NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC XUẤT GIA
Lama Zopa
Rinpoche đã chuẩn bị tiểu luận này để đăng trong Tạp chí Mandala, Tháng Chín-Tháng Mười 1996. Lúc đầu nó được đọc cho Thượng Tọa Roger Kunsang ghi lại, sau đó được khai triển với sự trợ giúp của Thượng Tọa Paul LeMay.
Nếu quý vị nói với những người Tây phương về cuộc đời của Đức Phật và 12 hành vi – hoàn cảnh của việc ngài ra đời, thời thơ ấu, hôn nhân, có con, rồi đến việc ngài từ bỏ đời sống của một gia chủ, trở thành tu sĩ, và v.v.. – họ có thể nghĩ rằng việc xuất gia làm một tăng hay ni Phật Giáo chỉ để dành cho người Châu Á. Bởi Đức Phật đã sống ở Ấn Độ, họ có thể cho rằng đó là một phương diện của nền văn hóa Đông phương không có quan hệ gì tới phương Tây. Hơn nữa, bởi Đức Phật đã sống 2.500 năm trước, họ cũng có thể nghĩ rằng ngày nay việc xuất gia không còn thích hợp nữa. Đây là một cách suy nghĩ thông thường, phổ biến của những người không thấu suốt tâm hay không hiểu biết về nghiệp.
Khi ta mô tả các cõi địa ngục thì cũng thế. Bởi từ xa xưa Đức Phật đã giảng điều đó, con người thời nay cho rằng đó chỉ là một ý niệm lỗi thời. Nếu không có các địa ngục thì cũng có nghĩa là không có ai tạo nghiệp bị tái sinh ở đó. Nói cách khác, mọi người hẳn là đã phát triển những chứng ngộ vững chắc. Tại sao nó có nghĩa như thế? Vì để không bao giờ bị tái sinh trong những cõi thấp, hẳn là ít nhất bạn phải thành tựu cấp bậc thứ ba của con đường chuẩn bị, hay sự nhẫn nhục. (Có năm cấp bậc của con đường dẫn tới giải thoát; con đường chuẩn bị là cấp bậc thứ hai trong những cấp bậc này. Tự thân con đường chuẩn bị có bốn cấp bậc, nhẫn nhục là cấp bậc thứ ba trong số đó.)
Hai ngàn năm trước, Đức Chúa Giêsu cũng khám phá ra rằng xuất gia là một phương pháp thực hành. Kết quả là nhiều tu viện và nữ tu viện Cơ đốc giáo được thành lập, và trải qua hai thiên niên kỷ trong quá khứ, đây vẫn là một truyền thống vững chắc từng sản sinh ra nhiều vị thánh.
Có những người nói rằng việc xuất gia trong thế giới hiện đại không còn thích hợp nữa. Họ nói như thế là bởi họ đã hiểu sai mục đích của việc xuất gia. Phương pháp này đã được Đức Phật và Đức Chúa Giêsu giảng dạy để bảo vệ chúng ta không bị mê lầm, để ngăn ngừa chúng ta không làm hại bản thân hay những người khác. Kết quả của nghiệp không làm hại người khác là chúng ta nhận được lợi lạc tức thời do không bị họ gây tổn hại, và kinh nghiệm hạnh phúc và sự an bình lớn lao. Dĩ nhiên là cũng có những lợi ích dài hạn: tái sinh trong những cõi giới cao, sự giải thoát, và giác ngộ.
Tuy nhiên, một vài người vẫn hỏi tại sao cần phải sống một cuộc đời xuất gia khi mà hiện nay, các cư sĩ có thể nghiên cứu và thực hành Pháp và đạt được giác ngộ?
