viên Tăng đoàn cần làm, chẳng hạn thiền định và trì tụng những lời cầu nguyện hay bất kỳ thực hành Pháp nào khác; “Tất cả những gì ông ấy làm là ngủ và điều đó thì chẳng tốt đẹp gì!”. Nhưng họ không thể đuổi Ngài đi bởi Ngài là con trai của một vị vua; vì thế, họ phải lên kế hoạch để trục xuất Ngài.
Vào mỗi ngày Mười lăm, chư Tăng luôn luôn tập trung cho thực hành sám hối Sojong, phải vậy không? Ý tưởng mà họ vạch ra là yêu cầu lần lượt các tu sĩ trình bày một giáo lý Kinh điển trong mỗi buổi lễ Sojong, bởi họ chắc rằng khi đến lượt của Busuku, Ngài sẽ không thể trình bày điều gì và cảm thấy xấu hổ đến mức phải tự động rời đi.
Khi đến lượt của Ngài Tịch Thiên, chư Tăng chỉ báo trước cho Ngài một hay hai ngày. Ngài đáp rằng, “Rất tốt” và sau đó lại đi ngủ. Ngày đó đến và để làm Ngài xấu hổ thêm nữa, họ đã dựng một Pháp tòa rất cao và đảm bảo rằng họ đã thỉnh mời tất cả mọi người đến tham dự và lắng nghe.
Vào thời điểm được chỉ định, Ngài Tịch Thiên lên Pháp tòa và hỏi đại chúng: “Hôm nay, quý vị muốn kiểu giáo lý nào? Một giáo lý mà quý vị đã lắng nghe hay điều gì đó mới mẻ?”.
Chư vị tu sĩ và học giả đều đồng lòng. Dĩ nhiên, tốt nhất là Ngài cần lặp lại một giáo lý mà họ biết, nhưng bởi họ chắc rằng Ngài sẽ không thể, họ đã yêu cầu Ngài ban một giáo lý hoàn toàn mới – làm sao mà ai cũng có thể thuyết giảng điều gì đó mà họ còn chưa từng nghe? Và đó là lúc Ngài tụng Nhập Bồ Tát Hạnh từ đầu đến cuối. Khi Ngài đến phần mà bây giờ chúng ta gọi là Chương Trí tuệ, lúc Ngài tuyên thuyết những từ ngữ của đoạn kệ 34, Ngài bay lên trên trời, càng ngày càng cao, cho đến khi kết thúc của chương, Ngài không thể còn được thấy nữa.
Vấn đề tôi muốn nói là, như Nhập Bồ Tát Hạnh và đa số các bản văn vĩ đại nói, khoảnh khắc Bồ đề tâm sinh khởi, “Dòng suối vĩ đại và không ngừng nghỉ/ Sức mạnh của công đức thiện lành, / Dù cho đang ngủ hay không chú tâm,/ Dâng lên sáng ngang với hư không bao la” [4]. Về cơ bản, bạn đã trở thành vị kế thừa của Đấng Chiến Thắng và trong vòng ba vô lượng kiếp, bạn sẽ đạt giác ngộ.
Vì thế, không ai không cần vun bồi hai kiểu Bồ đề tâm. Thậm chí nếu bạn đã tích lũy đủ ác nghiệp để giữ bạn trong các địa ngục trong hàng nghìn hay thậm chí hàng trăm nghìn năm, khi Bồ đề tâm lướt qua tâm bạn, dù chỉ trong một khoảnh khắc, điều đó là đủ để tịnh hóa tất cả.
Trong một đời quá khứ, bậc thầy của chúng ta, Đức Phật, đã dẫm lên một con côn trùng và giết chết nó. Kết quả là, Ngài tái sinh trong một cõi địa ngục, nơi mà một cái cưa tròn liên tục tạo ra những lỗ trên sọ Ngài. Khi điều này xảy ra, Ngài tự nhủ rằng, “Có lẽ có nhiều người đã dẫm vào một con côn trùng như tôi đã làm. Cầu mong tôi trải qua sự chín muồi ác nghiệp của họ để họ không phải gánh chịu”. Chỉ ý nghĩ đó là đủ để khiến cái cưa bay lên hư không và vị Bồ Tát, người sau này trở thành Đức Phật, được giải phóng.
