Những thành tựu lớn lao có được chính là nhờ nhấn mạnh Bổn Sư Du Già -
cánh cửa dẫn tới chứng ngộ
Drayu Dorje Chang đang thuyết Pháp cho một tập hội các vị lạt ma tái sinh, geshe và nhà sư cao cấp ở Drepung, một trong những tu viện Gelug vĩ đại nhất ở miền trung Tây Tạng.
Ngài nói, “Hôm nay, ta có vài điều quan trọng muốn hỏi các con và ta muốn các con thành thật với ta. Các con sẽ trả lời chân thành chứ?” Ngài chắp hai tay và mọi người băn khoăn ngài sẽ hỏi điều gì. Sau đó ngài tiếp tục, “Ở vùng đất tuyết Tây Tạng này, bốn truyền thống của giáo lý Phật Đà – Gelug, Kagyu, Sakya và Nyingma – đều bình đẳng, và tất thảy đều nương tựa cùng một vị thầy, Phật Thích Ca Mâu Ni. Không có điểm khác biệt; chắc chắn vậy. Từng truyền thống đều sở hữu trọn vẹn con đường Kinh điển và Mật điển cùng những phương pháp để đạt tới giác ngộ hoàn toàn. Chúng đều bình đẳng – cũng không có điểm khác biệt. Nhưng lần cuối cùng ai đó trong truyền thừa của chúng ta đạt tới một cõi linh thánh (đi tới cõi Tịnh Độ trong thân vật lý) là rất lâu trước đây.” Vị thầy đề cập tới một đạo sư Kadam thời cổ. “Kể từ đó, ta chưa từng nghe thấy điều đó xảy ra trong truyền thừa Gelug. Dường như đó là một sự kiện vô cùng hiếm. Nhưng trong truyền thống Kagyu và Nyingma, thậm chí ngày nay vẫn có những câu chuyện về các vị đạt được thân cầu vồng hay đi thẳng tới Phật Quốc trong thân vật lý. Vậy hãy thành thật nói với ta, nếu chúng ta có cùng giáo lý và cùng đi theo một vị thầy, tại sao vài truyền thống thì có nhiều hơn những thành tựu có thể nhìn thấy và số khác thì ít hơn? Điểm khác biệt là gì?”
Ngài chắp tay và nhìn vào mọi người, chờ đợi một câu trả lời, nhưng không ai nói gì.
Sau một hồi, Drayu Dorje Chang tiếp tục, “Tốt thôi, nếu các con không nói điều gì, ta có thể đề xuất một câu trả lời và sau đó, ít nhất các con có thể nói liệu ta đúng không?”
Lại có một khoảng tĩnh lặng. Sau đó, ngài trích dẫn hai dòng từ một Mật điển tên là
Togpa Dunpa: [1] “Một người đơn giản với niềm tin sẽ tiến gần hơn giác ngộ, trong khi một người thông minh xem xét tỉ mỉ sẽ không đạt được gì.” Kế đó ngài nói, “Như ta hiểu điều này, dù con hiểu thế nào, sự tin tưởng hay niềm tín tâm là nhân tố quyết định cho tất thảy những thành tựu mà các con thấy trong truyền thừa Kagyu và Nyingma. Đó là bởi họ nhấn mạnh Đạo sư Du già như là thực hành quan trọng nhất, cánh cửa quan trọng dẫn tới chứng ngộ."
~ Trích “Đạo Sư Du Già”, Trulshik Adeu RinpocheChú Thích: [1] Bảy Ý niệm hay Bảy Câu hỏi, mật điển gốc của Bhairava.