Sự thực thì một số cư sĩ có thể thực hành tốt đẹp, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các cư sĩ đều có thể thực hành như thế. Hầu hết các cư sĩ thấy khó khăn khi thực hành. Nhưng nếu chỉ vì Đức Phật và Đức Chúa Giê-su đã khám phá ra phương pháp thọ giới tu sĩ (xuất gia) mà nói rằng mọi người nên trở thành tăng hay ni thì cũng không đúng. Mọi người không thể trở thành tu sĩ vì không phải ai cũng có nghiệp trở thành tu sĩ. Để có thể xuất gia quý vị cần có rất nhiều công đức và không có những chướng ngại bên trong. Nếu không có chướng ngại trong tâm quý vị, việc thọ giới xuất gia của quý vị sẽ không gặp chướng ngại bên ngoài.
Vấn đề chính ở đây là cho tới khi quý vị phát triển một chứng ngộ kiên cố về ba phương diện chính yếu của con đường trong tâm quý vị. để thực hành Pháp một cách đúng đắn, quý vị cần trải qua rất nhiều thời gian để tách ly với những đối tượng khiến cho những mê lầm của quý vị nảy sinh. Điều này đặc biệt đúng đối với những người bắt đầu tu tập, nhưng trong thực tế có thể thích hợp với tất cả những ai chưa thoát khỏi luân hồi sinh tử. Vì thế, rất cần có những tu viện và nữ tu viện, các hang động và ẩn thất, và giới luật đi cùng với việc sống trong những môi trường khổ hạnh như thế. Và nhờ sống ở những nơi như thế, quý vị có thể dễ dàng nhận ra tầm quan trọng của việc nghiêm trì giới hạnh.
Để thể nhập những con đường căn bản, quý vị cần phải nghiên cứu và thiền định rất nhiều. Để làm được điều đó quý vị cần rất nhiều thời gian và hoàn cảnh thuận lợi. Điều tối quan trọng là đừng để cho tâm quý vị bị xao lãng. Càng tạo nhiều nghiệp tiêu cực thì quý vị càng dựng nhiều hàng rào cản ngăn những chứng ngộ của quý vị. Điều đó gây thêm khó khăn và khiến quý vị mất rất nhiều thời gian để chứng nghiệm ngay cả hạnh phúc trong sinh tử, chưa nói tới đại lạc của sự giải thoát khỏi sinh tử.
Vì thế, quý vị càng sống trong đời sống xuất gia thanh tịnh thì quý vị càng ít tạo nghiệp tiêu cực. Nhờ từ bỏ đời sống của một gia chủ và sống trong Tăng đoàn, quý vị không chỉ ít tạo nghiệp tiêu cực mà còn chặt đứt rất nhiều công việc ở bên ngoài và những hoạt động khác. Điều này khiến quý vị có nhiều thời giờ hơn để thiền định và nghiên cứu; quý vị ít bị xao lãng hơn. Như thế, có nhiều thuận lợi trong việc xuất gia: có thêm thời gian để nghiên cứu và thiền định, có thêm thời gian để phát triển tâm quý vị.
Một trong những thiền định quan trọng nhất mà quý vị cần thành tựu để thực sự phát triển con đường đưa tới giác ngộ trong tâm quý vị là sự định tĩnh. Để chứng ngộ shamatha, quý vị cần có nhiều kỷ luật, sự bảo vệ, và giới hạnh; quý vị phải tiệt trừ những phóng dật (xao lãng). Ngay cả trong một cuộc thiền định tốt đẹp kéo dài một giờ, quý vị cũng cần cắt đứt các phóng dật, áp dụng kỷ luật, và từ bỏ tham luyến. Nếu quý vị chạy theo tham luyến, quý vị không thể thiền định ngay cả trong một phút. Nếu tâm quý vị bị các đối tượng tham muốn xâm chiếm, chẳng hạn như các bạn trai hay bạn gái, quý vị không thể thiền định ngay cả trong một giây. Vì thế, trên nền tảng của ví dụ đơn giản đó, quý vị có thể hiểu được rằng việc sống trong Tăng đoàn khiến cho sự thực hành trở nên dễ dàng hơn ra sao.