Lợi lạc của thiền định về Bồ đề tâm chỉ một lần cũng lớn đến mức nhờ làm vậy, vô số chư Phật như số hạt vi trần ở một vùng đất bao la sẽ lập tức đến bất cứ nơi nào mà bạn đang thiền định. Ngày nay, chư đạo sư Tây Tạng thường xuyên du hành khắp các quốc gia, giống như sói lang thang trong rừng và chư vị luôn luôn nói về Bồ đề tâm. Và bởi đã tích lũy nhiều công đức đến vậy đơn giản nhờ nghe về Bồ đề tâm, các bạn có thể dành phần thời gian còn lại để hoan hỷ. Bạn cũng có thể thư giãn và ngủ ngon. Điều mà các bạn cần nhận ra là tình thế của các bạn vô cùng may mắn. Ở châu Âu, không đến một phần trăm dân số là Phật tử. Hãy nghĩ về điều đó! Các bạn nằm trong số rất ít những người đã trở thành Phật tử và nghe về Bồ đề tâm, tâm giác ngộ. Các bạn cực kỳ may mắn!
Trong những giáo lý về các thực hành sơ khởi, chúng ta nói về đời người quý báu, vô thường của cuộc đời, khổ đau của luân hồi và quy luật của nghiệp – nhân và quả. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn cần thận trọng về các quy luật nhân quả, nhưng giáo lý nói rằng khi bạn phát khởi tâm giác ngộ, Bồ đề tâm và khi nó thấm nhuần vào mọi hoạt động của bạn, mọi điều bạn làm sẽ trở thành thiện lành. Với Bồ đề tâm chân chính trong tâm, nếu bạn giết ai đó, thậm chí hành động đó cũng sẽ đem bạn đến gần hơn hàng trăm năm hay nhiều đời – thậm chí nhiều kiếp – với giác ngộ. Trong một đời quá khứ, bậc thầy của chúng ta, Đức Phật, đã giết Người Cầm Giáo Đen và nhờ làm thế, đã rút ngắn 80.000 kiếp đến giác ngộ. Bạn cũng có thể tiến gần hơn đến giác ngộ bằng cách phát khởi Bồ đề tâm khi cảm thấy ham muốn thứ gì đó. Sau đó, nếu bạn lấy trộm của cải của người khác và dâng cúng chúng, hành động đó cũng khiến bạn tiến gần hơn với giác ngộ. Người ta nói rằng, khi mà được ôm trọn bởi tâm giác ngộ, tất cả năm cảm xúc phiền não độc hại đều hỗ trợ thực hành Pháp. Thậm chí ăn thịt cũng đem bạn tiến gần hơn với giác ngộ.
Dza Mura Tulku là một đạo sư phi phàm, người vô cùng uyên bác. Khi kiểm tra các đời quá khứ, Ngài phát hiện ra rằng Ngài từng là một con cừu bị giết để lấy thịt và một chân của Ngài được trao cho Mipham Rinpoche, vị đã ăn nó. Là kết quả của Bồ đề tâm và những lời đại nguyện mà Mipham Rinpoche phát khởi khi Ngài ăn cái chân cừu đó, tái sinh tiếp sau của chú cừu chính là Dza Mura Tulku. Và đó là điều xảy ra khi chúng ta hành xử mà ôm trọn tâm giác ngộ – Bồ đề tâm. Vì thế, các bạn không nên cảm thấy đè nặng bởi đại dương khổ đau mà chúng ta đang sống trong đó và bạn không cần phải hoảng sợ về nhân và quả. Tuy nhiên, hãy khắc ghi trong tâm rằng các bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu những hành động không được dẫn dắt bởi Bồ đề tâm.
LUÂN HỒI Đó là lý do mà sau đó, các thực hành sơ khởi miêu tả về những lỗi lầm của luân hồi. Nếu không có luân hồi, chư Phật sẽ không xuất hiện; và không có luân hồi, mục đích của chư Phật là gì? Chư vị sẽ chẳng có gì để làm. Nếu không có ai mua thứ gì đó, cũng sẽ chẳng có ai bán nó. Chư “Bồ Tát” duy trì trong luân hồi để tiến hành các hoạt động – để làm công việc của chư vị. Vì thế, Văn Thù Sư Lợi và Quán Thế Âm trụ trong luân hồi để giúp đỡ chúng sinh khác. Đây là một điểm khác mà các bạn cần suy nghĩ.
Bây giờ, khi bạn thoát khỏi luân hồi, bạn sẽ đi đâu? Bởi luân hồi dựa vào tâm, chính tâm bạn được giải phóng và tâm bạn là thứ đạt đến giác ngộ, chứ không phải thân. Vì vậy, luân hồi là một điều gì đó tốt đẹp và bạn cần phát khởi những lời nguyện như trong đoạn kệ 55, chương 10 của Nhập Bồ Tát Hạnh:
“Chừng nào hư không còn,Chừng nào chúng sinh còn, Nguyện con tiếp tục duy trì Xua tan đau buồn của thế gian”. Luân hồi chứa đựng mọi con đường mà chư Phật đi theo và hoàn thành để giúp đỡ hữu tình chúng sinh. Vì thế, nói chung luân hồi cũng không tệ đến vậy. Thực sự, nó cũng dễ chịu.
QUY Y Sau đó là quy y. Mọi người ở đây đều đã quy y. Phật dạy rằng lợi lạc của quy y lớn đến mức nếu nó có hình tướng vật lý, nó thậm chí còn lớn hơn toàn bộ hư không. Quy y mỗi Bảo trong Tam Bảo đều đem lại những lợi lạc vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta. Bởi các bạn đều đã quy y, các bạn cần hoan hỷ bởi đã làm điều gì đó có nhiều lợi lạc và phẩm tính đến vậy.
BỒ ĐỀ TÂM Tiếp đấy là phát khởi tâm giác ngộ: Bồ đề tâm nguyện và hạnh. Nếu bạn có thể giữ Bồ đề tâm nguyện trong tâm và áp dụng Bồ đề tâm vào mọi hoạt động, bạn sẽ đạt giác ngộ. Điều này đặc biệt đúng với việc đưa Bồ đề tâm vào hành động. Khi được ôm trọn bởi sự áp dụng Bồ đề tâm, mọi điều bạn làm sẽ trở thành một nguyên nhân của giác ngộ. Đây cũng là điều gì đó để hoan hỷ.
Một phần sáu mươi của một giờ là một phút, phải vậy không? Công đức của việc ôm trọn tâm giác ngộ bằng cách giữ Bồ đề tâm trong tâm dù chỉ một phút cũng không thể nghĩ bàn. Bạn đã lang thang trong luân hồi bao lâu? Bạn đã dành bao nhiêu tỉ năm ở đây? Đó là điều không thể tính đếm, hoàn toàn nằm ngoài khả năng tưởng tượng của chúng ta. Khi bạn nghĩ về những lợi lạc và phẩm tính của Bồ đề tâm, bạn cần muốn tổ chức một bữa tiệc để kỷ niệm mỗi ngày, bởi phát khởi Bồ đề tâm cung cấp cho chúng ta những cơ hội giác ngộ tuyệt vời đến vậy. Và nó dễ dàng đến vậy. Tất cả những gì bạn phải làm là suy nghĩ về nó.
Như Đức Di Lặc nói với Ngài Vô Trước:
“Bồ đề tâm thù thắng, trân quý: Nơi chưa sinh, xin nguyện phát sinh, Đã sinh rồi xin đừng suy giảm, Ngày càng phát triển, vững bền hơn”. Thực sự, khi bạn rèn luyện tâm trong Bồ đề tâm, ‘hoan hỷ về sự thiền định’ cũng là điều cần thiết và chúng ta không làm thế một mình, ‘tất cả chư thiên cũng hoan hỷ!”. Vì vậy, nếu bạn không hoan hỷ với bản thân bởi bạn còn đang nghiền ngẫm về nỗi khổ của bản thân, mục đích của thiền định về sự thật rằng chư thiên đang hạnh phúc là gì? “Mong chư thiên và A Tu La cùng tất cả những vị khác đều hoan hỷ!” [5].
KIM CƯƠNG TÁT ĐỎA Sau đó, các bạn thiền định về Kim Cương Tát Đỏa hoặc nếu thích, các bạn có thể cúng dường Mandala trước và sau đó thiền định về Kim Cương Tát Đỏa. Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu với Kim Cương Tát Đỏa.
“Trì tụng thần chú trăm âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa một trăm lẻ tám biến không gián đoạn chắc chắn sẽ tịnh hóa mọi ác hạnh và che chướng của con [6]”.
“Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai sẽ quán sát vị Yogi trì tụng thần chú trăm âm hàng ngày như là đứa con xuất sắc nhất của chư vị [7]”.