Như thế đối với tất cả những vấn đề này, môi trường trở nên hết sức quan trọng. Để duy trì sự hứng khởi khi sống trong Tăng đoàn, để tiếp tục thực hành, để phát triển tâm của quý vị từng tháng, từng năm trong con đường dẫn tới giải thoát và giác ngộ, để tiếp tục như một người bắt đầu có tâm thức không kiên cố trong ba phương diện chính yếu của con đường hay trong sự an tĩnh và v.v.., quý vị cần có hoàn cảnh thích hợp. Môi trường có một tác dụng mạnh mẽ trên tâm quý vị. Nó chế ngự ngay cả tâm thức của những người không thực hành lam-rim huống hồ là những người không chứng ngộ.
Cho dù quý vị có một sự hiểu biết sâu xa về chính giáo lý lam-rim, nếu quý vị không thực hành, những đối tượng bên ngoài sẽ ảnh hưởng, điều khiển, chế ngự, và áp đảo tâm quý vị. Dù quý vị là một cư sĩ hay tu sĩ, quý vị sẽ không có chọn lựa nào khác ngoài việc tìm kiếm và chạy đuổi theo những đối tượng của sự tham luyến. Nhưng ngay khi quý vị bắt đầu thực hành, bắt đầu thiền định, về ba con đường chính yếu – đặc biệt là con đường căn bản, sự từ bỏ - tâm quý vị trở nên mạnh mẽ hơn các đối tượng bên ngoài. Giây phút quý vị bắt đầu áp dụng giáo lý của Đức Phật trong đời sống hàng ngày, tâm quý vị bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn những đối tượng bên ngoài và có thể chiến thắng sức hấp dẫn của chúng, bất luận những đối tượng đó là gì: những sinh loài hay những vật vô tri, những người đẹp, những đóa hoa tuyệt đẹp, mọi sự. Vì sao thế? Bởi trong khi quý vị thực hành lam-rim, những mê lầm của quý vị phải chịu sự kiểm soát.
Là những người bắt đầu, quý vị cần thực hành lam-rim một cách mạnh mẽ và tránh xa những đối tượng náo động. Tâm quý vị yếu đuối bởi từ vô thủy tâm thức ấy đã bị làm cho quen thuộc với tham muốn, chứ không quen thuộc con đường dẫn tới giác ngộ. Vì thế, những mê lầm của quý vị rất mạnh mẽ, đặc biệt là khi quý vị bị những đối tượng náo động bao vây. Ý hướng hay ước muốn tìm kiếm giải thoát của quý vị rất yếu ớt, nhưng ước muốn sinh tử, những đối tượng của sự mê lầm, lạc thú, và tham muốn thì thật mạnh mẽ. Vì thế, quý vị cần thiền định lam-rim thật mãnh liệt để điều phục, chế ngự tâm thức, sự tham luyến của quý vị, và đồng thời quý vị cần phải nhập thất, tránh xa những đối tượng tham muốn. Nếu quý vị không rút lui khỏi nỗi khổ nội tại của sự tham luyến và dục vọng, việc sống cuộc đời tu sĩ bị vây bủa bởi những đối tượng của dục vọng sẽ giống như quý vị cố gắng để được mát mẻ mà lại ngồi trước một ngọn lửa.
Dĩ nhiên là việc thiết lập một môi trường bên ngoài tốt lành cho Tăng đoàn Tây phương là một chuyện, nhưng các thành viên của Tăng đoàn có quyết định ở đó hay không lại là chuyện khác. Chúng ta có thể thiết lập một môi trường toàn hảo, nhưng cá nhân các tăng ni có thể quyết định không ở đó và thay vào đó sống trong môi trường xấu. Như thế, nếu tâm quý vị yếu đuối, nếu quý vị không có các chứng ngộ hay sự kiên cố trong con đường, quý vị sẽ bị những đối tượng bên ngoài áp đảo. Những mê lầm sẽ chiếm lĩnh tâm quý vị, quý vị sẽ chạy theo các mê lầm, và do đó quý vị không thể thực hành Pháp hay sống trong những giới nguyện.