Bạn không cần phải trì tụng hàng triệu biến thần chú trăm âm bởi một trăm lẻ tám biến [mỗi ngày] đã đem đến lợi lạc lớn lao. Bạn sẽ trở thành trưởng tử của chư Phật, những “Đấng Chiến Thắng trong ba thời”.
Bạn cũng cần tin tưởng rằng thực hành sẽ hiệu quả. Các thần chú cần phải được trì tụng với sự tin tưởng. Không có sự tin tưởng, trì tụng dù trăm triệu biến thần chú cũng chẳng hữu ích. Bạn có thể phát triển niềm tin bằng cách đọc những trích dẫn về các lợi lạc của tụng chú – đó là lý do các trích dẫn thường được nhắc đến.
“Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai sẽ quán sát vị Yogi trì tụng thần chú trăm âm hàng ngày như là đứa con xuất sắc nhất của chư vị [8]”.
Vì vậy, khi bạn trì tụng thần chú, tất các hành động tội ác và che chướng mà bạn tích lũy trong quá khứ được tịnh hóa. Bạn cần tin tưởng rằng đó là điều sẽ xảy ra và nếu làm thế, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn về hoàn cảnh của mình. Không phải mọi người ở đây đều sẽ trì tụng thần chú trăm âm một trăm nghìn biến, nhưng tôi chắc rằng mọi người đã và đang trì tụng ít nhất một trăm lẻ tám biến [mỗi ngày], phải vậy không?
CÚNG DƯỜNG MANDALA Sau đó là cúng dường Mandala. Tổ Tịch Thiên viết rằng:
“Bởi thiếu công đức, tôi rất nghèo; Tôi chẳng có của cải nào khác” [9]. Nhưng tất cả chúng ta ở đây chắc hẳn phải có công đức lớn lao bởi không ai chúng ta nghèo như Tổ Tịch Thiên.
Cách tốt nhất để trở nên thịnh vượng là thực hành cúng dường Mandala. Tất cả các bạn đều thuộc lòng bài cúng dường Mandala ngắn và thậm chí nếu không thể tụng thuộc lòng, các bạn cũng có thể thực hành Cúng Dường Mandala Tam Thân theo nghi quỹ Ngondro Longchen Nyingtik. Như Tổ Jowo Je Atisha từng nói, “Để tích lũy thiện hạnh, chẳng có thực hành nào tốt hơn cúng dường Mandala”. Vì vậy, nhờ cúng dường Mandala, chúng ta hoàn thiện những sự tích lũy. Và điều gì xảy ra khi bạn đã hoàn toàn hoàn thiện các tích lũy? Bạn trở thành một vị Phật. Bởi thế, đây cũng là một điều gì đó để các bạn hoan hỷ.
ĐẠO SƯ DU GIÀ Bây giờ là nguyên nhân thực sự để thiền định về sự hoan hỷ – Đạo Sư Du Già.
Trước tiên, nếu bạn chưa gặp gỡ một vị thầy thì bạn không thể thực hành Đạo Sư Du Già, phải vậy không? Nhiều người ngày nay nói rằng họ chưa gặp vị thầy của họ, nhưng họ vẫn thực hành Đạo Sư Du Già. Nhưng điều đó là không thể. Bởi thế, nếu bạn chưa gặp gỡ một đạo sư, bạn cần òa khóc bởi bạn chẳng có ai dẫn dắt trên con đường đến giải thoát. Điều gì còn tệ hơn là bị mù? Một người mù vẫn có thể tìm đường bằng một cây gậy, nhưng không có vị thầy, bạn chẳng có manh mối nào về điều cần làm. Vì thế, tất cả các bạn ít nhất đã có một lý do để hoan hỷ: các bạn đã gặp được một vị thầy. Và không đơn thuần là một vị thầy mà là một đạo sư chân chính, người sở hữu tất cả phẩm tính cần thiết. Với những vị từ trung tâm Rigpa, vị thầy đó là Sogyal Rinpoche, người mà chư đạo sư của Ngài là những vị vô cùng vĩ đại. Bởi các bạn đã tìm được một vị thầy, các bạn không cần phải thiền định về khổ đau của việc chưa gặp được một đạo sư! Thay vào đó, các bạn cần hoan hỷ!