Như thế, trên nền tảng của sự sai lầm chủ yếu này, thay vì vui hưởng cuộc đời và cảm thấy mình may mắn biết bao khi suy nghĩ về mọi thuận lợi mà quý vị sẽ kinh nghiệm – những kết quả tốt đẹp của sự giải thoát và giác ngộ, sự chắc chắn tuyệt đối của một tái sinh tốt lành bất luận quý vị chết vào thời điểm nào – cuộc đời quý vị sẽ rất khó khăn, và việc sống đời sống tu sĩ sẽ giống như sống trong ngục tù. Việc trì giới là tấm giấy thông hành để thành công, sự bảo đảm cho một tái sinh cao cấp hơn. Giống như một bằng đại học bảo đảm sự kính trọng và một công việc tốt đẹp. Điều tức thì, khẩn cấp là làm ngừng lại sự tái sinh trong những cõi thấp: giới hạnh không chỉ bảo đảm cho quý vị mà nó còn là căn bản, hay nền tảng, cho sự giải thoát và giác ngộ. Vì thế, điều hết sức cần thiết là phải thiết lập môi trường thích hợp cho việc thực hành.
Nhiều lợi lạc của việc xuất gia đã được Đức Phật giảng rõ trong các giáo lý Kinh điển của Ngài và cũng được liệt kê trong lam-rim. Trong lễ so-jong (1) hai lần mỗi tháng, chúng ta nhớ lại những thiếu sót do vi phạm các giới nguyện và nhận được nguồn cảm hứng nhờ đọc tụng những lợi lạc này. Những lợi lạc như thế bao gồm việc thụ hưởng sự vinh quang của một thân thể sáng ngời, danh tiếng mà không cần phải nỗ lực, những lời ngợi khen của người khác về các đức tính của ta, và việc đạt được hạnh phúc.
Nếu giới hạnh của quý vị trong sạch, người khác sẽ không làm hại quý vị. Đây là một vấn đề quan trọng cần lưu ý: khi bị người khác hãm hại, hẳn là quý vị đã gây ra nguyên nhân, đó là quý vị đã từng làm tổn hại những người ấy. Quý vị nên suy nghĩ về tính chất luận lý của điều này. Cũng như một người mù không thể nhìn thấy, một người không có đạo đức không thể giải thoát. Những người không sống trong giới hạnh thì giống như những người không có chân, họ không thể đi bất kỳ nơi nào họ muốn. Giống như một chiếc bình dùng để đựng châu báu không thể đựng được bất kỳ cái gì nếu nó bị vỡ, cũng thế, bởi giới hạnh là căn bản của mọi chứng ngộ, nếu quý vị vi phạm giới nguyện của quý vị, quý vị sẽ không thể thành tựu bất kỳ sự chứng ngộ Pháp nào. Không có nền tảng của giới hạnh, quý vị không thể đạt được trạng thái vô-ưu của Niết bàn. Đây chỉ là một ít trong những lợi lạc đã được Đức Phật giảng dạy và được tụng trong so-jong.
Trách nhiệm của mỗi tăng hay ni là lập ra một kế hoạch để bảo vệ bản mình bằng cách sống trong môi trường thích hợp. Đó là mục đích của các tu viện và ni viện; đó là lý do tại sao có các giới luật. Tu viện và giới luật trợ giúp cho việc bảo vệ tâm. Nhờ bảo vệ, canh giữ tâm của quý vị, quý vị giải thoát bản thân khỏi mọi vấn đề, chướng ngại, và đau khổ, cuối cùng tự giải thoát khỏi đại dương đau khổ của mỗi cõi sinh tử. Quý vị hoàn thành mọi ước nguyện hạnh phúc và cũng mang lại nhiều hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.