Tôi nhận ra rằng tất cả các bạn đều mang theo những bức hình của đạo sư, nhưng bạn cần biết rằng bức hình thì không phải vị thầy. Trước sự hiện diện của vị thầy, bạn phát triển niềm tin, cầu nguyện đến Ngài, không bao giờ bất kính và v.v. Nhưng thay vào đó, chỉ giả vờ làm thế trước bức hình của Ngài là vô ích. Dĩ nhiên, không có gì sai khi thực hành phía trước những bức hình. Hành giả Rigpa luôn luôn đặt hình của Sogyal Rinpoche trên bàn trước khi họ bắt đầu thực hành ngay cả khi họ chỉ thực hành trì tụng năm phút. Và điều đó rất tốt.
Khi bạn đã gặp được vị thầy, không thọ nhận các giáo lý từ Ngài là một lý do để òa khóc, giống như Jetsun Milarepa đã khóc khi Tổ Marpa từ chối giảng dạy. Nhưng trong trường hợp của các bạn, đạo sư của bạn giảng dạy thường xuyên đến mức thách thức của các bạn lại là theo kịp được với Ngài! Và trong từng giáo lý, Ngài lại trao cho các bạn những chỉ dẫn sâu xa nhất.
Trong quá khứ, những đệ tử cần xác định xem giáo lý nào mà họ cần, sau đấy thỉnh cầu đạo sư giảng dạy cho họ. Khi thỉnh cầu đã được tiến hành, họ luôn luôn lo lắng liệu đạo sư có chấp thuận ban giáo lý đó không. Nhưng ngày nay, các đệ tử dường như chẳng cần suy nghĩ xem họ cần gì. Vị thầy đã nghĩ thay cho họ và sau đó lên một chương trình bao quát cho những năm sắp tới. “Năm nay Ta sẽ dạy điều này, năm sau Ta sẽ dạy điều kia hay tháng này, Ta sẽ ban giáo lý này v.v.”. Chư đạo sư nỗ lực rất nhiều trong việc đề ra chương trình giảng dạy! Và nếu bạn thực sự suy nghĩ xem bạn may mắn thế nào, niềm hoan hỷ chắc chắn sẽ đến với bạn!
Bạn không những cần hoan hỷ về việc đã gặp gỡ được một vị thầy chân chính mà còn cần hoan hỷ về Giáo Pháp mà Ngài giảng dạy. Những giáo lý của các thừa thấp hơn, điều đòi hỏi ba vô lượng kiếp để thành tựu trạng thái Phật quả viên mãn, dường như khá cam go. Nhưng đây không phải là những giáo lý [chính yếu] mà đạo sư của các bạn trao truyền. Các bạn đang thọ nhận những giáo lý Dzogpa Chenpo Tịnh Quang sâu xa nhất, điều mạnh mẽ đến mức bạn có thể được giải thoát chỉ nhờ lắng nghe! ‘Giải thoát nhờ lắng nghe’ nghĩa là khi bạn nghe những giáo lý này, chỉ sự thật rằng chúng đã thâm nhập vào dòng tâm thức của bạn, cũng đem đến sự giải thoát. Nếu bạn có năng lực nghĩ về nó, khi bạn nghe rằng tinh túy rỗng rang, bản tính thấu suốt và những hình tướng vô ngại là Tam Thân, không nghi ngờ gì về việc tâm được giải thoát hay không.
Những giáo lý này thậm chí còn sâu xa hơn. Chúng nói rằng ba khía cạnh của tinh túy rỗng rang, bản tính thấu suốt và những hình tướng vô ngại của mọi thứ khởi lên không phải là ba điều khác biệt mà đơn giản là năng lượng mãnh liệt của tính Không, năng lượng mãnh liệt của Rigpa. Chúng không phải là ba mà về tinh túy là một, tinh túy rỗng rang, điều thậm chí còn sâu xa hơn! Và ý nghĩa của nó là điều giải thoát tâm.
Có sáu kiểu giải thoát. Không chỉ một mà là sáu! Vì thế, khi thọ nhận Đại Viên Mãn Dzogpa Chenpo, bạn đang được trao truyền những giáo lý chứa đựng cả sáu kiểu giải thoát. Thậm chí nếu không kiểu nào trong số này giải thoát bạn trong đời này, bạn vẫn có thể được giải thoát trong các Bardo. Và nếu bạn không được giải thoát trong các Bardo, bạn có thể đến một cõi Tịnh độ tự nhiên và đạt giải thoát ở đó. Đây là lý do không có sự đề cập đến các đời tương lai trong những giáo lý này. Khi bạn thọ nhận chúng, bạn chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật. Vì thế, chẳng phải đó là điều cần hoan hỷ hay sao? Mặt khác, lo âu về khổ đau của bản thân chẳng đem lại điều gì, đúng không?
Điều bạn cần chứng ngộ là sự chói ngời của Pháp thân hiện hữu trong thân của bạn; ánh sáng cầu vồng ở trong thịt và máu của bạn. Bạn giống như một quả trứng. Có một con chim bên trong quả trứng. Lúc nó vẫn còn bên trong, con chim không thể được nhìn thấy và chẳng thể bay lên bầu trời. Dẫu vậy, khi nó ra khỏi vỏ trứng, con chim sẽ nhanh chóng biết bay. Ngay bây giờ, vỏ vật lý của chúng ta từ thịt, máu, uẩn và đại che lấp sự chói ngời của Pháp thân. Nhưng thời khắc tâm được giải thoát, hay thời khắc mà thân không còn giam giữ tâm, tâm sẽ lập tức được giải thoát và chúng ta có thể thấy Pháp thân.
Vì thế, cũng là bình thường khi bạn không thể thấy Pháp thân ngay bây giờ. Khi bạn đứng ở chân núi, bạn chẳng thể thấy đỉnh núi hay vùng xung quanh, nhưng khi lên đỉnh, mọi thứ nằm trong tầm nhìn. Tương tự, ngay lúc này, bởi thân vật lý từ máu và thịt của chúng ta, chúng ta không thấy sự chói ngời của Pháp thân. Nhưng khi chúng ta để lại đằng sau thân vật lý và lên đỉnh núi của trí tuệ Pháp thân, thứ là Nền tảng, chúng ta sẽ có thể thấy nó.
Hiện tại, chúng ta chỉ có thể nhìn nhận những đối tượng vật lý bằng hai mắt, nghe các âm thanh bằng hai tai, ngửi mùi hương bằng mũi, nếm các vị bằng lưỡi và chỉ biết các ý nghĩ, thứ mà tâm bình phàm của chúng ta tạo ra. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể. Hãy tưởng tượng xem ai đó có ba mắt sẽ nhìn thấy gì. Anh ta sẽ có thể thấy những thứ mà chúng ta không thể. Tầm nhìn của anh ấy khá khác biệt.
Chúng ta sẽ không thể thấy trí tuệ của Pháp thân ngay tức thì. Nhưng vào thời điểm giải thoát, nó sẽ xuất hiện trước chúng ta rất rõ ràng! Đó là lý do các giáo lý Dzogchen nói đến ‘giải thoát nhờ nhìn ngắm’, ‘giải thoát nhờ lắng nghe’, ‘giải thoát nhờ tiếp xúc vật lý’, ‘giải thoát nhớ ghi nhớ’, ‘giải thoát nhờ ý nghĩ’ và ‘giải thoát nhờ nếm’. Nhưng với chúng ta, thật khó để tin rằng sáu kiểu giải thoát này là có thể. Bởi vậy, tôi đã đưa ra hai ví dụ này để giúp các bạn phát triển sự tin tưởng và xác quyết.
Bây giờ các bạn có thể hỏi, khi nào thì tất cả những chuyện này sẽ xảy ra? Ồ, sẽ nhanh thôi. Khi các bạn biết thứ gì đó tồn tại, cuối cùng các bạn sẽ thấy nó, đó là lý do mà đã thọ nhận những chỉ dẫn Dzogchen, giác ngộ là hướng duy nhất mà bạn có thể đi theo. Bản chất của các giáo lý Dzogchen là thậm chí nếu bạn không bao giờ thiền định về chúng hay quán chiếu về chúng hoặc chẳng làm gì thêm với chúng, chỉ thọ nhận chúng nghĩa là trong tương lai, bạn sẽ đạt đến trạng thái giải thoát.
Khi Khenpo Jigme Phuntsok viếng thăm phương Tây và giảng dạy Dzogchen, Ngài nói rằng, “Các con có thể không thiền định về giáo lý này, các con có thể thậm chí chẳng quán chiếu về nó, nhưng chỉ nghe thôi là đủ. Vì thế, hãy tự tại và hoan hỷ. Trong tương lai, các con sẽ đạt giác ngộ”.