Nhiều giới luật trong Luật tạng do Đức Phật ban dạy đã chỉ bảo cho quý vị những điều nên làm và những điều không nên để bảo vệ tâm thức của chúng sinh. Nếu quý vị tuân theo giới luật, quý vị cản ngăn những người khác không chỉ trích Tăng đoàn mà nếu nói về mặt nghiệp quả, việc chỉ trích này hết sức nặng nề. Nghiệp tiêu cực được tạo với Tăng đoàn như đối tượng của nó thì cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu Tăng đoàn không thận trọng với tâm thức, cảm xúc, hạnh phúc, và nỗi khổ của chúng sinh thì rất dễ bị họ phê bình, chỉ trích. Do đó, vì là các tu sĩ, quý vị có trách nhiệm hướng dẫn người thế tục, quý vị nên tuân thủ Luật một cách đúng đắn. Nếu quý vị làm được điều đó, những người khác sẽ phát triển niềm tin đối với Tăng đoàn, gieo trồng trong tâm họ những hạt giống của sự giải thoát và giác ngộ. Thậm chí điều đó có thể tạo cho họ cảm hứng đi theo con đường bằng cách thọ giới xuất gia, bởi việc chúng sinh noi theo gương mẫu của Đức Phật về cách thực hành Pháp là điều thông thường.
Việc quý vị là tu sĩ khiến cho người khác kính trọng quý vị, và nhờ thế họ tạo được nhiều công đức. Đời sống xuất gia của quý vị càng trong sạch thì khi quý vị cầu nguyện cho người khác, khả năng thành công của quý vị càng lớn. Những lời cầu nguyện và puja (2) của quý vị nhân danh người khác có thể sẽ thành công nhiều hơn nữa. Các Bổn Tôn, chư Phật và Hộ Pháp phải nghe những lời khẩn cầu của các quý vị, phải trợ giúp quý vị. Bởi sự thuần tịnh của quý vị, các ngài không có sự chọn lựa nào khác. Tất nhiên là cho dù quý vị không khẩn cầu thì các ngài cũng phải đáp ứng và cứu giúp quý vị. Cũng thế, vì cuộc đời quý vị thanh tịnh, khi chúng sinh cúng dường quý vị, họ còn tạo được nhiều công đức hơn nữa, và bản thân quý vị cũng không gặp nguy hiểm trong việc nhận những món cúng dường của họ. Như có nói trong giáo lý, nếu quý vị không sống trong sạch mà ăn những món được cúng dường cho quý vị, điều đó cũng giống như uống dung nham hay sắt nóng chảy. Có câu nói rằng thà quý vị uống sắt nóng chảy còn hơn là dùng vật cúng dường của những người sùng mộ.
Cũng thế, khi quý vị thuyết giảng, hiệu quả lời dạy của quý vị trên tâm thức của người khác sẽ to lớn hơn nhiều nếu so với các cư sĩ giảng dạy; đó là một khác biệt lớn lao. Những người thọ lãnh giáo lý sẽ nhận ra rằng bản thân vị Thầy đang sống cuộc đời từ bỏ. Các cư sĩ kính trọng những gì quý vị đang làm, đang sống một cuộc đời mà bản thân họ không làm được. Khi nhận thấy quý vị có một phẩm tính rất khó đạt được, họ sẽ kính trọng quý vị. Cũng thế, các đệ tử cư sĩ nên học tập để nhìn tu sĩ theo cách này và để cho lòng sùng mộ phát khởi. Nếu các cư sĩ cho rằng tu sĩ không có chút phẩm tính đặc biệt nào và không cúng dường hay hộ trì Tăng đoàn thì họ sẽ bỏ lỡ một cơ hội to lớn để tạo thiện nghiệp.
Nếu các cư sĩ không bảo vệ tâm của họ, bản thân họ không thực hành giới hạnh, ngay cả khi họ nỗ lực giúp đỡ người khác, họ sẽ không thể hiến tặng cho chúng sinh sự phụng sự toàn hảo. Khi cố gắng giúp đỡ người khác, những vấn đề và khó khăn sẽ luôn luôn xuất hiện do bởi bản ngã và ba tâm độc hại (tham, sân, si). Không thực hành Pháp, ta không thể thực sự hiến tặng sự phụng sự toàn hảo cho người khác mà không gặp phải những vấn đề. Cho dù ta là một vị lãnh đạo của một quốc gia hay đang thực hiện một loại công ích nào đó, sớm muộn gì các vấn đề cũng sẽ xuất hiện. Ngay cả trong đời sống hàng ngày bình thường sự việc cũng sẽ như thế này: không giữ giới hạnh, không bảo vệ tâm quý vị, không có một vài loại kỷ luật nào đó, quý vị không thể thực sự tìm thấy sự an bình, mãn nguyện, hạnh phúc, hay sự hoàn thành trong lòng quý vị.