Bởi vậy, có lợi lạc lớn lao đơn giản từ việc nghe những giáo lý Dzogchen. Và tất cả các bạn vẫn tiếp tục thọ nhận vô vàn giáo lý Dzogchen! Do đó, các bạn cần luôn luôn bật cười vì niềm vui. Các bạn không cần phải đau khổ. Hãy nhớ cách mà Jetsun Milarepa đã khóc khi Ngài đến gặp Tổ Marpa [lần cuối] và Đức Marpa nói rằng, “Đừng khóc! Tại sao con lại khóc? Con đã làm mọi điều con phải làm. Vì vậy, con cần hoan hỷ ra đi thay vì than vãn. Ta đã trao cho con tất cả giáo lý quý báu mà Ta tích lũy với nỗ lực lớn lao và bằng mọi giá khi ở Ấn Độ. Vậy thì còn điều gì mà con phải lo âu?”.
Như vậy, đây là thiền định Ngondro về niềm hoan hỷ, từ đầu cho đến Đạo Sư Du Già. Sau Ngondro là những giáo lý Kim Cương thừa bí mật. Nếu đủ may mắn để thực hành chúng, các bạn thực sự cần hoan hỷ và ‘hạnh phúc’ – như các bạn thường nói – bởi những giáo lý này thực sự tuyệt diệu và ảnh hưởng của chúng lớn hơn nhiều so với điều bạn có thể tưởng tượng!
Khi chúng ta thực hành thiền định, nó trao cho chúng ta hy vọng cho đời sau và một mục tiêu cần nhắm đến, thứ gì đó mà chúng ta có thể đạt được nhờ thực hành những giáo lý này. Bởi lẽ đó, không cần phải lo lắng. Khi bạn bắt đầu thứ gì đó mới, sẽ rất hữu ích nếu tin tưởng một trăm phần trăm rằng điều bạn đang làm cần phải được làm. Và điều này chắc chắn đúng khi bạn đi theo con đường Dzogchen. Bạn đang đi đúng hướng, vì vậy, không có lý do để lo lắng.
Các giáo lý Mật thừa được giảng dạy sau những thực hành sơ khởi, nhưng hôm nay, tôi cần viếng thăm vài nơi khác; do đó, chúng ta không có thời gian để xem xét đến chúng. Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ nói về chúng! Nếu không phải ở trung tâm Rigpa Amsterdam, thì sẽ ở một trung tâm Rigpa khác. Ở trung tâm nào thì cũng vậy, bởi các bạn đều có thể lắng nghe những ghi âm hay xem lại bài giảng trên máy tính. Ở Rigpa, bạn chỉ cần nói điều gì đó một lần và mọi người đều nghe được.
Như tôi từng nói ở Lerab Ling, ngày nay, một đạo sư không cần kiểm tra đệ tử theo cách mà chúng tôi từng làm trong quá khứ. Tại sao? Bởi chúng tôi không biết về các đệ tử, vì thế, làm sao có thể kiểm tra? Chư đạo sư chỉ giảng dạy và các đệ tử xem và nghe trên máy tính của họ.
Thực sự, tôi vẫn còn một tuyên bố mạnh mẽ hơn về ‘hạnh phúc’, điều mà khi đã nghe, nó gần như sẽ chấm dứt mọi lo âu của các bạn. Tuy nhiên hôm nay, tôi chưa có dũng khí để nói điều đó.
Ngày nay khi người ta trải qua niềm vui vẻ, họ như phát điên – điều này dường như khá phổ biến ở phương Tây. Cá nhân tôi không có nhiều kinh nghiệm về điều này, nhưng tôi nghe nói rằng khi ai đó trúng xổ số, họ gần như phát điên! Tôi không cho rằng lần này, tôi đã xoay sở để đem bất cứ ai đến trạng thái ‘hạnh phúc’, nhưng tôi sẽ tiếp tục.