Nếu việc xuất gia không mang lại một thuận lợi to lớn, nếu việc xuất gia không hết sức cần thiết, thì tại sao Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni lại nêu ra gương mẫu đó? Theo giáo lý Đại thừa, Đức Phật đang biểu lộ rằng việc Ngài đạt được giác ngộ ở Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) là không thực. Trong thực tế, Ngài đã thành tựu giác ngộ từ vô lượng kiếp trước. Lý do khiến Ngài trải qua mười hai hành vi – kể cả việc từ bỏ đời sống gia đình, xuống tóc, và trở thành một tu sĩ – và giảng dạy bốn chân lý cao quý (Tứ Diệu đế) là để dạy cho chúng ta cách thức thực hành Pháp. Và như tôi đã nói trước đây, không chỉ có Phật Giáo mới dạy các môn đồ sống như một tu sĩ trong các tu viện và ni viện.
Cũng thế, không phải chỉ có Phật Giáo mới giảng dạy việc thành tựu chín cấp bậc của thiền định tập trung và sự phát triển của shamatha. Thực hành này cũng phổ biến trong Ấn Độ Giáo, trong đạo này giới hạnh và kỷ luật cũng được thực hành cùng với sự từ bỏ, và có thể thành tựu mà không cần quy y Phật, Pháp và Tăng chỉ bằng cách phát triển sự viễn ly dục lạc, từ bỏ các dục giới, và nghĩ tưởng về những khiếm khuyết của việc sống trong sắc giới. Cuối cùng, nhờ suy nghĩ về khiếm khuyết của việc an trụ trong bất kỳ cấp độ nào trong ba cái đầu của bốn cấp độ của vô sắc giới, họ đạt được cái gọi là “tột đỉnh của sinh tử.” Nhưng họ không thể hoàn toàn từ bỏ sinh tử; điều đó không được dạy trong Ấn Độ Giáo. Đó là chưa tính đến sự giải thoát tối thượng, năm con đường, hay tánh Không. Và không có một sự hiểu biết về quan điểm Prasangika, trường phái cao nhất trong bốn trường phái của triết học Phật Giáo, quý vị không thể giải thoát bản thân khỏi sinh tử. Tuy nhiên, nhờ nghiên cứu các phương pháp của những tôn giáo khác, thậm chí chưa kể đến phương pháp của Phật Giáo, quý vị có thể thấy được các phương pháp đó cũng đặt cho việc thọ giới tu sĩ, giới hạnh, và kỷ luật một tầm quan trọng to lớn như thế nào.
Vì thế, là một ý niệm sai lầm khi phát biểu chung chung rằng ở Tây phương không ai nên xuất gia và mọi người nên thực hành như các cư sĩ. Ngộ nhận này phát sinh từ việc không thực sự hiểu Pháp, và đặc biệt là không hiểu về nghiệp, và còn quan trọng hơn nữa, nó phát sinh từ việc thiếu kinh nghiệm thiền định hay một chứng ngộ nỗi khổ của sinh tử, đặc biệt là nỗi khổ của những cõi thấp, sự vô thường, và cái chết.
Cho dù ta có một vài hiểu biết nào đó về Pháp nhưng hiểu biết đó chỉ đơn thuần là tri thức, khi ấy tùy theo cá nhân của ta, tâm thức của ta vẫn cứ như thế, hay trở nên tệ hại hơn; những mê lầm có thể trở nên mạnh mẽ hơn trước đó. Như thế, ta sống cuộc đời ta theo sự mê lầm: mê lầm trở thành nơi nương tựa của ta, người bạn tốt nhất, đạo sư của ta.
Theo cách này, đời sống của ta trở nên hết sức rắc rối và vô minh. Cho dù quý vị thọ giới xuất gia, ở bề ngoài quý vị có thể mang hình tướng của một tu sĩ, với một cái đầu cạo nhẵn thín, nhưng bên trong thì quý vị có thể trái ngược lại. Dĩ nhiên là không có ai ngoài quý vị làm cho cuộc đời quý vị rắc rối; quý vị bỏ tù bản thân quý vị bằng cách đi theo mê lầm. Như thế, bởi những kinh nghiệm của quý vị, là kết quả thực sự của việc quý vị không thực hành Pháp liên tục, quý vị bắt đầu nói với người khác rằng làm một tu sĩ không phải là một ý tưởng hay, cách tốt nhất để thực hành Pháp là làm một cư sĩ.
Ở Tây Tạng chúng tôi làm tsa-tsa, những hình tượng bằng đất sét của chư Phật và Bổn Tôn thường được làm từ các khuôn kim loại. Từ một cái khuôn chúng tôi có thể làm ra hàng ngàn hình tượng. Làm bản thân quý vị trở thành một cái khuôn xấu bằng cách không thực hành Pháp và sau đó cố gắng đổ khuôn những người khác theo hình tượng sai lầm của quý vị là một cách làm các tsa-tsa thật tệ hại.
Như vậy điều gì làm cho việc sống một cuộc đời tu sĩ trở nên khó khăn. Nếu quý vị đặt trái tim của quý vị trong việc đạt được đại lạc của Niết bàn, cuộc đời quý vị sẽ trở nên dễ dàng; cho dù quý vị gặp các vấn đề, quý vị có thể chịu đựng gian khổ với sự hoan hỉ; chúng chẳng là gì đối với tâm quý vị. Tuy nhiên, nếu mục đích của quý vị là lạc thú sinh tử, thì cho dù những người khác không gây ra các vấn đề, quý vị cũng làm cho cuộc đời quý vị trở nên rắc rối. Cho dù những người khác coi điều nào đó thật dễ dàng, nhưng tâm quý vị vẫn thấy nó quá ư khó khăn. Vì thế, việc quý vị nhận thấy đời sống tu sĩ ra sao thì tùy thuộc vào mục đích ở trong tim quý vị. Nếu quý vị chuyển hóa mục đích của quý vị từ sinh tử sang giải thoát hay giác ngộ và hộ trì nó trong 24 giờ mỗi ngày, quý vị sẽ không gặp vấn đề gì hết. Nếu trái tim quý vị trong trẻo, cuộc đời của quý vị sẽ không bị rách tung.
Tất nhiên là quý vị không thể có cả sinh tử lẫn Niết bàn. Như các geshe Kadampa thích nói, quý vị không thể khâu bằng một chiếc kim có hai đầu. Quý vị không thể tìm được hạnh phúc của đời này lẫn hạnh phúc của Pháp. Nếu quý vị cố gắng, điều quý vị mất là hạnh phúc của Pháp.
Vì thế, quý vị không thể nói chung chung và bảo rằng hiện nay, đặc biệt là ở Tây phương, việc xuất gia không thích hợp và mọi người nên tu hành như một cư sĩ. Điều đó hoàn toàn sai lầm. /.
Nguyên tác: “The Benefits of Being Ordained” by Lama Zopa Rinpoche
Trích trong “Advice for Monks and Nuns” by Lama Yeshe & Lama Zopa Rinpoche
Thanh Liên chuyển Việt ngữ.
_____________________
Chú thích:
(1) so-jong: lễ so-jong dùng để tịnh hóa và phục hồi những giới nguyện Biệt giải thoát của ta. Đây là một trong ba nhiệm vụ của tăng ni. Hai nhiệm vụ còn lại là yarne (nhập hạ), và gaye (lễ bế mạc khóa nhập hạ).
(2) puja: một hình thức thiền định của người Tây Tạng, trong đó những lời khẩn cầu được kết hợp với các nghi lễ cúng dường.