Cho đến hôm nay, tôi đã luôn luôn nói về khổ đau. Nhưng lần này, tôi đã nói rằng chẳng có đau khổ! Thông thường, tôi nói rằng những vấn đề to lớn xuất hiện trong luân hồi. Nhiều đến mức trong từng khoảnh khắc bạn cần nghĩ rằng, “Tôi cần đạt giải thoát”. Tôi thường sử dụng những phép so sánh sinh động để miêu tả trải nghiệm trong luân hồi: luân hồi là ‘nhà tù’, ‘tổ rắn độc’, ‘đám cháy’, ‘hòn đảo bị yêu tinh quấy nhiễu’. Trong quá khứ, tôi đã nói tất cả những điều này. Nhưng hôm nay, tôi đã không nhắc đến nó! Tôi đã thay đổi thông điệp của mình.
Điều mà tôi nói hôm nay là nếu không có luân hồi, sẽ không có ‘Phật’; nếu không có luân hồi, Phật sẽ thất nghiệp! Phải vậy không? Phật Thích Ca Mâu Ni đã nỗ lực trong ba vô lượng kiếp trong luân hồi trước khi trở thành Phật. Không ai có thể phản đối điều đó. Và trong tương lai, tất cả chư Phật, bắt đầu từ Di Lặc, vị nhiếp chính của Đức Phật, sẽ khởi lên từ luân hồi. Vì vậy, luân hồi là cần thiết. Hãy nghĩ về nó! Ví dụ, nếu tôi vô cùng lo lắng trong một giấc mơ, chẳng điều gì còn lại khi tôi thức giấc. Nó không còn nữa, đúng không? Chẳng có gì tồn tại hay ổn định về sự lo lắng của tôi.
Tôi sẽ dừng lại ở đây. Vấn đề là Hà Lan nổi tiếng về việc cho phép buôn bán và sử dụng nhiều loại ma túy, vì vậy nếu tôi cứ tiếp tục, mọi người sẽ bảo rằng: “Khi Orgyen Tobgyal đến Hà Lan, Ngài như bị phê thuốc – nếu không tin, hãy đến nghe Ngài giảng! Ngài nói vài điều thực sự kỳ quặc”.
Tôi vốn không có kế hoạch đến đây hôm nay. Nhưng hai năm trước khi tôi ở đây, tôi thực sự thích chợ hoa. Bởi vậy, về cơ bản, tôi quay trở lại để xem nó – mặc dù chợ hoa năm nay dường như nhỏ hơn lần trước. Và khi tôi đã ở đây, tôi nghĩ tôi cần ghé thăm trung tâm Rigpa, bởi tôi có chút bám luyến với Rigpa. Như thế, đó là lý do tôi đã đến …
Nguyên tác: Orgyen Tobgyal Rinpoche, Reasons to be cheerful. Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh, Janine Schulz hiệu đính. Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ. _________________
Chú thích:
[1] Tsik Sum Ne Dek – ‘Ba Lời Đánh Vào Điểm Trọng Yếu’ – di chúc cuối cùng của vị đạo sư Dzogchen đầu tiên trong thân người – Tổ Garab Dorje.
[2] Rinpoche nói về điều này trong bài giảng ở Israel rằng: Nói chung, những vị đã thọ nhận giáo lý Dzogchen theo cách này – ví dụ giáo lý Yeshe Lama – đã không phải tái sinh lại trong luân hồi. Các ghi chép mà chúng ta đọc về cuộc đời chư vị luôn miêu tả “sự giải thoát’. Và khi một người như vậy hấp hối, những vị bên cạnh sẽ thường nói rằng, “Ồ, ông ấy đã thọ nhận Yeshe Lama’, nghĩa là, ‘Đừng lo lắng về ông ấy, ông ấy sẽ ổn”.
[3] Bu đến từ Bhukta trong Phạn ngữ, điều nghĩa là ăn; su từ supta, nghĩa là ngủ; và ku từ kuchiwa, đó là chỉ đi bộ. Một người chỉ ăn, ngủ và đi vệ sinh.
[4] Nhập Bồ Tát Hạnh, chương 1, đoạn kệ 19.
[5] Dòng cuối cùng của đoạn kệ 34 chương 3, Nhập Bồ Tát Hạnh, điều cũng là một trong những đoạn kệ kết thúc của nghi lễ Bồ Tát giới, nghi thức phát khởi Bồ đề tâm.
[6] Patrul Rinpoche,
Lời Vàng Của Thầy Tôi.
[7] Mật Điển Sám Hối Vô Cấu.
[8] Mật Điển Sám Hối Vô Cấu.
[9] Nhập Bồ Tát Hạnh, chương 2, đoạn kệ 7.
Nguồn: thuvienhoasen.org